Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 849/QĐ-UBND 2020 Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai Lào Cai

Số hiệu: 849/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Trịnh Xuân Trường
Ngày ban hành: 03/04/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 849/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 03 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI TỈNH LÀO CAI NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

Căn cứ Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo về truyền tin thiên tai và Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1304/QĐ-TTg ngày 03/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 649/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 03/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 3077/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Căn cứ Quyết định số 4268/QĐ-UBND ngày 09/12/2019 của UBND tỉnh Lào Cai về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 09/3/2020 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 58/TTr-SNN ngày 31/3/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai tỉnh Lào Cai năm 2020.

(Có Phương án chi tiết kèm theo)

Điều 2. Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực phòng, chống thiên tai) tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương; kiểm tra UBND cấp huyện, cấp xã; các cơ quan đoàn thể, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả Phương án này. Định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về tiến độ và kết quả thực hiện theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành thành viên BCH Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Quốc phòng;
- Ban Chỉ đạo TW về PCTT;
- Ủy ban Quốc gia ƯPSCTT và TKCN;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 3 QĐ;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh;
- Chi cục Thủy lợi;
- Viễn thông Lào Cai;
- Ban Biên tập Cổng TTĐT;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu: VT, TH3, NLN1,2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Xuân Trường

 

PHƯƠNG ÁN

ỨNG PHÓ THIÊN TAI THEO CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Quyết định số 849/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 của UBND tỉnh Lào Cai)

Phần I

CĂN CỨ PHÁP LÝ, ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI

I. Căn cứ pháp lý

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

Căn cứ Quyết định số 1061/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo về truyền tin thiên tai và Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1304/QĐ-TTg ngày 03/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 649/QĐ-TTg ngày 30/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 03/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 3077/QĐ-UBND ngày 20/9/2016 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Căn cứ Quyết định số 4268/QĐ-UBND ngày 09/12/2019 của UBND tỉnh Lào Cai về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020;

Trên cơ sở nội dung Kế hoạch Phòng chống thiên tai năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 576/QĐ-UBND ngày 09/3/2020 của UBND tỉnh Lào Cai; để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Phòng, chống thiên tai và chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; UBND tỉnh ban hành “Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020”, cụ thể như sau:

II. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

1. Đặc điểm tự nhiên

a) Vị trí địa lý: Lào Cai là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, cách Hà Nội 296 km theo đường sắt và 245 km theo đường cao tốc. Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 182,086 km đường biên giới.

b) Địa hình: Địa hình tỉnh Lào Cai rất phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh. Hai dãy núi chính là dãy núi Hoàng Liên Sơn và dãy núi Con Voi cùng có hướng Tây Bắc - Đông Nam nằm về phía Đông và phía Tây tạo ra các vùng đất thấp trung bình giữa hai dãy núi này là một vùng về phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn. Những vùng đất có độ dốc trên 25° chiếm 80% diện tích đất của toàn tỉnh. Địa hình đặc trưng chủ yếu là núi cao, đồi dốc, khe sâu khi có mưa lớn dễ gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Địa hình được chia thành 2 vùng, với đặc trưng nền nhiệt và chịu sự tác động của khí hậu thời tiết, thiên tai khác nhau, gồm:

- Vùng đồi núi cao bao gồm thị xã Sa Pa và các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương và một phần huyện Bát Xát, Văn Bàn thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai như tố lốc, lũ ống, lũ quét, mưa đá, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, sét, hạn hán, rét đậm, rét hại...

- Vùng thấp gồm các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai và một phần của huyện Bát Xát thường bị ngập úng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão, đặc biệt là mưa lớn, mưa cục bộ xảy ra.

- Do tỉnh Lào Cai nằm sâu trong đất liền nên ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của Bão, nhưng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, do nằm ở phía Đông của dãy núi Con Voi và dãy núi Hoàng Liên Sơn là một trong những tâm mưa lớn của cả nước. Lượng mưa bình quân hàng năm đạt 64.041 mm. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão trên địa bàn tỉnh chủ yếu là giông lốc, mưa kéo dài, mưa lớn gây ngập úng vùng trũng thấp; lũ quét, trượt sạt lở đất ở vùng núi.

c) Hiện trạng sử dụng đất (Theo niên giám thống kê năm 2019)

TT

Loại đất

Diện tích

(ha)

Cơ cấu

(%)

 

Tổng diện tích tự nhiên

636.403

100

1

Đất nông nghiệp

492.323

75,58

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

133.412

20,96

1.2

Đất lâm nghiệp có rừng

356.330

55,99

1.3

Đất nuôi trồng thủy sản

2.523

0,4

1.4

Đất nông nghiệp khác

58

0,01

2

Đất phi nông nghiệp

33.995

5,33

2.1

Đất ở

5.205

0,81

2.2

Đất chuyên dùng

19.482

3,07

2.3

Đất tôn giáo tín ngưỡng

24

0,00

2.4

Đất nghĩa trang, nghĩa địa

413

0,06

2.5

Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng

8.841

1,39

2.6

Đất phi nông nghiệp khác

30

0,00

3

Đất chưa sử dụng

110.085

17,31

3.1

Đất bằng chưa sử dụng

835

0,13

3.2

Đất đồi núi chưa sử dụng

103.264

16,24

3.3

Núi đá không có rừng cây

5.986

0,94

d) Sông, suối: Lào Cai có hệ thống sông, suối dày đặc được phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh, trong đó có ba con sông lớn là sông Hông, sông Chảy và sông Nậm Thi có độ dốc cao, hàm lượng phù sa lớn.

- Sông Hồng: Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát; chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước; đến thành phố Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam, trong đó chảy qua tỉnh Lào Cai với chiều dài khoảng 120 km; mực nước cao nhất 7.997cm, thấp nhất 7.577cm; lưu lượng nước cao nhất 2.430m3/s, thấp nhất 123m3/s. Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt và đời sống cũng như trong sản xuất; nhưng do lượng phù sa lớn, lòng sông luôn bị bồi lấp kết hợp với mưa lớn gây sạt lở đất hai bên bờ sông và mực nước thường xuyên thay đổi.

- Sông Chảy: Bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua các huyện: Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên. Độ dài sông Chảy đi qua tỉnh Lào Cai với chiều dài khoảng 124 km; mực nước cao nhất 7.317 cm, thấp nhất 6.733 cm; lưu lượng nước cao nhất 1.260 m3/s, thấp nhất 11 m3/s. Sông Chảy góp phần quan trọng trong sinh hoạt, đời sống và sản xuất của các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên. Tuy nhiên, sông Chảy bị tác động không nhỏ ảnh hưởng của các nhà máy Thủy điện do ngăn chặn dòng nước, do đó mực nước bị thay đổi bất thường và phụ thuộc nhiều vào sự vận hành xả nước của các nhà máy Thủy điện.

- Sông Nậm Thi: Bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, thành phố Lào Cai. Độ dài sông Nậm Thi đi qua tỉnh Lào Cai khoảng 122 km, mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ, ngập lụt khu vực ven sông Nậm Thi các huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai.

- Suối: Ngoài ba con sông chính, trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn có khoảng 107 dòng suối lớn, nhỏ như suối Ngòi Bo, suối Ngòi Nhù, Suối Minh Lương,... về mùa mưa có thể gây sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống, lũ quét..., gây thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Thời tiết, khí hậu

- Lào Cai có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt; nhiệt độ trung bình hàng năm từ 20,09°C; độ ẩm trung bình trên 86,13%. Do vị trí địa lý của tỉnh Lào Cai nằm sâu trong đất liền nên ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của Bão, nhưng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới, giông lốc, mưa kéo dài, mưa lớn làm ngập úng vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, khe sâu...

- Lào Cai là tỉnh hội tụ đủ cả ba vùng sinh thái miền núi, trung du, đồng bằng; có địa hình phức tạp chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, gió mùa; có nhiều khác biệt về tiểu vùng khí hậu, từ đó thường xuyên chịu ảnh hưởng của 16/19 loại thiên tai như: mưa lớn, mưa đá, lũ ống, lũ quét, hạn hán, sạt lở, sét, rét hại... Mặc dù nằm sâu trong đất liền, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng mỗi khi bão mạnh đổ bộ vào các tỉnh ven biển phía Bắc, hoàn lưu của bão kết hợp với rãnh thấp thường gây mưa to đến rất to tạo ra lũ, sạt lở đất, đá gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong những năm vừa qua.

3. Dân số, lao động, hộ nghèo (Theo niên giám thống kê tỉnh Lào Cai năm 2019)

a) Dân số trung bình toàn tỉnh năm 2018 là: 705.628 người (Trong đó: Nam 356.437 người, chiếm 50,5%; Nữ 349.191 người, chiếm 49,5%).

b) Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên

- Tổng số: 439.045 người (Trong đó: Nam 227.196 người, chiếm 51,7%; Nữ 211.850 người, chiếm 48,3%).

- Lao động từ 15 tuổi trở lên: Thành thị: 87.901 người, chiếm 20,02%; nông thôn 351.144 người, chiếm 79,98%.

c) Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019: Tính theo tiêu chí mới là 16,25%; thu nhập bình quân đầu người/tháng theo giá hiện hành 2.864 nghìn đồng; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh 90,06%.

4. Tăng trưởng kinh tế năm 2019

Năm 2019, là năm thứ tư thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016-2020; tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tốt, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân (giá so sánh 2010): 10,1%; GRDP bình quân đầu người 67 triệu đồng. Cơ cấu GRDP: Nông, lâm nghiệp và thủy sản 12,29%; công nghiệp, xây dựng 44,57%; dịch vụ 43,14%.

5. Nhà ở

Toàn tỉnh có 597.612 nhà ở, trong đó: 334.631 nhà kiên cố chiếm 55,99%; nhà bán kiên cố 147.023 chiếm 24,6%; nhà khung gỗ lâu bền 92.474 chiếm 15,47%; nhà khác 18.604 chiếm 3,12%. (Theo văn bản số 1145 /BXD-KHCN ngày 28/5/2015 của Bộ Xây dựng và Khoa học Công nghệ thì nhà bán kiên cố chỉ chịu được gió cấp 8, nhà đơn sơ chỉ chịu được gió bão cấp 6). Theo kết quả điều tra đánh giá nhanh chỗ ở an toàn tỉnh Lào Cai năm 2018 có: 122.278 chỗ ở an toàn, tỷ lệ 74,1%; 41.378 chỗ ở kém an toàn, tỷ lệ 25,07%; 1.215 chỗ ở phải di dời khẩn cấp, tỷ lệ 0,74%. Năm 2019, đã di chuyển được 313 hộ có chỗ ở phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Kế hoạch năm 2020 cần di chuyển 631 hộ đến nơi an toàn trước mùa mưa, lũ; đây là thách thức rất lớn về công tác an sinh xã hội trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

(Có Phụ biểu 01 kèm theo)

6. Hệ thống thông tin cảnh báo Khí tượng Thủy văn

a) Hệ thống thông tin cảnh báo Khí tượng, Thủy văn: 47 trạm, trong đó:

- Trạm đo mưa do Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai quản lý 26 trạm, gồm: Trạm UBND các xã Ô Quý Hồ, Hàm Rồng (thị xã Sa Pa); Phố Lu (huyện Bảo Thắng); Khánh Yên (huyện Văn Bàn); Bảo Nhai, Cốc Ly (huyện Bắc Hà); Mường Hum, Ý Tý, Thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát), Thị trấn Mường Khương, Bản Lầu (huyện Mường Khương); Làng Bông, xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) và 13 trạm đo mưa tự động mới lắp đặt năm 2019. Hệ thống các Trạm khí tượng Thủy văn và các trạm đo mưa của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu cảnh báo, dự báo về diễn biến thiên tai do đã xuống cấp, kỹ thuật lạc hậu (Trừ 13 trạm đo mưa tự động mới lắp đặt năm 2019). Các điểm đo mưa phần lớn phụ thuộc vào việc thống kê báo cáo dữ liệu từ người dân. Vì vậy, chưa đáp ứng được thông tin dự báo về diễn biến thời tiết, khí hậu, tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ và các hiện tượng khí hậu, thủy văn nguy hiểm khác xảy ra trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan kịp thời chỉ đạo và người dân chủ động phòng, tránh.

- Nhà máy thủy điện Vĩnh Hà, huyện Bảo Yên lắp đặt 01 trạm đo mưa tự động.

- Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh quản lý 20 trạm, được lắp đặt tại Trạm đo mưa tự động do: Thủy điện Tả Thàng, UBND các xã Gia Phú, Bản Cầm (huyện Bảo Thắng); UBND các xã Trịnh Tường, Trung Lèng Hồ, thủy điện Mường Hum, thủy điện Ngòi Phát (huyện Bát Xát); UBND xã Bản Khoang, thủy điện Séo Chông Hô (thị xã Sa Pa); UBND xã Cao Sơn (huyện Mường Khương); UBND các xã Việt Tiến, Nghĩa Đô, Kim Sơn (huyện Bảo Yên); UBND xã Lùng Phình, thủy điện Nậm Phàng, thủy điện Bắc Hà (huyện Bắc Hà); UBND xã Cam Đường (TP Lào Cai); UBND các xã Võ Lao, Nậm Xé (huyện Văn Bàn); UBND xã Nàn Sán (huyện Si Ma Cai).

(có Phụ biểu 02 kèm theo)

b) Hệ thống cảnh báo sớm thiên tai: Gồm 02 hệ thống cảnh báo sớm thiên tai do Viện quản lý Thiên tai Hàn Quốc tài trợ được lắp đặt tại 12 vị trí (xã Tả Phời - TP Lào Cai; các xã Quang Kim, Phìn Ngan - huyện Bát Xát). Thiết bị được lắp, gồm: 04 cụm loa (mỗi cụm loa 8 chiếc); 04 điểm đo lượng mưa (mỗi điểm 01 thiết bị); 04 điểm đo lưu lượng dòng chảy (mỗi điểm 01 thiết bị); 01 máy chủ được lắp tại Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh. Hiện nay, đang trong thời gian vận hành thử nghiệm, chưa bàn giao cho tỉnh Lào Cai; các trạm đo mưa cung cấp thông tin về lượng mưa qua đường truyền trực tuyến kịp thời phục vụ công tác dự báo, cảnh báo rất hiệu quả. Ngoài ra, các Nhà máy thủy điện còn sử dụng phần mềm tin nhắn để thông tin, tình hình xả lũ đến các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chỉ đạo kịp thời và thông báo cho người dân vùng hạ du phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do việc xả lũ gây ra.

c) Hệ thống cảnh báo lũ bùn đá: Phối hợp với Viện địa chất và Khoáng sản lắp đặt 01 hệ thống cảnh báo sớm lũ bùn đá tại thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, thị xã Sa Pa do Đài Loan tài trợ; hiện nay đang vận hành thử nghiệm.

7. Hệ thống thông tin liên lạc: Mạng lưới bưu chính viễn thông với đủ các loại hình dịch vụ, hệ thống điện thoại cố định, hệ thống mạng điện thoại di động, hệ thống máy thông tin di động sóng ngắn và các hệ thống thông tin chuyên dùng khác. Toàn tỉnh có 709.062 thuê bao điện thoại, trong đó trên 693.919 thuê bao di động, 15.143 thuê bao cố định, tỷ lệ 97,86%; thuê bao internet 344.497, trong đó 285.412 thuê bao internet di động, 59.085 thuê bao internet cố định, tỷ lệ 82,84%. Ngoài ra, còn có 164 trạm phát thanh, đạt 100% số xã, phường, thị trấn; 1.846 loa phát thanh, đạt 81,7% số thôn, bản có loa truyền thanh. Với hệ thống thông tin liên lạc nếu trên cơ bản đáp ứng được nhu cầu trao đổi thông tin, liên lạc, đảm bảo phục vụ kịp thời thông tin cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

Phần II

NHẬN ĐỊNH THỜI TIẾT KHÍ HẬU, CÁC LOẠI THIÊN TAI VÀ CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI CÓ THỂ XẢY RA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

I. Nhận định về thời tiết khí hậu năm 2020

1. Nhận định chung

- Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu; dự báo diễn biến thời tiết, khí hậu trong năm 2020 có rất nhiều phức tạp, cực đoan; nhiều loại thiên tai bất thường, khó lường với tần suất xuất hiện ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn. Sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu do hiện tượng El Nino, Lanina và sự gia tăng các cơn bão nhiệt đới, hạn hán, lốc, xoáy, mưa đá, mưa giông, tố lốc,... trong tương lai được dự báo có xu thế gia tăng khốc liệt hơn.

- Hiện tượng Lanina đang có dấu hiệu suy yếu dần và khả năng còn kéo dài đến khoảng tháng 5/2020; sau đó sẽ chuyển sang pha trung tính (Enso); có thể hoạt động đến cuối năm 2020. Với dự báo khí hậu ở trạng thái Enso kéo dài đến hết năm 2020 thì thời tiết mùa mưa lũ năm 2020 tại miền Bắc nói chung và Lào Cai nói riêng khả năng diễn biến phức tạp và khó lường. Khả năng các hiện tượng thiên tai nguy hiểm như: Hoàn lưu bão xa, các đợt mưa to sinh lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất sẽ xảy ra với tần suất cao và liên tục trên hầu khắp các địa phương trong tỉnh.

2. Nhiệt độ: Nửa cuối mùa Đông Xuân năm 2019-2020, Lào Cai chịu ảnh hưởng của 5-6 đợt không khí lạnh, chưa kể những đợt tăng cường. Rét đậm, rét hại từ tháng 1 đến tháng 4/2020 vùng thấp chịu ảnh hưởng khoảng 3-4 đợt rét đậm, rét hại (Từ 3 ngày trở lên); vùng cao có khoảng 4-5 đợt.

3. Mưa đá, lốc xoáy: Từ tháng 02/2020 trở đi, một số huyện, thị vùng cao khả năng xảy ra mưa đá kèm theo gió giật mạnh. Tần suất mưa đá tăng dần và đạt ngưỡng cực đại vào tháng 4; sang tháng 5 mưa đá giảm hẳn. Nhiệt độ trung bình từ tháng 1 đến tháng 3/2020 phổ biến ở mức cao hơn TBNN 0,5-1C°. Nhiệt độ thấp nhất trong toàn mùa ở các khu vực trong tỉnh vùng thấp 8-10C°, vùng cao 2-4C°, vùng núi cao Sa Pa thấp nhất 0-2C°. Tổng lượng mưa các tháng 01 và 02/2020 vượt so với TBNN từ 1-50mm; tháng 3 và 4 mưa thiếu hụt so với TBNN.

4. Nắng nóng: Có xu hướng xuất hiện sớm hơn so với TBNN; cả mùa có khoảng 6-7 đợt nắng nóng xảy ra diện rộng. Các đợt nắng nóng xuất hiện tập trung vào khoảng tháng 5-7/2020; đợt đầu tiên có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 4/2020. Nền nhiệt độ cả mùa mưa, bão, lũ năm 2020 cao hơn TBNN; hai tháng đầu mùa (tháng 5,6) nhiệt độ ở mức xấp xỉ TBNN, các tháng còn lại cao hơn TBNN khoảng 1,0-1,5C°.

5. Mưa, mưa lớn: Tổng lượng mưa toàn mùa mưa bão năm 2020 phổ biến ở mức xấp xỉ trên TBNN. Tháng 4-5 tổng lượng mưa khả năng sẽ thấp hơn TBNN trong khoảng 15-30%. Các tháng 7, 8, 9 lượng mưa xấp xỉ trên TBNN. Các đợt mưa lớn có khả năng tập trung nhiều vào khoảng tháng 6 đến tháng 8/2020.

6. Bão và áp thấp nhiệt đới: Bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong năm 2020 có khả năng xấp xỉ bằng so với TBNN (Có khoảng 11-13 cơn bão, hoặc ATNĐ hoạt động trên biển Đông, có từ 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền). Tại Lào Cai ít khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc ATNĐ nhưng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão xa và hậu bão. Dự báo mùa mưa lũ năm 2020, Lào Cai chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão xa 5-6 cơn bão và ATNĐ.

7. Thủy văn: Trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hai hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Chảy. Lượng nhập lưu giữa hai hệ thống này rất lớn, trong khi đó các hồ chứa phục vụ sản xuất điện nhỏ và vừa lại rất nhiều. Từ đó, 46,7% dòng chảy thấp nhất xuất hiện vào tháng 3; 23,3% dòng chảy thấp nhất xuất hiện vào tháng 5. Dòng chảy nhỏ nhất năm chủ yếu xuất hiện vào tháng 4; mực nước thấp nhất năm có xu thế thấp dần so với các năm trước do sự điều tiết của các hồ chứa phía thượng nguồn. Trên sông Hồng tại trạm Thủy Văn Lào Cai dòng chảy thấp nhất trong năm có khả năng xuất hiện vào đầu tháng 4 năm 2020. Mực nước thấp nhất từ 75,6m đến 75,7m. Đỉnh lũ trên sông Hồng tại Lào Cai có khả năng ở mức 81,0-81,3m trên BĐI từ 1,0-1,3m. Biên độ lũ đạt 4,0-4,5m. Trên sông Chảy tại trạm Thủy Văn Bảo Yên dòng chảy thấp nhất trong năm có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2020. Mực nước thấp nhất 67,3m đến 67,35m. Đỉnh lũ trên sông Chảy tại Bảo Yên ở mức xấp xỉ dưới TBNN từ 72,5-72,8m; xấp xỉ BĐII. Biên độ lũ đạt 5,0-6,0m. Các sông suối nhỏ số trận lũ xuất hiện nhiều hơn và biên độ cũng lớn hơn từ 8-10 trận lũ, biên độ đạt từ 5,0-7,0m. Nhìn chung, dòng chảy lũ sẽ tập trung chủ yếu vào tháng 7,8,9 và đầu tháng 10/2020 do chịu ảnh hưởng của các đợt mưa lớn trên diện rộng và các tổ hợp thời tiết xấu do ảnh hưởng của hoàn lưu bão và các hình thế gây mưa lớn,...

II. Các loại thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai

Theo thống kê hàng năm và theo ghi nhận, phân tích chuỗi số liệu quan trắc về tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian 10 năm trở lại đây (Từ năm 2009 - 2019), kết hợp với nhận định diễn biến thời tiết năm 2020 có thể xảy ra các loại hình thiên tai sau:

1. Áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão.

2. Dông lốc, sét, mưa đá.

3. Mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt.

4. Rét hại, sương muối.

5. Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.

6. Nắng nóng, hạn hán.

III. Cấp độ rủi ro thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai

1. Đối với áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 3.

2. Đối với lốc, sét và mưa đá: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 3.

3. Đối với sương mù: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

4. Đối với mưa lớn: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

5. Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 3.

6. Đối với nắng nóng: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 2.

7. Đối với hạn hán: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp độ 2.

8. Đối với lũ, ngập lụt: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 3.

9. Đối với rét hại: Cấp độ rủi ro cao nhất là cấp 3.

(Cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ).

IV. Phạm vi ảnh hưởng và số lần xuất hiện của các loại hình thiên tai

1. Áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão

- Tỉnh Lào Cai không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lại chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; ngập úng ở vùng thấp trũng, đô thị. Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai thường có sức gió đã suy yếu khoảng cấp 5 ÷ 6 (Từ 35 ÷ 45 km/h) kèm theo mưa kéo dài trong khoảng từ 2-3 ngày.

- Số đợt ATNĐ ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh Lào Cai trung bình từ 3-5 lần/năm.

- Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó các khu vực vùng thấp như Thành phố Lào Cai, Bảo Yên, Bảo Thắng thường chịu ảnh hưởng và thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra nhiều hơn so với các huyện, thành phố khác.

2. Lốc, sét, mưa đá, tố lốc

- Lốc, sét, mưa đá: Thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu vào mùa mưa. Đây là loại hình thiên tai thường xảy ra cực đoan, bất thường có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến người, tài sản, hoa màu.

+ Lốc: bình quân 12÷15 trận/năm.

+ Sét: bình quân 20÷30 trận/năm (Thường đi kèm với mưa, tố lốc).

+ Mưa đá: bình quân 04÷05 cơn/năm (Thường kèm theo gió mạnh).

- Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Mưa lớn, lũ, ngập lụt

- Mưa lớn, lũ, ngập lụt: Là loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn nhất; mưa lớn có thể gây lũ ống, lũ quét, trượt sạt lở đất làm ách tắc giao thông, phá hủy tài sản, nhà cửa, hoa mầu của người dân và ngập lụt...

- Số đợt mưa lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh trung bình từ: 06÷07 đợt/năm; lượng mưa >100 mm/đợt.

- Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó các địa phương thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất tập trung ở các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Thành phố Lào Cai, một số xã vùng thấp huyện Bát Xát, Mường Khương.

4. Lũ quét

- Là những trận lũ lớn, xảy ra bất ngờ, tồn tại trong một thời gian ngắn, dòng chảy xiết, có hàm lượng chất rắn cao, sức tàn phá lớn; thường xảy ra ở các lưu vực nhỏ, có thảm thực bì thưa, độ dốc lưu vực trên 20%. Hàng năm, tỉnh Lào Cai thường chịu ảnh hưởng của trên 50 trận lũ lớn, nhỏ từ 3 con sông chính (sông Hồng, sông Chảy, sông Nậm Thi) và 107 dòng suối lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh.

- Số đợt xuất hiện lũ quét xảy ra trên địa bàn tỉnh trung bình từ: 04÷08 đợt/năm; lượng mưa >100 mm/đợt hoặc mưa cục bộ tạo dòng chảy lớn.

- Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất ở thị xã Sa Pa và các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Thắng, Bắc Hà.

5. Trượt lở, sụt lún

- Trượt, sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh thường do mưa, mưa lớn kéo dài, kết cấu địa chất kém kết hợp với độ dốc địa hình hoặc do thi công các công trình để lại các hố sâu, ta luy.

- Sạt lở đất có thể gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản, hoa mầu, gây ách tắc giao thông và làm hư hỏng nhiều tài sản máy móc thiết bị khác. Theo kết quả điều tra của Viện Vật lý địa cầu tỉnh Lào Cai hiện nay có 453 điểm sạt lở đất, tuy nhiên, đã được cắm biển cảnh báo 350 điểm để cảnh báo cho người dân chủ động phòng tránh.

- Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn toàn tỉnh.

(Có Phụ biểu 03 kèm theo)

6. Nắng nóng

- Nắng nóng trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra vào tháng 5-7 với nền nhiệt trong ngày từ 35°C ÷ 42°C. Các đợt nắng nóng từng xảy ra trên địa bàn tỉnh, như: Tháng 6/2010, tháng 5 và 6/2015, 6/2017 nhiệt độ cao nhất lên đến 40°C kéo dài trên 5 ngày, đặc biệt 6/2017 nhiệt độ cao nhất 42°C kéo dài 3 ngày. Tuy nhiên, mùa hè năm 2020 được dự báo có khoảng 4-5 đợt nắng nóng xảy ra trên diện rộng xuất hiện muộn hơn so với TBNN, cường độ tăng dần đột ngột, khả năng xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt.

- Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn toàn tỉnh.

7. Hạn hán

- Hạn hán thường xảy ra vào các tháng mùa khô trong năm từ tháng 3-4 và các tháng cuối năm từ tháng 10-11. Điển hình là đợt hạn hán xảy ra vào tháng 4, 5 năm 2014 với lượng mưa rất thấp, độ thiếu hụt nước trên 50%. Toàn tỉnh Lào Cai năm 2014-2015 có 1.780 ha ruộng bị hạn hán, trong đó diện tích lúa mùa bị hạn hán 370 ha, diện tích lúa đông xuân bị hạn 721 ha, diện tích ngô bị hạn 647 ha, diện tích rau mầu 42 ha. Tuy nhiên, trong năm 2019, do làm tốt công tác chống hạn nên thiệt hại do hạn hán giảm đến mức thấp nhất; cụ thể: diện tích bị hạn phải chuyển đổi sang cây trồng cạn 59 ha, bị ảnh hưởng năng suất một phần 1.900 ha.

- Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà.

8. Rét đậm, rét hại, sương muối

- Rét đậm xuất hiện khi nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 15°C (13°C < Ttb ≤ 15°C).

- Rét hại xuất hiện khi nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 13°C (Ttb ≤ 13°C).

- Rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh thường xảy ra vào các tháng chính đông (Tháng 12 năm trước đến tháng 01 và tháng 02 năm sau). Trong thời điểm rét đậm, rét hại nhiệt độ có thể xuống thấp dưới 0°C gây mưa tuyết, băng giá, sương muối và ảnh hưởng rất lớn đến người, cây trồng vật nuôi.

- Sương muối còn gọi là sương giá là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất, bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác khi không khí trên đó ẩm và lạnh; nhưng ở vùng khí hậu lạnh sương muối có các hình thức đa dạng hơn. Sương muối chủ yếu gồm các tinh thể băng hình thành. Sương muối chỉ có màu trắng giống như tinh thể muối. Điều kiện hình thành sương muối là nhiệt độ phải xuống dưới 0°C; sương muối xuất hiện sẽ gây thiệt hại về hoa mầu của người dân.

- Phạm vi ảnh hưởng: Trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó các huyện, thị xã: Sa Pa; Bắc Hà; Si Ma Cai và một số xã vùng cao huyện Bát Xát rét đậm, rét hại có thể đạt cấp độ 3.

Phần III

CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH ỨNG PHÓ VỚI THIÊN TAI THEO CÁC CẤP ĐỘ RỦI RO THIÊN TAI NĂM 2020

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Chỉ đạo, điều hành, chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đảm bảo sự phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.

- Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phân công trách nhiệm của chính quyền địa phương; huy động nhân lực phù hợp trong ứng phó với loại hình thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai.

- Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là người, tài sản và các công trình trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu có nguy cơ thiên tai cao đến nơi ở an toàn; ổn định, chắc chắn, nhất là đối với người già, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em.

2. Yêu cầu

- Chỉ đạo, điều hành phải phát huy sức nạnh tổng hợp của cả hệ thống Chính trị vào cuộc; huy động toàn dân, toàn xã hội tham gia công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Huy động mọi nguồn lực để phòng chống, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai. Vận động mọi tổ chức, cá nhân, Doanh nghiệp, hộ gia đình chủ động phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Tất cả các ngành, các cấp quán triệt sâu sắc thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” với nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”.

- Người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền địa phương các cấp; các cơ quan chức năng. Chủ động linh hoạt, sáng tạo với phương châm phòng, tránh là chính; chủ động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, nhất là ứng phó kịp thời với những thiên tai có cấp độ mạnh và siêu mạnh, bất thường, cực đoan.

II. Phân công, phân cấp trách nhiệm phối hợp ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai

Rủi ro thiên tai được phân thành 05 cấp tăng dần về mức độ rủi ro, bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (tình trạng khẩn cấp về thiên tai); tuy nhiên, tỉnh Lào Cai thường chịu ảnh hưởng của thiên tai cao nhất đến cấp độ 3.

1. Phân công, phân cấp trách nhiệm, phối hợp ứng phó với thiên tai cấp độ 1

1.1. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã

- Có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, chỉ huy của các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trên. Được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó với thiên tai: Dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện, lực lượng xung kích. Vật tư dự trữ do nhân dân chuẩn bị, vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp xã và tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn cấp xã.

- Các lực lượng tham gia ứng phó với thiên tai trên địa bàn cấp xã phải phối hợp chặt chẽ theo sự chỉ huy của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc người được ủy quyền. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp xã thì Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện hỗ trợ.

1.2. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện

- Có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động mọi nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó với thiên tai trong trường hợp thiên tai cấp độ 1 xảy ra trong phạm vi từ hai xã trở lên hoặc khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Chủ tịch UBND cấp xã; chịu trách nhiệm thực hiện chỉ huy, chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai cấp tỉnh.

- Được quyền huy động các nguồn lực sau để ứng phó thiên tai: Ban chỉ huy PCTT cấp huyện, Dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân tình nguyện. Vật tư, trang thiết bị, phương tiện của cấp huyện và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn cấp huyện.

1.3. Biện pháp ứng phó cụ thể của cấp huyện

a) Đối với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt

- Mưa vừa: Lượng mưa đo được từ 16-50 mm/24h; mưa to: Lượng mưa đo được từ 51-100 mm/24h; mưa rất to: Lượng mưa đo được > 100 mm/24h

- Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh cập nhật kịp thời diễn biến thời tiết, thiên tai; chủ động tham mưu cho BCH PCTT và TKCN tỉnh ban hành công điện, văn bản chỉ đạo đến các cấp, các ngành để có phương án ứng phó với thiên tai trong thời gian tối thiểu trước 12 giờ; trường hợp đột xuất chuyển ngay thông tin đến các địa phương. Tham mưu cho BCH PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố ứng phó.

- Thông báo kịp thời đến 41.378 hộ dân có nhà ở kém an toàn và 1.066 hộ dân có nhà ở phải di dời khẩn cấp để chủ động phòng tránh, ứng phó. Thực hiện tốt kế hoạch sắp xếp dân cư ra ngoài khu vực thiên tai nguy hiểm trước mùa mưa để tránh sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Vận động Nhân dân thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” đáp ứng được yêu cầu cứu trợ cho bản thân, gia đình; sẵn sàng hỗ trợ các gia đình và địa phương khác trước khi các lực lượng bên ngoài đến hỗ trợ. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trên tinh thần "Tự mình bảo vệ mình và tự cứu lấy mình". Huy động sức mạnh cả cộng đồng ứng phó với thiên tai kết hợp với ổn định tâm lý, đời sống dân cư.

- Có các biện pháp cụ thể để đối phó với 113 vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã được xác định và mới phát sinh. Chủ động sơ tán người, tài sản của nhà nước và nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong mọi tình huống thiên tai.

- Phối hợp với cơ quan quản lý điện, Công ty Cổ phần Môi trường Lào Cai triển khai chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện... trước khi thiên tai xảy ra; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích; các khu vực nhà lá, nhà tạm, các giàn giáo của công trình cao tầng đang thi công.

- Huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai. Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình; cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng,....

- Giám sát, hướng dẫn, chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, suối; các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập sâu; khu vực có nguy cơ sạt lở đất;...

- Bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai.

- Thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “Cứu người trước; cứu tài sản sau”, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực xảy ra thiên tai, vùng bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán.

- Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất; khôi phục, phục hồi sản xuất; nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường, dập dịch, khống chế dịch bệnh; tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát; ổn định đời sống nhân dân ngay sau khi mưa, lũ đi qua. Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.

- Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ và các lực lượng khác được cấp huyện, cấp xã huy động trên địa bàn cấp huyện, cấp xã.

- Phương tiện, trang thiết bị: Các loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, các loại phao, áo phao cứu sinh; máy cẩu, máy xúc, máy khoan, cắt bê tông; máy bơm nước; các loại xe cứu hộ giao thông, xe cứu thương; cưa máy và các trang thiết bị chuyên dùng khác.

b) Đối với lũ, lũ quét, sạt lở đất: Chỉ đạo công tác trực ban theo dõi giám sát diễn biến mưa lũ, khi thấy xuất hiện mưa lớn dài ngày phải xử lý các tình huống, đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo sơ tán dân; chỉ huy lực lượng tham gia ứng phó tại hiện trường, chỉ đạo công tác cung cấp lương thực, thực phẩm khu vực dễ bị chia cắt. Lập danh sách đầy đủ các hộ/khẩu đối với từng vị trí trọng điểm xung yếu. Xác định địa điểm sơ tán dân với các yêu cầu tối thiểu về chỗ ở phải an toàn. Hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn trước khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Triển khai nhanh phương án đảm bảo cho người dân tại nơi sơ tán có nhu yếu phẩm, lương thực, nước uống, nhà tạm tại nơi an toàn. Xử lý các điểm ách tắc giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị thiệt hại do sạt lở đất. Cung cấp lương thực, thực phẩm đối với vùng bị chia cắt. Huy động tất cả các phương tiện kỹ thuật, các trang thiết bị, vật tư, y tế,... để thực hiện cứu nạn, cứu hộ; ổn định tâm lý cho người dân nơi bị lũ, lũ quét, sạt lở đất.

c) Đối với nắng nóng, hạn hán

- Nắng nóng: Khi nhiệt độ cao nhất (ký hiệu là Tn) đạt mức 35°C ≤ Tn < 37°C. Nắng nóng gay gắt khi nhiệt độ 37°C ≤ Tn < 39°C và được coi là ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt khi nhiệt độ Tn ≥ 39°C.

- Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh cập nhật kịp thời các bản tin dự báo nắng nóng, hạn hán bao gồm cả các bản tin nắng nóng, hạn hán trung hạn, dài hạn thông tin tới các cấp, các ngành để từ đó có phương án phòng tránh cho người và điều chỉnh kịp thời cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình nắng nóng, hạn hán.

- Quản lý chặt chẽ nguồn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, ưu tiên đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt cho người và gia súc; sử dụng nước tiết kiệm, chống thất thoát nước.

- Tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương, hệ thống các trục kênh tưới tiêu kết hợp đảm bảo thông thoáng; tính toán lắp đặt thêm hệ thống các trạm bơm dã chiến tại những vị trí thuận lợi về nguồn nước để nâng cao năng lực cấp nước, tưới tiêu.

- Chỉ đạo các Nhà máy Thủy điện xả nước hợp lý phục vụ công tác dự trữ nước, bơm nước chống hạn. Ưu tiên cung cấp điện và vật tư, nhiên liệu cần thiết cho các trạm bơm.

- Lực lượng ứng cứu: Phòng Nông nghiệp và PTNT/ Kinh tế; các tổ, đội quản lý thủy lợi, người dân; các Công ty Xây dựng thủy lợi; Bộ đội Biên phòng; Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện; Công an, Dân quân tự vệ và các lực lượng khác được huy động trên địa bàn cấp huyện, cấp xã.

- Phương tiện, trang thiết bị: Máy bơm, ống dẫn nước các loại.

d) Đối với rét đậm, rét hại, sương muối

- Rét đậm là khi nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 15°C (13°C < Ttb ≤ 15°C). Rét hại là khi nhiệt độ trung bình trong ngày dưới 13°C (Ttb ≤ 13°C).

- Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh chủ động cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo sớm và tham mưu cho BCH PCTT và TKCN tỉnh ban hành các công điện, quyết định, văn bản chỉ đạo kịp thời ứng phó với rét đậm, rét hại, sương muối tới các cấp, các ngành, các địa phương để chủ động phòng tránh.

- Triển khai đồng bộ các biện pháp chống rét cho người, đặc biệt cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người khuyết tật,... Xây dựng phương án phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt Phương án phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 28/11/2019. Trong đó:

+ Đối với vật nuôi: Che chắn chuồng trại cẩn thận, tránh gió lùa, mưa hắt, tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội; không thả rông, chăn thả gia súc ngoài trời vào những ngày giá rét; cung cấp thức ăn nước uống đầy đủ cho gia súc, gia cầm, bổ sung thức ăn tinh (Bột ngô, sắn, cám gạo), muối khoáng, vitamin, men tiêu hóa;...; mặc áo chống rét cho gia súc (Tận dụng áo cũ, chăn cũ, bao tải gai, bao tải dứa); vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng; chủ động dự trữ thức ăn thô (Rơm rạ, cỏ khô, phụ phẩm nông nghiệp); dự trữ chất đốt (Củi, trấu, mùn cưa) để sưởi ẩm cho đàn gia súc, sưởi ấm cho gia cầm; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, chuồng trại, xử lý chất thải vật nuôi tránh dịch bệnh; thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thú y, khuyến nông, sẵn sàng triển khai phương án khắc phục, phục hồi sản xuất sau rét đậm, rét hại, sương muối.

+ Đối với cây trồng: Chủ động che chắn cây trồng bằng ni lông, bạt...; tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ, phân NPK...; thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan khuyến nông, bảo vệ thực vật. Nghiên cứu đề xuất giống cây trồng thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Chuẩn bị đủ cơ số về giống cây trồng, vật tư để sẵn sàng triển khai phương án khắc phục, phục hồi sản xuất sau rét đậm, rét hại, sương muối.

đ) Đối với lốc, sét, mưa đá

- Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh chủ động cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo sớm và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với lốc, sét, mưa đá tới các cấp, các ngành, các địa phương để chủ động phòng tránh.

- Căn cứ dự báo, cảnh báo, tính chất và diễn biến thực tế của lốc, sét, mưa đá, UBND tỉnh, BCH PCTT và TKCN tỉnh chủ động chỉ đạo UBND cấp huyện, BCH PCTT và TKCN cấp huyện, các sở, ngành liên quan triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với từng tình huống lốc, sét, mưa đá.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền kịp thời đến người dân các bản tin dự báo, cảnh báo mưa đá, lốc xoáy để chủ động phòng, tránh an toàn cho người, vật nuôi và các tài sản khác; hạn chế tác hại của mưa đá đối với các vật dụng, đồ dùng, máy móc, cây trồng... Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp phòng, tránh và ứng phó kịp thời, hiệu quả. Huy động mọi lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông, lốc xoáy; nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibroximăng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có giông, lốc xoáy. Tuyên truyền cho người dân không đứng gần, tránh trú dưới cây to, nhà thô sơ, cột điện,... để tránh bị va đập, đè bẹp hoặc điện giật hoặc đứng gần, thò đầu ra ngoài cửa sổ, cửa đại, tường ngoài của căn nhà, trú trong căn phòng nhỏ có hướng ngược với lốc xoáy; không được ở trên nóc nhà. Khi có mưa kèm theo giông lốc phải sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm đến những nơi an toàn, vững chắc hơn; tránh núp dưới bóng cây, trú ẩn trong nhà tạm dễ bị sập đổ gây tai nạn.

2. Phân công, phân cấp trách nhiệm phối hợp ứng phó với thiên tai cấp độ 2

2.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ huy, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai ứng phó với thiên tai; huy động mọi nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo và huy động các sở, ngành thành viên BCH PCTT và TKCN tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, thanh niên, các tổ chức, cá nhân, lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các tổ chức, cá nhân tình nguyện. Vật tư, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của cấp tỉnh, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai của tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn.

Lực lượng ứng cứu: Quân đội, Công an, Thanh niên xung kích, Dân quân tự vệ; các sở, ban, ngành tỉnh và các lực lượng khác của tỉnh, huyện, xã được huy động. Phương tiện, trang thiết bị: Các loại ca nô, thuyền, xuồng, xe lội nước, các loại phao, áo phao cứu sinh; máy cẩu, máy xúc, máy khoan, cắt bê tông; máy bơm nước, các hệ thống thiết bị làm mát, các thiết bị cấp nước; các loại xe cứu hộ, xe cứu thương; cưa máy và các trang thiết bị thông dụng, chuyên dụng khác.

Báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo và đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ.

b) Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh: Chủ động cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo sớm; tham mưu cho UBND tỉnh, BCH PCTT và TKCN tỉnh ban hành các công điện, chỉ thị, quyết định về chỉ đạo ứng phó với các loại thiên tai tới các cấp, các ngành, các địa phương để chủ động phòng tránh.

c) Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh: Huy động 70% cán bộ chiến sĩ trong đơn vị trên địa bàn tỉnh; 80% các phương tiện kỹ thuật hiện có để ứng phó với thiên tai.

d) Các Sở, ngành là thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các khác sở ngành khác và các đoàn thể: Huy động 50% cán bộ, công chức; 80% phương tiện xe cơ giới; 100% các trang thiết bị khác, như: Xe cứu hộ PCCR; xe chữa cháy; xuồng các loại; nhà bạt các loại; phao các loại; các trang thiết bị khác;...; để ứng phó với thiên tai.

đ) Các Công ty, Doanh nghiệp, Người dân: Huy động 50% phương tiện cơ giới; 40% lực lượng hiện có, đặc biệt khu vực bị thiên tai huy động 80% lực lượng hiện có cùng với các trang thiết bị để ứng phó với thiên tai.

e) Chủ tịch UBND cấp huyện: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy định theo phân công, phân cấp trách nhiệm ứng phó với thiên tai cấp độ 1. Tuân thủ sự chỉ huy của cơ quan cấp trên; hướng dẫn và tổ chức sơ tán người đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tổ chức cưỡng chế sơ tán những trường hợp tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành chỉ đạo; chỉ huy, hướng dẫn sơ tán phòng, tránh thiên tai vì mục đích an toàn cho người dân. Chỉ đạo BCH PCTT và TKCN cấp huyện, cấp xã triển khai các biện pháp ứng phó; huy động vật tư, phương tiện, lực lượng phối hợp với địa phương ứng phó thiên tai.

g) Chủ tịch UBND cấp xã: Chỉ đạo BCH PCTT và TKCN cấp xã; lực lượng dân quân tự vệ cấp xã; huy động lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn cấp xã, cộng đồng dân cư... tham gia ứng cứu; phối hợp ứng cứu với cấp huyện, cấp tỉnh. Phát huy vai trò phương châm “4 tại chỗ” trong cộng đồng. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trên tinh thần “Tự mình bảo vệ mình và tự cứu lấy mình”. Huy động sức mạnh cả cộng đồng ứng phó với thiên tai.

2.2. Biện pháp ứng phó cụ thể

a) Đối với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt

- Cấp huyện, cấp xã: Thực hiện như biện pháp ứng phó với thiên tai cấp độ 1.

- Cấp tỉnh: Xác định thời điểm thích hợp để cắm biển cấm các ngầm tràn, các khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn về người, tài sản. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn nhà cửa, các cơ sở hạ tầng, biện pháp bảo vệ sản xuất. Hướng dẫn kiểm tra việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, thu hoạch mùa màng, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có hoàn lưu bão, ATNĐ. Rà soát xác định khu vực bị ảnh hưởng; xác định số hộ cần sơ tán; hỗ trợ sơ tán dân ra khỏi khu vực có khả năng bị ảnh hưởng; đặc biệt là vùng thấp, trũng, trong đó chú trọng đến các đối tượng dễ bị tổn thương: Người già, trẻ em, người khuyết tật. Sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có các tình huống xảy ra. Phân công nhiệm vụ cho các sở ngành, các cơ quan đơn vị theo chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; xác định rõ vai trò chỉ huy thích hợp từng tình huống thiên tai. Trực ban 24/24h để theo dõi nắm bắt thông tin, truyền tải thông tin, xử lý các tình huống sự cố, thiên tai. Tiếp tục tuần tra trực tiếp tại các khu vực trọng điểm xung yếu, trường hợp phát sinh tình huống khẩn cấp thì chủ động ứng phó hoặc hỗ trợ người dân ứng phó.

- Huy động lực lượng, phương tiện để cứu chữa kịp thời những người bị thương; người bị thương nặng phải được chuyển nhanh lên tuyến trên để cứu chữa; khẩn trương tìm kiếm những người còn mất tích (nếu có).

- Huy động lực lượng để sơ tán, di chuyển những người còn sống tới nơi an toàn; dựng lều bạt cho Nhân dân tạm trú; cứu trợ khẩn cấp, chuẩn bị các điều kiện thiết yếu cho Nhân dân; động viên, thăm hỏi, chia sẻ đau thương mất mát; hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần cho những người bị mất người thân, mất tài sản (nếu có).

b) Đối với lũ, lũ quét, sạt lở đất

- Cấp huyện, cấp xã: Thực hiện như biện pháp ứng phó với thiên tai cấp độ 1.

- Cấp tỉnh: Chỉ đạo công tác trực ban theo dõi giám sát diễn biến mưa lũ; chỉ huy các lực lượng tham gia phối hợp ứng phó; chỉ đạo công tác sơ tán dân; huy động lực lượng phối hợp với cộng đồng thôn bản, thân nhân người bị nạn thực hiện hỗ trợ động viên kịp thời nếu có thiệt hại về người.

- Thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại thực tế, đối chiếu với chính sách quy định hiện hành để trình Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT hoặc Chính phủ xét, quyết định mức cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Tổ chức khắc phục hậu quả do lũ, lũ quét, sạt lở đất, gồm:

+ Hệ thống thông tin liên lạc được ưu tiên hàng đầu để chính quyền các cấp cơ sở báo cáo được tình hình lũ, lũ quét, sạt lở đất, tình hình thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất gây ra trên địa bàn và những yêu cầu cần được cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ khẩn cấp.

+ Hệ thống giao thông, cầu cống, đường dân sinh đảm bảo cho công tác cứu hộ, cứu nạn; công tác cứu trợ khẩn cấp có thể tiếp cận sớm nhất với đồng bào vùng bị lũ, lũ quét, sạt lở đất.

+ Thực hiện cứu hộ, cứu nạn đối với người, công trình cơ sở hạ tầng khu vực bị thiệt hại. Triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự khu vực bị thiệt hại. Chỉ đạo công tác huy động vật tư, nhân lực để ứng phó khắc phục thiệt hại.

+ Dọn dẹp vệ sinh môi trường, đặc biệt là môi trường để phòng tránh dịch bệnh phát sinh. Khi phát hiện có dấu hiệu của dịch bệnh phải tập trung lực lượng, phương tiện khoanh vùng; bao vây dập tắt dịch trong thời gian ngắn nhất; hạn chế lây lan ra cộng đồng.

c) Đối với lốc, sét, mưa đá

- Cấp huyện, cấp xã: Thực hiện như biện pháp ứng phó với thiên tai cấp độ 1.

- Cấp tỉnh: Chuẩn bị chu đáo lực lượng sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ; tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật phòng chống lốc, sét, mưa đá. Đảm bảo thông tin liên lạc giữa cơ quan chỉ huy, chỉ đạo với chính quyền địa phương các cấp để xử lý sự cố. Nắm chắc phương án phòng chống lốc, sét, mưa đá, các biện pháp kỹ thuật phòng chống lốc, sét, mưa đá; địa hình nơi xảy ra; mạng lưới giao thông; phổ biến kiến thức kỹ năng ứng phó tới người dân; nắm bắt thông tin về rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá. Huy động mọi lực lượng ứng cứu; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các cấp, các ngành khi ứng cứu.

d) Đối với nắng nóng, hạn hán

- Cấp huyện, cấp xã: Thực hiện như biện pháp ứng phó với thiên tai cấp độ 1.

- Cấp tỉnh: Sử dụng các phương tiện thông tin tuyên truyền để truyền tải các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết; hướng dẫn nhân dân kiến thức kỹ năng ứng phó với nắng nóng. Triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh, đặc biệt là người già, trẻ em. Khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong những giờ cao điểm nắng nóng. Rà soát diện tích cây trồng, thực hiện trồng mới thay thế cây có dấu hiệu chết khô, chết héo; khuyến khích các tổ chức kinh tế xã hội lắp đặt hệ thống thu năng lượng mặt trời nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của nắng nóng, đồng thời cung cấp năng lượng sạch phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.

đ) Đối với rét đậm, rét hại, sương muối

- Cấp huyện, cấp xã: Thực hiện như biện pháp ứng phó với thiên tai cấp độ 1.

- Cấp tỉnh: Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống rét cho người, cây trồng vật nuôi, đặc biệt chú ý các đối tượng dễ bị tổn thương thương: Người già, người khuyết tật, trẻ em,...

- Tổ chức che chắn cho đàn gia súc, làm chuồng cho gia súc, bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc; triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, nghiên cứu đề xuất áp dụng giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt; chuẩn bị phương tiện trang thiết bị hỗ trợ, bảo vệ cây trồng, vật nuôi khi cần thiết, sẵn sàng triển khai phương án phục hồi sản xuất sau thiên tai. Chuẩn bị đủ cơ số giống cây trồng, vật nuôi.

- Xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực, thức ăn chăn nuôi, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chất đốt để phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài ngày; khẩn trương hỗ trợ vật tư, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định sản xuất.

3. Phân công, phân cấp trách nhiệm phối hợp ứng phó với thiên tai cấp độ 3

3.1. Chủ tịch UBND tỉnh

a) Chủ tịch UBND tỉnh: Báo cáo và đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hỗ trợ. Chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực theo thẩm quyền, triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh; phù hợp với tình huống cụ thể trên địa bàn tỉnh; tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên.

b) Chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai cấp độ 2; phù hợp với tình huống cụ thể tại địa phương; tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên.

c) Trường hợp rủi ro thiên tai trên cấp độ 3 hoặc thiên tai có diễn biến phức tạp nguy cơ cao gây hậu quả nghiêm trọng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai báo cáo Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo.

3.2. Biện pháp ứng phó cụ thể với tất cả các loại thiên tai cấp độ 3

a) Cấp tỉnh: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành thành viên BCH PCTT và TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động tổng lực mọi nguồn lực để ứng phó với thiên tai. Thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo các lực lượng tổ chức ứng phó.

b) Cấp huyện, xã: Huy động tối đa mọi nguồn lực và phối hợp với các lực lượng chi viện từ bên ngoài để ứng phó. Các huyện, xã lân cận khẩn trương huy động lực lực sẵn có để chi viện, giúp đỡ các địa phương bị thiệt hại.

c) Phương tiện, trang thiết bị: Các loại ca nô; tàu thuyền, xuồng; xe lội nước; các loại phao, áo phao cứu sinh; máy cẩu, máy xúc; Flycam; máy cắt bê tông; máy đục bê tông; máy khoan bê tông; trạm bơm, máy bơm nước; các hệ thống thiết bị làm mát; các thiết bị cấp nước; các loại xe cứu hộ giao thông; xe cứu thương; cưa máy và các trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng khác.

III. Huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, y tế, nhu yếu phẩm

1. Nguồn nhân lực: Được huy động từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh; Công an tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn; dân quân tự vệ; thanh niên xung kích; các doanh nghiệp; tình nguyện viên trên địa bàn tỉnh.

2. Lực lượng: Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng huy động để đáp ứng yêu cầu ứng cứu kịp thời khi có thiên tai xảy ra; dự kiến huy động được từ các sở, ban, ngành, đoàn thể, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, tình nguyện viên, các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn tham gia công tác phòng, chống, ứng phó khi xảy ra thiên tai luôn luôn đảm bảo duy trì khoảng 10.590 người; trong đó: Lực lượng vũ trang (BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: 1.550 người); các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, Doanh nghiệp 1.240 người; các xã, phường, thị trấn 7.800 người (Bình quân 48 người/xã, bao gồm cả lực lượng Dân quân tự vệ) gồm:

- Lực lượng thường trực sẵn sàng ứng cứu luôn luôn duy trì: 3.177 người (Trong đó: BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh: 465 người; các sở, ngành huyện, thị xã, thành phố, Doanh nghiệp 369 người; 164 xã, phường, thị trấn 2.343 người).

- Lực lượng huy động 7.413 người (Trong đó: BCH Quân sự tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: 1.085 người; các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, Doanh nghiệp 861 người; các xã, phường, thị trấn 5.467 người (Bình quân 33 người/xã).

(Có Phụ biểu 04 kèm theo)

Tùy theo tính chất và tình hình diễn biến, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của thiên tai; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương phù hợp theo yêu cầu.

3. Phương tiện, trang thiết bị, y tế gồm: Các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị cơ động, chi viện của các sở, ngành, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố và phương tiện, trang thiết bị tại chỗ của các địa phương.

4. Trách nhiệm huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, y tế

Các sở, ngành, các cơ quan đơn vị, huyện, thị xã, thành phố căn cứ kế hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt có trách nhiệm huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, y tế, nhu yếu phẩm đảm bảo công tác phòng chống thiên tai.

5. Phương tiện, vật tư, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, tài chính phục vụ công tác phòng, chống thiên tai

a) Phân công trách nhiệm huy động lực lượng, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vật tư y tế, vật tư nông nghiệp: Giao các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được phân công huy động đảm bảo khối lượng trong năm 2020 để thực hiện tốt Phương án này.

b) Nguồn phương tiện, vật tư, trang thiết bị hiện có trên địa bàn tỉnh để phòng, chống thiên tai: 39.432 chiếc (xe cứu hộ PCCCR 7; xe chữa cháy 6; ô tô phục vụ BVR-PCCCR 11; xuồng các loại 6; nhà bạt các loại 137; phao các loại 4.845; các trang thiết bị khác 34.196; các doanh nghiệp quản lý 224). Căn cứ tình hình thực tế và loại hình thiên tai, mức độ ảnh hưởng; Chủ tịch UBND tỉnh huy động phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng cứu phù hợp. Rà soát, đánh giá chất lượng, số lượng trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có để đề xuất nhu cầu trang cấp mới nhằm đảm bảo đáp ứng công tác ứng phó với sự cố, thiên tai xảy ra trong năm 2020.

(Có Phụ biểu 05 kèm theo)

Phần IV

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ CÁC CẤP, CÁC NGÀNH

I. Cơ cấu tổ chức

1. Cấp tỉnh: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh được kiện toàn và phân công nhiệm vụ tại Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh Lào Cai. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 12/3/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai; Kế hoạch số 236/KH-BCH ngày 28/6/2019 của BCH PCTT và TKCN tỉnh về Hiệp đồng phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2019.

2. Cấp huyện, cấp xã: Trên cơ sở cơ cấu tổ chức Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; cấp huyện, cấp xã kiện toàn và phân công nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN năm 2020 theo quy định tại Điều 21, 22 Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ. Căn cứ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

II. Nhiệm vụ chung của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các Sở, ngành; các địa phương

Để Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020 được thực hiện hiệu quả “Giảm thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân”, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, các địa phương như sau:

1. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: Thực hiện theo Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 15/01/2020 của UBND tỉnh về kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; thực hiện tốt nhiệm vụ đã được Trưởng ban, BCH PCTT và TKCN tỉnh phân công và quy chế phối hợp tại Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 12/3/2018 của UBND tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh mọi nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng Phương án PCTT; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, như: Các dự án sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm; đầu tư củng cố, nâng cấp các công trình thủy lợi, kè chống sạt lở đất, hồ đập, hệ thống các trạm đo mưa tự động, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai. Chỉ đạo phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp thời tiết của từng địa phương để hạn chế thiệt hại; xây dựng kế hoạch cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo đáp ứng đủ, kịp thời cho sản xuất. Đề xuất các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác cảnh báo, ứng phó, quản lý thiên tai. Xây dựng kế hoạch thu quỹ phòng, chống thiên tai; đôn đốc thu nộp Quỹ PCTT.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công; chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 tại Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014. Sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương về lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn đảm bảo lực lượng quân đội là lực lượng nòng cốt trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố thiên tai.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công; sẵn sàng hỗ trợ, chi viện lực lượng, phương tiện ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, nhất là khu vực Biên giới. Hỗ trợ Nhân dân khu vực Biên giới phòng, chống, ứng phó các sự cố thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai. Đảm bảo an ninh, trật tự khu vực Biên giới, cửa khẩu khi có thiên tai xảy ra.

5. Công an tỉnh: Chủ động xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng bị thiên tai; tham gia cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng phân luồng giao thông, hướng dẫn giao thông ở các khu vực bị thiên tai, nhất là các khu vực cầu, ngầm tràn, sạt lở đất, sụt lún đất... Hỗ trợ khắc phục các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

6. Văn phòng UBND tỉnh: Phối hợp với Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về tình hình thiên tai. Phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, theo dõi đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh.

7. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Theo dõi chặt chẽ, cập nhật, xử lý kịp thời thông tin về tình hình diễn biến thời tiết khí hậu; dự báo sớm diễn biến thời tiết khí hậu, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm. Cung cấp kịp thời các bản tin dự báo thời tiết cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai, Sở Nông nghiệp và PTNT để cảnh báo cho các cấp, các ngành, các địa phương và người dân phòng, tránh.

8. Sở Công Thương: Phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện đúng quy trình, bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du trong mùa mưa lũ. Kiểm tra rà soát phương án bảo đảm an toàn các bãi thải, các khu vực mỏ, hầm lò khai thác khoáng sản; chủ động xử lý và có phương án đảm bảo an toàn công trình, khu dân cư lân cận, nhất là trong các tình huống xảy ra mưa, lũ lớn, sạt lở đất.

9. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị quỹ đất để di chuyển sắp xếp dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm. Hướng dẫn thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý cá nhân, đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai.

10. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng: Lập kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt cho người và các phương tiện khi có sự cố, thiên tai xảy ra; chuẩn bị đầy đủ vật tư, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, khắc phục sự cố thiên tai. Quan tâm đặc biệt đến các tuyến đường trọng điểm, các khu vực đường xung yếu, cầu yếu, sạt lở đất để ứng cứu, thay thế khi có sự cố ách tắc giao thông trong thời gian nhanh nhất. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư thi công đúng tiêu chuẩn, chất lượng công trình, tránh mất an toàn khi thiên tai xảy ra. Chủ động triển khai khắc phục nhanh tình trạng ngập úng. Tăng cường kiểm tra các công trình công cộng đã hết thời hạn sử dụng, các công trình có nguy cơ mất an toàn. Hướng dẫn sửa chữa, gia cố nhà ở đảm bảo kỹ thuật phòng chống các loại thiên tai như mưa lớn, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá.

11. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Theo dõi chặt chẽ thiệt hại về thiên tai đến đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, cứu đói, thăm hỏi động viên; hỗ trợ kịp thời cho dân cư khu vực bị thiệt hại do sự cố, thiên tai gây ra; bảo đảm cuộc sống an sinh cho nhân dân ổn định.

12. Sở Y tế: Xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau khi thiên tai; chuẩn bị đầy đủ lực lượng cán bộ y tế; dự trữ đủ cơ số thuốc; phương tiện vật tư y tế cần thiết đáp ứng nhu cầu cứu thương, phòng ngừa bệnh dịch (đặc biệt là dịch cúm covit-19 đang diễn ra); hướng dẫn cho cộng đồng dân cư về kỹ thuật cấp cứu thông thường, biện pháp vệ sinh, xử lý môi trường vùng bị thiên tai. Cấp cứu nạn nhân bị thiên tai kịp thời; tham gia các cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

13. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; Cơ quan Quỹ phòng, chống thiên tai: Tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách, Quỹ; các nguồn kinh phí hợp pháp khác trong kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 để di dời dân cư; sửa chữa, nâng cấp duy tu bảo dưỡng hồ đập, kè chống sạt lở đất...; các Chương trình, Nghị quyết, Đề án nhằm bảo đảm nguồn tài chính phòng, chống, ứng phó thiên tai. Lồng ghép các nguồn kinh phí đầu tư hoạt động phòng chống, ứng phó thiên tai với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách cho khắc phục hậu quả thiên tai. Tranh thủ, các nguồn kinh phí khác để đầu tư, hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai.

14. Sở Giáo dục và Đào tạo: Lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai với kiến thức giảng dạy trong trường học; xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, dịch bệnh của ngành giáo dục bảo đảm an toàn cho học sinh; kiểm tra trường lớp trước mùa mưa, lũ để có kế hoạch sửa chữa đảm bảo cho công tác dạy và học; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học khi cần thiết.

15. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai: Thông tin sâu rộng kịp thời tình hình thời tiết, khí hậu, tình hình thiên tai đúng Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ; các chủ trương, công điện, văn bản chỉ đạo cảnh báo thiên tai nhanh, kịp thời, chính xác; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Phổ biến các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai; tuyên truyền Luật Phòng chống thiên tai, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của UBND tỉnh về phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

16. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương thu thập các thông tin về mưa, lũ, bão, diễn biến thiên tai; kịp thời thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai để nhân dân chủ động phòng ngừa.

17. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch PCTT của ngành; phương án bảo vệ an toàn cho người dân và khách tham quan, du lịch, các công trình di tích lịch sử, nhà văn hóa; tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với ngành, lĩnh vực phụ trách.

18. Viễn thông Lào Cai: Có trách nhiệm lập kế hoạch và chỉ đạo việc thực hiện đảm bảo cho mạng thông tin liên lạc phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai được thông suốt trong mọi tình huống.

19. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai: Tổ chức kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, quyên góp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; phối hợp với Sở Lao động TBXH, Hội Chữ thập đỏ tổ chức tiếp nhận và phân phối, tiền, hàng ủng hộ quyên góp cho các đối tượng bị thiên tai.

20. Chi cục Thủy lợi: Tham gia công tác PCTT của ngành Nông nghiệp và PTNT; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương công tác bảo đảm an toàn hồ đập, thủy lợi, công tác phòng chống hạn; thực hiện tu bổ sửa chữa các công trình thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sản xuất; xây dựng các phương án an toàn cho các hồ chứa, đập dâng có quy mô lớn.

21. Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh: Theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, thiên tai để tham mưu kịp thời cho BCH PCTT và TKCN tỉnh. Chỉ đạo tổng hợp, rà soát các vị trí có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai; tình hình thiệt hại của các địa phương. Tham mưu cho Ban Chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát đánh giá mức độ thiệt hại; đề xuất phương án hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai; đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các văn bản chỉ đạo phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của Ban Chỉ đạo Trung ương, UBND tỉnh. Thực hiện một số nội dung khác khi được phân công.

22. Ban Dân tộc tỉnh: Chỉ đạo công tác PCTT của Ban Dân tộc; có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương công tác ổn định sắp xếp dân cư, nhất là các hộ dân là người dân tộc thiểu số. Tham gia xây dựng kế hoạch sắp xếp dân cư đảm bảo ổn định bền vững.

23. Đoàn Thanh niên tỉnh: Phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỹ năng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em trong công tác phòng, tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai; chủ động lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch của Đoàn thanh niên; huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia vào công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức thăm hỏi, động viên những cá nhân, gia đình bị thiệt hại.

24. Hội chữ Thập đỏ tỉnh: Chỉ đạo công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai của Hội; xây dựng kế hoạch vận động sự ủng hộ của các tổ chức trong nước và Quốc tế.

25. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Chỉ đạo công tác PCTT của Hội; phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền kỹ năng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là người già, phụ nữ và trẻ em trong công tác phòng, tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; chủ động lồng ghép công tác tuyên truyền phòng chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch của Hội phụ nữ tỉnh; tổ chức thăm hỏi, động viên những cá nhân, gia đình bị thiệt hại.

26. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó chú trọng công tác huy động lực lượng, trang thiết bị để ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Chủ động rà soát, di dời dân cư kịp thời ra khỏi các khu vực thiên tai nguy hiểm. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập, hệ thống tiêu thoát nước, khu hầm lò, khai thác mỏ, khu dân cư, khu vực ven sông, suối; đánh giá mức độ an toàn hồ đập. Ngăn chặn các hoạt động làm tăng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng chống, ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chỉ đạo các hộ gia đình chủ động sửa chữa, gia cố nhà ở để đảm bảo sức chông chịu với thiên tai; chủ động phòng tránh thiên tai, tuyên truyền vận động nhân khắc phục hậu quả thiệt hại, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thu nộp quỹ và đẩy mạnh công tác thu, nộp quỹ phòng, chống thiên tai để tăng nguồn tài chính đầu tư cho phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

II. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt, các sở, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.

2. Các cơ quan Trung ương, Doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh phải chủ động xây dựng và phê duyệt Phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020 phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị; phối hợp tích cực với các sở, ngành tỉnh trong công tác ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020.

3. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan Thường trực phòng, chống thiên tai tỉnh) tổ chức kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị, UBND cấp huyện, cấp xã, các đoàn thể, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt Phương án này./.

 

PHỤ BIỂU 01:

TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ CHỖ Ở AN TOÀN NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Phương án Ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai)

I. THÔNG TIN ĐỊA PHƯƠNG:

TT

Thông tin tổng hợp

ĐVT

Toàn tỉnh

Bảo Yên

Bảo Thắng

Văn Bàn

Bát Xát

Mường Khương

Bắc Hà

Si Ma Cai

Sa Pa

TP Lào Cai

1

Số huyện, thành phố

 

9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

Số xã

 

164

18

15

23

23

16

21

13

18

17

3

Tổng số hộ điều tra

Hộ

108,699

20,481

14,844

13,225

17,013

11,225

13,467

5,643

11,996

805

4

Tổng số hộ hiện có

Hộ

165,027

20,481

30,187

19,623

17,013

13,131

13,467

7,110

11,996

32,019

5

Tổng số người

người

713,513

86,870

110,520

90,275

77,554

62,863

65,277

36,816

61,414

121,924

6

Nam

người

361,318

45,154

55,976

45,770

39,547

31,689

33,627

18,532

30,209

60,814

7

Nữ

người

352,195

41,715

54,544

44,505

38,007

31,174

31,650

18,285

31,205

61,110

8

Trẻ em dưới 6 tuổi

người

95,061

11,105

23,172

8,360

9,120

7,126

8,578

5,294

9,815

12,491

9

Người già trên 60 tuổi

người

57,016

7,339

8,983

5,453

4,332

4,230

4,163

1,463

6,001

15,052

10

Người khuyết tật

người

4,347

896

696

477

452

255

212

240

261

858

11

Dân tộc Kinh

người

244,736

22,120

71,064

7,903

15388

7,142

10376

1,544

12,043

97,156

II. TỔNG HỢP THÔNG TIN KHẢO SÁT

1

Tổng số hộ đã bị thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất hoặc thiên tai nguy hiểm (trong 05 năm gần đây)

Hộ

12,942

2,110

633

1,527

3,094

2,027

796

612

1,624

519

người

58,178

8,889

2,658

6,666

13,925

8,216

3,852

3,400

8,496

2,076

2

Chỗ ở nằm trên đồi, núi hoặc mái dốc đào, đắp (san, gạt)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2a

Số hộ xuất hiện dấu hiệu: vết nứt trên sườn đồi, nền nhà, tường nhà; cây nghiêng đổ.

Hộ

4,341

1,243

60

555

501

336

147

161

1,030

308

người

17,313

4,977

252

2,541

2,255

1367

663

796

3,230

1,232

2b

Số hộ trước và sau nhà có mái dốc (taluy âm/dương) có độ dốc cao.

Hộ

15,315

2,739

613

1,902

4,878

1,707

232

1,063

1,653

528

người

65,047

11,482

2,574

7,987

21,951

6,873

1,044

5,477

5,547

2,112

2c

Số hộ gần mái dốc không có tường chắn, kè chống sạt lở, rãnh thoát nước, cây xanh.

Hộ

12,453

2,201

566

1,492

4,185

1,303

206

1,019

1,063

418

người

55,637

9,197

2,377

5,218

18,839

5,234

927

6,180

5,993

1,672

2d

Số hộ phía trên có đào ao, hố phục vụ sinh hoạt, sản xuất (nuôi cá, thả vịt...)

Hộ

2,037

436

8

164

272

63

96

43

912

43

người

10,485

1,930

34

1,126

1,225

260

432

227

5,079

172

2e

Số hộ xung quanh không có rừng phòng hộ

Hộ

27,015

4,817

1,024

7,670

4,546

3,741

-

2,412

2,359

446

người

121,485

21,240

4,301

33,911

20,457

15,243

-

11,745

12,804

1,784

3

Chỗ ở nằm ven sông, suối, khe nước; gần công trình hồ đập, ngầm, cầu, cống

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3a

Số hộ phía trên (thượng nguồn) có hồ chứa đã từng xả nước gây ảnh hưởng ngập, sạt, xói lở...

Hộ

1,856

1,319

-

252

119

18

74

5

43

26

người

8,103

5,335

-

1,491

538

78

336

28

193

104

3b

Số hộ mà phía trên (thượng nguồn) có các đập ngăn tạm.

Hộ

1,220

256

36

151

177

4

413

6

79

98

người

5,390

1,110

151

876

797

22

1,856

33

153

392

3c

Số hộ gần chỗ ở có cống, ngầm qua khe, suối đã từng bị vùi lấp do sỏi đá, bùn cát, cây lớn.

Hộ

2,112

616

138

449

456

51

83

14

41

264

người

8,846

2,255

580

2,034

2,053

212

373

73

210

1,056

4

Số hộ nằm gần hoặc dưới các bãi khai thác khoáng sản, các bãi thải vật liệu lớn.

Hộ

918

237

115

162

152

1

32

-

131

88

người

4,802

937

937

1,085

687

3

144

-

657

352

 

PHỤ BIỂU 02:

ĐỊA ĐIỂM LẮP ĐẶT TRẠM ĐO MƯA TỰ ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Phương án Ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai)

STT

Tên đơn vị

Địa điểm lắp đặt

Ghi chú

1

Điểm đo mưa Cốc Ly

Đập, Nhà máy thủy điện Bắc Hà, huyện Bắc Hà

 

2

Điểm đo mưa Nậm Khánh

Đập, Nhà máy thủy điện Nậm Phàng, huyện Bắc Hà

 

3

Điểm đo mưa Mường Hum

Đập, Nhà máy thủy điện Mường Hum, huyện Bát Xát

 

4

Điểm đo mưa Bản Vược

Đập, Nhà máy thủy điện Ngòi Phát, huyện Bát Xát

 

5

Điểm đo mưa Tả Van

Đập, Nhà máy thủy điện Séo Chông Hô, thị xã Sa Pa

 

6

Điểm đo mưa Thanh Phú

Đập, Nhà máy thủy điện Tà Thàng, huyện Sa Pa

 

7

Điểm đo mưa Việt Tiến

Nhà làm việc UBND xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên

 

8

Điểm đo mưa Kim Sơn

Nhà làm việc UBND xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên

 

9

Điểm đo mưa Gia Phú

Nhà làm việc UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng

 

10

Điểm đo mưa Dương Quỳ

Nhà làm việc UBND xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn

 

11

Điểm đo mưa Trịnh Tường

Nhà làm việc UBND xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát

 

12

Điểm đo mưa Bản Cầm

Nhà làm việc UBND xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng

 

13

Điểm đo mưa Nghĩa Đô

Nhà làm việc UBND xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên

 

14

Điểm đo mưa Nậm Xé

Nhà làm việc UBND xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn

 

15

Điểm đo mưa Trung Lèng Hồ

Nhà làm việc UBND xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát

 

16

Điểm đo mưa Lùng Phình

Nhà làm việc UBND xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà

 

17

Điểm đo mưa Nàn Sán

Nhà làm việc UBND xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai

 

18

Điểm đo mưa Cao Sơn

Nhà làm việc UBND xã Cao Sơn, huyện Mường Khương

 

19

Điểm đo mưa Bản Khoang

Nhà làm việc UBND xã Bản Khoang, thị xã Sa Pa

 

20

Điểm đo mưa Cam Đường

Nhà làm việc UBND xã Cam Đường, thành phố Lào Cai

 

21

Điểm đo mưa Y Tý

UBND xã Y Tý, huyện Bát Xát

 

22

Điểm đo mưa Cốc Mỳ 1

Thôn Tả Chang, xã Quang Kim, huyện Bát Xát

 

23

Điểm đo mưa Mường Hum

UBND xã Mường Hum, huyện Bát Xát

 

24

Điểm đo mưa Mường Vi

UBND xã Mường Vi, huyên Bát Xát

 

25

Điểm đo mưa Cốc Ly

UBND xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà

 

26

Điểm đo mưa Bảo Nhai

UBND xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà

 

27

Điểm đo mưa Dương Quỳ

UBND xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn

 

28

Điểm đo mưa TT Khánh Yên

UBND TT Khánh Yên, huyện Văn Bàn

 

29

Điểm đo mưa Bảo Hà

UBND xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên

 

30

Điểm đo mưa TT Phố Lu

UBND thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng

 

31

Điểm đo mưa Ô Quý Hồ

Trường tiểu học Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa

 

32

Điểm đo mưa Bản Lầu

UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương

 

33

Điểm đo mưa TT Mường Khương

UBND TT Mường Khương, huyện Mường Khương

 

 

PHỤ BIỂU 03:

TỔNG HỢP CÁC ĐIỂM CÓ NGUY CƠ LŨ ỐNG, LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT NĂM 2020 TỈNH LÀO CAI
(Kèm theo Phương án Ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai)

TT

Địa điểm

Ước khối lượng sạt
(m3)

Loại hình thiên tai

Ghi chú

I

Thành phố Lào Cai

 

 

 

1

Ngầm tràn thôn Phìn Hồ Thầu, xã Tả Phời

 

Lũ ống, lũ quét

 

2

Ngầm tràn thôn Phìn Hồ, xã Tả Phời

 

Lũ ống, lũ quét

 

3

Ngầm tràn thôn Ú Xì Xung, xã Tả Phời

 

Lũ ống, lũ quét

 

4

Ngầm tràn thôn Cóc 2, xã Tả Phời

 

Lũ ống, lũ quét

 

5

Cầu cứng thôn Phân Lân, xã Tả Phời

 

Lũ ống, lũ quét

 

6

Khu vực cầu sắt thôn Nậm Rịa 1, xã Hợp Thành

 

Lũ ống, lũ quét

 

7

Khu vực cầu bê tông thôn Bắc Công, xã Hợp Thành

 

Lũ ống, lũ quét

 

8

Khu vực suối Vàng Mạ, thôn Cáng 1, xã Hợp Thành

200

Lũ quét, sạt lở

 

9

Khu vực suối thôn Pèng, xã Hợp Thành

 

Lũ ống, lũ quét

 

10

Đầu đập tràn làng Nhớn phía bên (bờ tả) thôn Suối Ngàn, xã Cam Đường

 

Lũ quét

 

11

Đầu dập tràn làng Nhớn phía bên (bờ hữu) thôn Nhớn 1, xã Cam Đường

 

Lũ quét

 

12

Đầu đập tràn Dạ 2 phía bên (bờ hữu) thôn Dạ 2, xã Cam Đường

 

Lũ quét

 

13

Đầu đập tràn Dạ 2 phía bên (bờ tả) thôn Công trường 5, xã Cam Đường

 

Lũ quét

 

14

Khu vực chân đồi 2, đường đi vào nhà máy tuyển xã Cam Đường

100,000

Sạt lở

 

15

Khu vực chân đồi khai trường 10, xã Cam Đường

>20.0000

Sạt lở

 

16

Thôn 8, xã Đồng Tuyển (2 điểm)

 

Lũ Quét

 

II

Huyện Văn Bàn

 

 

 

17

Ngầm tràn QL 279, Thôn Tông Hốc, xã Dương Quỳ

 

Lũ ống, lũ quét

 

18

Ngầm Hoong Khăm, Thôn Nà Hin, xã Dương Quỳ

 

Lũ ống, lũ quét

 

19

Ngầm Khánh Yên Hạ, Thôn Pắc Xung (đường tỉnh lộ), xã Khánh Yên Hạ

 

Lũ quét

 

20

Ngầm tràn Liêm Phú (Thôn Giằng - Ỏ, tuyến đường Liêm Phú - Chiềng Ken)

 

Lũ quét

 

21

Km 132, QL 279, xã Minh Lương

2,000

Sạt lở đất

 

22

Km13, Tỉnh lộ, Thôn Khe Nà, xã Nậm Tha

1,000

Sạt lở

 

23

Km16, Tỉnh lộ, Thôn Khe Tào, xã Nậm Tha

2,000

Sạt lở

 

24

Km17, Tỉnh lộ, Thôn Khe Tào, xã Nậm Tha

1,000

Sạt lở đá

 

25

Ngầm Nậm Xây Nọi, xã Nậm Xây

100

Lũ ống, lũ quét

 

26

Ngầm Nậm Xây Luông, xã Nậm Xây

500

Lũ ống, lũ quét

 

27

Đường lên thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây (Điểm 1: Dốc Ông Phà)

300

Lũ ống, lũ quét

 

28

Đường lên thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây (Điểm 2: Qua suối đập đá)

200

Lũ ống, lũ quét

 

29

Đường lên thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây (Điểm 3: Qua suối Dần Thàng)

200

Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

 

30

Tại điểm đường QL279 cách ngầm tràn Xi tan 50m về phía huyện Than Uyên (Lai Châu), xã Nậm Xé

350

Sạt lở đất

 

31

Tại thôn Tu Thượng, gần đầu đập thủy điện Nậm Tu Trên, đường liên thôn Tu Hạ -Tu Thượng, xã Nậm Xé

250

Sạt lở đất

 

32

Thôn Khe Quạt, xã Tân An

300

Sạt lở đất

 

33

Ngầm Chiềng 1+2, xã Chiềng Ken

 

Cảnh báo lũ

 

34

Thôn Phúng, xã Chiềng Ken

 

Cảnh báo lũ

 

35

Thôn Đồng Vệ, xã Chiềng Ken

1,500

Sạt lở đất

 

36

Thôn Bẻ 1 (dọc suối Nậm Tha), xã Chiềng Ken

 

Sạt lở bờ suối

 

37

Thôn Xuân Tiến, xã Văn Sơn

 

Lũ, ngập lụt

 

38

Thôn Nậm Cần, xã Dần Thàng

 

Lũ ống, lũ quét

 

III

Huyện Bát Xát

 

 

 

39

Km 4, đường Trịnh Tường - Y Tý (thôn San Hồ, xã Trịnh Tường)

400

Sạt lở đất

 

40

Km 10, đường Trịnh Tường - Y Tý (thôn Sín Chải, xã Trịnh Tường)

300

Sạt lở đất

 

41

Km 15, đường Trịnh Tường - Y Tý (thôn Tả Cồ Thàng, xã Trịnh Tường)

300

Sạt lở đất

 

42

Đường liên thôn Trung lìềng - Lò Suối Tủng, xã Phìn Ngan

200

Sạt lở đất

 

43

Đường liên thôn Sủng Hoảng - Sùng Vành, xã Phìn Ngan

250

Sạt lở đất

 

44

Km 10, đường Quang Kim - Phìn Ngan (taluy âm)

400

Sạt lở đất

 

45

Km 12, đường Quang Kim - Phìn Ngan

350

Sạt lở đất

 

46

Km 3+600 đường thôn Lùng Thàng, xã Bản Qua

200

Sạt lở đất

 

47

Km 1+200 đường thôn Shan Lùng, xã Bản Qua

500

Sạt lở đất

 

48

Ngầm tràn Nậm Chỏn, thôn Nậm Chỏn, xã Cốc Mỳ

 

Lũ ống, lũ quét

 

49

Ngầm tràn Khoa San Chải, xã A Lù

 

Lũ ống, lũ quét

 

IV

Huyện Bảo Thắng

 

 

 

50

Điểm sạt lở bờ Sông Hồng thôn Báu, xã Thái Niên

21,000

Sạt lở đất

 

51

Ngầm thôn Hải Sơn 2, xã Phúa Nhuận (Tỉnh Lộ 151)

Ngầm tràn hay bị ngập lụt khi mưa to

Ngập lụt

 

52

Ngầm tràn thôn Cù, xã Xuân Giao (Tỉnh lộ 151)

Ngầm tràn hay bị ngập lụt khi mưa to

Ngập lụt

 

53

Điểm thôn Bản Cam, xã Gia Phú

100

Sạt lở đất

 

54

Cầu tạm cuối đường GTLT đầu Nhuần, xã Phú Nhuận

Ngầm tràn hay bị ngập lụt khi mưa to

Ngập lụt

 

55

Điểm Thôn Phú Sơn, xã Phú Nhuận (cách UBND xã 4km)

100

Sạt lở đất

 

V

Huyện Bắc Hà

 

 

 

56

Điểm sạt lở tuyến đường Cầu Nậm Tôn - UBND xã Nậm Lúc (cách 200 m)

700

Sạt lở đất

 

57

Điểm sạt lở khu vực chợ Cốc Ly (cách chợ 150 m)

700

Sạt lở đất

 

58

Điểm sạt lở tuyến đường UBND xã Nậm Đét đi thôn Nậm Đét (cách UBND xã 1km)

1,000

Sạt lở đất

 

VI

Huyện Bảo Yên

 

 

 

59

Km 5+700, đường liên xã Minh Tân - Kim Sơn (thuộc bản Minh Hải, xã Minh Tân)

3,000

Sạt lở đất

 

60

Cầu nhà ông Hạnh bản 5, xã Điện Quan

 

Ngập lụt

 

61

Ngầm bản Điện, xã Điện Quan

 

Ngập lụt

 

62

Ngầm bản 4, xã Điện Quan

 

Ngập lụt

 

63

Tổ dân phố 2D, thị trấn Phố Ràng

 

Lũ ống

 

64

Tổ dân phố 1, thị trấn Phố Ràng

2000

Sạt lở, ngập lụt

 

65

Tổ dân phố 2A, thị trấn Phố Ràng

1000

Sạt lở, ngập lụt

 

66

Tổ dân phố 2B, thị trấn Phố Ràng

2000

Sạt lở đất

 

67

Tổ dân phố 2C, thị trấn Phố Ràng

2000

Sạt lở, ngập lụt

 

68

Tổ dân phố 3A, thị trấn Phố Ràng

3000

Sạt lở đất

 

69

Tổ dân phố 3B, thị trấn Phố Ràng

1000

Sạt lở đất

 

70

Tổ dân phố 7A, thị trấn Phố Ràng

3000

Sạt lở đất

 

71

Tổ dân phố 6B, thị trấn Phố Ràng

 

Ngập lụt

 

72

Tổ dân phố 7B, thị trấn Phố Ràng

 

Ngập lụt

 

73

Tổ dân phố 8C, thị trấn Phố Ràng

 

Ngập lụt

 

74

Tổ dân phố 9C, thị trấn Phố Ràng

 

Ngập lụt

 

75

Khu nhà ông Hải Thuấn thôn Múi 3, xã Yên Sơn

300

Sạt lở đất

 

76

Khu nhà ông Huynh (khu bãi đổ thải gần đường QL 279) thôn Múi 2, xã Yên Sơn

500

Sạt lở đất

 

77

Khu nhà ông Vượng (khu bãi đổ thải gần đường QL 279) thôn Mạ 1, xã Yên Sơn

250

Sạt lở đất

 

VII

Huyện Si Ma Cai

 

 

 

78

Đường Sín Chéng - Thào Chư Phìn, xã Thào Chư Phìn (thôn Hô Sáo Chải)

100

sạt lở

 

79

Đường Hố Sáo Chải - Cẩu Pì Chải, xã Thào Chư Phìn (thôn Hô Sáo Chải)

80

Sạt lở đất

 

80

Đường Trung tâm UBND- thôn Cẩu Pì Chải, xã Thào Chư Phìn (thôn Cẩu Pì Chải)

300

Sạt lở đất

 

81

Đường vào trung tâm Cán Chư Sử (đằng sau trường Mầm Non xã Cán Cấu)

2000

Sạt lở đất

 

82

Đường Chư Sang - Mù Tráng Phìn (Từ Chư Sang lên khoảng 1,2km) gần thôn Bản Phìn (QTS), xã Cán Cấu

1000

Sạt lở đất

 

83

Đường Chư Sang - Mù Tráng Phìn (gần nhà văn hóa Mù Tráng Phìn), xã Cán Cấu

800

Sạt lở đất

 

84

Khu vực thủy lợi cầu treo hồ Cán Cấu

3000

Sạt lở đất

 

85

Cầu đập tràn Thôn Ngã Ba, xã Mản Thẩn

 

Lũ quét

 

86

Tại cầu cạn đường liên xã tử huyện vào xã Mản Thẩn (thôn Hoàng Thu Phố)

 

Lũ quét

 

87

Điểm 1 thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng

3000

Sạt lở đất

 

88

Điểm 2 thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng

1000

Sạt lở đất

 

89

Điểm 3 Thôn Sín Chải (khu Bản Giáng), xã Sín Chéng

6000

Sạt lở đất

 

90

Điểm 4 thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng

4000

Lũ quét

 

91

Điểm 5 thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng

5000

Sạt lở đất

 

VIII

Huyện Mường Khương

 

 

 

92

Khu vực điểm dân cư thôn Lao Táo, thôn Pha Long 2

500

Hố Caster

 

93

Đường QL4 khu vực điểm dân cư Nì Sỉ 2+3, thôn Lao Ma Chải

1000

Sạt lở đất, đá

 

94

Thôn Pao Pao Chải

500

Sạt lở đất, đá

 

95

Thôn Tà Lùng Thắng

700

Sạt lở đất, đá

 

96

Thôn Lồ Suối Tùng

400

Sạt lở đất, đá

 

97

Km37 đường tỉnh lộ 154 địa bàn xã Tả Thàng

600

Sạt lở đất, đá

 

98

Km42 đường tỉnh lộ 154 địa bàn xã Tả Thàng

500

Sạt lở đất, đá

 

99

Đường GTNT TL154 - Bản Phố tại Km0+400

300

Sạt lở đất, đá

 

100

Đường GTNT TL 154 - Páo Máo Phìn tại Km 1

400

Sạt lở đất, đá

 

101

Đường GTNT TL154 - Páo Máo Phìn tại Km2+300

400

Sạt lở đất, đá

 

102

Đường GTNT Nàn Tiểu Hồ - Vả Thàng điểm khu dân cư thôn Và Thàng

 

Đá lăn

 

103

Đường QL4 khu vực Hàm Rồng thị trấn Mường Khương

 

Sạt lở đá

 

IX

Huyện Sa Pa

 

 

 

104

Km 101+500 - km 102+100 QL4D

300

Sạt lở đất

 

105

Km 98+100 - km 99 QL4D

200,000

Sạt lở đất

 

106

Km 0+300 đường Violet

600

Sạt lở đất

 

107

Km 0+400 đường DH92 Sa Pả - San Sả Hồ

500

Sạt lở đất

 

108

Đường Nguyễn Chí Thanh

500

Sạt lở đất

 

109

Km 100 QL4D (lối ra đường tránh Quốc lộ 4D)

300,000

Sạt lở đất

 

110

Km 26+400 Tỉnh lộ 152

6,000

Sạt lở đất

 

111

Km 28+700 Tỉnh lộ 152

 

Lũ ngầm tràn

 

112

Km 300+100 Tỉnh lộ 152

5,000

Sạt lở đất

 

113

Gần điểm khu dân cư thôn La Ve, xã Bản Hồ

 

Sụt lún đất

 

 

PHỤ BIỂU 04:

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN, VẬT TƯ, NHƯ YẾU PHẨM
(Kèm theo Phương án Ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai)

TT

Danh mục

ĐVT

Số Lượng

Nguồn huy động

Đơn vị đảm nhiệm

1

Nguồn nhân lực ứng cứu

Người

10,590

Lực lượng tự vệ cơ động địa phương; các cơ quan, đơn vị; các tổ chức, cá nhân

Lực lượng vũ trang (BCH Quân sự tỉnh, BCH Biên phòng, Công an tỉnh: 1.550 người), các sở, ngành huyện, TP, DN 1.240 người, các xã phường thị trấn 7.800 người (b/q mỗi xã 48 người)

-

Lực lượng thường trực sẵn sàng ứng cứu

Người

3,177

BCH Quân sự tỉnh, BCH Biên phòng, Công an tỉnh: 465 người; các sở, ngành huyện, TP, DN 369 người, các xã phường thị trấn 2343 người (mỗi xã 14 người)

-

Lực lượng huy động

Người

7,413

BCH Quân sự tỉnh, BCH Biên phòng, Công an tỉnh: 1.085 người; các sở, ngành huyện, TP, DN 861 người, các xã phường thị trấn 5.467 người (mỗi xã 33 người)

2

Phương tiện và trang thiết bị

 

-

Xuồng Máy

Chiếc

5

Huy động các cơ quan, đơn vị; các Doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân

TP Lào Cai 01, Chi cục Kiểm Lâm 01, Bộ CHQS 1; Bộ chỉ huy Biên phòng 2.

-

Áo Phao

Cái

1,200

BCH Quân sự tỉnh 50; BCH Biên phòng 30; Công an tỉnh 30; Văn phòng UBND tỉnh 10; Sở GD và ĐT 120; Đài PT-TH tỉnh 20; Sở LĐ 5; Công thương 5; VP TT BCH PCTT 30; CC Kiểm lâm 20; TP Lào Cai 110; huyện Văn Bàn 120; Bảo Thắng 180; Bảo Yên 190; Bát Xát 80; Bắc Hà 110; Si Ma Cai 10; Mường Khương 20; Sa Pa 80.

-

Phao Tròn

Cái

2,460

BCH Quân Sự tỉnh 130, BCH Biên Phòng 80, Sở Giao Thông 70, Sở NN&PTNT 20, Công an tỉnh 30, Sở GD và ĐT 300, Đài PT-TH tỉnh 10, VP TT BCH PCTT 450, TP Lào Cai 200, huyện Văn Bàn 150, Bảo Thắng 220, Bảo Yên 380, Bát Xát 130, Bắc Hà 80, Si Ma Cai 40, Mường Khương 40, Sa Pa 130.

-

Nhà bạt các loại

Bộ

83

BCH Quân Sự tỉnh 10, BCH Biên Phòng 6, Văn phòng TT PCLB tỉnh 23, Công an tỉnh 4, Tài chính 01; Sở Giáo dục và Đào tạo 2; CC Kiểm lâm 2, TP Lào Cai 5, huyện Văn Bàn 3, Bảo Thắng 7, Bảo Yên 7, Bát Xát 5, Sa Pa 4, Si Ma Cai 1; Bắc Hà 1; Mường Khương 2

-

Máy phát điện

Máy

10

Các huyện, TP, Ban chỉ huy PCTT tỉnh; BCH Quân sự tỉnh

-

Cưa máy

Máy

34

Ban ch huy PCTT huyện Sa Pa, Bát Xát

-

Xe con

Chiếc

38

BCH Quân Sự tỉnh 5 xe, BCH Biên Phòng 4 xe, Mỗi Sở ngành là thành viên BCH PCLB tỉnh 01 xe (tương đương 25 xe); mỗi huyện, TP 01 xe. Riêng Sở NN&PTNT 03 xe

-

Xe tải

Chiếc

5

BCH Quân sự 02, Công an tỉnh 03

-

Xe cứu thương

Chiếc

13

BCH Quân Sự tỉnh 1 xe, BCH Biên Phòng 1 xe, Sở Y tế 2 xe, mỗi huyện, thành phố 01 xe

-

Xe chở người

Chiếc

23

Sở Giao thông vận tải 05 xe, Mỗi huyện, thành phố 02 xe

-

Xe tải

Chiếc

23

Sở Giao thông vận tải 05 xe, Mỗi huyện, thành phố 02 xe

-

Máy bơm nước

Chiếc

4

Huyện Bát Xát 01, Sa Pa 01, Chi cục Kiểm lâm tỉnh 01; BCH Quân Sự tỉnh 1.

-

Máy xúc, máy đào

Chiếc

18

Mỗi huyện 02 xe

3

Giống, vật tư NN phục hồi sản xuất: 9.075 tấn

Sở Nông nghiệp

-

Giống lúa các loại

Tấn

85

Thị trường tự do

Trung tâm Giống

 

Giống ngô các loại

Tấn

90

 

Trung tâm Giống

-

Phân bón các loại

Tấn

4,000

Thị trường tự do

 

-

Phân NPK

Tấn

3,000

Thị trường tự do

Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp

-

Phân URÊ

Tấn

1,500

Thị trường tự do

nt

-

Phân bón các loại

Tấn

400

Thị trường tự do

nt

4

Lương thực, thực phẩm, vật tư

Sở Công Thương

-

Gạo

Tấn

10,000

Kho Cam Đường

Công ty lương thực

-

Muối ăn

Tấn

50

Các huyện

Công ty CP thương mại Lào Cai

-

Bột canh

gói

50,000

Thị trường tự do

 

-

Mỳ tôm

thùng

40,000

Thị trường tự do

Công ty CP thương mại Lào Cai

-

Sữa (các loại)

kiện

10,000

Thị trường tự do

 

-

Xăng, dầu

m3

1,500

 

Tại các cửa hàng ở các huyện thuộc Cty xăng dầu Lào Cai

-

Tấm lợp các loại

tấm

30,000

Thị trường tự do

Tại các huyện

5

Y Tế

 

 

 

Sở Y Tế

-

Thuốc khử trùng

tấn

2

Tại các huyện

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh

-

Thuốc chữa bệnh

cơ số

18

Tại các huyện

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh

 

PHỤ BIỂU 05:

THỐNG KÊ NGUỒN PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ PCTT VÀ TKCN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2020
(Kèm theo Phương án Ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lào Cai)

TT

Phương tiện, trang thiết bị PCTT

Đơn vị tính

Nguồn

Cộng

Chất lượng phương tiện, trang thiết bị hiện có

Ghi chú

1

2

3

4

5

 

Tổng cộng

 

 

39,432

8,033

27,969

2,649

269

512

 

I

Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố

 

 

39,208

7,924

27,912

2,591

269

512

 

1

Xe cứu hộ PCCR

Chiếc

KL

7

-

2

4

1

-

 

2

Xe chữa cháy

Chiếc

BCA

6

-

4

2

-

-

 

3

Ô tô phục vụ BVR - PCCCR

Chiếc

KL

11

-

5

5

I

-

 

4

Xuồng các loại

 

 

6

2

1

2

-

1

 

-

Xuồng ST 660

Chiếc

QK

2

1

-

1

-

-

 

-

Xuồng ST 450

Chiếc

QK

2

1

1

-

-

-

 

-

Xuồng Máy<200 ML

Chiếc

BCA

2

-

-

1

-

1

 

5

Nhà bạt các loại

 

 

137

45

71

15

6

-

 

-

Nhà bạt 60m2

Bộ

QK + DTQG

4

-

2

2

-

-

 

-

Nhà bạt 24,75m2

Bộ

QK + DTQG + KL

46

30

11

5

-

-

 

-

Nhà bạt 16,5m2

Bộ

QK + DTQG + KL

77

14

50

7

6

-

 

-

Nhà bạt các loại khác

Bộ

MS

7

-

7

-

-

-

 

-

Dù đại đội

Bộ

MS

3

1

1

1

-

-

 

6

Phao các loại

 

 

4,845

1,870

1,608

1,231

98

38

 

-

Phao áo cứu sinh

Chiếc

QK + DTQG

2,846

1,005

795

970

48

28

 

-

Phao tròn cứu sinh

chiếc

QK + DTQG

1,994

865

813

256

50

10

 

-

Phao tự thổi

chiếc

 

-

-

-

-

-

-

 

-

Phao bè

chiếc

QK + DTQG

5

-

-

5

-

-

 

7

Trang thiết bị khác

 

 

34,196

6,007

26,221

1,332

163

473

 

-

Flycam

Chiếc

VP thiên tai

1

1

 

 

 

 

 

-

Máy phát điện các loại

chiếc

BTL + KL + NTBT

17

2

6

7

1

1

 

-

Máy bơm nước các loại

chiếc

BTL+ DTQG + KL

30

2

25

-

2

1

 

-

Máy cưa cầm tay các loại

chiếc

BCA + KL+NTBT

55

-

13

42

-

-

 

-

Máy khoan cắt bê tông

chiếc

 

-

-

-

-

-

-

 

-

Thiết bị lọc nước

Bộ

BQP

2

2

 

 

 

 

 

-

Thiết bị chữa cháy VC82A

Bộ

DTQG

1

1

 

 

 

 

 

-

Gường USA

Cái

MS

8

-

-

-

8

-

 

-

Máy định vị

Cái

QK + KL

94

-

89

4

1

-

 

-

Cuốc bàn

Cái

DA + MS

782

35

662

63

11

11

 

-

Xẻng các loại

Cái

KL + DA + MS

855

53

724

58

10

10

 

-

Dao phát, dao tông

Chiếc

KL + VT + MS

5,772

51

5,443

239

10

29

 

-

Đệm nhà bạt

Chiếc

 

-

-

-

-

-

-

 

-

Đệm hơi cứu người

Cái

 

-

-

-

-

-

-

 

-

Máy báo lượng mưa

Bộ

VT

48

11

36

-

-

1

 

-

Máy phát thanh không dây

Bộ

VT

6

-

1

-

-

5

 

-

Máy thổi gió

Chiếc

KL

17

-

17

-

-

-

 

-

Máy cắt cỏ

Chiếc

BTL

84

-

80

3

-

1

 

-

Máy tính nối mạng

Chiếc

MS

84

-

84

-

-

-

 

-

Điện thoại

Chiếc

MS

70

-

70

-

-

-

 

-

Ống nhòm

Chiếc

BCA + KL

42

-

38

3

-

1

 

-

Loa cầm tay

Chiếc

QK + DTQG

62

11

10

10

9

22

 

-

Bình bơm nước đeo vai

Chiếc

MS

130

2

124

-

-

4

 

-

Bình bột

Bình

MS

246

6

22

64

-

154

 

-

Bộ đàm

Chiếc

MS

14

2

12

-

-

-

 

-

Trạm khí tượng

Trạm

Trung ương

9

-

9

-

-

-

 

-

Quần áo chữa cháy

Chiếc

MS

50

5

10

-

-

35

 

-

Bồn chứa nước

Chiếc

 

4

-

4

-

-

-

 

-

Bàn dập

Chiếc

KL + MS + DA

3,496

3,441

55

-

-

-

 

-

Giày đi rừng

Đôi

KL + MS + DA

3,483

75

3,363

-

-

45

 

-

Mũ bảo hộ

Chiếc

KL + BCA + QK + MS

3,765

132

3,596

-

-

37

 

-

Đèn pin các loại

Chiếc

QK + DTQG + KL + MS

2,963

350

2,535

10

26

42

 

-

Bình tông đựng nước

Bình

KL + BCA + QK + MS

3,927

120

3,777

25

-

5

 

-

Can nhựa đựng nước

Cái

KL

501

 

501

 

 

 

 

-

Bồn chứa nước

Chiếc

KL

8

 

8

 

 

 

 

-

Ba lô

Chiếc

KL

65

 

65

 

 

 

 

-

Cào răng

Chiếc

KL + MS

78

10

48

-

-

20

 

-

Túi cứu thương

Bộ

DA + MS + BYT

246

-

80

164

-

2

 

-

Cơ số thuốc phòng chống bão lũ

Thùng

UBND tỉnh

152

152

 

 

 

 

 

-

Cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh trong mùa bão IQ

Thùng

BYT

30

30

 

 

 

 

 

-

Inmasat

Bộ

 

-

-

-

-

-

-

 

-

CODAN

Bộ

 

9

-

9

-

-

-

 

-

Ủng

Đôi

BCA + DA + MS

240

23

167

50

-

-

 

-

Dây thừng

Cuộn

MS

37

-

37

-

-

-

 

-

Cáng cứu thương

Chiếc

VT + MS

46

11

35

-

-

-

 

-

Bàn dập lửa

Chiếc

KL + VT + MS

462

65

302

95

-

-

 

-

Bảng cấp dự báo cháy

Chiếc

KL

51

-

51

-

-

-

 

-

Bảng nội quy

Chiếc

KL + MS

327

-

8

319

-

-

 

-

Biển báo cấm

Chiếc

KL + MS

1,298

1,232

56

-

8

2

 

-

Bình bọt

Chiếc

MS

190

34

144

-

12

-

 

-

Câu liêm

Chiếc

KL + MS

919

28

830

41

20

-

 

-

Cuốc chim

Chiếc

MS

70

-

70

-

-

-

 

-

Đèn xách tay nạp điện

Chiếc

BCA + DA + MS

47

-

47

-

-

-

 

-

Giày bảo hộ

Đôi

KL + MS

679

2

625

-

8

44

 

-

Loa chỉ huy chữa cháy rừng

Chiếc

KL

28

 

28

 

 

 

 

-

Loa cầm tay chỉ huy

Chiếc

BCA + QK + DTQG + KL

253

29

219

2

2

1

 

-

Mặt nạ phòng chống độc M-V5

Chiếc

BCA

176

-

21

120

35

-

 

-

Máy xúc

Chiếc

 

14

-

4

10

-

-

 

-

Quần áo bảo hộ

Bộ

KL + MS

1,651

30

1,621

-

-

-

 

-

Quần áo chịu nhiệt

Bộ

KL

92

 

92

 

 

 

 

-

Quần áo chữa cháy rừng

Bộ

MS

35

5

30

-

-

-

 

-

Quần áo mưa

Chiếc

BCA

165

23

142

-

-

-

 

-

Thiết bị vô tuyến sóng ngắn

Bộ

BCA

1

-

1

-

-

-

 

-

Thuyền

Chiếc

BCA

13

-

13

-

-

-

 

-

Trạm quan trắc khí tượng

Trạm

 

9

-

9

-

-

-

 

-

Trạm vi sát

Trạm

 

-

-

-

-

-

-

 

-

Tuyến vi ba

Tuyến

 

-

-

-

-

-

-

 

-

Xẻng bộ binh

Chiểc

MS

55

25

30

-

-

-

 

-

Bộ dụng cụ ứng cứu thiên tai

Chiếc

MS

6

-

6

-

-

-

 

-

Máy bộ đàm cầm tay

Chiếc

BCA + KL

113

5

108

-

-

-

 

-

Máy SANTO theo dõi khí tượng

Chiếc

KL

3

 

 

3

 

 

 

-

Máy phun đất cát chữa cháy rừng chuyên dụng

Chiếc

KL

9

 

9

 

 

 

 

-

Thiết bị cảnh báo lũ

Bộ

DTQG

1

1

-

-

-

-

 

II

Doanh nghiệp

 

 

224

109

57

58

-

-

 

1

Xe cứu thương

Chiếc

DNTM

1

 

1

 

 

 

 

2

Ô tô tải

Chiếc

DNTM

7

 

2

5

 

 

 

3

Ca nô 8 chỗ

Chiếc

DNTM

1

 

1

 

 

 

 

4

Xuồng máy

Chiếc

DNTM

1

 

1

 

 

 

 

5

Máy gạt

Chiếc

DNTM

13

 

5

8

 

 

 

6

Máy xúc

Chiếc

DNTM

32

 

9

23

 

 

 

7

Máy xúc thủy lực gầu

Chiếc

DNTM

2

 

 

2

 

 

 

8

Kè cầu tự hành 10 tấn

Chiếc

DNTM

1

 

 

1

 

 

 

9

Máy xúc lật

Chiếc

DNTM

2

 

1

1

 

 

 

10

Máy khoan tay

Chiếc

DNTM

2

 

2

 

 

 

 

11

Máy xúc bánh xích

Chiếc

DNTM

10

 

3

7

 

 

 

12

Máy cưa

Chiếc

DNTM

12

 

4

8

 

 

 

13

Máy phát điện

Chiếc

DNTM

3

 

3

 

 

 

 

14

Máy phát điện loại nhỏ

Chiếc

DNTM

11

 

11

 

 

 

 

15

Cưa lốc cầm tay

Chiếc

DNTM

1

 

1

 

 

 

 

16

Máy khoan

Chiếc

DNTM

2

 

2

 

 

 

 

17

Máy ủi

Chiếc

DNTM

1

 

 

1

 

 

 

18

Máy đào

Chiếc

DNTM

1

 

 

1

 

 

 

19

Máy đào gầu

Chiếc

DNTM

1

 

 

1

 

 

 

20

Phao cứu sinh

Chiếc

DNTM

44

39

5

 

 

 

 

21

Áo phao cứu sinh

Chiếc

DNTM

76

70

6

 

 

 

 

* Ghi chú: Nguồn dự trữ quốc gia (DTQG); Nguồn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBQG); Nguồn Bộ Công an (BCA); Nguồn quân khu (QK); Nguồn Bộ Quốc phòng (BQP); Nguồn Kiểm lâm (KL); Nguồn nhà thầu bảo trì giao thông (NTBT); Nguồn dự án (DA); Nguồn tự mua sắm (MS); Nguồn viện trợ, ủng hộ (VT); Doanh nghiệp tự mua (DNTM).

* Quy định về phân cấp chất lượng:

Cấp 1: Là phương tiện, trang thiết bị chưa qua sử dụng, hiện vẫn niêm cất, bảo quản trong kho.

Cấp 2: Là Phương tiện, trang thiết bị mới đưa vào sử dụng, chưa qua sửa chữa lớn.

Cấp 3: Là phương tiện, trang thiết bị đang đưa vào sử dụng, hay gặp hư hỏng nhỏ hoặc đã qua sửa chữa lớn.

Cấp 4: Là phương tiện, trang thiết bị đang bị hư hỏng nặng, chưa sử dụng được chờ khắc phục, sửa chữa.

Cấp 5: Là phương tiện, trang thiết bị hư hỏng không khắc phục, sửa chữa được, chờ thanh lý.

….……………..

TT

Thông tin tổng hợp

ĐVT

Toàn tỉnh

Bảo Yên

Bảo Thắng

Văn Bàn

Bát Xát

Mường Khương

Bắc Hà

Si Ma Cat

Sa Pa

TP Lào Cai

5

Chỗ ở có sự hỗ trợ, chuẩn bị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5a

Số hộ không thường xuyên, kịp thời được nhận thông tin cảnh báo

Hộ

12,136

1,003

22

1,233

4,893

892

267

2,144

1,209

473

người

58,967

3,981

93

5,396

22,019

3,573

1,201

10,001

10,811

1,892

5b

Số hộ không biết cách phòng tránh, ứng phó khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Hộ

12,642

783

12

1,387

5,146

1,054

225

2,292

1,567

176

người

62,628

3,114

50

6,270

23,157

4,256

1,012

11,536

12,529

704

5c

Số hộ không hoặc thiếu chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc chữa bệnh, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây...

Hộ

14,260

853

34

1,475

5,752

1,168

371

2,523

1,915

169

người

69,871

3,391

142

7,365

25,884

4,693

1,669

12,212

13,839

676

5d

Nhà đang ở dạng

Hộ

165,027

20,481

30,187

19,623

17,013

13,131

13,467

7,110

11,996

32,019

người

713,513

86,870

110,520

90,275

77,554

62,863

65,277

36,816

61,414

121,924

Số hộ có nhà sàn:

Hộ

9,354

2,901

83

3,418

21

7

1,459

805

448

212

người

39,477

12,305

304

15,724

105

33

5,836

3,220

1,143

807

Số hộ có nhà gỗ:

Hộ

58,783

9,551

2,970

4,904

10,500

7,361

7,819

4,069

8,681

2,928

người

265,578

40,510

10,874

22,560

47,706

36,472

31,276

16,276

48,754

11,150

Số hộ có nhà tranh:

Hộ

3,655

376

1,778

343

261

63

126

8

148

552

người

14,505

1,595

6,510

1,577

1,284

260

504

32

641

2,102

Số hộ có nhà xây:

Hộ

91,768

7,653

25,356

10,958

6,231

5.700

4,063

761

2,719

28,327

người

379,709

32,460

92,832

50,414

28,459

26,098

27,661

3,044

10,876

107,865

6

Số hộ có nhà ở chính không đảm bảo chống lốc xoáy.

Hộ

39,977

8,609

4,741

4,509

10,958

3,910

1,062

2,569

3,084

535

người

170,045

35,725

19,912

19,310

49,311

15,725

4,248

11,338

12,336

2,140

7

Số hộ có nhà ở chính không đảm bảo phòng chống mưa đá lớn

Hộ

43,774

7,890

4,741

5,357

11,158

4,916

3,685

2,663

3,025

339

người

184,642

31,804

19,912

22,895

50,211

19,863

14,740

11,761

12,100

1,356

8

Số hộ gia đình có đề nghị Nhà nước hỗ trợ củng cố chỗ ở bảo đảm an toàn

Hộ

29,056

3,017

1,616

2,306

14,776

2,120

935

2,517

1,075

694

người

132,131

12,653

6,786

8,373

66,493

8,762

3,740

11,365

11,183

2,776

8a

Số hộ Cam kết di dời khẩn cấp và đề nghị hỗ trợ kinh phí di chuyển

Hộ

1,308

533

96

118

70

212

32

59

51

137

người

6,570

2,309

403

754

315

1,123

128

723

267

548

8b

Số hộ Đề nghị được vay vốn ưu đãi để củng cố chỗ ở đảm bảo an toàn

Hộ

15,251

1,619

808

1,233

7,353

1,171

556

1,424

740

347

người

68,428

6,688

3,393

4,342

33,089

4,864

2,224

6,640

5,800

1,388

8c

Số hộ Đề nghị hỗ trợ pháp lý để xây kè, mở rộng hoặc giảm tải mái ta luy

Hộ

12,337

865

712

955

7,353

737

347

924

234

210

người

55,333

3,656

2,990

3,277

33,089

3,042

1,388

4,002

3,049

840

III. ĐÁNH GIÁ CHỖ Ở AN TOÀN

1

Chỗ ở an toàn

Hộ

122,506

11,349

25,494

17,597

5,785

8,015

9,750

4,288

8,881

31,347

Tỷ lệ %

74.23

55.41

84.45

89.68

34.00

61.04

72.40

60.31

74.03

97.90

2

Chỗ ở kém an toàn

Hộ

41,378

8,609

4,741

1,946

11,158

4,916

3,685

2,763

3,025

535

Tỷ lệ %

25.07

42.03

15.71

9.92

65.59

37.44

27.36

38.86

25.22

137.00

3

Chỗ ở cần di dời khẩn cấp

Hộ

1,215

523

24

80

70

200

32

59

90

137

Tỷ lệ %

0.74

2.55

0.08

0.41

0.41

1.52

0.24

0.83

0.75

0.43

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 849/QĐ-UBND ngày 03/04/2020 về Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai tỉnh Lào Cai năm 2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


817

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.171.180
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!