CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ
VỀ XOÁ BỎ MỌI HÌNH THỨC PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC
(Được thông
qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết số 2106 A (XX)
ngày 21/12/1965 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 4/1/1969, căn
cứ theo Điều 19. Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981).
Các
Quốc gia thành viên của Công ước này,
Xét
rằng, Hiến chương của Liên Hợp Quốc dựa trên nguyên tắc về sự bình
đẳng và phẩm giá vốn có của con người, và rằng tất cả các Quốc gia thành viên
đã cam kết sẽ có những hoạt động riêng rẽ hoặc phối hợp cùng tổ chức Liên Hợp
Quốc nhằm đạt được một trong những mục tiêu của Liên Hợp Quốc là thúc đẩy và
khuyến khích sự tôn trọng và tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do
cơ bản của con người của tất cả mọi người, mà không có bất kỳ sự phân biệt về sắc
tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo,
Xét
rằng, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người tuyên bố rằng, mọi
người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền, và rằng tất cả
mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do trong Tuyên ngôn, mà không
có bất kỳ sự phân biệt nào, cụ thể như về chủng tộc, màu da hoặc nguồn gốc dân
tộc.
Xét
rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và có quyền
được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng để chống lại bất kỳ sự phân biệt đối xử
hay bất kỳ sự kích động phân biệt đối xử nào.
Xét
rằng, Liên Hợp Quốc đã lên án chủ nghĩa thực dân và tất cả các hành
động chia rẽ và phân biệt liên quan đến nó dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ ở
đâu, và Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa ngày
14/12/1960 (theo Nghị quyết số 1514 (XV) của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc) đã khẳng
định và chính thức tuyên bố sự cần thiết phải xóa bỏ chủ nghĩa thực dân một
cách nhanh chóng và vô điều kiện.
Xét
rằng, Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại trừ tất cả các hình thức
phân biệt chủng tộc ngày 20/10/1963 (theo Nghị quyết số 1940 (XVIII) của Đại Hội
đồng Liên Hợp Quốc) đã long trọng khẳng định sự cần thiết phải xóa bỏ nhanh
chóng nạn phân biệt chủng tộc trên toàn thế giới, dưới mọi hình thức và mọi biểu
hiện của nó, và về sự cần thiết phải bảo đảm sự hiểu biết và tôn trọng
nhân phẩm con người.
Tin
tưởng rằng, bất cứ học thuyết nào về tính thượng đẳng dựa trên sự
khác biệt về sắc tộc đều là sai lầm về mặt khoa học và đáng bị lên án về mặt đạo
đức, đều bất công và nguy hiểm về mặt xã hội, và không thể có sự biện minh nào
đối với sự phân biệt chủng tộc, cả trong lý thuyết cũng như trong thực tế, ở bất
cứ đâu,
Khẳng
định rằng, sự phân biệt giữa người với người dựa trên cơ sở sắc tộc,
màu da và nguồn gốc dân tộc là trở ngại cho các quan hệ hữu nghị và hòa bình giữa
các quốc gia, là yếu tố phá hoại hòa bình và an ninh giữa các dân tộc, cũng như
phá hoại sự hòa hợp giữa những người đang chung sống trên và thuộc cùng một quốc
gia,
Nhận
thấy rằng, sự tồn tại của những hàng rào sắc tộc là xung đột với
các lý tưởng của bất cứ xã hội con người nào.
Cảnh
báo rằng, những biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc hiện đang còn
tồn tại ở một số nơi trên thế giới, thông qua những chính sách chia rẽ hoặc
phân biệt của một số chính phủ dựa trên sự thượng đẳng về sắc tộc hoặc lòng hận
thù, chẳng hạn như các chính sách của chế độ a-pác-thai, chính sách phân biệt
hoặc chia rẽ.
Quyết
tâm thông qua tất cả các biện pháp cần thiết để nhanh chóng xóa bỏ
nạn phân biệt chủng tộc dưới bất cứ hình thức nào, cũng như phòng ngừa và chống
lại các học thuyết và hành động phân biệt chủng tộc, nhằm tăng cường sự hiểu biết
giữa các dân tộc và xây dựng một cộng đồng quốc tế không có bất kỳ sự phân biệt
hoặc phân chia nào về chủng tộc.
Ghi
nhớ rằng, Công ước về chống phân biệt trong lao động và việc làm được
Tổ chức Lao động quốc tế thông qua năm 1958 và Công ước chống sự phân biệt đối
xử trong giáo dục được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc
thông qua năm 1960.
Mong
muốn rằng, thực hiện những nguyên tắc thể hiện trong Tuyên bố của
Liên Hợp Quốc về loại trừ các hình thức phân biệt chủng tộc và đảm bảo sẽ thông
qua một cách sớm nhất các biện pháp thực tế nhằm thực hiện mục tiêu này.
Đã
thỏa thuận những điều sau đây:
PHẦN I
Điều 1.
1. Trong Công ước này, thuật ngữ "phân biệt chủng tộc"
nghĩa là bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hoặc ưu đãi nào dựa trên cơ sở
chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc dân tộc hoặc sắc tộc, với mục đích hoặc
có tác dụng vô hiệu hóa hay làm giảm sự thừa nhận, hưởng thụ hoặc thực hành,
trên cơ sở bình đẳng, các quyền và tự do cơ bản của con người về chính trị,
kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc về bất kỳ lĩnh vực nào khác của đời sống công cộng.
2. Công ước này sẽ
không áp dụng đối với những sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hoặc ưu đãi mà một
Quốc gia thành viên Công ước áp dụng giữa những người là công dân quốc gia đó
và những người không là công dân quốc gia đó.
3. Không một điều nào
trong Công ước này được hiểu với ý nghĩa nhằm tác động dưới bất cứ hình thức
nào tới các quy định pháp luật của các Quốc gia thành viên trong các vấn đề về
quốc tịch, quyền công dân hoặc nhập quốc tịch, với điều kiện là những quy định
như vậy không mang tính chất phân biệt chống lại bất cứ một dân tộc cụ thể nào.
4. Những biện pháp đặc
biệt được thi hành với mục tiêu duy nhất là bảo đảm sự tiến bộ thích đáng
của một số nhóm chủng tộc, sắc tộc hoặc cá nhân nhất định, mà sự bảo vệ ấy là cần
thiết để đảm bảo cho các nhóm hoặc các cá nhân đó được hưởng thụ các quyền con
người và các tự do cơ bản, sẽ không bị coi là sự phân biệt chủng tộc; tuy
nhiên, với điều kiện là những biện pháp đó cuối cùng sẽ không dẫn tới việc duy
trì những quyền riêng cho những nhóm chủng tộc khác nhau, và những biện pháp đó
sẽ phải được chấm dứt khi mục tiêu đặt ra đã đạt được.
Điều
2.
1. Các Quốc gia thành viên lên án sự phân biệt chủng tộc và cam
kết theo đuổi bằng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn một chính sách xóa
bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới bất cứ hình thức nào và thúc đẩy sự hiểu biết giữa
tất cả các chủng tộc, và với mục tiêu này:
a. Mỗi Quốc gia thành
viên cam kết sẽ không tham dự vào hoặc tiến hành các hành động phân biệt chủng
tộc chống lại các cá nhân, nhóm người hay tổ chức nào, và đảm bảo rằng, mọi
quan chức chính quyền cũng như các cơ quan nhà nước, ở cấp độ quốc gia và địa
phương, sẽ hành động phù hợp với những nghĩa vụ này;
b. Mỗi Quốc gia thành
viên cam kết không bảo trợ, bảo vệ hoặc giúp đỡ hành động phân biệt chủng tộc của
bất cứ cá nhân hay tổ chức nào;
c. Mỗi Quốc gia thành
viên sẽ có những biện pháp hữu hiệu để rà soát lại các chính sách của chính phủ
trung ương và chính quyền các địa phương và sẽ sửa đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa
bất cứ đạo luật hay quy định nào có thể tạo ra hoặc tạo điều kiện cho sự phân
biệt chủng tộc ở bất cứ đâu;
d. Mỗi Quốc gia thành
viên sẽ ngăn cấm và xóa bỏ hành động phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân, tổ
chức hoặc nhóm người nào bằng mọi biện pháp thích hợp, bao gồm cả bằng biện
pháp lập pháp nếu thấy cần thiết;
e. Mỗi Quốc gia thành
viên cam kết sẽ khuyến khích, ở nơi nào thấy phù hợp, các tổ chức và phong trào
liên kết đa chủng tộc, cũng như các biện pháp khác nhằm xóa bỏ sự ngăn cách giữa
các chủng tộc, và hạn chế bất cứ điều gì có thể làm tăng sự phân biệt chủng tộc.
2. Các Quốc gia thành
viên, trong trường hợp cho phép, sẽ có những biện pháp đặc biệt và cụ thể trên
các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và những lĩnh vực khác để đảm bảo sự phát
triển thích đáng và bảo vệ một số nhóm chủng tộc hoặc cá nhân thuộc các chủng tộc
đó, với mục đích nhằm giúp họ được hưởng đầy đủ và bình đẳng các quyền con
người và tự do cơ bản. Những biện pháp này trong mọi trường hợp không được dẫn
tới việc duy trì sự bất bình đẳng hoặc các quyền riêng cho những nhóm chủng tộc
khác nhau sau khi mục tiêu đề ra đó thực hiện.
Điều
3.
Các
Quốc gia thành viên đặc biệt lên án sự phân biệt chủng tộc và chế độ
A-pác-thai, và cam kết sẽ ngăn chặn, cấm, và xóa bỏ tất cả những hoạt động mang
tính chất này trên các lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình.
Điều
4.
Các
Quốc gia thành viên lên án tất cả các hành động tuyên truyền và tất cả các tổ
chức dựa trên những ý tưởng hoặc học thuyết về tính thượng đẳng của một chủng tộc
hoặc của một nhóm người cùng chung một màu da hay một nguồn gốc sắc tộc, hay những
học thuyết cố gắng biện minh hoặc khuyến khích sự hằn thù chủng tộc và sự phân
biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, và cam kết sẽ thông qua những biện pháp
nhanh chóng và tích cực nhằm xóa bỏ tất cả những sự kích động hoặc các hành vi
phân biệt như vậy, và để thực hiện mục tiêu này, tính đến các nguyên tắc đề ra
trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và các quyền quy định trong
Điều 5 Công ước này, ngoài những việc khác, sẽ:
1. Tuyên bố mọi hành động
gieo rắc các ý tưởng dựa trên tính thượng đẳng về chủng tộc hoặc sự căm thù,
kích động phân biệt chủng tộc cũng như mọi hành vi bạo lực hoặc kích động những
hành vi bạo lực chống lại bất cứ chủng tộc nào hoặc nhóm người nào khác màu da
hoặc khác nguồn gốc dân tộc là tội phạm và sẽ bị pháp luật trừng trị; đồng thời
cũng tuyên bố như vậy đối với việc hỗ trợ dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm sự
hỗ trợ về tài chính, cho các hoạt động phân biệt chủng tộc;
2. Tuyên bố là bất hợp
pháp và cấm những tổ chức, việc tổ chức và tất cả những hoạt động tuyên truyền
khác mà khuyến khích và kích động sự phân biệt chủng tộc, và quy định mọi sự
tham dự vào các tổ chức hoặc hoạt động như vậy sẽ bị coi là tội phạm và sẽ bị
pháp luật trừng trị;
3. Không cho phép các
nhà cầm quyền hoặc các cơ quan nhà nước, cả ở cấp quốc gia và địa phương, khuyến
khích hoặc kích động sự phân biệt chủng tộc.
Điều
5.
Phù
hợp với những nghĩa vụ cơ bản nêu trong Điều 2 Công ước này, các Quốc gia thành
viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm
bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng
tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đặc biệt trong việc hưởng những
quyền sau đây:
1. Quyền được đối xử
bình đẳng trước các tòa án cũng như trước các cơ quan tài phán khác;
2. Quyền an ninh cá
nhân và được nhà nước bảo vệ chống lại những hành vi bạo lực hoặc gây xâm hại đến
thân thể do các nhân viên nhà nước gây ra hoặc do bất cứ cá nhân, nhóm người hoặc
cơ quan nào gây ra;
3. Những quyền về
chính trị, đặc biệt là quyền về bầu cử - được đi bầu và được ứng cử - trên cơ sở
phổ thông đầu phiếu, quyền được tham gia vào chính phủ cũng như các hoạt động
công cộng khác ở mọi cấp và được bình đẳng trong tiếp cận với các dịch vụ Công
cộng;
4. Các quyền dân sự
khác, đặc biệt là:
a. Quyền tự do đi lại
và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia;
b. Quyền được xuất cảnh
khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả nước mình, và được quay trở lại nước mình;
c. Quyền có quốc tịch;
d. Quyền được kết hôn
và được tự do lựa chọn người phối ngẫu;
e. Quyền sở hữu tài sản
riêng cũng như sở hữu chung với những người khác;
f. Quyền thừa kế;
g. Quyền tự do tư tưởng,
tự do tín ngưỡng và tôn giáo;
h. Quyền tự do ngôn luận
và tự do báo chí;
i. Quyền tự do hội họp
và lập hội một cách hòa bình;
5. Các quyền kinh tế,
xã hội, văn hóa, cụ thể là:
a. Quyền được làm việc,
được tự do lựa chọn việc làm và được có các điều kiện làm việc công bằng, thuận
lợi, được bảo vệ chống thất nghiệp, được trả lương bình đẳng cho những công việc
tương đương, được trả công công bằng và thích đáng;
b. Quyền được thành lập
và tham gia các nghiệp đoàn;
c. Quyền có nhà ở;
d. Quyền được tiếp cận
với y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và dịch vụ xã hội;
e. Quyền được giáo dục
và đào tạo;
f. Quyền được tham gia
bình đẳng vào các hoạt động văn hóa.
6. Quyền được tiếp cận
với bất kỳ địa điểm và dịch vụ công cộng nào, ví dụ như các phương tiện giao
thông vận tải, khách sạn, nhà hàng, các quán giải khát, nhà hát, công viên.
Điều
6.
Các
Quốc gia thành viên phải đảm bảo cho tất cả mọi người thuộc thẩm quyền tài phán
của mình sự bảo vệ và các giải pháp khắc phục, bồi thường hiệu quả,
thông qua các tòa án và cơ quan tài phán quốc gia có thẩm quyền, để chống lại bất
cứ hành động phân biệt chủng tộc nào trái với Công ước này mà vi phạm các quyền
con người và tự do cơ bản của họ, cũng như quyền được khắc phục và bồi thường xứng
đáng cho những thiệt hại do hành vi phân biệt chủng tộc đó gây ra, thông qua
các tòa án và các cơ quan tài phán kể trên.
Điều 7.
Các Quốc gia thành viên
cam kết sẽ thông qua những biện pháp khẩn trương và hiệu quả, đặc biệt trong
lĩnh vực giảng dạy, giáo dục, văn hóa và thông tin, nhằm chống lại các định kiến
có thể dẫn tới phân biệt chủng tộc và để khuyến khích sự hiểu biết, lòng khoan
dung và tình hữu nghị giữa các quốc gia và các nhóm chủng tộc, sắc tộc, cũng
như để tuyên truyền các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc,
Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về loại
trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, cũng như của Công ước này.
PHẦN II
Điều 8.
1. Sẽ thành lập một Ủy ban
xóa bỏ phân biệt chủng tộc (sau đây gọi tắt là Ủy ban) gồm 18 chuyên gia có đạo
đức tốt và được công nhận là công bằng, vô tư, do các Quốc gia thành viên bầu
ra một cách độc lập từ các công dân của các Quốc gia thành viên, có cân nhắc đến
sự sắp xếp cân bằng về mặt địa lý và tính đại diện của những nền văn minh khác
nhau cũng như những hệ thống luật pháp chủ yếu.
2. Các thành viên của Ủy ban sẽ được bầu ra bằng
phiếu kín từ danh sách những ứng cử viên do các Quốc gia thành viên giới thiệu.
Mỗi Quốc gia thành viên có thể đề cử một ứng cử viên là công dân của nước mình.
3. Cuộc bầu cử đầu tiên sẽ được thực hiện sau
khi Công ước này có hiệu lực 6 tháng. Ít nhất 3 tháng trước ngày tiến hành mỗi
cuộc bầu cử. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phải có thư gửi cho các Quốc gia thành
viên mời họ đề cử ứng cử viên trong vòng 2 tháng. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ
chuẩn bị một danh sách theo thứ tự chữ cái tên của những người được đề cử, nêu
rõ họ được Quốc gia thành viên nào đề cử và gửi danh sách này cho các Quốc gia
thành viên.
4. Việc bầu cử các thành viên của Ủy ban sẽ được
thực hiện tại phiên họp toàn thể của các Quốc gia thành viên do Tổng Thư ký triệu
tập tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc. Trong cuộc họp này, ít nhất phải có 2/3
số Quốc gia thành viên tham dự. Những người được bầu vào Ủy ban phải là những ứng
cử viên có số phiếu bầu cao nhất và phải đạt đa số phiếu tuyệt đối trong tổng số
phiếu bầu do đại diện các Quốc gia thành viên tham dự cuộc họp bầu ra.
5. a. Các thành viên của Ủy ban sẽ phục vụ với
nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của 9 thành viên được bầu trong cuộc bầu cử
đầu tiên sẽ chấm dứt sau 2 năm; ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên, danh sách 9
thành viên này sẽ chủ tịch Ủy ban chọn bằng cách bốc thăm;
b. Trong trường hợp bất chợt bị thiếu người thì
Quốc gia thành viên có người thôi làm thành viên của Ủy ban sẽ được cử người
khác là công dân của nước mình thay thế, người này phải được Ủy ban chấp nhận.
6. Các Quốc gia thành viên sẽ chịu trách nhiệm về
các chi phí cho các thành viên của Ủy ban khi các thành viên này thực thi nhiệm
vụ của Ủy ban.
Điều 9.
1. Các Quốc gia thành viên cam kết sẽ trình lên Tổng Thư ký
Liên Hợp Quốc một báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp, cũng
như các biện pháp khác mà họ đó thông qua nhằm thực hiện các điều khoản của
Công ước này để Ủy ban đánh giá;
a. Trong vòng một năm
sau khi Công ước này có hiệu lực với Quốc gia thành viên đó;
b. Sau mỗi giai đoạn
hai năm và bất cứ khi nào Ủy ban yêu cầu. Ủy ban cũng có thể yêu cầu các Quốc
gia thành viên cung cấp thêm các thông tin khác có liên quan.
2. Ủy ban phải gửi báo
cáo hàng năm, thông qua Tổng Thư ký, đến Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về các hoạt
động của mình, đồng thời có thể đưa ra những bình luận và khuyến nghị chung
trên cơ sở xem xét các báo cáo và thông tin gửi đến từ các Quốc gia thành viên.
Những bình luận và khuyến nghị chung này sẽ được trình lên Đại Hội đồng Liên Hợp
Quốc cùng với những bình luận của các Quốc gia thành viên, nếu có.
Điều
10.
1. Ủy ban sẽ thông qua nguyên tắc thủ tục hoạt động của mình.
2. Ủy ban sẽ bầu ra
các quan chức của mình với nhiệm kỳ 2 năm.
3. Ban Thư ký Ủy ban sẽ
do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chỉ định.
4. Thông thường, các
cuộc họp của Ủy ban sẽ được tổ chức tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc.
Điều
11.
1. Nếu một Quốc gia thành viên cho rằng một nước thành viên
khác không thực hiện đầy đủ các điều khoản của Công ước này thì có thể khiếu nại
ra trước Ủy ban. Trong trường hợp đó, Ủy ban sẽ phải thông báo về khiếu nại đó
với Quốc gia thành viên có Liên quan. Trong vòng 3 tháng, quốc gia nhận được
khiếu nại phải có văn bản gửi đến Ủy ban giải trình rõ về vấn đề, và đưa ra các
giải pháp, nếu có, mà quốc gia này dự định sẽ áp dụng để giải quyết vấn đề.
2. Nếu vấn đề đưa ra
không làm cả hai bên thỏa mãn, kể cả thông qua thương lượng song phương hoặc
qua các thủ tục khác do hai bên lựa chọn; thì trong vòng 6 tháng kể từ khi quốc
gia nhận được văn bản khiếu nại đầu tiên, mỗi quốc gia có quyền trình lại vấn đề
lên Ủy ban bằng cách thông báo cho Ủy ban và cho quốc gia kia.
3. Ủy ban sẽ xem xét vấn
đề phù hợp với khoản 2 điều này, sau khi đó chắc chắn rằng tất cả các giải pháp
sẵn có trong nước đó được viện dẫn và tận dụng trong trường hợp này, và phù hợp
với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế mà đã được thừa nhận rộng rãi. Sẽ
không được coi là thông lệ nếu sự áp dụng các giải pháp này bị kéo dài mà không
có lý do chính đáng.
4. Liên quan đến mọi vấn
đề được gửi đến, Ủy ban có thể yêu cầu các Quốc gia thành viên có liên quan
cung cấp thêm các thông tin cần thiết.
5. Khi có bất kỳ vấn đề
nào nảy sinh trong phạm vi điều này mà được Ủy ban xem xét, các Quốc gia thành
viên có liên quan sẽ cử một đại diện cùng tham dự vào quá trình làm việc của Ủy
ban nhưng không có quyền biểu quyết khi vấn đề còn đang được xem xét.
Điều
12.
1. a. Sau khi Ủy ban đó nhận được và đối chiếu mọi thông tin mà Ủy
ban cho là cần thiết. Chủ tịch Ủy ban sẽ thành lập một Tiểu ban hòa giải tạm thời
(sau đây được gọi là các Tiểu ban) gồm 5 người mà có thể là thành viên hoặc
không phải là thành viên của Ủy ban. Các thành viên Tiểu ban phải được cả hai
bên chấp nhận, và những ý kiến hòa giải của Tiểu ban sẽ giúp cho các quốc gia
có Liên quan tìm ra giải pháp hữu nghị để giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng
Công ước này;
b. Nếu trong vòng 3
tháng các Quốc gia thành viên có tranh chấp không nhất trí được với nhau về một
phần hoặc toàn bộ thành phần của Tiểu ban, thì các thành viên của Tiểu ban mà
không được các quốc gia tranh chấp chấp thuận sẽ được bầu bằng phiếu kín với đa
số 2/3 trong số các thành viên của Ủy ban.
2. Các thành viên Tiểu
ban sẽ phục vụ với tư cách cá nhân. Họ không được có quốc tịch của các Quốc gia
thành viên đang tranh chấp, cũng như không được là người có quốc tịch của một
quốc gia không là thành viên của Công ước này.
3. Tiểu ban sẽ tự chọn
ra Chủ tịch Tiểu ban và thông qua những nguyên tắc thủ tục của mình.
4. Các cuộc họp của Tiểu
ban thường được tổ chức tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc hoặc ở bất cứ địa điểm
thích hợp nào mà Tiểu ban xác định.
5. Ban thư ký quy định
tại khoản 3 Điều 10 Công ước này sẽ giúp Tiểu ban về mặt hành chính trong quá
trình giải quyết các tranh chấp của các Quốc gia thành viên.
6. Các Quốc gia thành
viên có tranh chấp sẽ chia đều các chi phí cho các thành viên của Tiểu ban, phù
hợp với các dự toán do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc quy định.
7. Tổng Thư ký Liên Hợp
Quốc, nếu thấy cần thiết, được phép chi trả trước những phí tổn dành cho các
thành viên của Tiểu ban, sau đó các Quốc gia thành viên có tranh chấp phải bù lại
theo khoản 6 của điều này.
8. Các thông tin do Ủy
ban thu được và đối chiếu sẽ có ích đối với Tiểu ban, Tiểu ban cũng có thể yêu
cầu các quốc gia liên quan cung cấp thêm các thông tin có liên quan.
Điều
13.
1. Khi Tiểu ban đã xem xét xong vấn đề, sẽ chuẩn bị một báo
cáo trình lên Chủ tịch Ủy ban, trong đó chứa đựng tất cả những khía cạnh thực tế
liên quan đến vấn đề giữa các bên tranh chấp và các khuyến nghị mà Tiểu ban cho
là phù hợp để hòa giải sự tranh chấp.
2. Chủ tịch Ủy ban sẽ
chuyển báo cáo này của Tiểu ban cho các Quốc gia thành viên đang tranh chấp.
Các quốc gia này, trong vòng 3 tháng sau khi nhận được thông báo, sẽ phải báo
cho Chủ tịch Ủy ban biết họ có chấp nhận hay không các khuyến nghị của Tiểu
ban.
3. Sau thời gian quy định
tại khoản 2 điều này, Chủ tịch Ủy ban sẽ chuyển báo cáo của Tiểu ban cùng với
tuyên bố của các Quốc gia thành viên có liên quan đến các Quốc gia thành viên của
Công ước này.
Điều
14.
1. Một Quốc gia thành viên có thể Tuyên bố vào bất cứ lúc nào
rằng họ Công nhận thẩm quyền của Ủy ban được nhận và xem xét các thông tin từ
các cá nhân hoặc nhóm cá nhân thuộc quyền tài phán của quốc gia đó khiếu nại về
việc mà họ cho là nạn nhân của sự vi phạm bất cứ quyền nào nêu trong Công ước
này của các Quốc gia thành viên đó. Ủy ban sẽ không tiếp nhận thông báo như vậy
nếu nước thành viên có liên quan không tuyên bố điều này.
2. Bất cứ Quốc gia
thành viên nào có tuyên bố như trong khoản 1 điều này cũng có thể thành lập hoặc
chỉ định một cơ quan quốc gia có thẩm quyền nhận và xem xét các đơn khiếu tố của
các cá nhân hay của những nhóm người thuộc quyền tài phán của Quốc gia thành viên
đó, mà cho rằng họ là nạn nhân của sự vi phạm bất cứ quyền nào trong Công ước
này, và họ đã tận dụng hết các giải pháp có thể trong quốc gia để giải quyết.
3. Tuyên bố phù hợp với
khoản 1 điều này và tên của bất cứ cơ quan nào được lập ra hoặc được chỉ định
phù hợp với khoản 2 điều này sẽ được Quốc gia thành viên có liên quan gửi cho Tổng
Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ gửi bản sao tuyên bố cho các
Quốc gia thành viên khác. Quốc gia thành viên đã ra Tuyên bố như vậy có thể rút
lại tuyên bố vào bất cứ lúc nào bằng một thông báo gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp
Quốc, nhưng sự rút lại sẽ không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết những khiếu nại
còn tồn lại ở Ủy ban.
4. Sổ lưu những đơn
khiếu nại sẽ do cơ quan quốc gia được thành lập hoặc chỉ định ra cất giữ phù hợp
với khoản 2 điều này, và những bản sao có chứng thực của các đơn này sẽ được gửi
và lưu giữ bởi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, theo những kênh thích hợp, để bảo đảm
rằng nội dung các đơn khiếu nại này sẽ được giữ kín.
5. Trong trường hợp không
thỏa mãn với cách giải quyết của những cơ quan được lập hoặc chỉ định ra như
quy định trong khoản 2 điều này, bên nguyên đơn có quyền thông báo vấn đề với Ủy
ban trong vòng 6 tháng.
6. a. Ủy ban sẽ thông
báo cho Quốc gia thành viên có liên quan mọi thông tin về các khiếu nại đó,
nhưng sẽ không được tiết lộ thông tin về các cá nhân hoặc nhóm các cá nhân có
liên quan nếu như không được sự đồng ý rõ ràng của các cá nhân hoặc nhóm đó. Ủy
ban sẽ không nhận những thông tin nặc danh;
b. Trong vòng 3 tháng
kể từ khi nhận được thông tin, quốc gia có liên quan phải trình lên Ủy ban một
văn bản, trong đó giải trình về vấn đề và nêu rõ các giải pháp, nếu có, mà quốc
gia này có thể sẽ áp dụng để giải quyết vấn đề.
7. a. Ủy ban sẽ xem
xét vấn đề trên cơ sở mọi thông tin có giá trị do Quốc gia thành viên có liên
quan và do bên nguyên đơn cung cấp. Ủy ban sẽ không xem xét bất cứ thông tin
nào của bên nguyên đơn nếu không biết chắc rằng bên nguyên đơn đó tận dụng hết
mọi cơ chế sẵn có trong nước để giải quyết. Tuy nhiên, điều này sẽ không thành
nguyên tắc nếu việc áp dụng các biện pháp bị trì hoãn kéo dài mà không có lý do
thích đáng;
b. Ủy ban sẽ gửi các
bình luận hoặc kiến nghị của mình, nếu có, cho Quốc gia thành viên có Liên quan
hoặc bên nguyên đơn.
8. Ủy ban sẽ đưa vào
báo cáo hàng năm của mình tóm tắt các khiếu nại, và trong điều kiện phù hợp, có
thể đưa cả phần tóm tắt các giải trình của những Quốc gia thành viên có Liên
quan, cũng như những bình luận và khuyến nghị của Ủy ban.
9. Ủy ban chỉ có thẩm
quyền thực hiện các chức năng quy định tại điều này khi ít nhất có 10 Quốc gia
thành viên Công ước đưa ra tuyên bố như quy định trong khoản 1 điều này.
Điều 15.
1. Trong khi thực hiện
các mục tiêu của Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc
địa, được ban hành theo Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 14/12/1960 của Đại Hội đồng
Liên Hợp Quốc, các điều khoản của Công ước này sẽ không làm hạn chế quyền thỉnh
cầu dành cho các dân tộc được quy định trong các văn kiện khác của Liên Hợp Quốc
và của các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc.
2. a. Ủy ban được thành lập theo khoản 1 Điều 8
Công ước này sẽ nhận và chuyển những bản sao của các đơn khiếu nại, cùng với những
bình luận và khuyến nghị có liên quan của Ủy ban, đến các cơ quan của Liên Hợp
Quốc có trách nhiệm giải quyết trực tiếp các vấn đề có liên quan đến nguyên tắc
và mục tiêu của Công ước này, theo cơ chế giải quyết các khiếu nại của những
người cư trú tại các lãnh thổ ủy trị và các lãnh thổ quản thác, cũng như ở tất
cả các lãnh thổ khác mà được đề cập trong Nghị quyết 1514 (XV) của Đại Hội đồng
Liên Hợp Quốc;
b. Ủy ban sẽ nhận từ các cơ quan có thẩm quyền của
Liên Hợp Quốc bản sao các báo cáo liên quan tới các vấn đề về lập pháp, tư
pháp, hành chính hoặc các biện pháp khác có liên quan trực tiếp đến các nguyên
tắc và mục tiêu của Công ước này, mà được các cơ quan đã áp dụng trên các lãnh
thổ đề cập tại tiểu mục a của khoản này, và sẽ trình bày ý kiến cũng như các
khuyến nghị với các cơ quan đó.
3. Ủy ban cũng sẽ đưa vào báo cáo của mình gửi
lên Đại Hội đồng phần tóm tắt các đơn khiếu nại cũng như các báo cáo mà Ủy ban
đã nhận từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc, cùng với những bình luận và khuyến
nghị của Ủy ban liên quan đến các báo cáo và đơn khiếu nại đó.
4. Ủy ban sẽ yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc
cung cấp những thông tin Liên quan đến các mục tiêu của Công ước mà hữu ích với
Ủy ban, mà liên quan đến các lãnh thổ đề cập tại điểm 2a của điều này.
Điều 16.
Các điều khoản của Công ước
này liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp hoặc khiếu nại sẽ được áp dụng
mà không ảnh hưởng đến các thủ tục giải quyết tranh chấp và khiếu nại khác
trong lĩnh vực phân biệt chủng tộc mà được quy định tại các công ước khác do
Liên Hợp Quốc hoặc các cơ quan chuyên môn của tổ chức này thông qua, và cũng
không cản trở đến việc các Quốc gia thành viên áp dụng các thủ tục khác để giải
quyết tranh chấp, phù hợp với các thỏa thuận quốc tế chung hoặc riêng đang có
hiệu lực đối với các Quốc gia thành viên đó.
PHẦN III
Điều
17.
1. Công ước này để ngỏ cho các Quốc gia thành viên của Liên Hợp
Quốc cũng như thành viên của bất kỳ tổ chức chuyên môn nào của Liên Hợp Quốc,
hay bất cứ Quốc gia thành viên nào của Quy chế về Tòa án Công lý quốc tế, và bất
cứ quốc gia nào khác do Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc mời làm thành viên của Công
ước này ký.
2. Công ước này phải
được phê chuẩn, văn bản phê chuẩn sẽ được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.
Điều
18.
1. Công ước này để ngỏ cho bất cứ quốc gia nào được đề cập tại
khoản 1 Điều 17 gia nhập.
2. Việc gia nhập sẽ có
hiệu lực khi văn bản gia nhập được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.
Điều
19.
1. Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày Tổng
Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 27.
2. Với mỗi quốc gia
phê chuẩn Công ước này hoặc gia nhập Công ước sau khi văn bản phê chuẩn hoặc
văn bản gia nhập thứ 27 được lưu chiểu thì Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày
thứ 30 sau ngày lưu chiểu văn bản phê chuẩn hoặc văn bản gia nhập của quốc gia
đó.
Điều
20.
1. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ nhận và chuyển cho tất cả các
quốc gia là/ hoặc có thể sẽ là thành viên của Công ước những điều khoản bảo lưu
của các Quốc gia thành viên đưa ra vào thời điểm phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước.
Bất cứ quốc gia nào phản đối điều bảo lưu đó, trong vòng 90 ngày kể từ khi nhận
được thông tin trên, cần thông báo cho Tổng Thư ký là họ không chấp nhận sự bảo
lưu đó.
2. Sự bảo lưu không
thích hợp với mục tiêu và mục đích của Công ước này, cũng như những bảo lưu mà
tác động của nó làm hạn chế công việc của bất cứ cơ quan nào được lập ra bởi
Công ước này, sẽ không được chấp nhận. Một sự bảo lưu sẽ được coi là không
thích hợp hoặc bị coi là cản trở các cơ quan được lập ra bởi công ước nếu bị ít
nhất 2/3 số Quốc gia thành viên của Công ước này phản đối.
3. Một nước thành viên
có thể rút lại sự bảo lưu bất cứ lúc nào bằng cách thông báo cho Tổng Thư ký
Liên Hợp Quốc. Sự rút lại này sẽ có hiệu lực vào ngày Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc
nhận được thông báo đó.
Điều
21.
Một
Quốc gia thành viên có thể tuyên bố rút khỏi Công ước này bằng một thông báo bằng
văn bản gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Việc bãi ước này sẽ có hiệu lực một
năm sau khi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận được thông báo đó.
Điều
22.
Bất
cứ tranh chấp nào giữa hai hay nhiều Quốc gia thành viên liên quan đến việc giải
thích và áp dụng Công ước này mà không dàn xếp được bằng con đường đàm phán hoặc
bằng các thủ tục được quy định tại Công ước này, sẽ được chuyển đến Tòa án Công
lý quốc tế để giải quyết, theo yêu cầu của bất cứ bên tranh chấp nào, trừ khi
các bên tranh chấp đồng ý về phương thức giải quyết khác.
Điều
23.
1. Các Quốc gia thành viên có thể yêu cầu xem xét lại Công ước
này bất cứ lúc nào bằng một văn bản gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
2. Đại Hội đồng Liên Hợp
Quốc sẽ quyết định các bước, nếu cần thiết, để thực hiện các yêu cầu này.
Điều
24.
Tổng
Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho các quốc gia đề cập tại khoản 1 Điều 17 của
Công ước này các vấn đề sau:
1. Việc ký, phê chuẩn,
và gia nhập theo các Điều 17 và 18;
2. Ngày có hiệu lực của
Công ước theo Điều 19;
3. Các thông báo và
tuyên bố nhận được theo các Điều 14, 20 và 23.
4. Việc bãi ước theo
Điều 21.
Điều
25.
1. Công ước này, được làm bằng các thứ tiếng Trung Quốc, tiếng
Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như
nhau và sẽ được lưu chiểu tại cơ quan lưu trữ của Liên Hợp Quốc.
2. Tổng Thư ký Liên Hợp
Quốc sẽ chuyển các báo cáo có chứng thực của Công ước này cho tất cả các quốc
gia đã được đề cập trong khoản 1, Điều 17 của Công ước này.