Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
29/12/2023 19:13 PM

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023, Chính phủ có chỉ đạo gì về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Hình từ internet)

Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cụ thể:

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và các quy định liên quan cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm đồng bộ quy định của Đảng; quy định các chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW và hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách. Triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế theo tinh thần Kết luận 28-KL/TW của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với thực hiện hiệu quả lộ trình giảm biên chế hàng năm để đến năm 2026 đạt chỉ tiêu giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025; hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong 2 năm 2023, 2024 để ổn định tổ chức đại hội Đảng các cấp vào năm 2025; xây dựng hệ thống thể chế, chính sách mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; trình cấp có thẩm quyền thành lập các đơn vị hành chính đô thị; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị, chính quyền cấp xã.

Tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả thực thi TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Nghị quyết 131/NQ-CP năm 2022. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp các TTHC; tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước. Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC; Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025 đã đề ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2022 và các mục tiêu năm 2023 tại Phụ lục IV.

Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định, và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để thu gọn, tránh trùng lặp, tránh lãng phí chi phí của xã hội. Thực hiện hợp nhất các văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển quy phạm pháp luật để bảo đảm tính minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương pháp quản lý từ kiểm tra từng lô hàng sang kiểm tra theo mặt hàng. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhỏ để sử dụng nội bộ, nhất là các sản phẩm đã chuẩn hóa cao. Nghiên cứu, kiến nghị xây dựng pháp luật và nâng cao năng lực cho việc áp dụng phương thức kiểm tra tại nguồn và kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa. Nâng cấp, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, thực chất thủ tục điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp kém hiệu quả; rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đúng luật pháp của doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị bền vững, TTHC,... Đa dạng hóa và phát triển hiệu quả hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở kỹ thuật dùng chung hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,646

Chính sách khác

CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]