Đã đến lúc sửa quy định về kinh doanh vàng

30/11/2016 09:20 AM

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản kiến nghị sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng theo hướng quy định cụ thể nguồn gốc hợp pháp của vàng nguyên liệu. Theo quy định của Nghị định này, doanh nghiệp được sử dụng vàng miếng mua của các tổ chức hợp pháp để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Quy định là thế, nhưng trên thực tế, nguồn vàng nguyên liệu để các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chủ yếu từ vàng miếng, trang sức cũ phân kim lại, vàng nguyên liệu mua từ doanh nghiệp khác hoặc mua trôi nổi trên thị trường… Đây là những loại vàng không thể có chứng từ chứng minh là “hợp pháp”.  Còn lại, có một số ít doanh nghiệp dùng vàng miếng có nguồn gốc chứng từ để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Lý do có rất ít doanh nghiệp mua vàng có giấy tờ hợp lệ đúng theo các quy định hiện hành thì giá luôn rất cao và điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp rất khó có thể cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức cho rằng, quy định mua vàng nguyên liệu trôi nổi phải có chứng từ là rất khó, dường như không khả thi. Hiện cả nước cũng chưa có trung tâm mua bán vàng nguyên liệu nào và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một doanh nghiệp nào. Để có thể tồn tại, nhiều doanh nghiệp vẫn buộc phải mua vàng “trôi nổi” cho dù biết không đúng với quy định của Nghị định 24 và hoàn toàn có thể bị phạt. Tuy nhiên, vì sự sống còn của mình và để cạnh tranh được với thị trường, các doanh nghiệp vẫn tìm cách để có thể duy trì việc kinh doanh vàng.

Từ những bất cập trên, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh kiến nghị ngoài quy định doanh nghiệp được sử dụng vàng miếng mua của các tổ chức hợp pháp để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, cần quy định cụ thể nguồn gốc hợp pháp của các nguồn vàng nguyên liệu khác như nữ trang mua lại của khách hàng, nguồn vàng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ…

Bên cạnh quy định về nguồn gốc, chứng từ kể trên thì còn nhiều quy định khác của Nghị định 24 cũng cần sửa đổi. Một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp cho rằng bất cập là việc đưa vàng SJC trở thành vàng của Ngân hàng Nhà nước. Từ quy định này, SJC trở thành loại vàng “độc quyền” và là thương hiệu vàng quốc gia duy nhất. Điều này cũng đã tác động lớn khiến giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới. Việc chênh lệch giá vàng nội - ngoại ở mức luôn lên đến vài triệu đồng/lượng cũng là kẽ hở để các đối tượng buôn lậu vàng tìm mọi cách mang vàng từ bên ngoài vào nước ta. Và trên thực tế, nhiều vụ buôn lậu vàng đã bị phát giác.

Thế “độc quyền” của vàng SJC vẫn cứ tồn tại trong sự bất lực của cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp trong nhiều năm qua và đã nhiều phen gây khó khăn cho những người mua bán loại mặt hàng này. Không ít ý kiến cho rằng, chỉ khi nào sự “độc quyền” bị phá vỡ thì các bất cập liên quan đến thị trường vàng trong nước hiện nay mới được giải quyết căn bản.

Mộc Miên

Theo Báo Đại biểu nhân dân

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,870

Chính sách khác

CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn