Chủ tịch Quốc hội: 'Dù dịch bệnh vẫn dứt khoát tăng lương'

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
17/08/2021 18:26 PM

Ông Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ có thể bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nhưng phải quyết tâm tính toán cải cách tiền lương từ 1/7/2022.

Quan điểm này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022, chiều 17/8.

"Dứt khoát phải cải cách tiền lương vào 1/7/2022, không thể chậm được vì lương là để kích thích kinh tế, đầu tư. Có thể dịch bệnh ảnh hưởng nhưng quyết tâm vẫn làm được, vì vẫn còn nguồn dư cho cải cách tiền lương", ông Huệ nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, lương cơ sở điều chỉnh từ 1/7/2020, nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã không tăng theo lộ trình. Hiện mức lương cơ sở áp dụng là 1,49 triệu đồng một tháng.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết kế hoạch tài chính và vay trả nợ 5 năm (2021-2025) được thông qua ngày 28/7, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để tăng lương hưu, lương cơ sở từ 1/7/2022.

Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại phiên họp thứ 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 17/8. Ảnh: Hoàng Phong

Giải trình thêm về nguồn cải cách tiền lương, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các địa phương hiện còn 252.000 tỷ đồng còn dư cho tăng lương. "Nguồn để dành tăng lương từ tháng 7 năm 2022 đã sẵn sàng", ông Phớc khẳng định.

Bộ trưởng Tài chính thông tin thêm, vừa qua 7 tỉnh, thành phố đề nghị được dùng tiền này cho hoạt động chống dịch Covid-19, nhưng bộ không đồng ý.

"Chúng tôi yêu cầu các địa phương dành nguồn lực khác như giảm nhiệm vụ chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi thường xuyên... Còn nguồn cải cách tiền lương thì phải để dành để chi tăng lương cho năm sau", ông Phớc nhấn mạnh.

Một vấn đề khác, Chính phủ đề xuất, các đơn vị đang thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở một số cơ quan sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 cho đến khi thực hiện cải cách tiền lương vào 1/7/2022.

Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nghị quyết của Trung ương đã khẳng định việc cải cách tiền lương nhất quyết phải tiến hành vào 1/7/2022, theo đó, tất cả cơ chế đặc thù phải được bãi bỏ, không thể có công chức loại 1, loại 2, loại 3 nữa.

"Các địa phương lúc nào cũng khẳng định là có đủ nguồn cho cải cách tiền lương nhưng nếu sau này không đảm bảo được thì ai là người chịu trách nhiệm. Lúc nào Bộ Tài chính cũng kêu không có nguồn cải cách tiền lương nhưng vẫn duyệt cho chi từ nguồn cải cách tiền lương", ông Huệ nói.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cơ chế đặc thù về tiền lương và thu nhập một số cơ quan thì xin được tiếp tục phân bổ cho tới hết 1/7/2022 là thời điểm thực hiện cải cách tiền lương.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự toán chi thường xuyên từ ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương sẽ phân bổ theo chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, thay vì theo tiêu chí biên chế như trước đây. Tức là phân bổ ngân sách của các bộ, ngành sẽ theo tiêu chí đầu ra, thay vì đầu vào.

Nhưng thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, cách thức, phương pháp thực hiện phân bổ theo tiêu chí đầu ra (khối lượng việc làm, chức năng, nhiệm vụ...) chưa được nêu chi tiết, bảo đảm việc phân bổ ngân sách công khai, minh bạch và công bằng.

Cũng theo ông Cường, có ý kiến trong Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc lượng hóa các chỉ tiêu kết quả thực hiện nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao là rất phức tạp, nên cần thí điểm tại một số bộ, cơ quan Trung ương. Sau khi tổng kết, đánh giá thì áp dụng thống nhất với tất cả bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Góp ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói tiêu chí phân bổ ngân sách tại các bộ, cơ quan Trung ương theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ chưa hợp lý. Ông phân tích, Chính phủ xây dựng theo tiêu chí chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao thay vì định mức phân bổ theo biên chế, nhưng thực tế vẫn là theo đầu vào khi vẫn lấy chi thực tế của năm trước liền kề làm căn cứ dự toán chi.

Chủ tịch Quốc hội gợi ý, phân bổ ngân sách năm 2022 cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương vẫn nên lấy tiêu chí chính là theo biên chế, nhưng bổ sung thêm một số tiêu chí phụ khác, như điều chỉnh theo khối lượng công việc đặc thù, đột xuất theo từng thời kỳ. Tức là kết hợp một phần đầu ra, thì hợp lý hơn.

Ở khía cạnh này, thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị, định mức phân bổ ngân sách năm 2022 cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương vẫn dựa trên tiêu chí số lượng biên chế, theo nguyên tắc ưu tiên hệ số phân bổ cao hơn cho các cơ quan có số lượng biên chế thấp, có nhiệm vụ đặc thù để phù hợp với thực tiễn. Việc này, theo Uỷ ban Tài chính ngân sách sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch, tránh cơ chế xin - cho.

Về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu chí chính đưa ra là theo dân số. Uỷ ban Tài chính ngân sách trong báo cáo thẩm tra cho rằng, việc sử dụng "tiêu chí dân số" thời gian qua cho thấy chưa hoàn toàn hợp lý, nhất là với một số lĩnh vực chi quốc phòng, chi phát thanh truyền hình, duy tu bảo trì đường bộ... Do đó, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị, ngoài tiêu chí dân số để tính định mức phân bổ ngân sách, cần bổ sung thêm các tiêu chí phụ như mật độ dân số, dân số vãng lai, số đơn vị hành chính cấp huyện... đảm bảo tính đặc thù từng địa phương, lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng tình với đề nghị này của cơ quan thẩm tra. Ông nói, nếu không tính các yếu tố bổ sung, đặc thù địa phương ngoài tiêu chí dân số, thì một số địa phương thiệt có đông người lao động vãng lai, áp lực hạ tầng lớn như TP HCM, các tỉnh phía Nam có nhiều khu công nghiệp lớn... sẽ bị thiệt.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Uỷ ban Tài chính ngân sách tiếp thu ý kiến, cùng Uỷ ban Pháp luật, Bộ Tài chính rà soát thống nhất, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết. Sau đó, cơ quan thẩm tra xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký, ban hành.

Anh Minh

Theo VnExpress

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,636

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]