Hướng dẫn xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
03/07/2023 14:34 PM

Hướng dẫn xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế là nội dung được đề cập tại Thông tư 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023 do Bộ Y tế ban hành.

Hướng dẫn xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế

Hướng dẫn xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế (Hình từ Internet)

Ngày 30/6/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

1. Hướng dẫn xây dựng giá gói thầu đối với dịch vụ kiểm định trang thiết bị y tế

Cụ thể, trước khi xây dựng giá gói thầu, căn cứ tình hình thực tế, Chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục, chủng loại trang thiết bị y tế và khối lượng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn và thực hiện xây dựng giá gói thầu như sau:

(1) Việc xây dựng giá gói thầu theo báo giá của nhà cung cấp:

Thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT, cụ thể:

- Căn cứ vào yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được xây dựng tại điểm a khoản này, Chủ đầu tư đăng tải yêu cầu báo giá theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BYT trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của Chủ đầu tư hoặc Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) trong thời gian tối thiểu 10 ngày kể từ ngày thông tin đăng tải thành công.

Trường hợp Chủ đầu tư xác định được trên thị trường Việt Nam chỉ có 01 hoặc 02 nhà cung cấp thì được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

- Sau khi hết thời hạn đăng tải yêu cầu báo giá, Chủ đầu tư căn cứ số báo giá nhận được (kể cả trường hợp chỉ nhận được 01 hoặc 02 báo giá) và quyết định theo một trong các phương thức sau đây:

+ Tự quyết định lựa chọn giá gói thầu.

+ Giao Hội đồng thực hiện việc xem xét, lựa chọn giá gói thầu để trình Chủ đầu tư xem xét, quyết định.

Trường hợp có từ 02 báo giá trở lên thì có thể được lựa chọn báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu về chuyên môn.

- Trường hợp để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu, Chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

Ví dụ:

Khi lập giá gói thầu mua test, kit xét nghiệm của máy xét nghiệm của hãng A, chủ đầu tư được quyền lấy báo giá từ hãng A hoặc nhà cung cấp được hãng A chỉ định, ủy quyền.

- Nội dung của Mẫu yêu cầu báo giá quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 14/2023/TT-BYT.

(2) Việc xây dựng giá gói thầu theo kết quả khảo sát giá trúng thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tương tự:

Thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT như sau:

Căn cứ vào yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được xây dựng tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT, Chủ đầu tư thực hiện:

+ Xác định cụ thể khoảng thời gian tham khảo kết quả trúng thầu: tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Ví dụ: Ngày trình phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu là ngày 01 tháng 8 năm 2023 thì thời gian 120 ngày được tính từ ngày 01 tháng 8 năm 2023 trở về trước.

+ Thực hiện rà soát kết quả trúng thầu đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong khoảng thời gian tham khảo kết quả trúng thầu nêu trên.

+ Tổng hợp kết quả rà soát và xử lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT.

(3) Việc xây dựng giá gói thầu căn cứ vào kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá:

Thực hiện theo quy định điểm b khoản 3 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT như sau:

Căn cứ yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản đã được xây dựng tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư 14/2023/TT-BYT, Chủ đầu tư thực hiện lựa chọn đơn vị thẩm định giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

(Điều 4 Thông tư 14/2023/TT-BYT)

2. Trang thiết bị y tế là gì?

Trang thiết bị y tế là các loại thiết bị, vật tư cấy ghép, dụng cụ, vật liệu, thuốc thử và chất hiệu chuẩn in vitro, phần mềm (software) đáp ứng đồng thời các yêu cầu sau đây:

- Được sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau theo chỉ định của chủ sở hữu trang thiết bị y tế để phục vụ cho con người nhằm một hoặc nhiều mục đích sau đây:

+ Chẩn đoán, ngăn ngừa, theo dõi, điều trị và làm giảm nhẹ bệnh tật hoặc bù đắp tổn thương, chấn thương;

+ Kiểm tra, thay thế, điều chỉnh hoặc hỗ trợ giải phẫu và quá trình sinh lý;

+ Hỗ trợ hoặc duy trì sự sống;

+ Kiểm soát sự thụ thai;

+ Khử khuẩn trang thiết bị y tế;

+ Cung cấp thông tin cho việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị thông qua biện pháp kiểm tra các mẫu vật có nguồn gốc từ cơ thể con người.

- Không sử dụng cơ chế dược lý, miễn dịch hoặc chuyển hóa trong hoặc trên cơ thể người hoặc nếu có sử dụng các cơ chế này thì chỉ mang tính chất hỗ trợ để đạt mục đích trên.

(Khoản 1 Điều 2 Nghị định 98/2021/NĐ-CP)

Thông tư 14/2023/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 01/7 /2023 đến ngày 31/12/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,180

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn