Hình thức và nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm (mới nhất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
22/12/2022 15:01 PM

Từ ngày 01/01/2023, nội dung cơ bản của các loại hợp đồng bảo hiểm sẽ thay đổi thế nào? Nguyên tắc giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định ra sao? - Ngọc Vân (Bình Thuận)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. 05 loại hợp đồng bảo hiểm áp dụng từ ngày 01/01/2023

Theo Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, có 05 loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:

- Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

- Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;

- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

- Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;

- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

Hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận giao kết một loại hợp đồng bảo hiểm hoặc kết hợp nhiều loại hợp đồng bảo hiểm quy định nêu trên và bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Hình thức và nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm (mới nhất)

Hình thức và nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm (mới nhất)

2. Nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm

Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

- Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

- Đối tượng bảo hiểm;

- Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;

- Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;

- Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;

- Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;

- Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

- Phương thức giải quyết tranh chấp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết các nội dung hợp đồng bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.

3. Hình thức, bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm

Hình thức, bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, cụ thể:

Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật

4. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau đây:

- Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

- Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm: bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm phù hợp với từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;

- Nguyên tắc bồi thường: số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm;

- Nguyên tắc thế quyền: người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài quyền yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;

- Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên: rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được.

(Căn cứ Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ 01/01/2023, trừ Khoản 3 Điều 86, khoản 4 và khoản 5 Điều 94, Điều 95, khoản 3 và khoản 4 Điều 99, các điều 109, 110, 111, 112, 113, 114 và 116 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2028.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,857

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn