Chế độ báo cáo giám sát tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
26/03/2024 18:00 PM

Cho tôi hỏi chế độ báo cáo giám sát tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước được quy định như thế nào? – Mai Hoa (Sóc Trăng)

Chế độ báo cáo giám sát tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2024

Chế độ báo cáo giám sát tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2024 (Hình từ internet)

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 87/2015/NĐ-CP, Báo cáo giám sát tài chính được hiểu là báo cáo phân tích, đánh giá, cảnh báo các vấn đề về tài chính của từng doanh nghiệp.

Hằng năm, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo giám sát tài chính của các cơ quan đại diện chủ sở hữu để báo cáo Chính phủ về hiệu quả hoạt động và thực hiện nhiệm vụ công ích được giao của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; báo cáo Chính phủ về hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.

Chế độ báo cáo giám sát tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2024

Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

- Định kỳ sáu (06) tháng và hằng năm, Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 87/2015/NĐ-CP và gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, chuyển đổi từ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, chuyển đổi thuộc Bộ; Sở Tài chính đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, chuyển đổi từ doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

- Thời gian gửi báo cáo giám sát tài chính sáu (06) tháng và hằng năm thực hiện theo quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

+ Báo cáo kết quả giám sát tài chính

- Căn cứ báo cáo giám sát của Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ quản lý ngành thực hiện giám sát tài chính đối với các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ, công ty trách nhiệm hữu hạn do Bộ quyết định thành lập hoặc được giao quản lý, Bộ quản lý ngành tổng hợp kết quả giám sát đối với công ty có phần vốn nhà nước vào Báo cáo kết quả giám sát tài chính của Bộ để gửi Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 7 của năm báo cáo đối với báo cáo sáu (06) tháng và trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm.

- Căn cứ báo cáo giám sát của Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp chuyển đổi, cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và giao Sở Tài chính tổng hợp kết quả giám sát tài chính và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 7 của năm báo cáo đối với báo cáo sáu (06) tháng và trước ngày 31 tháng 5 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm.

- Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo kết quả giám sát của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm báo cáo đối với báo cáo sáu (06) tháng và trước ngày 31 tháng 7 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm. Nội dung báo cáo bao gồm nội dung đánh giá hiệu quả hoạt động và thực hiện nhiệm vụ công ích được giao đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong phạm vi toàn quốc.

Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ

- Định kỳ hằng năm, Người đại diện lập báo cáo giám sát tài chính theo các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 87/2015/NĐ-CP và gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thời hạn gửi báo cáo thực hiện theo quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Căn cứ báo cáo giám sát của Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu tổng hợp Báo cáo kết quả giám sát tài chính và gửi Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 5 năm tiếp theo để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc.

Nội dung của báo cáo giám sát tài chính

Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

(1) Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

(2) Giám sát việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo các nội dung sau:

- Hoạt động đầu tư vốn, tài sản tại doanh nghiệp và hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (nguồn vốn huy động gắn với dự án đầu tư, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư);

- Tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động; phát hành trái phiếu;

- Tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu;

- Tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.

(3) Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp:

- Kết quả hoạt động kinh doanh: Doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA);

- Việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

(4) Giám sát việc thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước, thu hồi vốn nhà nước, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ

(1) Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

(2) Giám sát tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động;

(3) Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Kết quả hoạt động kinh doanh: Doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA);

(4) Giám sát việc thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước, thu hồi vốn nhà nước, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ doanh nghiệp.

(Điều 33 Nghị định 87/2015/NĐ-CP).

Trương Quang Vĩnh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,945

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]