Thủ tướng yêu cầu bỏ quy định kinh doanh trái phép trên mạng phải đi tù

01/09/2016 17:30 PM

Tiếp nhận đề xuất bãi bỏ Điều 292 Bộ Luật hình sự từ nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu bỏ quy định tội kinh doanh trái phép trên mạng.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi, bỏ Điều 292 tại Bộ Luật hình sự 2015 về kinh doanh qua mạng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sáng 1/9, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, Thủ tướng, các Phó thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ cùng đại diện các cơ quan tư pháp đều có cùng quan điểm bỏ Điều 292 quy định về tội cung cấp dịch vụ trái phép qua mạng máy tính, mạng viễn thông.

Bởi lẽ, Bộ Luật hình sự đã bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước và tội kinh kinh doanh trái phép để đưa vào các quy định khác. Nên nếu quy định tội kinh doanh trái phép trên mạng là không phù hợp. Hơn nữa trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 nghề, nhưng tại sao Điều 292 lại quy định “nếu thực hiện qua mạng thì bị xử lý hình sự, còn nếu không thực hiện qua mạng sẽ không bị xử lý hình sự”.

Bộ Luật Hình sự 2015 mới được Quốc hội hoãn thi hành vì có nhiều lỗi sai và gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Trong đó, Điều 292 quy định cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ qua mạng mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi 50-200 triệu đồng hoặc có doanh thu 0,5-2 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền 200-500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Bên cạnh kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp thì hoạt động trung gian thanh toán, trò chơi điện tử trên mạng và các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông đều chịu quy định của điều luật này.

Đã có nhiều ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh qua mạng, cộng đồng start-up đã kiến nghị bãi bỏ điều luật này. Trong một văn bản gửi tới Chính phủ đề nghị bỏ Điều 292, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều luật trên tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng tại Việt Nam hiện nay khi hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính, ví dụ như cung cấp trò chơi điện tử trên mạng mà không có giấy phép. VCCI cho rằng điều luật này không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các start-up.

Tuy nhiên, trong bản dự thảo Luật sửa đổi mới nhất được Bộ Tư pháp đưa ra cơ quan soạn thảo vẫn giữ Điều 292 với lập luận, kinh doanh qua mạng đang là một hướng phát triển có tiềm năng và ngày càng có nhiều người tham gia. Vì vậy, pháp luật cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực kinh doanh này. Vì thế, ngoài tạo điều kiện cho những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật thì cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này vi phạm.

Bộ Tư pháp vẫn giữ quan điểm, những dịch vụ được nêu trong Điều 292 là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và việc kinh doanh này nếu được thực hiện trên mạng máy tính, mạng viễn thông thì sẽ rất khó kiểm soát và dễ xảy ra vi phạm, số người bị hại có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.

Chỉ ra 130 thiếu sót nghiêm trọng của Bộ Luật hình sự 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là "sai sót pháp lý hết sức nghiêm trọng". Thủ tướng yêu cầu, Ban soạn thảo là Bộ Tư pháp, cũng như các Bộ chịu trách nhiệm soạn thảo các dự luật khác phải rút kinh nghiệm nghiêm túc từ sự cố này để không được phép lặp lại sai sót tương tự trong tương lai.

"Phải tiếp tục rà soát để phát hiện những sai sót ngoài 130 điểm đã được phát hiện để sửa ngay, tránh tình trạng lại phải tiếp tục sửa đổi Bộ Luật hình sự sau một vài năm thi hành", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Dự kiến, Dự luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới đây.

Theo Tiền phong

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,987

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn