Sửa Luật Đất đai về những nội dung định hướng phân quyền

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
11/01/2022 15:43 PM

Nhiều nội dung của Luật Đất đai sẽ được sửa đổi, bổ sung để thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.

Đây là quy định tại Nghị quyết 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước. 

Sửa Luật Đất đai về những nội dung định hướng phân quyền

Sửa Luật Đất đai về những nội dung định hướng phân quyền  (ảnh minh họa)

Theo đó, Chính phủ quyết định sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành mới để thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước. Cụ thể điều chỉnh Luật Đất đai như sau:

- Quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu về đất đai của từng cơ quan và cơ chế phân cấp, ủy quyền cụ thể trong Luật Đất đai

- Bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số cơ quan trung ương trong việc thực hiện quyền đại diện sở hữu toàn dân về đất đai đối với các vấn đề quan trọng quốc gia.

- Bổ sung các chế tài xử lý tương ứng đối với các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền trong việc thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền quản lý nếu có vi phạm xảy ra. Việc giao quyền phải gắn liền với trách nhiệm mới bảo đảm việc sử dụng quyền lực được nhân dân giao phó một cách hiệu quả tránh được những vi phạm pháp luật đất đai ở nhiều địa phương thời gian qua.

- Quy định Toà án nhân dân giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có giấy tờ khác về quyền sử dụng đất theo quy định thay cho việc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Nghị quyết 04/NQ-CP sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc ban hành mới để thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước. Đơn cử như:

- Luật Đầu tư công: Sửa đổi quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 17 Điều 25 để điều chỉnh phân quyền trong việc quyết định chủ trương đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ sang cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với:

+ Dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. 

+ Dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại. 

+ Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư. 

- Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): Sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12. Cụ thể:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

- Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công…

* Nhiệm vụ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không quyết định các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành theo phân công của Chính phủ và những vấn đề thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi đã được phân cấp, phân quyền.

Cụ thể yêu cầu:

- Hoàn thiện các quy định phân quyền quản lý Nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực.

- Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực.

- Hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý Nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương theo ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, Chính phủ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải thực hiện một số yêu cầu khác như sau:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và địa phương, gắn phân cấp, phân quyền với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu năm 2022 đạt 100% các thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.

- Hoàn thiện các quy định về cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực

- Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế kiểm soát giá, phí đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực. 

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chủ trương của Bộ Chính trị để phát triển các địa phương này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của vùng, miền, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền.

Xem chi tiết tại Nghị quyết 04/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2022.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,365

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn