Mẫu sổ chi phí sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh (Hình từ internet)
Mẫu sổ chi phí sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh là Mẫu số S3- HKD tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 88/2021/TT-BTC.
Mẫu sổ chi phí sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh |
* Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải mở sổ chi phí sản xuất, kinh doanh để tập hợp chi phí theo các yếu tố sản xuất kinh doanh của từng địa điểm kinh doanh bao gồm: chi phí nhân công; chi phí điện; chi phí nước; chi phí viễn thông; chi phí thuê kho bãi, mặt bằng kinh doanh; chi phí quản lý; chi phí khác.
* Căn cứ và phương pháp ghi sổ
Căn cứ vào chứng từ kế toán liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ để ghi vào sổ chi phí sản xuất kinh doanh như sau:
- Cột A: Ghi ngày, tháng ghi sổ;
- Cột B, C: Ghi số hiệu, ngày, tháng của chứng từ dùng để ghi sổ;
- Cột D: Ghi diễn giải nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
- Cột 1: Ghi tổng số tiền của nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
- Từ Cột 2 đến Cột 8: Căn cứ vào nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh để ghi vào các cột phù hợp tương ứng với nội dung chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật thuế và yêu cầu quản lý của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
- Nội dung sổ kế toán, việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng theo quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Luật Kế toán 2015 và thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục 2 “Biểu mẫu và phương pháp ghi sổ kế toán” ban hành kèm theo Thông tư 88/2021/TT-BTC.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng các quy định về việc mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán trên phương tiện điện tử theo quy định tại Điều 26 Luật Kế toán 2015 để thực hiện cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng các quy định về việc sửa chữa sổ kế toán tại Điều 27 Luật Kế toán 2015 để thực hiện cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
- Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nhiều địa điểm kinh doanh khác nhau thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải mở sổ kế toán để theo dõi chi tiết theo từng địa điểm kinh doanh.
- Sổ kế toán dùng để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán.
- Sổ kế toán phải ghi rõ tên đơn vị kế toán; tên sổ; ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; số trang; đóng dấu giáp lai.
- Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Ngày, tháng, năm ghi sổ;
+ Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ;
+ Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
+ Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán;
+ Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.
- Sổ kế toán gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.
(Điều 24 Luật Kế toán 2015)