Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời những câu hỏi tại chuyên mục Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 17/5:
Thưa Bộ trưởng, được biết là ngày 12/5 vừa qua, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức chương trình gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp. Cá nhân Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng này?
Trước hết, nhân ngày Khoa học-Công nghệ Việt Nam 18/5, tôi xin gửi đến các nhà khoa học, cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu của các viện, các trường, và cả từ những người lao động, những nhà sáng chế không chuyên nghiệp trong cả nước.
Nói về vai trò của những người làm khoa học không chuyên, quan điểm của Đảng và Nhà nước là luôn luôn tôn trọng và đánh giá rất cao những sáng kiến của người dân.
Trong chiến tranh, chúng ta có chiến tranh nhân dân, có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong khoa học chúng tôi cũng có quan điểm như vậy.
Các nhà khoa học từ các viện, các trường giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề mang tầm vĩ mô, mang tính then chốt. Những nhà khoa học không chuyên là những người trực tiếp lao động hàng ngày nên họ thấy được cái gì là cần, là tốt cho họ.
Ngay cả máy móc của các nước tiên tiến đưa sang Việt Nam thì không phải cái nào cũng phù hợp với điều kiện nước ta. Trên thực tế, người dân Việt Nam đã cải tiến máy gieo hạt của nước ngoài, trở thành sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam và có thể thương mại hóa rất tốt trên thị trường.
Những người có sáng kiến cải tiến, những người làm khoa học không chuyên làm ra sản phẩm, trước hết phục vụ bản thân, gia đình và cộng đồng xung quanh họ. Rất nhiều người cũng đã thương mại hóa thành công, trở thành sản phẩm hàng hóa trên thị trường, trở nên thành đạt và giàu có nhờ sức sáng tạo của cá nhân mình.
Thưa Bộ trưởng, có thống kê nào về những đóng góp của các sáng chế không chuyên này trong việc phát triển kinh tế nói chung chưa?
Như ví dụ nêu trên, máy gieo hạt của một nhà sáng chế không chuyên ở phía Nam đã được sản xuất và tiêu thụ tới nửa triệu sản phẩm. Tức là, nửa triệu gia đình, hộ nông dân đang sử dụng máy gieo hạt này bởi tính ứng dụng cao, giá thành hợp lý.
Nếu đánh giá từng trường hợp như thế thì hiệu quả kinh tế-xã hội là rất lớn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá tổng thể những sáng kiến không chuyên này.
Thưa Bộ trưởng, cũng trong cuộc gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định luôn xem trọng những chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng kiến và cải tiến kỹ thuật trong đời sống nhân dân. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết kỳ vọng của Chính phủ vào lực lượng sáng chế không chuyên này là như thế nào?
Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là sự động viên rất lớn với đội ngũ làm khoa học không chuyên. Trong cuộc gặp mặt, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ phải có hỗ trợ thiết thực nhất cho bà con nông dân nói riêng và những người làm sáng chế không chuyên nói chung.
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có căn cứ pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ. Đến giờ phút này, chúng tôi cũng nhận khuyết điểm là chưa làm tốt điều này.
Sau Nghị định về Ban hành điều lệ sáng kiến năm 2012, việc xây dựng thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ cho bà con bị kéo dài và chưa ban hành được. Chúng tôi đã gửi tới 63 nhà sáng chế không chuyên dự thảo cuối cùng của thông tư hướng dẫn về hỗ trợ tài chính cho bà con. Trên cơ sở ý kiến của các nhà sáng chế, chúng tôi sẽ hoàn thiện thông tư này và cùng các bộ, ngành liên quan ban hành trong thời gian sớm nhất.
Đối với các nhà sáng chế không chuyên thì khó khăn lớn nhất là vốn. Trong bức thư của một “nhà khoa học nông dân” gửi đến chương trình như sau: “Nông dân như chúng tôi làm khoa học thực sự là ‘tay không bắt giặc’ nên đi vay ngân hàng để mở rộng sản xuất thì không có gì để thế chấp. Tôi theo dõi trong các chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời trước, Bộ trưởng có thể hiện quan điểm rất ủng hộ người làm khoa học nghiệp dư. Vậy, đến thời điểm này Bộ KH&CN có chính sách nào để giúp hỗ trợ vốn cho những người làm khoa học tay ngang như chúng tôi?”.
Trong dự thảo thông tư hướng dẫn về hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho bà con nông dân, chúng tôi đã đề cập đến nội dung này. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá lệ thuộc vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước mà cần huy động nguồn đầu tư của xã hội, chủ yếu từ DN. Nhưng DN chỉ đầu tư khi nhìn thấy lợi nhuận. Những sáng kiến của người dân phải làm xuất phát từ thực tiễn của sản xuất, đồng thời đáp ứng lợi nhuận của DN.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập các quỹ phát triển KHCN ở các địa phương, bộ ngành và quan trọng hơn cả là quỹ phát triển KHCN của các DN.
Chúng tôi cũng mong bà con khi có sáng chế, sáng kiến cải tiến khoa học, kỹ thuật thì cần nghiên cứu ngay là sẽ được sử dụng để làm gì, có đáp ứng được nhu cầu thị trường địa phương hay không. Yếu tố quan trọng không kém là mẫu mã phải phong phú, hấp dẫn, giá thành phải hợp lý.
Vào thời điểm này năm trước, khi mùa vải thiều Bắc Giang chuẩn bị tới, chúng ta đã từng nói đến ứng dụng KHCN cho việc bảo quản nông sản để có kết quả kinh tế tốt hơn. Sau 1 năm, chúng ta đã có những bước tiến nào, sáng kiến nào đáng kể để mùa nông sản năm nay có kết quả tốt hơn không, thưa Bộ trưởng?
Thời gian 1 năm chưa phải là dài, nhưng có thể nói Chính phủ đã nỗ lực giúp bà con nông dân khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”.
Riêng đối với quả vải thiều của Bắc Giang, chúng tôi đã giới thiệu tới bà con 3 công nghệ của nước ngoài để bảo quản vải (của Nhật Bản, Israel, châu Âu). Chúng ta đã xuất khẩu 1 container vải thiều đã qua xử lý, mang tính chào hàng sang Nhật Bản và rất được người tiêu dùng hoan nghênh, ưa chuộng. Đây là cơ sở để chúng ta triển khai xuất khẩu vải thiều trên quy mô lớn vào thị trường này.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đàm phán với các thị trường khác thông qua các hiệp định thương mại tự do như: châu Âu, Australia, Mỹ…
Năm nay, chúng tôi đang cố gắng đầu tư cho các DN ở Bắc Giang, Phú Yên công nghệ bảo quản của Nhật Bản để các sản phẩm nông sản, thủy sản của chúng ta tới được những thị trường "khó tính" nhất như Nhật Bản và Mỹ.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Minh Thư (ghi)