Mẫu Đơn ký giáp ranh với mảnh đất liền kề mới nhất 2024 và cách ghi

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
08/10/2024 15:45 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về mẫu Đơn ký giáp ranh với mảnh đất liền kề mới nhất 2024 và hướng dẫn cách ghi chi tiết.

Mẫu Đơn ký giáp ranh với mảnh đất liền kề mới nhất 2024 và cách ghi (Hình từ internet)

1. Mẫu Đơn ký giáp ranh với mảnh đất liền kề mới nhất 2024 và cách ghi

Đơn ký giáp ranh giữa các thửa đất liền kề là văn bản xác nhận không có tranh chấp giữa các chủ sở hữu bất động sản liền kề với nhau.

Đây là một văn bản quan trọng nhằm chứng minh, xác nhận ý kiến của các chủ sở hữu bất động sản liền kề khi có bất kì phát sinh ngoài ý muốn nào. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định cụ thể cho hình thức cũng như nội dung của đơn ký giáp ranh giữa các thửa đất liền kề.

Tuy nhiên, cá nhân có thể tham khảo mẫu Đơn đăng ký giáp ranh với mảnh đất liền kề dưới đây: 

Mẫu Đơn đăng ký giáp ranh với mảnh đất liền kề

* Cách ghi đơn ký giáp ranh với mảnh đất liền kề:

(1) Ghi họ tên của người đang sử dụng đất và địa chỉ thửa đất (ghi địa chỉ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nơi có thửa đất).

(2) Ghi họ và tên tất cả người sử dụng đất liền kề với thửa đất cần ký giáp ranh và thông tin về số thửa, số tờ bản đồ (nếu có).

(3) Ký và ghi rõ họ tên của từng người sử dụng đất (đây là nội dung quan trọng nhất của đơn ký giáp ranh vì thể hiện việc đồng ý của người sử dụng đất về việc không có tranh chấp ranh giới).

2. Xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề thực hiện như thế nào?

Theo Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản liền kề như sau:

- Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

- Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định: 

- Theo thỏa thuận 

- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Theo tập quán 

- Theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

3. Hướng dẫn đo vẽ ranh giới thửa đất

Theo khoản 3 Điều 12 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, sau khi xác định ranh giới thì khâu cuối cùng là thực hiện việc đo vẽ ranh giới thửa đất. Việc đo vẽ ranh giới được hiện như sau:

- Việc đo vẽ chi tiết ranh giới thửa đất được thực hiện theo hiện trạng thực tế đang sử dụng, quản lý đã được xác định theo Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT.

- Trường hợp có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất thể hiện rõ ranh giới thửa đất (có kích thước cạnh hoặc tọa độ đỉnh thửa đất) nhưng ranh giới thửa đất trên thực địa đã thay đổi so với giấy tờ đó thì trên bản đồ địa chính phải thể hiện cả đường ranh giới thửa đất theo giấy tờ đó (bằng nét đứt) và ranh giới thửa đất theo hiện trạng (bằng nét liền). 

Đơn vị đo đạc phải thể hiện sự thay đổi về ranh giới thửa đất trong Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 12 kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT

Đồng thời lập danh sách các trường hợp thay đổi ranh giới thửa đất gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với thửa đất do tổ chức sử dụng) nơi có thửa đất để xử lý theo thẩm quyền.

- Trong quá trình đo vẽ chi tiết, tại mỗi trạm máy phải bố trí các điểm chi tiết làm điểm kiểm tra với các trạm đo kề nhau. Số lượng điểm kiểm tra phụ thuộc vào khu vực đo và không dưới 2 điểm với mỗi trạm đo kề nhau. 

Trường hợp sai số vị trí điểm kiểm tra giữa hai lần đo từ hai trạm máy bằng hoặc nhỏ hơn sai số quy định tại Điều 7 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT thì vị trí điểm kiểm tra được xác định bằng tọa độ trung bình giữa hai lần đo. 

Trường hợp sai số nói trên vượt quá sai số quy định tại Điều 7 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT thì phải kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân để khắc phục.

- Đối với khu đo cùng thời điểm đo vẽ có nhiều tỷ lệ khác nhau thì phải đánh dấu các điểm chi tiết chung của hai tỷ lệ để đo tiếp biên. Các điểm đo tiếp biên phải được đo đạc theo chỉ tiêu kỹ thuật của tỷ lệ bản đồ lớn hơn.

- Sau khi bản đồ địa chính được nghiệm thu cấp đơn vị thi công, đơn vị đo đạc in Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất theo mẫu quy định tại Phụ lục số 12 kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT và giao cho người sử dụng đất để kiểm tra, xác nhận, kê khai đăng ký đất đai theo quy định và nộp lại cùng hồ sơ đăng ký đất đai để làm cơ sở nghiệm thu bản đồ địa chính. Trường hợp phát hiện trong kết quả đo đạc địa chính thửa đất có sai sót thì người sử dụng đất báo cho đơn vị đo đạc kiểm tra, chỉnh sửa, bổ sung.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,003

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn