Nhiệm kỳ của Thẩm phán theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
22/07/2024 16:45 PM

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024, trong đó có quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán.

Nhiệm kỳ của Thẩm phán theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 (Hình từ internet)

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 24/6/2024. 

Nhiệm kỳ của Thẩm phán theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 

Theo đó, nhiệm kỳ của Thẩm phán được quy định tại Điều 100 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 như sau: 

- Nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

- Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

- Thẩm phán Tòa án nhân dân được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án, khi được phân công lại làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

- Thẩm phán không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại được bố trí công tác khác phù hợp; khi đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân và có nguyện vọng thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân được tính là nhiệm kỳ đầu.

Hiện hành, theo Điều 74 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Như vậy, theo quy định mới nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Còn Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Trách nhiệm của Thẩm phán 

Theo Điều 103 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 thẩm phán có trách nhiệm: 

- Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, kiên quyết bảo vệ công lý.

- Tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

- Xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; vô tư, khách quan trong xét xử; chấp hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của Thẩm phán, giữ gìn uy tín của Tòa án.

- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại, đương sự và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của luật.

- Giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

- Học tập, nghiên cứu, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, đạo đức, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của Thẩm phán.

- Tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử, kiến thức xã hội liên quan, về đạo đức, trách nhiệm và ứng xử của Thẩm phán theo quy định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn