Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 322/QĐ-UBND 2017 phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số Kon Tum

Số hiệu: 322/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Trần Thị Nga
Ngày ban hành: 19/04/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 322/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 04 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Xét đề nghị của Trưởng ban Dân tộc tại Tờ trình số 10/TTr-BDT ngày 11 tháng 4 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Dân tộc tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT HĐND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các sở, ban, ngành liên quan;
- Các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, KGVX1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Quyết định số: 322/QĐ-UBND ngày 19/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

ĐẶT VẤN ĐỀ

1. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở Bắc Tây Nguyên, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Toàn tỉnh có 10 huyện, thành phố với 102 xã, phường, thị trấn, 874 thôn, làng, tổ dân phố; trong đó: có 61 xã và 50 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn được đầu tư Chương trình 135 giai đoạn III. Có 02 huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ (Kon Plong, Tu Mơ Rông) và 3 huyện mới được Chính phủ cho hưởng cơ chế của Nghị quyết 30a (Đắk Glei, Kon Rẫy, Sa Thầy), có 13 xã biên giới1. Dân số toàn tỉnh 495.876 người, trong đó DTTS chiếm 53,25% tổng dân số toàn tỉnh, với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê (Hre); có 4 tôn giáo chính gồm Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa và biên giới địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, có hơn 66,2% dân cư sinh sống ở vùng nông thôn; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, đời sống về vật chất và tinh thần còn nhiều hạn chế.

Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ tại tỉnh Kon Tum từ xa xưa do nhu cầu của cuộc sống đã xuất hiện những nghề truyền thống nổi tiếng và độc đáo như: dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, nấu rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm, ... Nghề truyền thống đã vun đắp hội tụ được các nghệ nhân tài trí sáng tạo, những bàn tay vàng, khéo léo làm ra những sản phẩm thủ công tinh xảo, hoàn mỹ vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị thẩm mỹ, văn hóa; đồng thời; mỗi một nghề, một sản phẩm vừa có giá trị làm ra vật dụng, vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của các DTTS tại chỗ tại tỉnh Kon Tum. Những sản phẩm đó được những bàn tay, khối óc người thợ gửi gắm vào đó những phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng. Chính vì vậy, sản phẩm nghề truyền thống là sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, sự thay đổi của xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa, toàn cầu hóa; sự phát triển của kinh tế thị trường đã xâm nhập sâu vào từng thôn, làng, hộ gia đình của người DTTS, do tác động đến đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, phong tục tập quán của đồng bào, từ đó ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của các nghề truyền thống, một số nghề có giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một.

Do đó, cần có một chương trình tổng thể nhằm định hướng cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các DTTS tại chỗ; tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị, các địa phương căn cứ tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả: kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực để phát triển nghề, đào tạo nghề cho lao động DTTS tại chỗ, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Kon Tum2. Vì vậy, việc xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chợ trên địa bàn tỉnh Kon Tum" là rất cần thiết.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/02/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

- Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công;

- Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”;

- Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020;

- Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020;

- Quyết định số 123/2014/QĐ-TTg ngày 25/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ;

- Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015;

- Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng;

- Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện một số nội dung tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ;

- Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài Chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ;

- Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 8/11/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Kon Tum đến năm 2020;

- Quyết định số 17/2016/QĐ-UBND ngày 13/5/2016 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt danh mục đào tạo, mức chi phí đào tạo cho từng nghề, mức hỗ trợ đối với từng nhóm đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

- Kế hoạch số 1285/KH-UBND ngày 29/5/2014 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

III. CƠ SỞ THỰC TIỄN

Sự tồn tại và phát triển của nghề truyền thống của các DTTS lại chỗ đã khẳng định vị thế và vai trò của nó trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể đã cho thấy sự phát triển của các nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ vẫn chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế. Thể hiện rõ nhất là sự mai một và thậm chí biến mất của một số nghề truyền thống mà đã được cha ông gìn giữ từ hàng nghìn đời nay. Song song, đó là tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và lạc hậu trong hoạt động sản xuất; hậu quả là chất lượng sản phẩm nghề truyền thống chưa đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng, chưa hấp dẫn khách du lịch, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường kém, tính ổn định của sản phẩm không cao, Điều này đã cho thấy việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là nơi lưu trữ và thể hiện những nét riêng biệt của một nền văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của các DTTS tại chỗ; góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập; nghề truyền thống tạo ra sự phát triển hài hòa giữa sản xuất và bảo vệ môi trường; nghề truyền thống là một trong những yếu tố quan trọng hấp dẫn sự tìm hiểu và khám phá của du khách, phát triển du lịch...

Việc giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc trong sản phẩm truyền thống chưa được coi trọng; một bộ phận giới trẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hiện nay có trào lưu học hỏi theo hướng hiện đại, chưa có ý thức trong việc sử dụng, lưu giữ những sản phẩm và học hỏi cách làm nghề truyền thống của ông cha để lại.

Mặt khác, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có một chương trình tổng thể hoặc một đề án riêng nào để định hướng cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ TỈNH KON TUM

1. THỰC TRẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ

Theo số liệu điều tra, khảo sát năm 2015 của các cấp, các ngành về nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum có các nghề như: dệt thổ cẩm; rèn; đan lát; làm rượu cần; chế tác nỏ; chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống; đẽo thuyền độc mộc; tạc tượng; gốm.. với khoảng 2.220 người có tâm huyết đang tham gia hoạt động nghề truyền thống tại 9 huyện, thành phố3

1. Công tác bảo tồn nghề truyền thống của DTTS tại chỗ trong thời gian qua

1.1. Số nghề truyền thống và số người đang hoạt động làm nghề truyền thống4

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có những nghề truyền thống chủ yếu đó là: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, rèn, chế tác nỏ, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, gốm, tạc tượng và có 2.220 người đang hoạt động làm nghề truyền thống5. Cụ thể, tại các huyện, thành phố như sau:

1.1.1. Đối với nghề dệt thổ cẩm

1.1.1.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

- Các DTTS tại chỗ như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giè-Triêng còn duy trì nghề dệt thổ cẩm tại các địa phương: Thành phố Kon Tum (các phường: Thắng Lợi, Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Mây, Thống Nhất, Trường Chinh: các xã Đăk Rơ Wa, Ngọk Bay, Vinh Quang, Kroong, la Chim, Đăk Năng, Chư H'Reng, Đăk Blà, Đăk Cẩm, Đoàn Kết, Hòa Bình); Đăk Hà (Thị trấn Đăk Hà, Đăk La, xã Đăk Hring, Đăk Ngọk); Đăk Tô (các xã Diên Bình, Văn Lem, Đăk Trăm): Ngọc Hồi (các xã Đăk Dục, Bờ Y); Đăk Glei (các xã Đăk Môn, Đăk Pét, Đăk Nhoong); Kon Rầy (các xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, Đăk Pne); Kon Plông (xã Hiếu, Măng Bút); Sa Thầy (Thị trấn Sa Thầy; các xã Ya Xiêr, Sa Sơn, Rờ Kơi); Tu Mơ Rông (xã Măng Ri).

- Sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm chủ yếu là tấm vải để may trang phục truyền thống của các DTTS tại chỗ như khăn choàng (tấm đồ), chăn đắp, tấm địu để cõng con; làm của hồi môn cho con cái đi lấy chồng, cho, tặng và phục vụ cho số ít khách du lịch. Giá trị sản phẩm khoảng 0,5 triệu - 1,3 triệu đồng/ tấm vải; khăn choàng, tấm địu con khoảng từ 0,1 triệu đồng-0,4 triệu đồng/cái; Nghề dệt chủ yếu thực hiện theo phương thức tự học hỏi, người sau học người trước. Số lượng thanh niên biết làm hiện nay tương đối ít, chủ yếu biết dệt đơn giản, hoa văn khó thì không tự dệt được.

Riêng tại làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy hiện nay nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Rơ Măm đã có nguy cơ bị mai một, thất truyền do không còn nghệ nhân duy trì sản xuất sản phẩm dệt thổ cẩm mang họa tiết văn hóa của đồng bào dân tộc Rơ Măm.

1.1.1.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề dệt thổ cẩm tại các địa phương: Thành phố Kon Tum có 85 người; Đăk Hà có 9 người; Đăk Tô có 10 người; Ngọc Hồi có 46 người; Đăk Glei có 24 người; Tu Mơ Rông có 7 người; Kon Rẫy có 62 người; Kon Plông có 18 người; Sa Thầy có 51 người.

1.1.2. Đối với nghề đan lát

1.1.2.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

- Các DTTS tại chỗ như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié-Triêng, Hrê (Hre) còn duy trì nghề đan lát tại các địa phương: Thành phố Kon Tum (Phường Thắng Lợi, xã Đăk Rơ Wa): Đăk Hà (Thị trấn Đăk Hà; các xã: Đăk La, Đăk Hring, Đăk Ngọk, Ngọk Réo, Đăk Mar): Đăk Tô (Thị trấn Đăk Tô: các xã Diên Bình, Đak Rơ Nga, Văn Lem, Đăk Trâm, Tân Cảnh, Kon Đào, Ngọc Tụ): Ngọc Hồi (các xã Đăk Dục, Đăk Ang): Đăk Glei (các xã Đăk Man, Đăk Pét, Đăk Nhoong): Kon Rẫy (các xã Tân Lập, Đăk Tơ Lung, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, Đăk Pne, Đăk Kôi); Kon Plong (các xã Măng Cành, Xã Hiếu, Ngọc Tem, Măng Bút, Đăk Long, Đăk Tăng, Đăk Ring, Pờ Ê); Sa Thầy (các xã Ya Xiêr, Mô Rai, Rờ Kơi): Tu Mơ Rông (các xã: Đăk Tờ Kan; Đăk Rơ Ông; Đăk Sao; Đăk Na; Đăk Hà; Tu Mơ Rông; Văn Xuôi; Ngọc Yêu; Ngọc Lây; Tê Xăng; Măng Ri).

- Sản phẩm được làm ra chủ yếu là gùi, nia, thúng.... chủ yếu được sử dụng trong cuộc sống thường ngày và làm vật dụng đồ cúng thần linh trong lễ hội của làng; lễ vật cưới hỏi hoặc được bày bán trong làng. Giá trị sản phẩm khoáng từ 0,05 triệu-0,7 triệu đồng/cái (tùy từng loại). Nghề đan lát cùng chủ yếu thực hiện theo phương thức tự học hỏi, người sau học người trước, số lượng thanh niên biết làm hiện nay tương đối ít, chủ yếu biết làm đơn giản, khâu hoàn thiện sản phẩm chủ yếu người già làm.

1.1.2.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề đan lát tại các địa phương: Thành phố Kon Tum có 11 người; Đăk Hà có 21 người; Đăk Tô có 147 người; Ngọc Hồi có 30 người; Đăk Glei có 102 người; Kon Rẫy có 113 người; Kon Plông có 100 người; Sa Thầy có 46 người.

1.1.3. Đối với nghề làm rượu cần

1.1.3.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

- Các DTTS tại chỗ như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giè-Triêng còn duy trì nghề làm rượu cần tại các địa phương: Thành phố Kon Tum (Phường Thắng Lợi); Đăk Hà (Thị trấn Đăk Hà, xã Đăk Ngọk); Đăk Tô (Thị trấn Đăk Tô; các xã Diên Bình, Đăk Rơ Nga, Văn Lem, Đăk Trâm, Tân Cảnh, Kon Đào, Ngọc Tụ); Đăk Glei (Thị trấn Đăk Glei: xã Đăk Nhoong; Đăk Kroong; Ngọc Linh; Xốp; Đăk Choong; Đăk Pét; Đăk Môn; Đăk Man; Mường Hoong; Đăk Blô; Đăk Long); Kon Rầy (các xã Tân Lập, Đăk Tơ Lung, Đăk Ruồng, Đăk Pne, Đăk Kôi); Kon PIong (các xã Măng Cành, Xã Hiếu, Ngọc Tem, Măng Bút, Đăk Long, Đăk Tăng, Đăk Ring); Sa Thầy (các xã Ya Xiêr, Mô Rai, Rờ Kơi).

- Sản phẩm được làm ra là rượu cần với nhiều loại khác nhau, bằng nguyên liệu mì, lúa, bo bo, nếp than,.. chủ yếu được sử dụng cúng Yàng, lễ hội của làng, lễ cưới, đám ma, làm nhà, tiếp khách; lễ nghi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; buôn bán nhỏ, lẻ hoặc theo đơn đặt hàng. Giá trị sản phẩm khoảng từ 0,3- 1 triệu đồng/ghè (tùy thuộc vào ghè nhỏ hay lớn), số lượng người làm nghề làm rượu hiện nay tương đối nhiều, hầu như các gia đình tại các làng đồng bào DTTS tại chỗ đều biết làm sản phẩm này,

1.1.3.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề làm rượu cần tại các địa phương: Thành phố Kon Tum có 157 người: Đăk Hà có 9 người; Đăk Tô có 343 người; Đăk Glei có 6 người; Kon Rẫy có 40 người; Kon Plông có 44 người; Sa Thầy có 385 người.

1.1.4. Nghề rèn

1.1.4.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

- Các DTTS tại chỗ như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, còn duy trì nghề rèn tại các địa phương: Đăk Hà (xã Ngok Réo); Đăk Glei (các xã Đăk Man, Đăk Pét, Đăk Nhoong); Kon Rầy (các xã Tân Lập, Đăk Tơ Lung, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, Đăk Pne, Đăk Kôi); Kon Plong (các xã Măng Cành, Xã Hiếu, Ngọc Tem, Măng Bút); Sa Thầy (xã Mô Rai); Tu Mơ Rông (các xã; Đăk Tờ Kan; Đăk Rơ Ông; Đăk Sao; Đăk Nơ; Đăk Hà; Tu Mơ Rông; Văn Xuôi; Ngọc Yêu; Ngọc Lây; Tê Xăng; Măng Ri).

- Sản phẩm được làm ra chủ yếu là rìu, dao, rựa, cuốc,... được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày (bổ củi; sản xuất nương rẫy hoặc săn bắt), tại các lễ hội của làng và buôn bán, trao đổi nhỏ, lẻ trong làng. Giá trị sản phẩm tùy thuộc vào từng loại sản phẩm: dao 0,1 triệu đồng/cái; rựa 0,3 triệu đồng/cái; cuốc 0,5 triệu đồng/cái. Số lượng người làm nghề rèn hiện nay tương đối ít, chủ yếu là người già trong làng.

- Hiện nay, nghề rèn lại hầu hết các làng đồng bào DTTS không còn duy trì sản xuất do nguyên liệu tự nhiên không còn để sản xuất: đồng thời, thu nhập từ nghề thấp, số lao động làm nghề truyền thống không ổn định, lớp trẻ không mặn mà với nghề. Mặt khác, các sản phẩm từ nghề rèn được thay thế bằng sản phẩm sản xuất công nghiệp có chất lượng tốt, nhiều chủng loại, mẫu mã.

1.1.4.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề rèn tại các địa phương: Đăk Hà có 3 người; Đăk Tô có 12 người; Đăk Glei có 48 người; Kon Rẫy có 29 người; Kon Plông có 10 người; Sa Thầy có 14 người.

1.1.5. Nghề chế tác nỏ

1.1.5.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

- Các DTTS tại chỗ như Xơ Đăng, Ba Na, Gie-Triêng, Hrê (Hre) còn duy trì nghề chế tác nỏ tại các địa phương: Thành phố Kon Tum (Phường Thắng Lợi; các xã Đăk Rơ Wa, la Chim, Đăk Năng); Đăk Tô (các xã Văn Lem, Đăk Trâm, Kon Đào); Đăk Glei (xã Đăk Nhoong); Kon Rẫy (các xã Tân Lập, Đăk Ruồng, Đăk Pne, Đăk Kôi); Kon Plong (xã Ngọc Tem, Pờ Ê).

- Sản phẩm chủ yếu được sử dụng tại các lễ hội tại làng như thi bắn nỏ; trang trí; săn bắn và được bán nhỏ, lẻ theo đơn đặt hàng. Giá trị sản phẩm khoảng từ 0,6-1,5 triệu đồng/cái. Số lượng người làm nghề chế tác nỏ hiện nay còn rất ít chủ yếu là người già trong làng.

1.1.5.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề chế tác nỏ tại các địa phương: Thành phố Kon Tum có 2 người; Đăk Tô có 8 người; Đăk Glei có 6 người; Kon Rẫy có 27 người; Kon Plông có 10 người.

1.1.6. Nghề chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống

1.1.6.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

- Các DTTS tại chỗ như Xơ Đăng, Ba Na, Giè-Triêng còn duy trì nghề chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống tại các địa phương: Thành phố Kon Tum (phường Thắng Lợi, xã Đăk Rơ Wa); Đăk Hà (Thị trấn Đăk Hà; các xã Đăk La, Đăk Hring, Đăk Ngọk, Ngọk Réo, Đăk Mar, Đăk Pxi, Đăk Long, Đăk Ui, Ngọk Wang); Đăk Tô (các xã Đăk Rơ Nga, Văn Lem, Đăk Trăm, Kon Đào); Ngọc Hồi (các xã Đăk Dục, Đăk Xú); Đăk Glei (xã Đăk Pét); Kon Rẫy (các xã Tân Lập, Đăk Ruồng. Đăk Pne).

- Sản phẩm được làm ra là các nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ, điển hình như các nhạc cụ đàn T’rưng, Ting Ning loại 8 dây hoặc 10 dây (8 dây loại hát dân ca cho người Ba Na; 10 dây dùng cho cồng chiêng) Klong Put....Giá trị sản phẩm khoảng từ 0,5-2triệu đồng/cái (tùy thuộc vào mỗi loại nhạc cụ khác nhau).

- Hiện nay, nghề chế tạo nhạc cụ dân tộc cũng có nguy cơ bị mai một, thất truyền do các nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS ít có cơ hội sử dụng trong cuộc sống cũng như tại các lễ hội truyền thống. Bên cạnh đó, số lượng người biết chế tác nhạc cụ truyền thống còn rất ít, chủ yếu là các cụ già trên 70 tuổi trong làng; đồng thời, thu nhập từ nghề thấp, số người làm nghề truyền thống không ổn định, lớp trẻ không mặn mà với nghề,...

1.1.6.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống tại các địa phương: Thành phố Kon Tum có 5 người; Đăk Hà có 79 người; Đăk Tô có 14 người; Ngọc Hồi có 3 người; Đăk Glei có 1 người; Kon Rẫy có 8 người; Sa Thầy có 14 người.

1.1.7. Nghề đẽo thuyền độc mộc

1.1.7.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

- Các DTTS tại chỗ như Xơ Đăng, Ba Na còn duy trì nghề đẽo thuyền độc mộc tại các địa phương: Thành phố Kon Tum (phường Thắng Lợi, các xã Đăk Rơ Va, Ngọk Bay, Vinh Quang, Kroong); Đăk Tô (các xã Diên Bình, Đăk Trâm); Kon Rẫy (xã Đăk Ruồng); Sa Thầy (xã Ya Xiêr).

- Sản phẩm được làm ra là chiếc thuyền độc mộc với nhiều loại kích thước khác để làm được sản phẩm này thì yêu cầu vào tận rừng sâu tìm các cây gỗ lớn từ 30-40 năm, chiều dài cả chục mét, loại gỗ thường là sao xanh, gỗ lim, Gỗ Breng nhưng tốt nhất là được loại Gỗ Hơmal yêu cầu khi đẽo thuyền phải có một nhóm thợ từ 5-7 người là các thanh niên có sức khỏe, có tay nghề,... Hiện nay, việc đẽo được một chiếc thuyền độc mộc rất khó khăn, nguyên liệu để làm thuyền ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, lớp người biết đóng thuyền chủ yếu là người già, số lượng thanh niên hiện nay thì không học nghề nên nghề này có khả năng bị mai một và thất truyền.

1.1.7.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề đẽo thuyền độc mộc tại các địa phương: Đăk Tô có 7 người; Kon Rẫy có 4 người; Sa Thầy có 8 người.

1.1.8. Nghề tạc tượng

1.1.8.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

- Các DTTS tại chỗ như Ba Na, Gia Rai còn duy trì nghề tạc tượng tại các địa phương: Thành phố Kon Tum (phường Thắng Lợi; các xã Đăk Rơ Wa, Ngọk Bay, Vinh Quang, Kroong): Kon Rẫy (xã Đăk Tơ Re): Sa Thầy (xã Ya Xiêr, Mô Rai).

- Những chủ đề của sản phẩm tạc tượng thường thiên về sinh hoạt đời thường, thiên nhiên, về hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng,.. Hiện nay, số người còn duy trì nghề này rất ít, chủ yếu là người già trong làng và đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

1.1.8.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề tạc tượng tại các địa phương: Thành phố Kon Tum có 3 người; Kon Rẫy có 2 người; Sa Thầy có 34 người.

1.1.9. Nghề gốm

1.1.9.1. Số lượng các DTTS giữ nghề truyền thống tại các địa phương

Các DTTS tại chỗ như Ba Na, Gié-Triêng (nhánh Gié) còn duy trì nghề gốm và chỉ còn tồn tại ở huyện Đăk Glei (xã Đăk Pét) và huyện Kon Rẫy (xã Đăk Tờ Re). Sản phẩm của nghề này chủ yếu là chén bát, nồi nấu cơm, nồi hong xôi, chóc đựng nước, ghé làm rượu,...Hiện nay, số người còn duy trì nghề này rất ít và đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền,

1.1.9.2. Số người đang hoạt động làm nghề truyền thống

Số người làm nghề gốm hiện nay rất ít (huyện Đăk Glei: 01. Kon Rẫy: 03).

1.2. Sản lượng của nghề truyền thống

Sản phẩm làm ra từ các nghề truyền thống chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, dùng trong gia đình, chưa phát triển rộng rãi, chưa có đơn đặt hàng lâu dài, công lao động nhiều nhưng giá trị thấp, dẫn đến việc sản xuất không thường xuyên; lao động chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi. Vì vậy, số lượng sản phẩm còn ít, chưa đa dạng, phát triển còn ở mức khiêm tốn6.

1.3. Số xã có nghề truyền thống và hiện nay còn giữ được nghề truyền thống

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 85 xã, phường, thị trấn còn giữ được nghề truyền thống (trừ huyện la H'Đrai), cụ thể như sau:

- Thành phố Kon Tum: gồm 17 xã, phường (các phường: Thắng Lợi, Quang Trung, Lê Lợi, Ngô Mây, Thống Nhất, Trường Chinh; các xã Đăk Rơ Va, Ngọk Bay, Vinh Quang, Kroong, la Chim, Đăk Năng, Chư H'Reng, Đăk Bla, Đăk Cẩm, Đoàn Kết, Hòa Bình)

- Huyện Đăk Hà: gồm 9 xã 1 thị trấn (Thị trấn Đăk Hà, các xã Đăk Ngọk, Đăk Long, Đăk La, Ngọk Wang, Ngọk Réo, Đăk Hring, Đăk Pxi, Đăk Ui).

- Huyện Đăk Tô: Gồm 7 xã 1 thị trấn (Thị trấn Đăk Tô, các xã Ngọc Tụ, Diên Bình, Đăk Rơ Nga, Văn Lem, Đăk Trăm, Tân Canh, Kon Đào).

- Huyện Ngọc Hồi: gồm 4 xã (Đăk Dục, Bờ Y, Đăk Ang, Đăk Xú)

- Huyện Đăk Glei gồm 12/12 xã có nghề truyền thống.

- Huyện Tu Mơ Rông: 11/11 xã có nghề truyền thống.

- Huyện Kon Rẫy: 7/7 xã có nghề truyền thống

- Huyện Kon Plông: gồm 7 xã (Măng Cành, Hiếu, Ngọc Tem, Mang Bút, Đăk Long, Đăk Tăng, Đăk Ring, Pờ E).

- Huyện Sa Thầy: gồm 4 xã, 1 thị trấn (Thị trấn Sa Thầy, các xã Ya Xiêr, Sa Sơn, Mô Rai, Rờ Kơi).

1.4. Về quy mô, phân bố

- Quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình và mang tính tự phát, sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Hầu hết, các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh đều lưu giữ một số nghề truyền thống mang tính gia truyền và đang duy trì sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún.

- Các nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ làm hoàn toàn bằng thủ công được lưu truyền từ thời ông bà rất lâu đời, hầu hết đều chưa được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. Dưới tác động của kinh tế thị trường và với sự đa dạng, tiện ích của các sản phẩm công nghiệp. Bên cạnh đó, một thời gian dài nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ không được chú trọng đã làm mai một, thất truyền một số nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.

1.5. Về sử dụng lao động

1.5.1. Về lao động nghề truyền thống

Qua cuộc khảo sát các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh của các cấp, các ngành thì lao động tham gia sản xuất nghề truyền thống của các DTTS lại chỗ có trình độ thấp, hầu hết là lao động tại chỗ, lao động phổ thông và chưa được qua tập huấn, đào tạo và thường sản xuất sản phẩm trong những lúc nông nhàn, ở một số ngành nghề (dệt thổ cẩm, đan lát..,), trẻ em dưới độ tuổi lao động và người lớn tuổi đều có thể tham gia sản xuất. Nhìn chung, nguồn lao động cho nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ khá dồi dào, nhưng chất lượng lao động thấp, trình độ tay nghề không cao. Thời gian tới cần phải tập huấn, đào tạo và truyền nghề mới đáp ứng được mục tiêu của Đề án đề ra.

1.5.2. Về đào tạo nghề truyền thống

Qua cuộc khảo sát các nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh của các cấp, các ngành thì việc bảo tồn các nghề truyền thống chủ yếu được thực hiện theo phương thức kế truyền nghề, kế thừa từ người già truyền cho con, cháu, sản phẩm tạo ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong gia đình. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua tại các huyện, thành phố cùng có một số đơn vị đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, cụ thể như sau:

- Tại thành phố Kon Tum: Năm 2005, Trung tâm dạy nghề mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con tại phường Thắng Lợi; năm 2010, tổ chức GLMI của Nhật Bản đến hỗ trợ trang thiết bị để phục vụ cho bà con dệt thổ cẩm tại xã Đăk Rơ Wa nhưng hiện tại không còn hoạt động; năm 2013, mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con xã la Chim.

- Tại huyện Đắk Hà: Năm 2009, Trung tâm dạy nghề của huyện tổ chức 02 lớp với 47 người tại thôn Kon Trang, Long Loi, thị trấn Đăk Hà (trong đó 01 lớp dạy nghề đan lát cho 32 người: 01 lớp dệt thổ cẩm cho 15 người): tổ chức mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho bà con tại 2 xã Đắk La, Đắk Mar.

- Tại huyện Ngọc Hồi: Năm 2009, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có dạy chế tác nhạc cụ tại thôn Đăk Răng, Xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi 03 tháng về chế tác nhạc cụ dân tộc truyền thống: năm 2010. Ban Dân tộc có tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con ở thôn Đắk Mế xã Bờ Y (có 16 người tham gia); năm 2013, phòng Văn hóa huyện tổ chức dạy 3 lớp về dệt thổ cẩm ở xã Đắk Dục và có sử dụng những nghệ nhân ở trong làng để truyền nghề lại cho con cháu.

- Tại huyện Tu Mơ Rông: Năm 2015. huyện đã mở 01 lớp nghề dệt thổ cẩm cho 45 người tại xã Măng Ri.

Sau khi được tham gia các lớp đào tạo nghề, người học đã được tiếp cận kiến thức, biết các kỹ thuật nghề, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, người học nghề có trình độ văn hóa thấp, lớn tuổi, vừa học nghề vừa phải lao động sản xuất nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được chủ động, chưa có giải pháp đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, lao động tham gia học nghề truyền thống sau đào tạo nghề được giải quyết việc làm còn hạn chế.

1.6. Về thu nhập bình quân

Sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ chủ yếu sử dụng cho cuộc sống hàng ngày của bà con và phục vụ các lễ hội trong thôn; đồng thời, do công lao động chiếm quá lớn; nghệ nhân còn giữ nghề đa phần già, sức khỏe yếu; số lao động làm nghề truyền thống không ổn định, chủ yếu tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm các sản phẩm; hiệu quả về kinh tế không cao,...Tuy nhiên, các nghề truyền thống cũng có trao đổi, mua bán nhưng chưa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình sản xuất sản phẩm nghề truyền thống.Theo thống kê và khảo sát của các cấp, các ngành, thu nhập của các hộ làm nghề truyền thống rất thấp, khoảng từ 1.2 triệu đồng đến 2 triệu đồng/hộ/tháng. Cụ thể:

- Nghề dệt thổ cẩm thu nhập bình quân khoảng từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng;

- Nghề đan lát thu nhập bình quân khoảng từ 1,7 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng;

- Nghề rèn thu nhập bình quân khoảng từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng;

- Nghề làm rượu cần thu nhập bình quân khoảng từ 1,7 triệu đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng;

- Các nghề còn lại thu nhập bình quân rất thấp.

1.7. Về thị trường tiêu thụ

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và chưa chủ động được thị trường. Qua kết quả khảo sát của các cấp, các ngành cho thấy, sản phẩm được làm ra chủ yếu được sử dụng trong cuộc sống thường ngày, làm vật dụng do cúng thần linh trong các lễ hội của làng, lễ vật cưới hỏi hoặc được buôn bán nhỏ, lẻ trong cộng đồng làng; có một vài điểm du lịch được bán cho du khách đến tham quan. Nhìn chung, các sản phẩm nghề truyền thống chưa có khu quy hoạch tập trung, chưa có nơi trưng bày sản phẩm cố định.

1.8. Về mẫu mã

- Về mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống còn thô sơ, chủ yếu do tự thiết kế và tạo mẫu mã theo đơn đặt hàng của khách hàng; chưa có tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký chất lượng nên chất lượng sản phẩm chưa cao và thiếu tính ổn định.

- Về công nghệ và quy trình sản xuất chủ yếu là thuần túy thủ công và kết hợp giữa thủ công và máy móc.

1.9. Về nguồn nguyên liệu

Hiện nay, hầu hết nguồn nguyên liệu chủ yếu do hộ gia đình tự tạo hoặc dùng các nguyên liệu tự nhiên để làm ra các sản phẩm, nhưng nguồn nguyên liệu này ngày một cạn kiệt. Riêng nghề dệt thổ cẩm hiện nay bà con không còn trồng bông xe sợi như trước đây. Hiện nay nguyên liệu được lấy từ sợi bông công nghiệp; nghề làm rượu cần dù bà con sử dụng nguồn nguyên liệu từ thu hoạch các nông sản như lúa, sắn, bo bo. Như vậy, hầu hết các làng nghề chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, còn phụ thuộc vào thị trường nên số lượng, chất lượng chưa đảm bảo.

2. Công tác phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trong thời gian qua

Thực hiện Quyết định số 132/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. Tỉnh Kon Tum đã đề ra những chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nghề nông thôn, trong đó có nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ, cụ thể:

- Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 22/8/2006 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Đề án “Khôi phục, phát triển nghề và xây dựng làng nghề thủ công truyền thống - Đầu tư xây dựng khu sản xuất tập trung theo từng ngành nghề giai đoạn 2006-2010 tính đến 2015”.

- Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 17/12/2004 của UBND tỉnh Kon Tum về chính sách khuyến công áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 18/4/2012 của UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt các Đề án khuyến công địa phương (đợt 1),

- Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 8/11/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Kon Tum đến năm 2020,

Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc hướng dẫn người dân tiếp cận và vận dụng chính sách. Bên cạnh đó, ngân sách để triển khai thực hiện cũng là một vấn đề lớn. Tỉnh Kon Tum là địa bàn có nhiều nghề truyền thống nhưng ngân sách nhà nước hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và mở rộng sản xuất. Thời gian qua, một số ngành, địa phương đã có hỗ trợ kinh phí mở các lớp dạy nghề, các tổ, nhóm học nghề và hỗ trợ một số nguyên liệu, máy móc trong sản xuất nghề nhằm đào tạo và phát triển nghề truyền thống. Song do kinh phí còn hạn chế nên còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn.

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ

Trong những năm gần đây, tỉnh đã có những chính sách đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ7. Nhiều lễ hội của đồng bào được phục dựng, trong đó có các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, tạc tượng, điêu khắc; những điệu dân ca, dân vũ được sưu tầm, phát huy trong đời sống cộng đồng. Việc tổ chức các sự kiện là chuỗi các hoạt động nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS tại chỗ của tỉnh; đồng thời, giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào DTTS.

2. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập

Nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đã giải quyết được công ăn việc làm cho lao động trong những lúc nhàn rỗi tại vùng đồng bào DTTS. Sản phẩm nghề truyền thống tương đối đa dạng, góp phần phục vụ cho nhu cầu đời sống hàng ngày của bà con và một số ít có trao đổi, buôn bán nhỏ lẻ phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, có một số sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, rượu cần....có khả năng cạnh tranh với thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS nói riêng.

3. Hỗ trợ phát triển du lịch

Các điểm du lịch thường gắn kết với các sản phẩm nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần,...với những mặt hàng phong phú sẽ làm tăng chất lượng của các tour du lịch; đồng thời, đó cũng là cơ hội để quảng bá cho ngành du lịch. Trong những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng hơn đến việc gắn du lịch với tham quan làng nghề truyền thống để phát triển du lịch như xây dựng các làng nghề truyền thống, góp phần trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững.

Tóm lại: Với những kết quả đạt được trong những năm qua cho thấy việc bảo tồn và phát triển của các nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đã tích cực góp phần cải thiện, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào DTTS; góp phần đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tại chỗ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

III. HẠN CHẾ

1. Số người biết làm nghề truyền thống còn rất ít, chủ yếu người già hiện nay đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, thợ có tay nghề giỏi ít (dệt thổ cẩm, đan lát); lớp trẻ không mặn mà với nghề do thu nhập từ nghề thấp và phần lớn lao động chưa qua đào tạo; các nghề có nguy cơ mai một, thất truyền (nghề chế tác nỏ, chế tác nhạc cụ, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, làm gốm); nghề thất truyền (dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Rơ Măm).

2. Tổ chức sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, phân bố theo hộ gia đình; sản xuất thủ công, chậm đổi mới.

3. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ là tiềm năng, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn đó là sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, công tác thông tin, khai thác thị trường, mức độ chủ động tham gia thị trường của các sản phẩm nghề truyền thống còn rất hạn chế; sự liên kết giữa người đang có hoạt động nghề truyền thống với việc truyền nghề dạy nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

4. Là sản phẩm truyền thống nên sản phẩm ít sáng tạo, chất lượng không đồng đều; các sản phẩm nghề truyền thống hầu hết chưa có thương hiệu; các nghề truyền thống có xu hướng phát triển chậm, một số nghề truyền thống hiện nay đã dần bị mai một, thất truyền.

5. Việc gắn kết giữa phát triển du lịch và nghề truyền thống còn nhiều hạn chế, nhưng sản phẩm của nghề truyền thống gần như chưa được bày bán, giới thiệu và chưa có nơi trưng bày sản phẩm tại các điểm du lịch.

IV. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ

1. UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 nhưng các đơn vị, địa phương chưa phát huy hết vai trò nhiệm vụ được giao; các chính sách khuyết khích phát triển nghề thiếu vốn đầu tư và chưa được chú trọng, chưa tạo sự hấp dẫn nhà đầu tư.

2. Công tác tuyên truyền bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ chưa được quan tâm; sự biến đổi của xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa; sự phát triển của kinh tế thị trường; du nhập của văn hóa ngoại lai...đã ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS.

3. Công tác tiếp thị, thu hút đầu tư, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm (đầu ra sản phẩm) của nghề chưa được đầu tư đúng mức nên sản phẩm nghề truyền thống bị bó hẹp trong thị trường nội vùng và chịu giá trị kinh tế thấp.

4. Chất lượng đào tạo truyền nghề cho lao động nghề chưa đảm bảo chất lượng và chưa đúng nhu cầu công việc để phát triển nghề.

5. Quản lý nhà nước về ngành nghề nông thôn còn trùng lắp, chồng chéo nên sự phối hợp giữa các cơ quan chưa hiệu quả dẫn đến việc tham mưu và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện chưa kịp thời.

V. MỘT SỐ DỰ BÁO CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG

1. Phát triển sản phẩm nghề truyền thống

Phát huy những yếu tố truyền thống là một trong những tiềm năng cần khai thác một cách nghiêm túc để phát triển nghề truyền thống hiện nay và trong giai đoạn tới. Giữ gìn những công nghệ truyền thống, cải tiến mẫu mã mà không làm mất đi phong cách truyền thống, đảm bảo giá trị về thẩm mỹ, về chất lượng và duy trì các yếu tố văn hóa của sản phẩm để đảm bảo sự phát triển bền vững của nghề truyền thống.

2. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống

Dự kiến dân số của tỉnh Kon Tum đến năm 2020 là 556.784 người. Đây là thị trường lớn cho sản phẩm nghề truyền thống vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng trong tỉnh dùng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, cùng với việc phát triển du lịch, các sản phẩm nghề truyền thống được tiêu thụ mạnh mẽ thông qua lượng du khách tham quan du lịch (với trên 200 ngàn lượt khách du lịch). Nếu được kết hợp khai thác giữa du lịch và sản phẩm nghề truyền thống thì đây sẽ là tiềm năng rất lớn để mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Với tiềm năng và thế mạnh vùng nguyên liệu, triển vọng phát triển thì trong tương lai tỉnh Kon Tum có thể phát triển nghề truyền thống với các sản phẩm chính như: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu, chế tác âm nhạc truyền thống.

Phần thứ hai

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ

I. QUAN ĐIỂM

1. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của các DTTS tại chỗ theo hướng bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn và phát huy sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn nghề truyền thống, của các DTTS tại chỗ. Trong giai đoạn 2016-2020, tập trung ưu tiên việc bảo tồn là chủ yếu nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân, tạo tiền đề để tích hợp phát triển một số nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch cho các giai đoạn tiếp theo.

2. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên cơ sở phát triển phù hợp với quy hoạch tổng thể và phù hợp với phát triển nông nghiệp nông thôn vùng đồng bào DTTS và các phong tục, tập quán của từng vùng, từng DTTS góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng.

3. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ phải tích hợp gắn kết với các hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa tại chỗ, tăng giá trị sản phẩm nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng trong việc phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực, tạo thêm việc làm cho lao động là các DTTS tại chỗ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trong mỗi sản phẩm nghề truyền thống, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân và gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Kon Tum về “chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh....”8.

2. Mục tiêu cụ thể

- Bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp và phát huy giá trị văn hóa của 5 nghề truyền thống đang dần bị mai một như các nghề: rèn, chế tác nỏ, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm.

- Bảo tồn, khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Rơ Măm đang có nguy cơ bị thất truyền.

- Hỗ trợ bảo tồn và phát triển 04 nghề truyền thống có sản phẩm hàng hóa tham gia thị trường như nghề: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống.

- Tạo việc làm cho lao động vùng DTTS, góp phần nâng thu nhập cho lao động làm nghề truyền thống vùng DTTS đạt từ 3 đến 3,2 triệu đồng/tháng.

- Tỷ lệ lao động là người DTTS tại chỗ được đào tạo và biết làm nghề truyền thống khoảng 5%.

- Hỗ trợ phát triển nghề truyền thống gắn với các hoạt động tại Khu du lịch văn hóa, lịch sử Ngục Kon Tum; một số địa điểm có cảnh quan môi trường đẹp, điều kiện về giao thông tương đối thuận lợi, nằm ở các địa bàn có lợi thế phát triển du lịch để đầu tư xây dựng thành các điểm du lịch cộng đồng, tạo điểm đến cho khách du lịch đến tham quan, đặt hàng mua sản phẩm của nghề truyền thống.

III. PHẠM VI, QUY MÔ, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Áp dụng đối với các nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gie-Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê (Hre).

2. Quy mô

- Mở các lớp đào tạo nghề  truyền thống (dệt thổ cẩm và đan lát) cho lao động là các DTTS tại chỗ trên địa bàn các huyện, thành phố.

- Tổ chức hội nghị tại các huyện, thành phố để tuyên truyền, vận động các DTTS tại chỗ bảo tồn nghề truyền thống.

- Xây dựng sản phẩm truyền thống các nghề truyền thống (thực hiện làm phim tư liệu, kết hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc mô tả quy trình để tạo ra sản phẩm nghề truyền thống).

- Hỗ trợ khẩn cấp nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Rơ Măm bị mai một, thất truyền.

- Xây dựng 01 điểm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống.

- Tổ chức hỗ trợ quảng bá sản phẩm nghề truyền thống.

3. Đối tượng: Các hộ gia đình, các cơ sở, các hợp tác xã, các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống, nghề truyền thống trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ ngành nghề nông thôn.

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Bảo tồn nghề truyền thống

Bảo tồn nghề truyền thống là sự kế thừa và phát huy đội ngũ thợ làm nghề có tay nghề cao, có bàn tay khéo léo cùng với những bí quyết nghề quý giá: đồng thời, bảo tồn những nét độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi vùng, địa phương. Cụ thể:

- Tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất nghề truyền thống tại các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình tại 85 xã9 còn giữ được các nghề truyền thống. Chú trọng việc khôi phục, bảo tồn 5 nghề truyền thống (rèn, chế tác nỏ, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm) có nguy cơ bị mai một, thất truyền; đồng thời, tổ chức 20 hội nghị, các buổi nói chuyện chuyên đề, các cuộc họp thôn, họp các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức tự giác, khơi dậy ở họ lòng tự hào dân tộc đối với việc bảo tồn, lưu giữ các nghề truyền thống của dân tộc mình.

- Bảo tồn kỹ thuật sản xuất nghề thủ công truyền thống kết hợp với nghiên cứu cải tạo năng suất lao động cao nhưng vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa truyền thống đặc thù, tinh xảo của đồng bào các DTTS tại chỗ; hỗ trợ kinh phí để trang bị máy móc, công cụ, làm 9 bộ phim tư liệu kết hợp với việc áp dụng công nghệ thông tin trong mô tả các bước để tạo ra sản phẩm để bảo tồn, lưu giữ, tránh thất truyền nghề truyền thống.

- Tăng cường công tác thu thập, bảo tồn và lưu giữ những tư liệu về giá trị truyền thống, các sản phẩm từ nghề truyền thống để bảo tồn và lưu giữ lại điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ.

2. Phát triển nghề truyền thống

- Hỗ trợ kinh phí để phát triển 04 nghề truyền thống có sản phẩm hàng hóa tham gia thị trường (dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống): để đóng mới, cải tạo, nâng cấp khung dệt cho 312 hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm (khoảng 2.000.000 đồng/hộ):

- Hỗ trợ kinh phí mở các lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 300 lao động/02 nghề truyền thống là dệt thổ cẩm và đan lát (bình quân mỗi lớp 30 học viên) cho lớp thanh niên người dân tộc có cơ hội nối tiếp nghề truyền thống của ông cha để lại; đồng thời, để người có tay nghề, các nghệ nhân truyền dạy, đào tạo nghề truyền thống cho các thế hệ trẻ để có lớp người kế cận.

- Hỗ trợ kinh phí để xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống.

3. Phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch

Tiến hành khảo sát, phát triển các nghề truyền thống gắn với các điểm du lịch, trong đó tập trung tổ chức quảng bá về các sản phẩm nghề, các hộ sản xuất và các nghệ nhân của nghề truyền thống nằm trong các điểm du lịch: lựa chọn, đào tạo hướng dẫn viên du lịch cho chính đội ngũ thợ thủ công trong các làng đồng bào DTTS tại chỗ có nghề; tổ chức các điểm du lịch nghề kết hợp với các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các điểm du lịch khác trên địa bàn các địa phương đã sẵn lại các điểm du lịch. Đặc biệt, tích hợp phát triển nghề gắn với du lịch tại Khu du lịch văn hóa, lịch sử Ngục Kon Tum.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền vận động và khen thưởng

- Tuyên truyền vận động đồng bào các DTTS tại chỗ, nhất là những người đang trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên, người có uy tín về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình: tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, các chính sách ưu đãi để đồng bào tự giác, tích cực tham gia vào việc bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa, những sản phẩm truyền thống độc đáo và tham gia truyền nghề, học nghề: khơi dậy trong đồng bào các DTTS tại chỗ niềm tự hào và yêu thích sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình. Công tác tuyên truyền được thể hiện bằng nhiều hình thức, thông qua các cuộc họp thôn, làng, truyền thanh của xã; thông qua người mẹ, người chị truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho con gái, em gái của mình theo nét đẹp văn hóa của dân tộc mình ...niêm yết tại nơi trung tâm như: nhà sinh hoạt cộng đồng, các trường học tại địa bàn vùng đồng bào DTTS, ...

- Hàng năm, tổ chức xét tặng danh hiệu theo quy định của Nhà nước đối với các nghệ nhân tiêu biểu có những đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống trong cộng đồng: đồng thời, lồng ghép trong các hoạt động tổ chức các ngày lễ lớn của tỉnh để tổ chức vinh danh các nghệ nhân đã xét tặng danh hiệu; khen thưởng các cá nhân, hộ gia đình, các cơ sở nghề truyền thống có nhiều thành tích trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đã làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý môi trường, giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào DTTS tại chỗ, cho hộ nghèo, gia đình chính sách, cho đối tượng xã hội được hưởng các chính sách khen thưởng theo quy định.

2. Về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước

- Tập trung chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; đổi mới nhận thức về phát triển nghề của các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, khuyến công. ...

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch định hướng; tổ chức tuyên truyền phổ biến rộng rãi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ để mọi cá nhân, tổ chức biết tham gia đầu tư sản xuất.

3. Về đào tạo phát triển nguồn nhân lực

- Phát triển nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn: có chế độ ưu đãi để thu hút các nghệ nhân, cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi tham gia vào phát triển nghề truyền thống; khuyến khích các nghệ nhân trực tiếp đào tạo, truyền dạy nghề truyền thống

- Tổ chức các lớp đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề cho lao động nông thôn tham gia học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề: hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo theo chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn lại vùng đồng bào DTTS theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Có chính sách hỗ trợ khen thưởng và ưu đãi để động viên, kích thích người lao động phấn đấu cống hiến nhiều hơn cho hoạt động nghề truyền thống.

4. Về nguyên liệu phục vụ sản xuất

Trong quy hoạch sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như trong triển khai xây dựng khu công nghiệp cần dành một diện tích phù hợp cho ngành nghề thủ công truyền thống: thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với từng nghề truyền thống; đầu tư các vùng nguyên liệu sẵn có của địa phương; chăm sóc bảo vệ rừng tre, nứa để cung cấp cho nghề đan lát, nghề chế tác nhạc cụ truyền thống.

5. Về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

- Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nguyên liệu một số khâu để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất, đảm bảo môi trường sinh thái; quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm gắn với quảng bá, giới thiệu du lịch.

- Tổ chức hội thảo khoa học về các chuyên đề phát triển nghề truyền thống. Xây dựng đề tài khoa học liên quan đến phát triển nghề truyền thống; điều tra, nghiên cứu, tư liệu hóa đối với từng loại hình nghề thủ công truyền thống như xuất bản sách, ghi hình DVD.

6. Về quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại

6.1. Quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ

- Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các cơ sở nghề truyền thống xây dựng hệ thống thông tin nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, chương trình phát thanh truyền hình, báo địa phương; thường xuyên cập nhật những nội dung liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn, về thị trường tiêu thụ sản phẩm trên website của tỉnh.

- Chủ động tham gia các triển lãm, hội chợ để giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống; đầu tư xây dựng điểm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống của các DTTS đề quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đây là nơi vừa trưng bày, vừa bán sản phẩm, giao dịch, là điểm tham quan du lịch.

- Triển khai các hình thức quà tặng bằng các sản phẩm nghề truyền thống tại các hội nghị, hội thảo; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các tour du lịch tại các làng có nghề truyền thống để bán sản phẩm từ nghề truyền thống trực tiếp cho khách du lịch.

- Có chính sách hỗ trợ để các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh liên kết để tiêu thụ sản phẩm bằng các hình thức ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm nghề truyền thống; ưu đãi về thuế, tín dụng cho đầu tư phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ.

6.2. Xúc tiến thương mại

- Đa dạng hóa sản phẩm và hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của nghề truyền thống thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm nhằm tạo điều kiện cho việc tiếp thị sản phẩm, nắm bắt thị trường, trao đổi kinh nghiệm để có định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm từ nghề truyền thống có giá trị; hỗ trợ 100% kinh phí thuê gian hàng, chi phí vận chuyển và các chi phí có liên quan khác khi tham gia hội chợ, triển lãm.

- Phối hợp với các đơn vị dịch vụ du lịch tổ chức các tour, tuyến du lịch giúp tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào DTTS, đồng thời tạo sản phẩm mới cho ngành du lịch.

7. Về phát triển nghề gắn với du lịch

- Chú trọng công tác bảo tồn và phát triển các di tích văn hóa, lịch sử, các lễ hội truyền thống tại các làng đồng bào DTTS đang có hoạt động nghề truyền thống, góp phần làm tăng thêm nội dung của các tour du lịch tại các làng nghề truyền thống; xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, vận động các doanh nghiệp thương mại, các địa phương có nghề truyền thống tham gia để thu hút khách du lịch, nâng cao khả năng chi tiêu của du khách.

- Quy hoạch và hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội tại các làng có hoạt động nghề truyền thống gắn với các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; đẩy mạnh phát triển kinh tế nghề truyền thống gắn với du lịch để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người cùng sản phẩm đặc trưng của nghề truyền thống của các DTTS; đưa nội dung phát triển các địa phương có hoạt động nghề truyền thống gắn với du lịch vào chương trình, đề án phát triển du lịch của tỉnh từng giai đoạn; đồng thời, phát triển nghề truyền thống để tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch, mang đặc trưng riêng có của tỉnh Kon Tum. Giai đoạn từ 2016-2020, ưu tiên xây dựng, phát triển các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nghề truyền thống tại các điểm du lịch:

+ Khu du lịch văn hóa, lịch sử Ngục Kon Tum.

+ Điểm du lịch làng Kon Klo II, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum.

+ Điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống Thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi;

+ Điểm du lịch tại cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi

- Điểm du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plong.

- Phát triển các trung tâm thương mại, mua sắm quy mô lớn gắn với hệ thống các cửa hàng bán hàng sản phẩm nghề truyền thống của các DTTS

- Hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có gắn với quảng bá sản phẩm nghề truyền thống; khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng quy mô, tăng cường chất lượng dịch vụ của các khách sạn, nhà hàng, các điểm du lịch đáp ứng yêu cầu để thu hút khách du lịch, đồng thời quảng bá và bán sản phẩm nghề truyền thống của các DTTS.

8. Về vốn và chính sách

- Hàng năm, căn cứ điều kiện cụ thể để bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước thực hiện cho công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, truyền nghề; hỗ trợ trang thiết bị, điểm trưng bày sản phẩm và xúc tiến thương mại; lồng ghép nguồn vốn tại các Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 8/11/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Kon Tum đến năm 2020.

- Do thực trạng chung các nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên toàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Quy mô nhỏ, thiếu và yếu về kinh phí; hầu hết không có điểm trưng bày bán sản phẩm, các công cụ sản xuất lạc hậu. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, không có sức cạnh tranh trên thị trường nên trước mắt ngân sách Nhà nước hỗ trợ, cụ thể:

- Đối với bảo tồn, khôi phục, lưu giữ nghề có nguy cơ mai một, thất truyền: hỗ trợ 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước.

+ Đối với đào tạo nghề, truyền nghề được hỗ trợ 100% từ ngân sách.

+ Đối với hỗ trợ phát triển như hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu,... hỗ trợ 60% kinh phí để thực hiện.

+ Đối với xúc tiến thương mại như thuê gian hàng, chi phí vận chuyển, các chi phí có liên quan khác khi tham gia hội chợ, triển lãm và điểm trưng bày sản phẩm nghề: hỗ trợ 100% kinh phí.

VI. THỜI GIAN, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Từ ngày Đề án được phê duyệt đến ngày 31/12/2020.

VII. NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện Đề án giai đoạn 2016-2020: 5.007 triệu đồng (Năm tỷ, không trăm lẻ bảy triệu đồng). Trong đó:

- Nguồn ngân sách nhà nước: 3.867 triệu đồng.

- Vốn Trung ương: 1.180 triệu đồng (lồng ghép từ nguồn thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg).

+ Vốn địa phương: 2.687 triệu đồng (ngân sách tỉnh).

- Nguồn huy động từ dân đóng góp: 1.140 triệu đồng (từ công lao động của người dân).

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố:

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và tính đồng bộ, liên kết giữa các ngành, nghề, sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẩn trương triển khai đầu tư và kêu gọi, thu hút đầu tư đối với các nghề truyền thống.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án: định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Đề án, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Kế hoạch - Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lồng ghép các chương trình, dự án liên quan để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án;

- Tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định để thực hiện Đề án;

- Kêu gọi, thu hút các tổ chức đầu tư vào việc phát triển nghề truyền thống tại vùng đồng bào DTTS.

3. Sở Tài chính

- Cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm để bố trí triển khai thực hiện Đề án.

- Hướng dẫn thanh, quyết toán theo đúng chế độ hiện hành.

4. Sở Công thương

- Thực hiện Chương trình khuyến công để hỗ trợ đào tạo nghề truyền thống; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở sản xuất nghề truyền thống.

- Chủ trì, nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ nghề truyền thống; thực hiện công tác xúc tiến thương mại; lồng ghép tổ chức quảng bá sản phẩm nghề truyền thống tại các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nghề truyền thống.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện rà soát, tổng hợp đề xuất UBND tỉnh, Trung ương công nhận nghệ nhân theo quy định của pháp luật để tổ chức dạy những nghề phi nông nghiệp thuộc một số nghề không thể bố trí được giáo viên.

5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

- Xây dựng kế hoạch khai thác, mở thêm các tour, tuyến du lịch để thu hút khách du lịch đến các điểm có sản xuất sản phẩm nghề truyền thống; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tại các điểm nghề truyền thống.

- Xây dựng kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa nghề truyền thống thông qua phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức xét tặng danh hiệu và vinh danh cho các nghệ nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy các ngành nghề truyền thống; nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa các ngành nghề truyền thống.

- Tạp huấn nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ du lịch cho đồng bào DTTS có nghề truyền thống.

6. Sở Lao động - Thương binh xã hội

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố huy động các nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề truyền thống. Tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Lồng ghép các chương trình, dự án thuộc chức năng của đơn vị để đầu tư, hỗ trợ các trang thiết bị cho nghề truyền thống.

7. Các sở, ban, ngành khác, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố

- Căn cứ Đề án này và tình hình thực tế của đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp và đảm bảo tính hiệu quả của Đề án; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tích cực tham gia công tác bảo tồn nghề truyền thống; vận động những người có tay nghề cao, những nghệ nhân tích cực tham gia truyền, dạy nghề cho thế hệ trẻ để làm công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

- Lồng ghép việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách khác trên địa bàn; vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào việc phát triển nghề truyền thống.

8. Các tổ chức chính trị - xã hội

Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào lĩnh vực bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ, tập trung vào các hoạt động:

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Đề án và vận động người dân tham gia thực hiện.

- Tổ chức những hoạt động cụ thể phù hợp với nội dung hoạt động của Đề án; hỗ trợ những người hoạt động nghề truyền thống trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh.

KẾT LUẬN

Đề án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ nếu được phê duyệt và triển khai thực hiện trong thời gian đến sẽ góp phần mang lại một số hiệu quả thiết thực, cụ thể như sau:

- Góp phần thiết lập hệ thống sản xuất sản phẩm của nghề truyền thống, bảo tồn nghề truyền thống có xu hướng mai một, thất truyền và lưu giữ nghề truyền thống, sản phẩm nghề truyền thống đặc trưng mang tính văn hóa và nghệ thuật của các dân tộc.

- Góp phần tích cực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc kết tinh trong sản phẩm nghề truyền thống; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, giảm nghèo ở nông thôn với cơ cấu hợp lý, sản xuất bền vững và có hệ thống, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã để đáp ứng nhu cầu trên thị trường.

- Góp phần phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; từng bước củng cố phát triển các nghề truyền thống hiện có nhằm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Góp phần tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tăng cường đào tạo nghề, truyền nghề; tận dụng nguyên liệu sẵn có của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành nghề, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để thu hút số lao động chưa có việc làm, lao động nhàn rỗi theo mùa vụ ở nông thôn; bảo vệ môi trường nông thôn và phát triển nông thôn mới.

 

 

 

Phụ lục 1

CÁC KHÁI NIỆM VỀ NGHỀ TRUYỀN THỐNG

1. Nghề truyền thống:

Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày hôm nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền10.

2. Bảo tồn nghề truyền thống:

Bảo tồn nghề truyền thống là việc gìn giữ, lưu lại những giá trị văn hóa của sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Trong công tác bảo tồn phải biết lựa chọn các hiện tượng đang có nguy cơ bị mất đi, những yếu tố, những khả năng tiềm ẩn để làm cho chúng tồn tại cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống.

3. Phát triển nghề truyền thống:

Phát triển nghề truyền thống là việc phát huy giá trị văn hóa của sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm làm ra vừa phải chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống, tiếp thu những tinh hoa của cha ông, vừa phải đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội đương đại.

 

Phụ lục 2

SẢN LƯỢNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG SẢN XUẤT TRONG NĂM QUA

STT

Nghề truyền thống

Sản lượng (cái/người/năm)

Giá trị (triệu đồng)

Ghi chú

1

Dệt thổ cẩm

24

15

 

2

Đan lát

120

13,2

 

3

Làm rượu cần

230

16,2

Tùy nhu cầu người tiêu dùng

4

Rèn

156

16,2

 

5

Chế tác nhạc cụ

84

15

 

6

Chế tác nỏ

48

12,6

 

 

Phụ lục 3

TỔNG NHU CẦU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN THEO CÁC NĂM

Đơn vị tính: Triệu đồng

Stt

Nguồn vốn

Tổng vốn

Năm

2017

2018

2019

2020

1

Nguồn vốn Trung ương

1.180

360

230

360

230

7

Nguồn vốn địa phương

2.687

943

896

424

424

Tổng cộng

3.867

1.303

1.126

784

654

 



1 Huyện Sa Thầy có 2 xã là Mô Rai, Rờ Kơi và năm 2013 mới chia tách thêm 3 xã: La Tơi, La Đal, La Dom từ xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) giáp với Campuchia: huyện Ngọc Hồi có 5 xã là Sa Loong, Bờ Y, Đắk xú, Đăk Duc, Đăk Nông: huyện Đắk Glei có 3 xã là Đắk Nhoong, Đăk Long, Đăk Bloo giáp với Lào.

2 Trong đó ghi rõ “Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tỉnh,...” (trang 5, nghị quyết số 08-NQĐH ngày 9-10-2015 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV)

3 Huyện Ia H’Drai, DTTS tại chỗ chiếm một tỷ lệ dân số rất ít nên không có các nghệ nhân nghề truyền thống.

4 Theo số liệu báo cáo rà soát nghề truyền thống của UBND các huyện, thành phố.

5 Trong đó, có 312 người dệt thổ cẩm, 570 người đan lát, 984 người nấu rượu cần, 124 người chế tác nhạc cụ truyền thống: 53 người chế tác nỏ: 19 người đẽo thuyền độc mộc, 03 người làm gốm, 116 người rèn và 39 người điêu khắc đục đẽo tượng.

6 " Chi tiết sản lượng các nghề truyền thống tại Phụ lục 2.

7 “Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Măng Den – Kon Plông lần thứ 2 năm 2014” với chủ đề “Về với đai ngàn xanh Măng Đen”; Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên găn với tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần 3 năm 2016 với chủ đề “Các dân tộc Tây Nguyên – Đoàn kết – Giữ gìn – Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển bền vững đất nước”

8 Nghị quyết số 08-NQ/ĐH ngày 09/10/2015 của Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV

9 Tại điểm 1.3 mục I, phần thứ nhất của Đề án

10 Theo Thông tư 116/2006/TT-2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 18/12/2016

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 322/QĐ-UBND ngày 19/04/2017 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.378

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.212.145
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!