Thông tư 78/2022/TT-BTC: Từ 01/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
29/12/2022 09:39 AM

Từ 01/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng là nội dung tại Thông tư 78/2022/TT-BTC ban hành ngày 26/12/2022.

Thông tư 78/2022/TT-BTC: Từ 01/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng

Thông tư 78/2022/TT-BTC: Từ 01/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng

Ngày 26/12/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 78/2022/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

1. Thông tư 78/2022/TT-BTC: Từ 01/7/2023 điều chỉnh lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng

Theo đó, từ 01/7/2023, điều chỉnh mức tiền lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Trước đó, về chính sách tiền lương tại Nghị quyết 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 được Quốc hội thông qua cũng quy định từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

2. Một số nội dung thực hiện cơ chế tạo nguồn để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2023 

Một số nội dung thực hiện cơ chế tạo nguồn để thực hiện chế độ tiền lương, trợ cấp trong năm 2023 tại Thông tư 78/2022/TT-BTC như sau:

* Các bộ, cơ quan trung ương thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo quy định; trong đó phạm vi, tỷ lệ trích số thu được để lại thực hiện theo quy định tại điểm d, điểm đ khoản 4 Điều 4 Thông tư 78/2022/TT-BTC

Đồng thời khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm năm 2023 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dành cho cải cách tiền lương, đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao (nếu có).

* UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phân bổ và giao dự toán ngân sách cho ngân sách cấp dưới phải xác định tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2023 (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) theo quy định để thực hiện cải cách tiền lương năm 2023. 

UBND các cấp khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải xác định tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên nêu trên.

Số tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2023 của các địa phương đảm bảo không thấp hơn mức Bộ Tài chính giao.

* Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023 của các địa phương bao gồm:

- 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2022 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao;

(Không kể thu tiền từ:

+ Tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết; 

+ Tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; 

+ Thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; 

+ Phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới;

+ Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; 

+ Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; 

+ Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; 

+ Thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước) 

- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 còn dư chuyển sang;

- 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp, đóng góp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao;

- Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được quy định cụ thể như sau:

+ Đối với các cơ quan hành chính nhà nước (trừ các trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương): 

Sử dụng tối thiểu 40% số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí) được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động:

Cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả chi phí đã sử dụng để thực hiện theo mức tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng) theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí cho hoạt động thu).

+ Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:

++ Đối với số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí): Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động:

Cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả chi phí đã sử dụng để thực hiện theo mức tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng) theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí cho hoạt động thu).

++ Đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở y tế công lập: Sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ như: 

Chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ cho người bệnh; chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ,... và chi phí tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá.

++ Đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác: Sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định);

- Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chỉ thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 

Các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.

* Ngân sách trung ương hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương ngân sách khó khăn sau khi đã cân đối nguồn điều chỉnh tiền lương mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ quy định.

Xem thêm Thông tư 78/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 09/02/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 37,354

Bài viết về

Lương cơ sở

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn