Thêm 03 luật sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
22/03/2023 09:05 AM

Xin cho tôi hỏi trong năm 2023, Quốc hội sẽ thông qua những dự án Luật nào và khi nào được thông qua? - Minh Tân (Bình Dương)

Thêm 03 luật sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2023

Thêm 03 luật sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2023 (Hình từ Internet)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/3/2023 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Trong đó, sẽ có thêm 03 luật được Quốc hội thông qua trong năm 2023 như sau:

1. Thêm 03 luật sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2023

Cụ thể, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (Chương trình) sẽ được điều chỉnh như sau

- Bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào Chương trình để trình Quốc hội và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)

- Bổ sung 02 dự án luật vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) bao gồm: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Như vậy, trong năm 2023 sẽ có thêm 03 luật được Quốc hội thông qua như sau:

- Luật Công an nhân dân sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 5/2023.

- Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được thông qua vào tháng 10/2023.

(Điều 1 Nghị quyết 33/2023/UBTVQH15)

2. Một số đề xuất nổi bật của từng dự án Luật 

2.1. Đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất  (Dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi)

Trong dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi, Bộ Công an đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân như sau:

(1) Công nhân công an: Nam 62, nữ 60. (Nội dung bổ sung)

(2) Hạ sĩ quan: 47; (Hiện hành Luật Công an nhân dân 2018 là 45 tuổi)

(3) Cấp úy: 55; (Hiện hành là 53 tuổi)

(4) Thiếu tá, trung tá: Nam 57, nữ 55; (Hiện hành là Nam 55, Nữ 53)

(5) Thượng tá: Nam 60, nữ 58; (Hiện hành là Nam 58, Nữ 55)

(6) Đại tá: Nam 62, nữ 60; (Hiện hành là Nam 60, Nữ 55)

(7) Cấp tướng: Nam 62; nữ 60; (Hiện hành là 60).

Ngoài đề xuất tăng hạn tuổi cao nhất phục vụ trong công an nhân dân thì dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung hạn tuổi phục vụ cao nhất trong công nhân công an.

2.2. Đề xuất cấp CCCD cho người gốc Việt Nam (Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi))

Tại Điều 2 dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đề xuất đối tượng áp dụng gồm: 

- Công dân Việt Nam; 

- Người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây viết gọn là người gốc Việt Nam); 

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, tại Điều 7 dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) quy định cụ thể về người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam như sau:

- Người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam gồm:

+ Người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và hiện nay là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam;

+ Con, cháu của người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và hiện nay là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

- Người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được cấp số định danh của người gốc Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận căn cước.

- Giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước:

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra; được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

+ Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

- Chính phủ quy định chi tiết việc cấp số định danh của người gốc Việt Nam, cấp giấy chứng nhận căn cước, thu thập, lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin về người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước và việc quản lý người gốc Việt Nam.

Hiện hành tại Điều 2 Luật Căn cước công dân 2014 thì đối tượng áp dụng gồm:

- Công dân Việt Nam; 

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2.3. Đề xuất TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm (Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi)

Theo khoản 2 Điều 189 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015;

- Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;

- Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký trong trường hợp pháp luật có quy định bắt buộc phải đăng ký.

- Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền;

Không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

Không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 189 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Nghị quyết 33/2023/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 17/3/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 36,362

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]