Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 63/KH-UBND 2019 phòng chống hiện tượng vàng lá thối rễ cây có múi Đồng Tháp

Số hiệu: 63/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Nguyễn Thanh Hùng
Ngày ban hành: 20/03/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 20 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HIỆN TƯỢNG VÀNG LÁ THỐI RỄ, CHẾT XANH TRÊN CÂY CÓ MÚI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2019 - 2021

Nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp hạn chế, khắc phục, phòng ngừa tình trạng chết cây có múi, bảo vệ vùng cây ăn trái đặc sản của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch Phòng, chống hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ năm 2019 - 2021, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

- Xác định tác nhân, nguyên nhân gây vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi, đề xuất giải pháp khắc phục, khống chế, không để bệnh lây lan, phát triển trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho các nhà vườn.

- Triển khai kịp thời các giải pháp trước mắt nhằm khắc phục, hạn chế bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi lây lan, tiến đến khống bệnh. Đồng thời, thực hiện các giải pháp lâu dài nhằm phòng ngừa sự phát sinh, phát triển và bệnh hại trên cây có múi, góp phần bảo vệ vùng cây ăn trái đặc sản của tỉnh, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, lợi nhuận cho người dân.

II. NỘI DUNG VÀ DỰ TRÙ KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng dự trù kinh phí thực hiện cho 3 năm: khoảng 2.124.750.000 đồng (hai tỷ một trăm hai mươi bốn triệu bảy trăm năm mươi ngàn đồng). Trong đó:

- Năm 2019: khoảng 732.250.000 đồng, từ nguồn kinh phí dự phòng thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2019.

- Năm 2020: khoảng 696.250.000 đồng, từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện Kế hoạch Khuyến nông năm 2020.

- Năm 2021: khoảng 696.250.000 từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện Kế hoạch khuyến nông năm 2021.

(Chi tiết Phụ lục 1 đính kèm)

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Thông tin trên các phương tiện truyền thông cấp tỉnh, cấp huyện về nguyên nhân và quy trình kỹ thuật khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi.

- Thực hiện chuyên mục khuyến nông về Kiến thức nông nghiệp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp về các giải pháp quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi.

- Tổ chức tập huấn, tọa đàm, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về tác nhân, nguyên nhân gây hại và các giải pháp tổng hợp quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi; trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà vườn có vườn cây không bị nhiễm bệnh và các nhà vườn có vườn cây đang bị nhiễm bệnh tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hội quán,...

2. Xây dựng điểm trình diễn

- Xây dựng mô hình ứng dụng quy trình khắc phục vườn cây đang nhiễm bệnh, xử lý cây đã chết, quản lý chăm sóc cây chưa nhiễm bệnh tại các vườn cây có múi (diện tích 1.000 - 2.000 m2/điểm) và so sánh với tập quán sản xuất của nông dân; hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm quản lý hiệu quả vườn cây có múi đến nông dân (Phụ lục 2. Quy trình kỹ thuật khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi, Phụ lục 3. Quy trình ủ phân hữu cơ kèm theo).

- Xây dựng mô hình áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật sản xuất cây có múi theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững và chuyển giao cho các nhà vườn ứng dụng, thực hiện.

3. Công tác nghiên cứu phục vụ sản xuất và quản lý dịch bệnh

- Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu tìm tác nhân, nguyên nhân gây bệnh, hoàn thiện quy trình tổng hợp quản lý dịch bệnh trên vườn cây có múi nhằm chuyển giao, hỗ trợ nhà vườn thực hiện hiệu quả, bền vững.

- Nghiên cứu xác định hàm lượng dinh dưỡng, tình trạng suy thoái đất liếp vườn cây có múi và các yếu tố có liên quan làm cơ sở khoa học để chuyển giao, khuyến cáo nhà vườn ứng dụng sản xuất cây có múi hiệu quả, bền vững, khôi phục và phát triển vùng cây có múi đặc sản của địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổng hợp các kết quả nghiên cứu bước đầu của Viện Cây ăn quả Miền Nam và Trường Đại học Cần Thơ đưa ra các quy trình xử lý cây đang nhiễm bệnh; quy trình xử lý cây chết; quy trình khuyến cáo cho cây chưa nhiễm bệnh, cây trồng mới để hướng dẫn các nhà vườn áp dụng.

- Phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị nghiên cứu tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm hướng dẫn nông dân các giải pháp quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi.

- Phối hợp với huyện Lai Vung xây dựng các mô hình khắc phục bệnh theo quy trình tại các vườn cây có múi đang bị bệnh để rút kinh nghiệm. cập nhật, bổ sung quy trình, chia sẻ thông tin và hướng dẫn nông dân thực hiện.

Đồng thời, theo dõi, cập nhật thông tin các kết quả nghiên cứu, mô hình thực hiện tốt của nhà vườn để phối hợp với các địa phương thông tin, triển khai đến nông dân trồng cây có múi trên địa bàn tỉnh áp dụng.

- Chủ trì, phối hợp với địa phương tăng cường quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là phân bón hữu cơ (nguồn nguyên liệu); quản lý giống cây trồng chất lượng cung cấp cho nhà vườn.

- Là đầu mối phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan chỉ đạo, theo dõi, giám sát và đánh giá các hoạt động thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ 06 tháng, hàng năm về Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện, Trường, các đơn vị nghiên cứu và địa phương:

- Tiếp tục nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, tác nhân gây ra hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi và đề xuất quy trình quản lý bệnh hiệu quả, bền vững.

- Nghiên cứu cải thiện chất lượng giống, xây dựng quy trình canh tác, phát triển cây có múi bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương và sớm chuyển giao các kết quả nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.

- Nghiên cứu xác định hàm lượng dinh dưỡng, tình trạng suy thoái đất liếp vườn cây có múi và các yếu tố có liên quan làm cơ sở khoa học để chuyển giao, khuyến cáo nhà vườn ứng dụng sản xuất cây có múi hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thẩm định và bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp

Phối hợp với địa phương và ngành chuyên môn tích cực thông tin, tuyên truyền đến người dân về các giải pháp khắc phục nhanh hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh cây có múi trên địa bàn tỉnh.

5. Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung

- Chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác phòng, chống dịch bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi trên địa bàn huyện. Xác định cụ thể hộ trồng, diện tích, mức nhiễm bệnh, thiệt hại của nhà vườn báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện cây ăn quả Miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ, các đơn vị nghiên cứu tổ chức thông tin tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm, vận động nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi.

- Chọn điểm/hộ, xây dựng mô hình ứng dụng quy trình xử lý cây đang nhiễm bệnh, quy trình xử lý cây đã chết, quy trình quản lý cây chưa nhiễm bệnh tại các vườn cây đang nhiễm bệnh để hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm với nông dân và so sánh với sản xuất theo tập quán.

6. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Kiểm tra, rà soát tình hình bệnh vàng lá thối rễ và chết xanh cây có múi trên địa bàn, báo cáo kịp thời diện tích, mức nhiễm về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phương tiện truyền thông cấp huyện thông tin, khuyến cáo nông dân áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý, hạn chế, ngăn ngừa bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh phát triển, gây hại cây có múi tại địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch này. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tiến độ, tình hình, kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT/UBND tỉnh;
- BCĐ PCDB trên CTVN tỉnh;
- Các Sở: NNPTNT; KHCN; TC; TTTT;
- Báo ĐT, Đài PTTH ĐT, Cổng TTĐT;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP/UBND tỉnh;
- Lưu VT, NC/KT (VA).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng


PHỤ LỤC 1

NỘI DUNG VÀ DỰ TRÙ KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG HIỆN TƯỢNG VÀNG LÁ THỐI RỄ, CHẾT XANH TRÊN CÂY CÓ MÚI TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2019 - 2021
(Kèm theo Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 20/3/2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá (đồng)

Kinh phí thực hiện (đồng)

Ghi chú

I

Năm 2019

 

 

 

732.250.000

 

 

Nguồn kinh phí dự phòng thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

 

 

 

732.250.000

 

1

Tọa đàm (03 cuộc/năm)

cuộc

3

21.100.000

63.300.000

 

2

Tập huấn (24 lớp/năm)

lớp

24

4.300.000

103.200.000

 

3

Quay Video quy trình kỹ thuật

Video

3

12.000.000

36.000.000

 

4

Phóng sự, thời sự, bản tin (Đài truyền hình, truyền thanh)

năm

1

20.000.000

20.000.000

 

5

Mô hình trình diễn

Mô hình

5

97.560.000

487.800.000

 

6

Phí quản lý mô hình (4,5%)

Mô hình

5

4.390.000

21.950.000

 

II

Năm 2020

 

 

 

696.250.000

 

 

Nguồn kinh phí dự phòng thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

 

 

 

186.500.000

 

1

Tọa đàm (03 cuộc/năm)

cuộc

3

21.100.000

63.300.000

 

2

Tập huấn (24 lớp/năm)

lớp

24

4.300.000

103.200.000

 

3

Phóng sự, thời sự, bản tin (Đài truyền hình, truyền thanh)

năm

1

20.000.000

20.000.000

 

 

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch Khuyến nông

 

 

 

509.750.000

 

1

Mô hình trình diễn

Mô hình

5

97.560.000

487.800.000

 

2

Phí quản lý mô hình (4,5%)

Mô hình

5

4.390.000

21.950.000

 

III

Năm 2021

 

 

 

696.250.000

 

 

Nguồn kinh phí dự phòng thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

 

 

 

186.500.000

 

1

Tọa đàm (03 cuộc/năm)

cuộc

3

21.100.000

63.300.000

 

2

Tập huấn (24 lớp/năm)

lớp

24

4.300.000

103.200.000

 

3

Phóng sự, thời sự, bản tin (Đài truyền hình, truyền thanh)

năm

1

20.000.000

20.000.000

 

 

Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch Khuyến nông

 

 

 

509.750.000

 

1

Mô hình trình diễn

Mô hình

5

97.560.000

487.800.000

 

2

Phí quản lý mô hình (4,5%)

Mô hình

5

4.390.000

21.950.000

 

Tổng kinh phí thực hiện 03 năm

 

 

 

2.124.750.000

 


PHỤ LỤC 2

QUY TRÌNH KỸ THUẬT KHẮC PHỤC BỆNH VÀNG LÁ THỐI RỄ, CHẾT XANH CÂY CÓ MÚI
(Kèm theo Kế hoạch số 63 /KH-UBND ngày 20 / 3 /2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

1. TRIỆU CHỨNG

Trên cành lá:

- Cây bị nhẹ: cây sinh trưởng kém, một số cành có lá chuyển màu vàng nhạt, héo lá, trái dễ rụng và chất lượng trái kém.

- Cây bị nặng: toàn cây đều vàng héo, rụng lá, rụng trái, cây suy kiệt và chết; cây héo xanh và chết.

 Dưới rễ:

Rễ thứ cấp bị hư, vỏ rễ tuộc khỏi phần gỗ, mạch gỗ sọc nâu. Cây bị nặng rễ thứ cấp bị thối và lan dần đến rễ chính và làm chết cây.

2. NGUYÊN NHÂN

Kết quả nghiên cứu của Viện Cây ăn quả Miền Nam và kết quả khảo sát bước đầu của Trường Đại học Cần Thơ cho thấy:

- Nguyên nhân trực tiếp: do nhện rễ và tuyến trùng tấn công gây hại, tạo vết thương từ đó tạo điều kiện cho nấm Fusarium solani, Phytopthora spp. gây hại.

- Nguyên nhân gián tiếp do các điều kiện canh tác như:

+ Vườn cây lên liếp, lên mô thấp, thoát nước kém, đặc biệt là việc bồi mặt liếp bằng đất ruộng (nhiều sét) (có nơi lớp đất bồi mặt dày 15-25cm), vườn ít sử dụng phân hữu cơ hoặc vườn sử dụng nhiều phân hữu cơ khoáng kết hợp điều kiện mưa nhiều, đất bị lèn mặt, úng nước, rễ thiếu oxy dẫn đến chóp rễ và lông hút bị hư thối, không hấp thu dinh dưỡng được để nuôi cây, đồng thời cũng tạo vết thương cho vi sinh vật có hại xâm nhập.

+ Việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng... trong nhiều năm làm cho vi sinh vật có ích trong đất bị tiêu diệt, các vi sinh vật có hại phát sinh gây hại mạnh.

+ Đa số các vườn có hiện tượng chết vàng, chết xanh đều có pH đất thấp dao động từ 4,0 - 5,0 là điều kiện thuận cho tập đoàn vi sinh vật có hại trong đất tấn công gây hại bộ rễ cây có múi làm cây suy kiệt và chết.

+ Nước tiêu và tưới trong vườn cây có múi sử dụng chung trong mương vườn, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây hại tiếp tục phát triển và tấn công.

3. ĐIỀU KIỆN PHÁT SINH PHÁT TRIỂN

Điều kiện thời tiết mưa dầm, ngập úng và kỹ thuật canh tác chưa hợp lý đã tạo điều kiện cho hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh phát sinh gây hại nặng trong thời gian qua.

4. BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

4.1. Đối với cây hoặc vườn cây nhiễm nhẹ

- Phát hiện bệnh sớm, cắt tỉa cành và trái, cắt cỏ mặt liếp và thu gom vệ sinh vườn.Cào xới nhẹ, phá váng mặt đất, đánh rảnh thoát nước tốt nếu gặp điều kiện mưa dầm để tránh oi nước vùng rễ, nhất là thời kỳ cây ra rễ non.

- Kiểm tra phần rễ cây có bị hư, thối, dùng cuốc răng xới tầng đất mặt xung quanh gốc tạo thoáng khí cho bộ rễ. Đồng thời, xới đất xunh quanh gốc rộng 30 - 50cm (cách gốc cây 20cm), tưới kết hợp chế phẩm Tricoderma đối kháng nấm bệnh + chế phẩm Tricoderma trị truyến trùng (10 + 10 g/cây), phủ rơm hoai mục xung quanh gốc (cách gốc cây 20 cm) và bổ sung lượng ít phân DAP hoặc phân chuyên dùng NPK-TE (100 - 200g/gốc tuỳ theo độ tuổi cây). Hoặc rải chất hữu cơ đã chuẩn bị trước lên phần đất đã xới (20 - 30 kg/cây trưởng thành) theo cách bón: 1 lớp xác bã thực vật xen kẽ với 1 lớp phân gia súc đã hoai; tưới kết hợp chế phẩm Tricoderma đối kháng nấm bệnh + chế phẩm Tricoderma trị truyến trùng (10 + 10 g/cây) lên lớp phân hữu cơ đã rải.

- Sau 2 tuần, bón bổ sung phân hóa học chứa N - P - K (tỷ lệ 1:3:1), liều lượng phân thương phẩm khoảng 300 - 500g/cây trưởng thành để giúp rễ cây mau phục hồi.

- Cách khoảng 1 - 2 tháng/lần, bổ sung thêm chất hữu cơ bằng phủ thêm cỏ héo, rơm mục (10 - 15 kg/cây) để cung cấp thêm thức ăn cho nấm Tricoderma. Theo dõi, kiểm tra sự phát triển của rễ non, chồi non để đánh giá khả năng phục hồi của cây trồng. Sau đó tiếp tục chăm sóc, bón phân cân đối các nguyên tố đa - trung - vi lượng, bổ sung phân hữu cơ ủ hoai ít nhất 02 lần/năm.

4.2. Đối với trường hợp trồng xen cây con mới trên liếp có cây đang bị bệnh, cần chú ý

- Đối với cây nhiễm nhẹ cần xử lý theo các bước nêu trên. Nếu cây bị quá nặng, không thể phục hồi cần tiêu hỦy cả phần thân và gốc cây để trồng lại theo quy trình trồng mới.

- Không trồng cây con ngay cạnh cây đã nhiễm bệnh chết nếu chưa xử lý triệt để đất tại hố trồng và chung quanh gốc cây bệnh.

- Áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân bón hợp lý, nhất là tăng cường phân hữu cơ ủ hoai, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, an toàn và hiệu quả.

4.3. Xử lý vườn cây nhiễm nặng và trồng mới

- Những cây già cỗi, suy kiệt hoặc bệnh nặng cần đốn bỏ, đào lật gốc và rễ cây, bón vôi xử lý vùng gốc cây bệnh (tại hố vừa đốn bỏ, đào lật gốc cây), phơi đất ít nhất 2 tuần.

* Khâu chuẩn bị

- Xác bã thực vật quanh vườn: cỏ, rơm, thân bắp, thân đậu, phế phẩm rau quả, lục bình,… đã phơi héo hoặc khô, số lượng 20 - 30 kg/cây có múi trưởng thành.

- Phân gia súc đã ủ hoai (phân trâu bò, dê, heo, gia cầm,…): 5 - 10 kg/cây trưởng thành.

- Chế phẩm Tricoderma đối kháng nấm bệnh trong đất, chế phẩm Tricoderma trị truyến trùng.

- Vôi nóng quét tường.

- Phân hóa học: Urê, DAP, Kali, NPK,…

- Kéo cắt tỉa cành; cuốc răng xới đất bón phân.

* Các bước tiến hành

- Chọn cây giống khoẻ, sạch bệnh.

- Thiết kế lại hệ thống mương liếp, mô trồng đảm bảo cao ráo, thoát nước tốt vào mùa mưa, quản lý mực nước trong mương vườn ổn định và phù hợp.Chuẩn bị mô trồng khoảng 1,0 m3; rải chất hữu cơ đã chuẩn bị trước vào mô (10 - 15 kg/mô) theo cách bón: 1 lớp xác bã thực vật xen kẽ với 1 lớp phân gia súc đã hoai; tưới kết hợp chế phẩm Tricoderma đối kháng nấm bệnh + chế phẩm Tricoderma trị truyến trùng (10 + 10 g/cây) lên lớp phân hữu cơ đã rải; sau 10 - 15 ngày tiến hành trồng cây.

- Mật độ trồng không quá dày (dưới 1.000 cây/ha).

- Tỉa cành, tạo tán giúp cây ra cơi đọt tập trung.

- Khuyến khích nhà vườn chủ động ủ phân hữu kết hợp nấm Tricoderma để sử dụng cho vườn cây ăn trái (1 - 2 lần/năm), sử dụng cân đối phân bón hữu cơ khoáng với phân hóa học để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, tơi xốp cho đất, tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích phát triển và tránh làm tổn thương bộ rễ.

- Có thể sử dụng chế phẩm Tricoderma đối kháng nấm bệnh và Tricoderma phòng trị tuyến trùng với liều lượng 10 - 20g/gốc để tăng sinh khối vi sinh vật có ích, giúp đối kháng và tiêu diệt các loài nấm bệnh, tuyến trùng trong đất.

- Kiểm tra pH đất trong vườn định kỳ tối thiểu 01 lần/tháng. Bón vôi vào đầu mùa mưa nhằm ngăn ngừa nấm bệnh và nâng pH đất, có thể sử dụng các sản phẩm có hàm lượng Canxi cao bổ trợ nâng pH đất giúp cây sinh trưởng phát triển tốt (pH 6,0 - 7,0 là điều kiện tối hảo đối với cây có múi).

4.4. Đối với vườn cây chưa nhiễm bệnh

Để ngăn ngừa bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh cho vườn cây có múi chưa có triệu chứng nhiễm bệnh cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại tổng hợp ngay từ dầu vụ, tăng cường phân hữu cơ, hạn chế phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Một số giải pháp cụ thể như sau:

- Kiểm tra đất liếp trên vườn cây đang trồng, xới phá váng lớp đất mặt, nhất là những vườn có lớp đất mặt, đánh rảnh thoát nước khi bị mưa dầm, giúp đất và rễ cây được thông thoáng, bộ rễ không bị nghẹt, oi nước.

- Trong mùa nắng tăng cường bón phân hữu cơ, tốt nhất là phân hữu cơ ủ hoai mục 5-10kg/gốc hoặc tận dụng xác bã thực vật quanh vườn, cỏ, rơm, … phơi khô rải lên phần đất đã xới xung quanh gốc (20 - 30 kg/gốc; cách gốc 20-30cm để tránh gây ẩm gốc). Có thể tưới kết hợp chế phẩm Tricoderma đối kháng nấm bệnh hoặc Tricoderma trị truyến trùng lên lớp phân hữu cơ đã rải.Hạn chế bón nhiều phân hữu cơ hoai mục trong mùa mưa vì có thể giữa ẩm cao, dễ gây thối rễ.

- Sử dụng phân vô cơ với liều lượng hợp lý theo giai đoạn và tuổi cây, không bón thừa phân đạm, hạn chế bón phân hữu cơ khoáng có hàm lượng đạm (N) cao.

- Kiểm tra pH đất định kỳ hàng tháng, xử lý vôi sau khi vệ sinh vườn và đầu mùa mưa nhằm giúp diệt mầm bệnh và cải thiện pH đất, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt (pH tối hảo 6,0 - 7,0).

- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ít độc cho thiên địch, môi trường; tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, an toàn và hiệu quả khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học tưới vào gốc để phòng trị bệnh vì làm ảnh hưởng đến các vi sinh vật có ích trong đất, dẫn đến việc quản lý bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh không hiệu quả./.

 

PHỤ LỤC 3

QUY TRÌNH Ủ PHÂN HỮU CƠ
(Kèm theo Kế hoạch số 63 /KH-UBND ngày 20/3 /2019 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

I. PHÂN HỮU CƠ LÀ GÌ?

Phân hữu cơ là phân chứa những chất dinh dưỡng ở dạng những hợp chất hữu cơ gồm chất bả, chất bài tiết của các động vật như trâu, bò, heo, gà, hoặc các xác bả thực vật như rơm rạ, cây phân xanh,.... Phân hữu cơ bao gồm phân chuồng, phân xanh, phân rác, than bùn, vv...

- Phân chuồng: là hỗn hợp chủ yếu của phân, nước tiểu gia súc và chất độn chuồng (rơm rạ, cỏ, xác bã mía, than bùn,…)

- Chất độn chuồng: Chất độn chuồng có tác dụng hút và giữ được phân, nước tiểu do gia súc bài tiết ra, giúp giảm việc mất đạm trong quá trình ủ phân. Chất độn chuồng còn giúp hấp phụ mùi hôi, tránh ruồi nhặng, làm đống phân tơi xốp, thoáng khí giúp vi sinh vật hoạt động tốt. Chất độn chuồng cung cấp nguồn chất thức ăn cac-bon cho các vi sinh vật phát triển. Mặt khác trong chất độn chuồng cũng có chất dinh dưỡng cho nên dùng nó độn chuồng sẽ tăng được số lượng và chất lượng phân chuồng.

- Phân rác: là phân được chế biến từ cỏ dại, rác, thân lá cây xanh, rơm rạ… ủ với một số phân men như phân chuồng, lân, vôi,…

- Phân xanh: là phân hữu cơ sử dụng các loại cây lá tươi bón ngay vào đất không qua quá trình ủ, do đó chỉ để bón lót. Cây phân xanh thường được dùng là cây họ đậu: điền thanh, muồng, bình linh, điên điển,…

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP Ủ PHÂN

1. Phương pháp ủ nóng (được áp dụng trong trường hợp phân có nhiều rác độn)

- Nơi ủ phân phải có nền không thấm nước, cao ráo, tránh ứ đọng nước mưa.

- Đầu tiên trải một lớp chất độn chuồng như rơm rạ hoặc cỏ khô dày khoảng 10 - 15 cm. Sau đó tiếp tục xếp lớp phân gia súc gia cầm dày khoảng 10- 20 cm hoặc ít hơn tuỳ số lượng phân chuồng. Tưới nước từng lớp cho đủ ẩm. Lượng tưới từ 20 - 40 ml nước cho một m3 đống ủ tuỳ ẩm độ của chất độn chuồng và phân gia súc, gia cầm. Sau đó xếp lớp thứ hai tương tự như vậy đến khi đống phân đạt chiều cao khoảng 1m - 1,5m, bề rộng tuỳ nền phân to nhỏ. Sau khi đạt kích thước thích hợp, cần phủ một lớp đất bột hay trét bùn để tránh sự mất đạm. Cần phủ thêm một lớp rơm rạ, cỏ rác hoặc có thể làm mái che để tránh mưa, nắng làm tổn hại đến chất lượng đống phân hoặc có thể phủ bạt nhựa đậy lại. Phân được xem là không thừa nước nếu nước chỉ hơi rịn ra một ít sau khi vắt mạnh phân. Có thể kiểm tra độ ẩm bằng cách dùng cây để lấy phân ở dưới sâu kiểm tra hoặc nếu cho tay vào đống phân thấy nóng tức là phân đủ ẩm, quá trình phân hủy phân đang diễn ra tốt.

- Trong suốt quá trình ủ cần đảo phân ít nhất 1 - 2 lần vào giai đoạn 20 và 40 ngày sau khi ủ để phân được hoai đều. Trong quá trình ủ theo phương pháp này, phân phân giải rất nhanh, nhiệt độ tăng cao (có khi lên đến 70 - 80°C). Ủ nóng có ưu điểm là phân chóng hoai, diệt được hạt cỏ dại, các vi khuẩn đường ruột, đảm bảo được vệ sinh, nhưng nhược điểm cơ bản là do nhiệt độ cao trong quá trình ủ nên đạm bị mất đi nhiều. Thời gian ủ phân theo phương pháp này ngắn khoảng 1,5 - 2 tháng.

2. Phương pháp ủ chặt (ủ lạnh) (được áp dụng trong trường hợp thiếu rác độn)

Chất độn chuồng và phân lấy trong chuồng ra được xếp thành từng lớp và được nén chặt ngay, tưới nước, làm tiếp tục như vậy đến khi đống phân đạt chiều cao thích hợp, cao khoảng 1 - 1,5m. Sau đó trét bùn hoặc phủ bên trên thêm một lớp cỏ, rơm rạ khô, hoặc phủ bạt nhựa. Phương pháp ủ này có ưu điểm là ít mất đạm, nhưng phân lâu hoai, thời gian ủ dài từ 3 - 6 tháng. Chất độn chuồng có thể được thêm vào tuỳ số lượng sẵn có để hút nước tránh bốc mùi và cũng được nén chặt lại.

3. Phương pháp hỗn hợp (ủ nóng trước, ủ nguội sau)

Cho phân xếp thành từng lớp, xen kẽ là lớp chất độn chuồng, không nén chặt, khi nào thấy nhiệt độ lên cao khoảng 50 - 60°C (cho tay vào thấy nóng) thì nén chặt lại, lớp phân sau cũng tiếp tục làm như vậy, khi nào cao được khoảng 1 - 1,5m thì nén chặt lại và phủ rơm rạ lên trên. Phương pháp này khắc phục được nhược điểm của 2 phương pháp trên, vừa nhanh vừa đỡ mất đạm. Thời gian ủ phân từ 2-3 tháng.

Trong khi ủ cần chú ý mấy nguyên tắc sau đây:

- Đống phân ủ phải đủ ẩm do đó cần tưới bổ sung nước khi phân bị khô

- Phải ủ phân trên nền không thấm nước và có mái che.

- Phải đảo trộn phân trong quá trình ủ.

IV. CÁCH Ủ PHÂN CHUỒNG VỚI PHÂN LÂN

Ủ phân chuồng với phân lân có các mặt lợi sau:

- Lân là thức ăn cần thiết cho vi sinh vật mà trong phân chuồng và chất độn chuồng thường ít chất lân, do đó thêm lân vào làm tăng cường hoạt động của vi sinh vật, giúp phân chóng hoai.

- Chất canxi trong phân lân sẽ trung hoà được các chất chua tiết ra trong quá trình phân hủy giúp vi sinh vật phát triển thuận lợi.

- Do các chất acid chua tiết ra trong quá trình phân giải làm hoà tan dạng lân khó tan thành lân dễ hữu dụng cho cây trồng

- Lân giữ được đạm trong quá trình phân giải không bị bay mất.

- Chất lượng phân chuồng gia tăng do có bổ sung lân và ít mất đạm.

Do đó nên rải thêm phân lân cho mỗi lớp phân ủ. Tỉ lệ trộn thêm phân lân super là 2 kg cho mỗi 100 kg phân chuồng, hoặc 4-5 kg phân phosphorit hoặc apatit cho mỗi 100 kg phân chuồng.

V. PHƯƠNG PHÁP Ủ NÓNG XẾP LỚP CÓ CHỦNG NẤM TRICHODERMA

(Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp phân có nhiều rác độn)

* Giai đoạn 1: chuẩn bị đống phân ủ

- Trước tiên, có thể trải lót nền đất ủ bằng tấm ni lông để chất dinh dưỡng trong phân không bị thấm vào đất trong quá trình ủ. Sau đó rải một lớp chất độn chuồng là những chất thường có chứa hàm lượng chất carbon cao như rơm rạ, cỏ vườn để khô, xác mía, bã bùn, vv…, dày khoảng 1 tấc. Chủng nấm Trichoderma vào lớp độn chuồng ở liều lượng 10 - 20g chế phẩm /m3 chất độn chuồng; bằng cách pha chế phẩm vi sinh Tricô vào nước. Liều lượng pha là khoảng 1 muỗng cà phê 5g/10-20 lít nước. Sau đó tưới nước có chủng nấm vào lớp độn chuồng đến ẩm độ khoảng 60%. Nước tưới cần đủ ẩm, bà con có thể kiểm tra bằng cách vắt mạnh, có thể rịn ít nước. Sau đó cho thêm vào một lớp phân gia súc, gia cầm; có thể dày khoảng 1 - 2 tấc hoặc ít hơn tuỳ số lượng phân chuồng.

- Tiếp tục xếp lớp chất độn chuồng, tưới nước có chủng nấm và trải lớp phân gia súc, gia cầm đến khi đống phân đạt kích thước 1-1,5 m. Sau khi đạt kích thước thích hợp, cần phủ thêm một lớp rơm rạ, cỏ rác và đậy lại bằng tấm bạt nhựa đục hoặc có thể làm mái che để tránh mưa, nắng làm tổn hại đến chất lượng đống phân.

* Giai đoạn 2: Giai đoạn ủ và đảo trộn

- Đống phân bắt đầu phân hỦy khi nhiệt độ gia tăng từ từ sau 2-3 ngày ủ, nhiệt độ có thể tăng 60-70°C sau ủ khoảng 1-2 tuần. Sau 15-20 ngày ủ, thể tích đống phân ủ giảm khoáng 20-25%. Có thể kiểm tra tình trạng phân hỦy phân bằng cách cho tay vào kiểm tra, nếu thấy đống phân phát nhiệt thì phân đang phân hỦy tốt.

- Sau 2-3 tuần ủ cần giở bạt để đảo phân, giúp phân được phân hỦy đồng đều.

- Tưới nước bổ sung hàng tuần trên lớp mặt. Kiểm tra lượng nước vừa đủ ẩm để tránh tưới quá thừa nước. Thông thường trong điều kiện phủ bạt nhựa, đống phân ít bị mất nước, chỉ cần tưới bổ sung nước trên lớp phân mặt là đủ.

* Giai đoạn 3: Phân phân hỦy hoàn toàn

Phân được xem là phân hỦy hoàn toàn khi đống phân ủ không còn nóng. Thời gian để phân phân hủy hoàn toàn có thể từ 1,5-2 tháng. Sau 1,5-2 tháng ủ, phân sẵn sàng để sử dụng.

* Các điểm cần chú ý

- Việc chủng thêm nấm Trichoderma vừa có tác dụng giúp phân chóng hoai vừa có tác dụng bổ sung nguồn nấm đối kháng các bệnh từ đất.

- Cần duy trì ẩm độ đống phân thích hợp trong quá trình ủ. Quá khô hoặc quá ẩm đều làm phân chậm phân hủy.

- Khi quá trình ủ tốt, vi sinh vật phân giải chất hữu cơ sẽ phóng thích một lượng nhiệt ra bên ngoài , nhiệt độ có thể đạt 60 - 70°C trong thời gian 3 - 4 tuần, nên rất có lợi là có thể giết được các loài nấm bệnh gây hại cho cây trồng , cho cả gia súc và người. Đống phân ủ phát nhiệt chứng tỏ vi sinh vật đang hoạt động mạnh, quá trình phân hỦy đang diễn ra mạnh.

- Phân cần phải ủ trước khi sử dụng. Việc để khô phân ngoài nắng ngoài việc mất chất dinh dưỡng có thể gây tổn hại cho cây nếu phân chưa phân hủy hoàn toàn, khi bón phân vào đất, tưới nước có thể làm cho phân tiếp tục phân hỦy gây tổn hại cho rễ cây trồng, có thể không diệt được các mầm bệnh do nhiệt độ đống ủ không đủ cao.

- Trong trường hợp ít rác độn, phân bị nén chặt, không có không khí, phân có thể phân hỦy chậm, nhiệt độ khi phân hủy thấp, có ưu điểm là ít mất đạm, nhưng không giết được các mầm bệnh và thời gian hoai chậm.

- Cần ủ phân trên nền không thấm nước và có mái che, phủ bạt để tránh làm chất dinh dưỡng bị rửa trôi, thấm xuống đất hoặc bị bốc hơi mất đi.

- Cần đảo trộn phân ít nhất một lần trong quá trình ủ để phân phân hủy đồng đều và chóng hoai.

- Có thể ủ trộn thêm phân lân để làm tăng cường hoạt động của vi sinh vật, giúp phân chóng hoai. Chất canxi trong phân lân sẽ trung hoà được các chất chua tiết ra trong quá trình phân hủy giúp vi sinh vật phát triển thuận lợi. Do các chất acid chua tiết ra trong quá trình phân giải làm hoà tan dạng lân khó tan thành lân dễ hữu dụng cho cây trồng. Lân giữ được đạm trong quá trình phân giải không bị bay mất. Chất lượng phân chuồng gia tăng do có bổ sung lân và ít mất đạm. Do đó, nên rải thêm phân lân cho mỗi lớp phân ủ. Tỉ lệ trộn thêm phân lân super là 2 kg cho mỗi 100 kg phân chuồng, hoặc 4-5 kg phân phosphorit hoặc apatit cho mỗi 100 kg phân chuồng./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 63/KH-UBND ngày 20/03/2019 về phòng, chống hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi tỉnh Đồng Tháp giai đoạn từ năm 2019-2021

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.229

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.197.212
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!