Đề xuất thủ tục lấy lời khai thân thiện đối với người chưa thành niên phạm tội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/03/2024 17:05 PM

Cho tôi hỏi có phải đang có đề xuất thủ tục lấy lời khai thân thiện đối với người chưa thành niên phạm tội phải không? – Việt Anh (Long An)

Đề xuất thủ tục lấy lời khai thân thiện đối với người chưa thành niên phạm tội

Đề xuất thủ tục lấy lời khai thân thiện đối với người chưa thành niên phạm tội (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 22/12/2023, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên, gồm các nguyên tắc: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; bảo đảm người chưa thành niên được đối xử bình đẳng; bảo đảm quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; bảo đảm sự tham gia của người giám hộ, người đại diện của người chưa thành niên trong suốt quá trình tố tụng; bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên, quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch của người chưa thành niên; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên...

Bảo đảm thủ tục xét xử thân thiện

Theo Điều 6 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định nguyên tắc bảo đảm thủ tục xét xử thân thiện như sau:

Khi giải quyết vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia tố tụng là người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng cần phải bảo đảm cử người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phù hợp; trình tự, thủ tục tố tụng đặc thù riêng biệt

Đề xuất thủ tục lấy lời khai thân thiện đối với người chưa thành niên phạm tội

Căn cứ Điều 128 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về việc lấy lời khai, hỏi cung như sau:

- Việc lấy lời khai, hỏi cung người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi cư trú của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Trường hợp lấy lời khai, hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai, hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi người chưa thành niên.

- Việc lấy lời khai, hỏi cung phải theo đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Khi tiến hành lấy lời khai, hỏi cung, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của người chưa thành niên; xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần lấy lời khai, hỏi cung và phải tạm dừng ngay việc lấy lời khai, hỏi cung khi người chưa thành niên có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

- Người đại diện, người bào chữa của người chưa thành niên được tham gia hỏi người chưa thành niên. Điều tra viên, Kiểm sát viên có quyền yêu cầu không được hỏi và phải dừng ngay việc hỏi trong trường hợp câu hỏi của người đại diện, người bào chữa có tính chất gợi ý, định hướng hoặc có tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án.

- Thời gian lấy lời khai, hỏi cung bị can là người chưa thành niên không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:

+ Phạm tội có tổ chức;

+ Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;

+ Ngăn chặn người khác phạm tội;

+ Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;

+ Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

Ngoài ra, Điều 150 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về việc lấy lời khai thân thiện như sau:

- Việc lấy lời khai đối với người chưa thành niên được tổ chức thân thiện theo quy định nêu trên.

- Phương thức lấy lời khai linh hoạt, trực tuyến có sự tham gia của cha, mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ hợp pháp hoặc người làm công tác xã hội hỗ trợ cho người chưa thành niên.

Như vậy, khi tiến hành lấy lời khai, hỏi cung, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của người chưa thành niên.

Đề xuất thủ tục xét xử thân thiện với người chưa thành niên phạm tội

Thủ tục xét xử thân thiện được quy định tại Điều 141 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên như sau:

- Phiên tòa xét xử các vụ án có người chưa thành niên tham gia phải được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Trường hợp, phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án thân thiện thì Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa mặc trang phục hành chính của Tòa án.

- Khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác, trừ trường hợp người chưa thành có việc làm tiêu cực hoặc có biểu hiện chống đối, gây mất trật tự tại phiên tòa.

- Tại phiên tòa, người chưa thành niên không phải đứng tại bục khai báo mà ngồi cùng với cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên được hỗ trợ người chưa thành niên trong việc trả lời câu hỏi của Thẩm phán và người tham gia tố tụng khác.

- Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa đề nghị người làm công tác xã hội trình bày Báo cáo điều tra xã hội đối với người chưa thành niên, đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (nếu có), và những vấn đề khác có liên quan để bảo vệ người chưa thành niên.

- Việc xét hỏi, tranh luận đối với người chưa thành niên tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và đưa ra các giải thích rõ ràng, cấm đặt câu hỏi dẫn dắt, khó hiểu, áp đặt hoặc gây xấu hổ. Chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án, không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ. Thẩm phán cần điều chỉnh phiên tòa theo nhịp độ và mức độ tập trung của người chưa thành niên, có thời gian nghỉ thường xuyên khi cần thiết.

- Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết định hình phạt đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng và đình chỉ giải quyết vụ án đối với bị cáo.

Lưu ý: Quyết định này phải có các nội dung quy định tại Điều 55 của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và đình chỉ vụ án đối với bị cáo.

Xem thêm tại Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,209

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]