Hướng dẫn lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021-2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
30/08/2022 15:00 PM

Tôi muốn hỏi về việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021-2025 sẽ được nhà nước thực hiện trên những nguyên tắc và tiêu chí thế nào? - Quỳnh Châu (TP.HCM)

Hướng dẫn lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021-2025

Hướng dẫn lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021-2025 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 15/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn 4707/BTNMT-TCQLĐĐ về việc lập kế hoạch sử dụng đất (2021-2025) cấp tỉnh, lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Theo đó, việc lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021-2025 được hướng dẫn như sau:

1. Nguyên tắc lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021-2025

Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025 cấp tỉnh đồng thời với quy hoạch tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28/3/2022, Nghị quyết 61/2022/QH15Nghị quyết 64/NQ-CP ngày 06/5/2022; 

Bảo đảm tuân thủ các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ đến năm 2025 tại Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của địa phương, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư 01/2021/TT-BTNMT, trong đó cần đảm bảo nguyên tắc sau:

- Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của địa phương và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, thu hút đầu tư; bảo đảm quỹ đất cho mục đích quốc phòng, an ninh; 

Bảo vệ, quản lý chặt chẽ quỹ đất trồng lúa, đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; kế hoạch sử dụng đất phải được phân kỳ hợp lý, đảm bảo việc triển khai đồng bộ, chú trọng các giải pháp để thực hiện.

- Việc lập kế hoạch sử dụng đất cần căn cứ vào hiện trạng, xu thế biến động sử dụng đất, kết quả thực kế hoạch sử dụng đất kỳ trước và các chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương;

- Bố trí quỹ đất bảo đảm để thực hiện các chương trình, dự án đã có kế hoạch bố trí vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối liên vùng, hạ tầng giao thông có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;

Quỹ đất cho các địa phương có khả năng thu hút vốn đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo quỹ đất tại các công trình đầu mối giao thông, vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực đầu tư từ đất; 

Việc bố trí quỹ đất phải dựa trên cơ sở rà soát các quy hoạch có sử dụng đất, định hướng việc phân kỳ đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện các công trình, dự án đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, không để đất hoang hóa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

- Xác định và khoanh định các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt như khu vực chuyên canh, khu vực có tiềm năng đất đai cho mục đích trồng lúa, lợi thế về điều kiện thủy lợi cho phát triển đất trồng lúa, năng suất cao; 

Bảo tồn và đa dạng sinh học, nguồn sinh thủy, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; quốc phòng, an ninh; khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

2. Tiêu chí xác định chỉ tiêu sử dụng đất khi lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm 2021-2025

- Về đất khu công nghiệp: Cần đảm bảo tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện có trên địa bàn theo quy định; nhu cầu phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, trong đó xác định và phân kỳ hợp lý thực hiện đến năm 2025; 

Quy hoạch phát triển khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Việc hình thành, mở rộng và phát triển các khu công nghiệp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP, khả năng thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (đặc biệt là các thỏa thuận, cam kết về thu hút đầu tư trực tiếp của các quốc gia, tập đoàn đa quốc gia,...), 

Vốn đầu tư công, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên các loại hình công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ mới;

Trong đó, tập trung tại các trục động lực phát triển gắn kết với hạ tầng giao thông; kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, nhà ở và các công trình xã hội, dịch vụ.

- Về đất ở: Việc xác định nhu cầu đất ở cần cân đối dựa trên hiện trạng và tỷ lệ tăng dân số, tốc độ đô thị hóa để xác định chỉ tiêu sử dụng đất ở đến năm 2025, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác, sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt là việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; 

Khắc phục tình trạng không đưa đất vào sử dụng, lãng phí nguồn lực xã hội đầu tư vào đất. Việc thu hồi đất phải tính đến đầu tư đồng bộ các khu tái định cư, các công trình hạ tầng, dịch vụ đảm bảo quyền lợi của người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu nại kéo dài.

- Về đất đô thị: Việc xác định dựa trên cơ sở phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, phù hợp với quy mô dân số, trình độ phát triển; đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Phát triển đô thị với kế hoạch đầu tư hợp lý gắn với thu hút dân cư (lần lượt từ trung tâm, theo các tuyến vành đai, các trục giao thông,...), chỉ tiêu tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông, cây xanh, công trình công cộng, giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho cư dân đô thị đảm bảo môi trường và chất lượng sống của người dân đô thị.

- Về đất trồng lúa: Thực hiện theo các nguyên tắc nêu trên, đối với việc xác định diện tích linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đảm bảo không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển trở lại trồng lúa khi cần thiết;

Hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp; việc chuyển mục đích sử dụng đất cần đánh giá tác động môi trường, tác động đến sinh kế của người dân bị mất đất sản xuất.

- Về đất rừng: Thực hiện theo các nguyên tắc đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2030, đảm bảo yêu cầu phòng hộ, bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái; khả năng mở rộng diện tích đất lâm nghiệp của địa phương.

Công văn 4707/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 15/8/2022

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,261

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]