Thí điểm dịch vụ ban đêm được hoạt động đến 6 giờ sáng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
30/07/2020 10:45 AM

Đây là nội dung tại Quyết định 1129/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/7/2020 phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”.

Theo đó, nhằm chủ động khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, Chính phủ phê duyệt giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm (bar, vũ trường, ăn uống…) tại một số thành phố, khu du lịch như sau:

- Thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số TP/trung tâm lớn nơi có động lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM...

Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

- Nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt ở TP.Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, một số nhóm các giải pháp khác được quy định nhằm phát triển kinh tế ban đêm gồm:

Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm, đơn cử như:

- Nâng cao nhận thức về phạm vi và vai trò của kinh tế ban đêm, đồng thời giảm dần, tiến tới xóa bỏ định kiến về những tiêu cực của kinh tế ban đêm, định kiến về các loại hình, hoạt động và các điểm vui chơi giải trí về đêm.

- Nâng cao nhận thức của bộ máy quản lý nhà nước hướng tới tư duy mở hơn, nhìn nhận và đánh giá đủ đa chiều về vai trò, cơ hội và rủi ro của kinh tế ban đêm. Phát triển kinh tế ban đêm nhất thiết phải vượt qua được rào cản tự duy “không quản được thì cấm” trong các cơ quan quản lý nhà nước….

Nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro, đơn cử như:

- Chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm, trong đó tập trung vào các quy định về: khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động và một số quy định khác.

- Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm…

Nhóm giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm, đơn cử như:

- Chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tỉnh, trong đó, cần dự kiến các khu vực, địa bàn, tuyến được tập trung phát triển kinh tế ban đêm, các khu vực trung tâm và vệ tinh, các loại hình dịch vụ kinh tế ban đêm chủ yếu để có cơ sở triển khai trong tương lai (nếu các điều kiện cho phép).

- Quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với phát triển cơ sở hạ tầng (điện, nước, giao thông,...), đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt,...

Quyết định 1129/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 27/7/2020.

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,387

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]