TPHCM: Nhiều thủ tục hành chính sẽ đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
13/07/2024 11:00 AM

Theo cơ chế thí điểm phân quyền mới cho TPHCM, thời gian tới nhiều thủ tục hành chính sẽ đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

Thời gian tới, nhiều thủ tục hành chính sẽ đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức

Thời gian tới, nhiều thủ tục hành chính sẽ đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức (Hình từ internet)

Đây là một trong những nguyên tắc phân cấp được đề cập tại Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM.

Nhiều thủ tục hành chính sẽ đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện

Cụ thể, việc quy định hoặc điều chỉnh thủ tục hành chính liên quan đến nội dung phân cấp phải bảo đảm nguyên tắc sau:

- Những nội dung phân cấp đã quy định thủ tục hành chính thì điều chỉnh chủ thể thực hiện thủ tục hành chính trên cơ sở hồ sơ và trình tự, thủ tục hiện hành, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính;

- Những nội dung phân cấp chưa quy định thủ tục hành chính thì thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.

Những nội dung thí điểm phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền TPHCM thuộc các lĩnh vực:

- Quản lý nhà nước về đầu tư.

- Quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước.

- Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

- Quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

- Quản lý nhà nước về y tế.

- Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

- Quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp.

- Quản lý nhà nước về nội vụ.

Bên cạnh đó, nguyên tắc phân cấp còn có các nội dung sau đây:

Việc phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền TPHCM được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và nội dung cụ thể sau:

- Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trương của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố.

- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo của Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Phân cấp quản lý nhà nước gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền Thành phố.

- Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực nhằm tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, tạo sự chủ động và hoàn thiện cơ chế phân cấp cho chính quyền Thành phố.

- Phân cấp quản lý nhà nước đi đôi với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước của Thành phố; giải quyết kịp thời các khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân.

Điều 11. Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương _ Luật Tổ chức chính quyền địa phương

...

2. Việc phân định thẩm quyền được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia;

b) Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

c) Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ;

d) Việc phân định thẩm quyền phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực;

đ) Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác;

e) Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điệu kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.

...

Điều 13. Phân cấp cho chính quyền địa phương

1. Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Việc phân cấp phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.

3. Cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.

4. Cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.

Quy định chuyển tiếp của Nghị định 84/2024/NĐ-CP

Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định hoặc điều chỉnh thủ tục hành chính, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 84/2024/NĐ-CP.

Đối với nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5, khoản 2 và khoản 3 Điều 6, khoản 1 và khoản 2 Điều 7, Điều 8, khoản 1 và khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Nghị định 84/2024/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Các trường hợp đã được thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, cấp giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục sử dụng theo các văn bản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trường hợp có thời hạn thì thực hiện đến khi hết hạn. Trường hợp sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại, thu hồi thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 84/2024/NĐ-CP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,569

Chính sách khác

CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn