Ngày 18/8, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, UBTVQH đã cho ý kiến dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua và ban hành pháp lệnh này vào sáng 18/8.
Dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH xem xét gồm có 4 chương, 45 điều. Qua nghiên cứu, rà soát, UBTP cũng đánh giá, dự thảo Pháp lệnh đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và cơ bản thống nhất với Luật XLVPHC, các luật, pháp lệnh có liên quan. Đồng thời, các quy định của dự thảo Pháp lệnh đã bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn thi hành, đáp ứng mục đích, yêu cầu của việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Dự thảo Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng, gồm các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng.
Dự thảo pháp lệnh cũng quy định phạt tiền đối với các hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng như Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối…;
Người được giao trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người nào làm ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào đối với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án hành chính; vụ việc dân sự; việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bắt giữ tàu bay, bắt giữ tàu biển không khách quan, không đúng pháp luật.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.
Dự thảo cũng quy định mức phạt đối với nhà báo ghi âm, ghi hình phiên tòa khi chưa được phép của HĐXX…
Ngoài ra, dự thảo Pháp lệnh còn quy định nhiều mức phạt tương ứng với các hành vi vi phạm cụ thể khác.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ