Giải đáp 02 vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
18/02/2023 09:20 AM

Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023 giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.

Giải đáp 02 vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất

Giải đáp 02 vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất (Hình từ internet)

1. Giải đáp 02 vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất

Vướng mắc 1: Về giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất

Thửa đất của A và thửa đất của B liền kề nhau, khi A xây hàng rào có lấn sang một phần đất của B. B biết nhưng không có ý kiến gì và các bên sử dụng hàng rào ổn định, không có tranh chấp.

Sau đó, B chuyển nhượng toàn bộ diện tích thửa đất của B cho C, trong hợp đồng chuyển nhượng ghi diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của B (gồm cả diện tích đất đã bị A lấn chiếm).

C được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích đúng bằng diện tích đã nhận chuyển nhượng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của B.

Sau đó, C phát hiện diện tích đất thực tế bị thiếu so với diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và khởi kiện yêu cầu A trả lại phần đất lấn chiếm.

Trường hợp này khi giải quyết phải căn cứ vào mốc ranh giới thực tế sử dụng giữa A và B để bác yêu cầu khởi kiện đối với C hay buộc A phải trả lại phần đất lấn chiếm.

Trả lời:

Trên cơ sở những thông tin nêu trên, VKSND tối cao có ý kiến như sau:

- Diện tích đất bị A lấn chiếm là của B, thể hiện trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của B. Việc B không phản đối khi A lấn chiếm một phần diện tích đất của mình và để A xây hàng rào không đương nhiên được hiểu là B đã cho A diện tích đất trên.

- Khi B chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho C đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm cả diện tích đất bị A lấn chiếm) cho thấy B vẫn xác định diện tích đất này là của mình. Còn C đã trả tiền cho toàn bộ diện tích đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của B.

- Toà án cần để A và C thỏa thuận về việc A có được tiếp tục sử dụng đất lấn chiếm không. Nếu C không đồng ý, A phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm cho C.

Vướng mắc 2: Về giải quyết tranh chấp yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng

Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng ông A, bà B.

Ông A lập hợp đồng tặng cho con là anh K, bà B không ký hợp đồng nhưng bà biết và không phản đối. Hiện anh K phải thi hành án với số tiền hơn 06 tỷ đồng, bà B sợ quyền sử dụng đất đã tặng cho anh K sẽ bị kê biên để thi hành án nên bà khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông A với anh K và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh K.

Anh K đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà B.

Vụ việc cho thấy có dấu hiệu bà B khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông A với anh K và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh K là nhằm tẩu tán tài sản để không bị kê biên tài sản thi hành án.

Tuy nhiên, do hợp đồng tặng cho không có chữ ký của bà B nên Tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà B. Việc giải quyết của Tòa án có đúng không?

Trả lời:

- Nếu có tài liệu, chứng cứ chứng minh là bà B biết rõ việc ông A lập hợp đồng tặng cho mà không phản đối (như bà B trực tiếp cất giữ, quản lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh K hoặc bà B cùng tham gia vào các giao dịch đối với quyền sử dụng đất do anh K thực hiện…) thì Tòa án có thể công nhận hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo Án lệ số 03/2016, tức là không chấp nhận yêu cầu của bà B.

- Nếu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh bà B không biết việc ông A tặng cho quyền sử dụng đất cho anh K thì Tòa án có thể xác định hợp đồng tặng cho vô hiệu đối với phần tài sản của bà B trong khối tài sản chung với ông A, tức là chấp nhận một phần yêu cầu của bà B.

Vì vậy, Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà B, tức là hủy toàn bộ hợp đồng tặng cho và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh K là không đúng, trái với ý chí của ông A định đoạt phần tài sản của mình.

2. Giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc”, tại Hợp đồng đặt cọc các bên thỏa thuận: Bên A giao số tiền đặt cọc cho bên B ngay khi ký hợp đồng; bên B cam kết sẽ hoàn thành các giấy tờ, thủ tục để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bên A; ngoài ra, còn thoả thuận về nghĩa vụ của các bên và việc phạt cọc.

Thực hiện hợp đồng, bên A đã giao đủ tiền nhưng bên B không liên hệ cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục chuyển nhượng cho A. Bên A khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc và phạt cọc.

Có 02 quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Quan điểm thứ nhất: Do bên B đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong Hợp đồng nên Tòa án căn cứ Điều 423 và Điều 427 Bộ luật Dân sự để hủy hợp đồng đặt cọc và phạt cọc đối với bên B.

Quan điểm thứ hai: Phải xác định hợp đồng đặt cọc có hiệu lực, không hủy hợp đồng. Bên B vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thì phải chịu các chế tài đã thỏa thuận trong Hợp đồng.

Quan điểm nào là đúng?

Trả lời:

Trong vụ án trên, hợp đồng đặt cọc đã có hiệu lực và đang được thực hiện, bên A đã giao đủ tiền nhưng bên B vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Vi phạm của bên B được xác định là “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng” vì dẫn đến không thể giao kết được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (do bên B không được cấp GCNQSDĐ), đây là căn cứ hủy bỏ hợp đồng theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự.

Điều 427 Bộ luật Dân sự về hậu quả của việc huỷ bỏ hợp đồng, tại các khoản 1 và 2 có quy định: “1. Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thoả thuận, trừ thoả thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. 2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng...”. Vì vậy, Tòa án có thể tuyên hủy hợp đồng đặt cọc theo yêu cầu của bên A. Bên B phải trả lại tiền cọc cho bên A và phải chịu phạt cọc.

Nếu Toà án không hủy hợp đồng thì sẽ không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bên A vì trường hợp tiếp tục thực hiện hợp đồng thì bên A không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trong khi vẫn phải chịu thiệt hại do tiền đặt cọc đã giao cho bên B đầy đủ; nếu bên A từ chối việc giao kết hợp đồng thì bên A sẽ bị mất tiền đặt cọc theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự, trong khi bên A không có vi phạm trong việc thực hiện hợp đồng đặt cọc.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,551

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn