Đề xuất chính sách sửa đổi phạm vi nợ xấu (Hình từ Internet)
Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đề nghị sửa đổi phạm vi nợ xấu nhằm để đảm bảo có thể xử lý nợ xấu một cách toàn diện, nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng vay tại báo cáo tác động Nghị quyết 42.
Báo cáo đánh giá tác động chính sách |
Theo đó, đề xuất chính sách kế thừa và thay đổi phạm vi nợ xấu thuộc Điều 4 Nghị quyết 42 như sau:
Mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng cơ chế xử lý theo quy định tại Nghị quyết 42 để:
- Đảm bảo có thể xử lý nợ xấu một cách toàn diện;
- Nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng vay;
- Tránh được tâm lý chây ỳ trả nợ khi cho rằng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017.
Theo đó, những khoản nợ xấu phát sinh sau thời gian này, TCTD phải buộc kéo dài thời gian thu nợ do bắt buộc phải khởi kiện ra tòa án.
- Giải pháp 1: Giữ nguyên phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các cơ chế xử lý tại Nghị quyết 42.
- Giải pháp 2: Kế thừa, mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các cơ chế xử lý tại Nghị quyết 42 theo hướng cơ chế xử lý nợ xấu áp dụng đối với cả các khoản nợ xấu phát sinh từ thời điểm 15/8/2017 trở về sau.
Theo đó, nợ xấu sẽ được xác định theo các quy định hiện hành của NHNN về phân loại nợ và bỏ Phụ lục về xác định nợ xấu kèm theo Nghị quyết 42.
- Giải pháp 1: Việc không mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các chính sách tại Nghị quyết 42 sau khi luật hóa sẽ khiến các khoản nợ xấu mới phát sinh không có cơ chế đặc thù, đủ mạnh để xử lý, nợ xấu mới phát sinh tiếp tục gặp các vướng mắc như trước khi có Nghị quyết 42.
Nợ xấu khó thu hồi làm giảm nguồn vốn hoạt động và làm xấu đi tình hình tài chính của TCTD, qua đó nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế cũng bị giảm sút, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp và người dân.
- Giải pháp 2: Việc mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các chính sách tại Nghị quyết 42 sẽ giúp nợ xấu mới phát sinh được xử lý một cách hiệu quả hơn, góp phần duy trì nợ xấu dưới 3% theo thông lệ quốc tế, qua đó nâng cao năng lực tài chính của TCTD, hỗ trợ TCTD tái cơ cấu có hiệu quả, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
- Đối với giải pháp 1: Việc giữ nguyên quy định hiện hành về phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các chính sách tại Nghị quyết 42 cho thấy chính sách pháp luật chưa nhất quán:
Đều là nợ xấu của TCTD nhưng lại có chính sách áp dụng khác nhau.
- Đối với giải pháp 2: Việc mở rộng phạm vi khoản nợ xấu được áp dụng các chính sách tại Nghị quyết 42 thể hiện quan điểm nhất quán trong các chính sách pháp luật;
Qua đó sẽ góp phần nâng cao ý thức pháp luật, kỷ luật hợp đồng của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch với ngân hàng nói riêng và giao dịch dân sự nói chung, giảm tải áp lực xử lý tranh chấp lên các cơ quan tư pháp.
Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất chọn giải pháp 2.
Theo đó, sửa đổi quy định về phạm vi nợ xấu được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết 42 sau khi được Luật hóa theo hướng bao gồm:
Các khoản nợ xấu được xác định theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của Tổ chức tín dụng mà không giới hạn về phạm vi của khoản nợ xấu như quy định tại Điều 4 Nghị quyết 42.
Để giải quyết triệt để vấn đề bất cập đã nêu, cần thiết phải trình Quốc hội xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ chức tín dụng.
Ngọc Nhi