09 điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
13/12/2022 16:59 PM

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 được Quốc hội thông qua vào ngày 15/11/2022 có một số điểm mới nổi bật đáng chú ý.

09 điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

09 điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 được Quốc hội thông qua vào ngày 15/11/2022 có một số điểm mới nổi bật như sau:

1. Giảm 1 Chương, tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

Theo đó, tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bao gồm 66 Điều và 4 Chương như sau:

- Chương I: Những quy định chung;

- Chương II: Biện pháp phòng, chống rửa tiền;

- Chương III: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền;

- Chương IV: Điều khoản thi hành.

Còn tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 gồm 50 Điều và 5 Chương như sau:

- Chương I: Những quy định chung;

- Chương II: Biện pháp phòng, chống rửa tiền;

- Chương III: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền;

- Chương IV: Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền;

- Chương V: Điều khoản thi hành.

2. Điểm mới về đối tượng báo cáo trong phòng, chống rửa tiền

Theo đó, các đối tượng báo cáo trong phòng, chống rửa tiền tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bao gồm:

- Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

+ Nhận tiền gửi;

+ Cho vay;

+ Cho thuê tài chính;

+ Dịch vụ thanh toán;

+ Dịch vụ trung gian thanh toán;

(So với Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 bổ sung đối tượng là tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP).)

+ Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, lệnh chuyển tiền, tiền điện tử;

+ Bảo lãnh ngân hàng và cam kết tài chính;

+ Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ;

+ Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán;

(So với hiện hành, bổ sung quy định với đối tượng cung ứng môi giới chứng khoán)

+ Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán;

(Điểm mới bổ sung)

+ Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ;

+ Đổi tiền.

- Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một số hoạt động sau đây:

+ Kinh doanh trò chơi có thưởng, casino, bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.

+ Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản;

+ Kinh doanh kim loại quý và đá quý;

+ Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề của luật sư;

+ Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Ngoài ra, tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bỏ quy định với các đối tượng quản lý danh mục vốn đầu tư; quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác.

3. Bổ sung nguyên tắc có đi có lại trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền

Nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền theo khoản 1 Điều 6 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 như sau:

Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, các bên cùng lợi, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài.

Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

(So với hiện hành, bổ sung nguyên tắc có đi có lại trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.)

4. Bổ sung đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền 

Theo đó, tại Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bổ sung đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền như sau:

- Định kỳ 05 năm, NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá.

Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.

- Các Bộ, ngành có trách nhiệm sau đây:

+ Phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong nội bộ Bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác minh.

+ Cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình gửi NHNN. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các Bộ, ngành, NHNN Việt Nam tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, kế hoạch thực hiện sau cập nhật.

- Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.

5. Quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng trong biện pháp phòng, chống rửa tiền

Tại khoản 1 Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định cụ thể hơn về thông tin nhận dạng khách hàng, kể cả thông tin về người đại diện của khách hàng cá nhân (nếu có) so với hiện hành như sau:

- Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người Việt Nam: 

+ Họ và tên; 

+ Ngày, tháng, năm sinh;

+ Quốc tịch; 

+ Nghề nghiệp, chức vụ; 

+ Số điện thoại liên lạc; 

+ Số Chứng minh nhân dân hoặc số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân hoặc số Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; 

+ Địa chỉ đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại khác (nếu có);

- Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam: 

+ Họ và tên; 

+ Ngày, tháng, năm sinh; 

+ Quốc tịch; 

+ Nghề nghiệp, chức vụ; 

+ Số điện thoại liên lạc; 

+ Số Hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; 

+ Số thị thực nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài và địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam;

- Đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam: 

+ Họ và tên; 

+ Ngày, tháng, năm sinh; 

+ Quốc tịch; 

+ Nghề nghiệp, chức vụ; 

+ Số Hộ chiếu hoặc thông tin định danh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp, ngày cấp, nơi cấp; 

+ Địa chỉ cư trú ở nước ngoài;

- Đối với khách hàng cá nhân là người có từ hai quốc tịch trở lên: thông tin tương ứng quy định tại điểm a, b hoặc c khoản 1 Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; quốc tịch, địa chỉ cư trú ở quốc gia mang quốc tịch còn lại;

- Đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch: 

+ Họ và tên; 

+ Ngày, tháng, năm sinh; 

+ Nghề nghiệp, chức vụ; 

+ Số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (nếu có), số thị thực; 

+ Cơ quan cấp thị thực nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật; địa chỉ cư trú ở nước ngoài (nếu có), địa chỉ đăng ký cư trú ở Việt Nam;

- Đối với khách hàng tổ chức: 

+ Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; 

+ Địa chỉ trụ sở chính; 

+ Số giấy phép thành lập, mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế; 

+ Số điện thoại liên lạc; số fax, trang thông tin điện tử (nếu có);

+ Lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; 

+ Thông tin về người thành lập, người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức bao gồm:

Các thông tin tương ứng quy định tại điểm a, b, c, d hoặc đ khoản 1 Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và các thông tin tại điểm này đối với trường hợp người thành lập là tổ chức.

Còn tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 quy định về thông tin nhận dạng khách hàng như sau:

Thông tin nhận dạng khách hàng:

- Đối với khách hàng cá nhân là người Việt Nam: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại.

Đối với khách hàng cá nhân là người nước ngoài: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở Việt Nam;

- Đối với khách hàng là tổ chức: tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số điện thoại, số fax; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông

tin về người thành lập, đại diện cho tổ chức bao gồm các thông tin quy định tại điểm a khoản này.

6. Bổ sung khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình 

Theo Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã bổ sung việc phân loại mức độ rủi ro với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình.

Hiện hành, quy định phân loại mức độ rủi ro với khách hàng có mức độ rủi ro thấp và rủi ro cao.

7. Sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán

Dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán theo Điều 31 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 như sau:

- Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện.

- Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với hoạt động kinh doanh chứng khoán.

- Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán để chuyển tiền ra khỏi Việt Nam.

- Khách hàng thường xuyên bán tất cả cổ phiếu trong danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán ký ủy nhiệm chi để khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng thương mại.

- Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán không có lợi trong khoảng thời gian ngắn.

- Tài khoản chứng khoán của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.

- Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ quỹ đầu tư được mở ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền.

- Nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở quốc gia, vùng lãnh thổ có rủi ro cao về rửa tiền góp vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Việt Nam.

Hiện hành, quy định về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán như sau:

Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm:

- Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện;

- Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý;

- Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán;

- Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam;

- Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc;

- Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi;

- Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng;

- Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.

8. Sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm 

Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo Điều 30 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 bao gồm:

- Khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn bất thường hoặc yêu cầu thanh toán trọn gói phí bảo hiểm một lần đối với sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói, trong khi những hợp đồng bảo hiểm hiện tại của khách hàng chỉ có giá trị nhỏ và thanh toán định kỳ.

- Khách hàng yêu cầu giao kết hợp đồng bảo hiểm với khoản phí bảo hiểm định kỳ không phù hợp với thu nhập hiện tại của khách hàng.

- Bên mua bảo hiểm thanh toán phí bảo hiểm từ tài khoản không phải là tài khoản của bên mua bảo hiểm hoặc không phải là tài khoản của tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm ủy quyền hoặc thanh toán bằng các công cụ chuyển nhượng không ghi tên.

- Bên mua bảo hiểm yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với bên mua bảo hiểm.

- Khách hàng chấp nhận tất cả các điều kiện bất lợi không liên quan đến tuổi tác, sức khỏe của mình; khách hàng đề nghị mua bảo hiểm với mục đích không rõ ràng; điều kiện và giá trị hợp đồng bảo hiểm mâu thuẫn với nhu cầu của khách hàng.

- Bên mua bảo hiểm hủy hợp đồng bảo hiểm ngay sau khi mua và yêu cầu chuyển tiền phí bảo hiểm đã đóng cho bên thứ ba; khách hàng thường xuyên tham gia bảo hiểm và chuyển giao hợp đồng bảo hiểm cho bên thứ ba.

- Khách hàng là doanh nghiệp có số lượng hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên hoặc mức phí bảo hiểm của hợp đồng đóng phí một lần tăng bất thường.

- Doanh nghiệp bảo hiểm thường xuyên trả tiền bảo hiểm với số tiền lớn cho cùng một khách hàng.

Hiện hành, quy định về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như sau:

Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bao gồm:

- Khách hàng yêu cầu mua một hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn hoặc yêu cầu thanh toán trọn gói phí bảo hiểm một lần đối với các sản phẩm bảo hiểm không áp dụng hình thức thanh toán trọn gói, trong khi những hợp đồng bảo hiểm hiện tại của khách hàng chỉ có giá trị nhỏ và thanh toán định kỳ;

- Khách hàng yêu cầu ký kết hợp đồng bảo hiểm với khoản phí bảo hiểm định kỳ không phù hợp với thu nhập hiện tại của khách hàng hoặc yêu cầu mua hợp đồng bảo hiểm liên quan đến công việc kinh doanh nằm ngoài hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng;

- Người mua hợp đồng bảo hiểm và thanh toán từ tài khoản không phải là tài khoản của mình hoặc bằng các công cụ chuyển nhượng không ghi tên;

- Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định hoặc bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với người mua hợp đồng bảo hiểm;

- Khách hàng chấp nhận tất cả các điều kiện bất lợi không liên quan đến tuổi tác, sức khỏe của mình; khách hàng đề nghị mua bảo hiểm với mục đích không rõ ràng và miễn cưỡng cung cấp lý do tham gia bảo hiểm; điều kiện và giá trị hợp đồng bảo hiểm mâu thuẫn với nhu cầu của khách hàng;

- Khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm ngay sau khi mua và yêu cầu chuyển tiền cho bên thứ ba; khách hàng thường xuyên tham gia bảo hiểm và nhượng lại hợp đồng bảo hiểm cho bên thứ ba;

- Khách hàng là doanh nghiệp có số lượng hợp đồng bảo hiểm cho nhân viên hoặc mức phí bảo hiểm của hợp đồng đóng phí một lần tăng bất thường;

- Doanh nghiệp bảo hiểm thường xuyên chi trả bảo hiểm với số tiền lớn cho cùng một khách hàng.

9. Bổ sung 09 dấu hiệu đáng ngờ với lĩnh vực trung gian thanh toán

Theo Điều 29 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định về dấu hiệu đáng ngờ với lĩnh vực trung gian thanh toán như sau:

(1) Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên ví điện tử; tiền nạp vào và rút ra nhanh khỏi ví điện tử; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư ví điện tử rất nhỏ hoặc bằng không.

(2) Khách hàng thường xuyên thực hiện nạp tiền nhiều lần với giá trị nhỏ vào một ví điện tử, sau đó thực hiện giao dịch chuyển tiền giá trị lớn sang ví điện tử khác hoặc thực hiện giao dịch rút tiền giá trị lớn về tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng tại ngân hàng hoặc ngược lại.

(3) Các giao dịch chuyển tiền thường xuyên có giá trị nhỏ từ nhiều ví điện tử khác nhau về một ví điện tử hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều ví điện tử; 

Các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo; ví điện tử phát sinh nhiều giao dịch chuyển tiền cho ví điện tử khác với thời gian khởi tạo giao dịch nhanh bất thường.

(4) Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường.

(5) Giao dịch nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử hay chuyển tiền giữa các ví điện tử được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng.

(6) Có dấu hiệu nghi ngờ khách hàng sử dụng ví điện tử cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng cá nhân khác.

(7) Khách hàng là đơn vị chấp nhận thanh toán vẫn phát sinh giao dịch mặc dù trang thông tin điện tử chính thức hoặc trụ sở của khách hàng này qua xác minh đã ngừng hoạt động.

(8) Các giao dịch trực tuyến qua ví điện tử liên tục thay đổi về thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP.

(9) Khách hàng thường xuyên sử dụng thiết bị đăng nhập hoặc địa chỉ IP ở nước ngoài để truy cập vào ví điện tử hoặc thực hiện giao dịch trên ví điện tử; khách hàng thường xuyên sử dụng một thiết bị đăng nhập hoặc một địa chỉ IP để thực hiện giao dịch trên nhiều ví điện tử không cùng một chủ ví điện tử.

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 26,202

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]