Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi |
Đề xuất trích 70% kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở (Ảnh minh họa)
Cụ thể, dự thảo Luật đưa ra 02 phương án sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012 (về tài chính công đoàn).
- Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung quy định về chia sẻ kinh phí công đoàn.
“2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đối với doanh nghiệp có từ 02 tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trở lên, mức phân bổ kinh phí này cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Chính phủ.”
- Phương án 2: Sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ trích kinh phí công đoàn.
“2. Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; 70% số thu kinh phí này được giao cho công đoàn cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.”
Hiện nay, theo Điều 21 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016: "Công đoàn cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn..." Đơn cử như năm 2020, theo Hướng dẫn 1609/HD-TLĐ ngày 22/10/2019, công đoàn cơ sở được sử dụng 60% tổng số thu đoàn phí và 70% tổng số thu kinh phí công đoàn. |
Như vậy, thay vì thực hiện hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về tỷ lệ trích kinh phí công đoàn, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi sẽ quy định ngay trong Luật:
"Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; 70% số thu kinh phí này được giao cho công đoàn cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.”
Xem chi tiết nội dung tại Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi.
Châu Thanh