TP HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16: Những điều cần lưu ý từ 02/8

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
02/08/2021 09:58 AM

TP HCM tiếp tục áp dụng pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 2/8/2021. Theo đó, người dân cần lưu ý những điều sau:

1. Những trường hợp được phép ra khỏi nhà:

Theo hướng dẫn tại Công văn 2468/UBND-VX thì người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết để:

- Cấp cứu.

- Mua thực phẩm thiết yếu tại những nơi cung cấp theo quy định.

- Đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động.

Ngoài ra, người dân khu phong tỏa chỉ được phép ra khỏi nhà khi:

- Có yêu cầu cấp cứu y tế,

- Mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa (02 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp).

Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm  thiết yếu đến từng nhà.

2. Hạn chế ra khỏi nhà từ 18h – 6h trừ trường hợp được phép:

Theo hướng dẫn tại Công văn 2490/UBND-VX thì người dân hạn chế ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. trừ các trường hợp sau:

- Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương;

- CB, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TP, bao gồm cả công tác phát hành báo;

- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.

- Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu;

- Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của TP được phép hoạt động.

Lưu ý: Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1 triệu – 3 triệu đồng.

3. Giấy tờ, trang phục cần mang khi ra đường tại TP.HCM

Công văn 2522/UBND-VX hướng dẫn chi tiết về giấy tờ, trang phục cần mang khi ra đường cụ thể như sau:

. Đối với lực lượng CB, CC, VC, NLĐlàm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Thành phố:

- Đối với lực lượng CB, CC, VC, NLĐ làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước: đeo thẻ CB, CC, VC, NLĐ của cơ quan, đơn vị (gọi chung là thẻ công chức), thẻ ngành hoặc mặc đồng phục ngành, kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.

- Đối với CB, CC, VC, NLĐ làm việc tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội: đeo thẻ công chức hoặc sử dụng thẻ công tác (ghi rõ họ tên, đơn vị công tác, địa chỉ nơi cư trú, đóng giáp lai ảnh với thẻ), kết hợp với văn bản xác nhận hoặc phân công công tác của cơ quan, đơn vị trong quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.

Đối với những người đi tiêm vắc xin:

- Ngoài giấy mời tiêm hoặc tin nhắn điện thoại, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cấp thẻ/phiếu nhận diện (màu sắc thay đổi hằng ngày) để người đi tiêm vắc xin đeo trên ngực, phục vụ kiểm tra của lực lượng chức năng.

Đối với trường hợp người dân đi chợ, siêu thị:

Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức phát phiếu đi chợ, siêu thị cho người dân theo quy định trong đó ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.

Đối với đội ngũ người giao hàng (shipper):

- Đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường theo quy định tại Công văn 2491/UBND-ĐT ngày 26/7/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố gồm: ngoài các giải pháp nhận diện hiện nay (đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng...) còn có bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code; thực hiện bằng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20cm, in chữ “Shipper” màu trắng.

4. Các cơ quan bố trí thời gian làm việc của cán bộ, công chức phù hợp với tình hình giãn cách

Theo hướng dẫn tại Công văn 2510/UBND-VX thì:

- Các cơ quan, đơn vị bố trí không quá 1/3 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở cơ quan, đơn vị để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị và chỉ đạo của Thành phố; có thể bố trí thấp hơn số lượng nêu trên tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của cơ quan, đơn vị.

- Bố trí từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo các thời gian cụ thể khác nhau nhưng phải đảm bảo thời gian rời khỏi nơi cư trú để đến trụ sở cơ quan, đơn vị không trước 06 giờ và về trước 18 giờ hàng ngày.

- Thực hiện đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị (gọi tắt là thẻ công chức), thẻ ngành hoặc mặc đồng phục ngành trong suốt quá trình di chuyển giữa trụ sở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú để lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 có thể nhận diện.

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,086

Bài viết về

Phòng chống COVID-19

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn