Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao từ ngày 25/3/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 12 Nghị định 10/2024/NĐ-CP quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao như sau:
- Khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Mức ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với dự án đầu tư, các hoạt động trong khu công nghệ cao được áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, đất đai, tín dụng và pháp luật có liên quan.
- Ban quản lý khu công nghệ cao và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thuế, hải quan và các thủ tục liên quan theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định của pháp luật; hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề có liên quan khác trong quá trình nhà đầu tư triển khai hoạt động tại khu công nghệ cao.
- Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật để thu hút các dự án đầu tư, nhân lực công nghệ cao vào khu công nghệ cao.
- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, bao gồm đầu tư xây dựng và kinh doanh toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao hoặc một phần hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao theo quy định tại Điều 23 Nghị định 10/2024/NĐ-CP (sau đây gọi là Chủ đầu tư hạ tầng).
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng được hưởng các ưu đãi về miễn tiền thuê đất, tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoàn trả theo quy định về thu tiền thuê đất trong khu công nghệ cao.
- Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, thực hiện các hình thức huy động vốn hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Ban quản lý khu công nghệ cao và các cơ quan liên quan có trách nhiệm ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến Chủ đầu tư hạ tầng và các dự án đầu tư trong khu vực dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng để đảm bảo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và các hoạt động khác của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao.
- Ngoài các ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2024/NĐ-CP, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao được hưởng các mức ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai và pháp luật có liên quan; được ưu tiên tham gia các đề án, chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư để thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao.
(Điều 13 Nghị định 10/2024/NĐ-CP)
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch khu nhà ở và hệ thống công trình hạ tầng xã hội liền kề hoặc xung quanh khu công nghệ cao, đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi, để phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghệ cao đồng thời với việc xác định phương án phát triển khu công nghệ cao khi lập quy hoạch tỉnh và đảm bảo việc đầu tư xây dựng phù hợp với nhu cầu, tiến độ xây dựng khu công nghệ cao.
- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư xây dựng kinh doanh các công trình hạ tầng xã hội.
Các công trình hạ tầng xã hội bao gồm công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, cây xanh và khu vui chơi giải trí sử dụng vào mục đích công cộng (trừ khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề có mật độ xây dựng các công trình kiến trúc gộp trên 5%) được đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc bằng các nguồn vốn xã hội hóa, vốn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách và bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật để thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của khu công nghệ cao.
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong khu công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
- Đối tượng được thuê, mua, thuê mua nhà ở, cơ sở lưu trú phục vụ người lao động trong khu công nghệ cao (việc mua, thuê mua nhà ở chỉ thực hiện đối với khu nhà ở xây dựng ngoài ranh giới khu công nghệ cao) bao gồm:
+ Tổ chức là nhà đầu tư và cá nhân là chuyên gia, người lao động làm việc tại khu công nghệ cao được thuê nhà ở trong thời gian hoạt động, làm việc tại khu công nghệ cao;
+ Người lao động làm việc trong Ban quản lý khu công nghệ cao, chuyên gia và người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với các nhà đầu tư tại khu công nghệ cao được ưu tiên xét mua nhà ở.
(Điều 14 Nghị định 10/2024/NĐ-CP)
- Đối với khu công nghệ cao được ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thì các phân khu có chức năng nghiên cứu phát triển, ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao được ngân sách nhà nước đảm bảo đầu tư giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng và xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
- Ngân sách nhà nước ưu tiên xây dựng tại khu công nghệ cao các cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, các phòng thí nghiệm có quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu, phân tích, kiểm thử, kiểm chuẩn; cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao; cơ sở hạ tầng thông tin về công nghệ cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng, trao đổi thông tin về công nghệ cao.
- Nhà nước ưu tiên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật theo quy định của pháp luật khác, nguồn lực từ các chương trình quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ, công nghệ cao, các nguồn vốn hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao; hỗ trợ các dự án, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao.
- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng các ưu đãi về miễn tiền thuê đất, tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng hoàn trả theo quy định về thu tiền thuê đất trong khu công nghệ cao.
- Các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, các dự án ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao được chấp thuận ươm tạo tại các cơ sở ươm tạo công nghệ cao trong khu công nghệ cao, dự án đổi mới công nghệ được nhận tài trợ, hỗ trợ, vay vốn và bảo lãnh vốn vay của các Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ, nguồn tài trợ hợp pháp khác để triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Khuyến khích tổ chức các hội chợ, triển lãm công nghệ quy mô quốc gia, quốc tế tại khu công nghệ cao; thúc đẩy các hoạt động kết nối cung - cầu, tìm kiếm đối tác, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu và phát triển, cơ sở ươm tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong nước và nước ngoài; ưu tiên quảng bá sản phẩm công nghệ cao trên các phương tiện thông tin của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sàn giao dịch công nghệ quốc gia và địa phương.
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ đánh giá, định giá, giám định công nghệ cao, tư vấn chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, dịch vụ pháp lý, môi giới, đầu tư, tài chính, bảo hiểm, các dịch vụ khoa học và công nghệ và dịch vụ khác; đầu tư xây dựng sàn giao dịch công nghệ cao, chợ công nghệ - thiết bị tại khu công nghệ cao nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ.
- Khuyến khích triển khai các chương trình, hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương, đề án hội nhập quốc tế về công nghệ cao tại các khu công nghệ cao.
(Điều 15 Nghị định 10/2024/NĐ-CP)
- Ngoài các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Nghị định này, doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 10/2024/NĐ-CP khi đáp ứng điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan, quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu thì được áp dụng các quy định riêng đối với doanh nghiệp chế xuất hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trường hợp doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đáp ứng điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan, quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan, quy định của pháp luật về thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được áp dụng quy định như đối với doanh nghiệp chế xuất hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế kể từ ngày doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện đó.
- Thủ tục đầu tư đối với doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao
+ Việc đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và Nghị định này;
+ Hồ sơ dự án đầu tư gồm các tài liệu quy định đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao và Bản cam kết về khả năng đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan áp dụng đối với khu phi thuế quan theo quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
+ Mục tiêu đầu tư doanh nghiệp chế xuất được ghi tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản xác nhận dự án đầu tư đáp ứng nguyên tắc hoạt động công nghệ cao quy định tại Nghị định này.
(Điều 16 Nghị định 10/2024/NĐ-CP)