BỘ
TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4567/TCT-CS
V/v hóa
đơn
|
Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2014
|
Kính
gửi: Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam.
(Địa chỉ: Toà nhà Hùng Vương Plaza, tầng 7, 126 Hùng Vương, P 12, Q5, TP. HCM)
Tổng cục Thuế nhận được công văn số
08FIN/2014/CV-CJ CGV ngày 18/8/2014 và công văn số 12FIN/2014/CV-CJ
CGV ngày 9/10/2014 của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam v/v đề
nghị hướng dẫn lập hóa đơn GTGT. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điều 3 Thông tư số
39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP
ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
“Điều 3. Loại và hình thức hóa đơn
1. Hóa đơn là chứng từ do người bán lập,
ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng
dịch vụ theo quy định của pháp luật.
2. Các loại hóa đơn:
…
c) Hóa
đơn khác gồm: tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm...
d) Phiếu thu tiền cước vận chuyển
hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ
ngân hàng…, hình thức và nội dung được
lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
3. Hình thức hóa đơn.
Hóa đơn được thể hiện bằng các hình thức sau:
a) Hóa
đơn tự in là hóa đơn do các tổ chức kinh
doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác
khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
…”
Tại Điều 14, Thông tư
số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn về hóa đơn in trực tiếp từ máy
tính tiền như sau:
Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng máy
tính tiền khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ để in và xuất hóa đơn cho khách
hàng thì hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền phải có các chỉ tiêu và đảm bảo
các nguyên tắc sau:
- Tên, địa chỉ, mã số thuế của cơ sở
kinh doanh (người bán);
- Tên cửa hàng, quầy hàng thuộc cơ sở
kinh doanh (trường hợp có nhiều cửa hàng, quầy hàng);
- Tên hàng hóa, dịch vụ, đơn giá, số
lượng, giá thanh toán. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế theo phương
pháp khấu trừ phải ghi rõ giá bán chưa có thuế GTGT, thuế
suất thuế GTGT, tiền thuế GTGT, tổng tiền thanh toán có thuế GTGT;
- Tên nhân viên thu ngân, số thứ tự của
phiếu (là số nhảy liên tục), ngày, giờ in hóa đơn.
- Hóa đơn in từ máy tính tiền phải
giao cho khách hàng.
- Dữ liệu hóa đơn in từ máy tính tiền
phải được chuyển đầy đủ, chính xác vào sổ kế toán để hạch toán doanh thu và
khai thuế giá trị gia tăng theo quy định. Trường
hợp cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm không kết chuyển đủ dữ liệu bán
hàng từ phần mềm tự in hóa đơn vào sổ kế toán để khai thuế (tức thiếu doanh thu
để trốn thuế) thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về thuế.
Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng máy
tính tiền khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải gửi Thông báo phát hành hóa đơn kèm theo hóa
đơn mẫu đến cơ quan thuế quản lý, không phải đăng ký trước số lượng phát hành.”
Tại Điều 27, Thông tư
số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn như sau:
“Hóa đơn thu cước dịch vụ viễn thông,
hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn thu phí dịch vụ của các ngân
hàng, vé vận tải hành khách của các đơn vị vận tải, các loại tem, vé, thẻ và một
số trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính không phải báo cáo đến từng
số hóa đơn mà báo cáo theo số lượng (tổng
số) hóa đơn. Cơ sở kinh doanh phải hoàn
toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của số lượng hóa đơn còn tồn đầu kỳ, tổng số đã sử dụng, tổng số xóa bỏ, mất, hủy và phải đảm bảo cung cấp được số liệu hóa đơn chi tiết (từ số... đến số) khi cơ quan thuế yêu cầu.”
Tại khoản 3e Điều 1 và
khoản 3c Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ tài chính
sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013,
Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số
219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC
ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC
ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014
của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế (có hiệu
lực từ 1/9/2014) quy định như sau:
“e) Việc lập các Bảng kê hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai
thuế gửi cho cơ quan thuế trong một số trường hợp được thực hiện như sau:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ bán lẻ trực tiếp cho đối tượng
tiêu dùng như: điện, nước, xăng, dầu, dịch vụ bưu chính,
viễn thông, dịch vụ khách sạn, ăn uống, vận chuyển hành khách, mua, bán vàng, bạc, đá quý, bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác thì được kê khai tổng hợp doanh số bán lẻ, không phải kê khai
theo từng hóa đơn.”
Tại Khoản 3c Điều 5
Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ tài chính sửa đổi, bổ
sung Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC như sau:
“c) Hóa đơn được lập một lần thành
nhiều liên. Nội dung lập trên hóa đơn phải được thống nhất trên các liên hóa
đơn có cùng một số.
Đối với hóa đơn thu cước dịch vụ viễn
thông, hóa đơn tiền điện, hóa đơn tiền nước, hóa đơn thu phí của các ngân hàng,
vé vận tải hành khách của các đơn vị vận tải, các loại tem, vé, thẻ và một số trường hợp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khi
lập hóa đơn được thay thế liên 1 bằng bảng kê chi tiết số hóa đơn thực tế đã lập. Chi tiết mỗi số hóa đơn giao khách hàng được thể hiện trên một
dòng của Bảng kê với đầy đủ các tiêu thức đã được đăng ký tại hóa đơn mẫu gửi
cùng Thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Bảng kê được lập hàng tháng, được in
ra giấy để lưu trữ bảo quản hoặc lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Ví dụ như:
bút nhớ (đĩa flash USB), đĩa CD và DVD, đĩa cứng gắn ngoài, đĩa cứng gắn
trong). Việc bảo quản, lưu trữ bảng kê thực hiện theo quy định hiện hành về bảo
quản, lưu trữ tài liệu kế toán. Nếu lưu trữ bằng giấy thì bảng kê phải có đầy đủ
tên, chữ ký người lập bảng kê; tên, chữ ký thủ trưởng đơn vị; dấu đơn vị. Nếu lưu trữ bằng
phương tiện điện tử thì bảng kê phải có chữ ký điện tử của đơn vị và nội dung bảng
kê phải đảm bảo có thể truy cập kết xuất và in ra giấy khi cần tham chiếu. Các
đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ thông tin trên bảng kê
hóa đơn đã lập trong ngày, trong tháng và
phải đảm bảo lưu trữ để cung cấp cho cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác
khi có yêu cầu”.
Căn cứ quy định nêu trên:
- Vé xem phim được in từ máy tính tiền
khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ để xuất hóa đơn cho khách hàng là hình thức hóa đơn tự in đặc thù: hóa đơn in từ máy tính tiền. Căn cứ mẫu vé xem phim của Công ty
TNHH CJ CGV Việt Nam gửi kèm hồ sơ thì vé xem phim đã được Cục Thuế thành phố Hồ
Chí Minh chấp thuận tại công văn số 10201/CT-QTTVAC tháng 11/2007 (in trên mẫu
vé xem phim), do vậy, Công ty không phải xuất hóa đơn GTGT cho số lượng vé xem
phim đã bán cho khách hàng trong ngày.
- Về kê khai thuế
GTGT đối với ngành kinh doanh dịch vụ giải trí, do khách hàng chủ yếu là cá
nhân tiêu dùng dịch vụ trực tiếp thì Công ty thực hiện kê khai tổng hợp doanh số
bán lẻ, không phải kê khai theo từng hóa
đơn khi lập các Bảng kê hàng hóa, dịch vụ
bán ra kèm theo Tờ khai thuế gửi cho cơ quan thuế theo quy định tại khoản 3e Điều 1 Thông tư số 119/2014/TT-BTC;
- Về lập báo cáo
tình hình sử dụng hóa đơn, vé xem phim là
hóa đơn thì không phải báo cáo đến từng số
hóa đơn mà báo cáo theo số lượng (tổng số)
hóa đơn theo quy định tại Điều
27 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
- Vé xem phim khi lập được thay thế
liên 1 (liên lưu) bằng bảng kê chi tiết số vé thực tế đã lập. Chi tiết mỗi số
vé giao khách hàng được thể hiện trên một dòng của Bảng kê với đầy đủ các tiêu
thức đã được đăng ký tại mẫu vé gửi cùng Thông báo phát hành hóa đơn đến cơ
quan thuế quản lý trực tiếp. Bảng kê được lập hàng tháng,
được in ra giấy để lưu trữ bảo quản hoặc lưu trữ bằng
phương tiện điện tử (Ví dụ như: bút nhớ (đĩa flash USB), đĩa CD và DVD, đĩa cứng
gắn ngoài, đĩa cứng gắn trong). Việc bảo quản, lưu trữ bảng kê thực hiện theo
quy định hiện hành về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán.
Để giảm bớt gánh nặng trong công tác lưu trữ, Công ty có
thể lựa chọn lưu trữ Bảng kê được lập hàng tháng lưu trữ bằng phương tiện điện
tử (Ví dụ như: bút nhớ (đĩa flash USB), đĩa CD và DVD, đĩa
cứng gắn ngoài, đĩa cứng gắn trong) theo hướng dẫn tại tiết 3c, Điều
5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC nêu trên.
Tổng cục Thuế trả lời Công ty được biết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng
Ninh, Đà Nẵng;
- Vụ PC (BTC);
- Vụ PC (TCT);
- Lưu: VT, CS (3b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Cao Anh Tuấn
|