Đầu năm 2009, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 và Luật thuế giá trị gia tăng 2008 đã chính thức đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt & luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2005 (Luật số 57/2005/QH11) vẫn còn đó những dấu hỏi.
Điều 1 của Luật số 57/2005/QH11 đã bị bãi bỏ bởi khoản 2 điều 10 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008, theo đó kể từ 31/12/2009 toàn bộ nội dung về thuế tiêu thụ đặc biệt tại Luật số 57/2005/QH11 hết hiệu lưc.
Mặt khác, điều 2 của Luật số 57/2005/QH11 cũng đã bị bãi bỏ bởi khoản 3 điều 15 Luật thuế giá trị gia tăng 2008; toàn bộ nội dung về thuế giá trị gia tăng tại Luật số 57/2005/QH11 hết hiệu lực từ 1/1/2009.
Về mặt thực tiễn toàn bộ nội dung về thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tại Luật số 57/2005/QH11 sẽ không còn áp dụng kể từ 31/12/2009. Tuy nhiên, về mặt lý luận thì Luật này vẫn còn hiệu lực.
Luật số 57/2005/QH11 bao gồm 04 điều nhưng điều 3 và 4 chỉ chứa quy định mang tính hình thức mà vẫn chưa bị văn bản nào tuyên bố hết hiệu lực.
Như vậy, Luật số 57/2005/QH11 rơi vào cảnh “sống thực vật” – tình trạng còn hiệu lực nhưng chẳng áp dụng được vào thực tiễn. Thiết nghĩ, Quốc hội cần phải có động thái tích cực để làm minh bạch tình trạng hiệu lực những văn bản pháp luật do mình ban hành
Thanh Hữu
Điều 81 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định những trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực như sau: 1. Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; 2. Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; 3. Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. |