Lương Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 là bao nhiêu?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
22/05/2023 13:30 PM

Tôi muốn biết từ ngày 01/7/2023, khi lương cơ sở tăng thì lương Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là bao nhiêu? - Nguyên Anh (Cần Thơ)

Lương Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 là bao nhiêu?

Lương Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 là bao nhiêu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Lương Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 là bao nhiêu?

Lương Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 được tính theo công thức sau đây:

Mức lương = Lương cơ sở x Hệ số lương

Trong đó:

- Lương cơ sở được xác định như sau:

+ Từ ngày 01/01/2023 đến 30/6/2023: Áp dụng mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 triệu đồng/tháng. (Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP)

+ Từ ngày 01/7/2023: Sẽ tiến hành áp dụng mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng. (Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP)

- Hệ số lương

Hệ số lương của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được thực hiện theo quy định tại Phần II Bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11.

Cụ thể lương của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có 02 bậc hệ số lương là 9,7 và 10,3.

Do đó, mức lương Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2023 như sau:

Bậc

Hệ số lương

Mức lương đến ngày 30/6/2023

(Đơn vị: VNĐ)

Mức lương từ 01/7/2023

(Đơn vị: VNĐ)

Bậc 1

9,7

14.453.000

17.460.000

Bậc 2

10,3

15.347.000

18.540.000

* Lưu ý: Mức lương trên chưa bao gồm các khoản trợ cấp, phụ cấp liên quan theo quy định hiện hành.

2. Tiêu chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ở Việt Nam

Theo khoản 2.15 Mục 2 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, chức danh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

- Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương

- Đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:

+ Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, nắm chắc pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

+ Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

+ Có năng lực phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với địa phương, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách chung của Đảng, Nhà nước.

+ Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

+ Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm.

+ Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.

Tiêu chuẩn của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư

Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có thêm các tiêu chuẩn:

- Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.

- Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội.

- Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định.

- Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.

- Trường hợp Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong quân đội thì phải kinh qua chức vụ chủ trì cấp quân khu.

(Điểm 2.2 Mục 2 phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020)

Tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương

Tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Có ý thức, trách nhiệm cao, kiến thức toàn diện; tích cực tham gia thảo luận, đóng góp, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương.

Có năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công quản lý, phụ trách.

Có năng lực dự báo, xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, bất ngờ; có khả năng làm việc độc lập. Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước.

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp và tương đương.

Đối với Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương phải là những cán bộ trẻ; cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; qua thực tiễn công tác thể hiện có năng lực, triển vọng phát triển về tố chất lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược;

Được quy hoạch chức danh Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo.

(Điểm 2.1 Mục 2 phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020)

Ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn trên thì chức danh Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung nêu tại Mục 1, Phần I, Quy định 214-QĐ/TW.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,619

Bài viết về

Lương cơ sở 2023

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn