ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1050/KH-UBND
|
Bến
Tre, ngày 14 tháng 3 năm 2014
|
KẾ HOẠCH
TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP
THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 80/2011/NĐ-CP NGÀY 16/9/2011 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CÁC
BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TÁI hòa NHẬP CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT
TÙ, GIAI ĐOẠN 2014-2020
Thực hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà
nước, những năm qua đã có hàng ngàn lượt phạm nhân chấp hành xong án phạt tù về
địa phương, tái hòa nhập cộng đồng; đa số họ trở về làm ăn lương thiện, ổn định
cuộc sống trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, do nhiều
nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người chấp hành xong án phạt tù chưa có
việc làm, thiếu tay nghề, thiếu vốn để làm ăn, mặc cảm, tự ti hoặc bị phân biệt
đối xử, kỳ thị, xa lánh, ngại tiếp xúc…; nhưng các cơ quan chức năng và cộng
đồng xã hội chưa thật sự quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho họ tái hòa
nhập cộng đồng.
Theo kết quả rà soát từ năm 2002 đến nay, trên toàn
tỉnh có 4.134 /4.466 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có việc làm,
ổn định cuộc sống (tỷ lệ 92,56%), còn lại 332/4.466 người chưa có việc làm
(chiếm tỷ lệ 7,4%). Số người tái phạm là 670/4.466 người (tỷ lệ 15%), trong số
này phần lớn chưa có việc làm ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn
đến tình hình hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tăng, tác động
tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Trước thực trạng trên, để tăng cường phối hợp thực
hiện có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính
phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp
hành xong án phạt tù (sau đây gọi tắt là Nghị định 80/CP của Chính phủ), Ủy ban
nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tiếp tục triển khai quán triệt đầy đủ nội dung
tinh thần Nghị định số 80/CP của Chính phủ, nhất là vai trò, trách nhiệm của
cấp Ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp kinh tế trên địa bàn tỉnh trong việc bảo đảm tái hòa nhập cộng
đồng cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
của các tầng lớp nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối
với người chấp hành xong án phạt tù; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ
chức xã hội và cá nhân trong việc xoá bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị,
phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp
hành xong án phạt tù; quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để họ ổn định cuộc sống,
góp phần phòng, chống tái phạm và vi phạm pháp luật.
3. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính
trị, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch, nhằm tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công
tác tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh
trong tình hình hiện nay.
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh:
- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công
tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái
hòa nhập cộng đồng; đề xuất thành lập các quỹ hoàn lương, quỹ doanh nhân với an
ninh, trật tự do các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ủng hộ để hỗ trợ, giúp đỡ
người chấp hành xong án phạt tù học nghề, tổ chức sản xuất, tìm kiếm việc làm,
ổn định cuộc sống.
- Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp
huyện thực hiện công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành
xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân
theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể,
tổ chức xã hội giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù khắc phục khó
khăn, ổn định cuộc sống.
- Chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cấp
huyện theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu tập hợp số liệu, tình hình, đánh giá kết
quả thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong
án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, số người điển hình tiên tiến tái hòa nhập
cộng đồng, số người không về nơi cư trú, số người tái phạm tội và vi phạm pháp
luật trong phạm vi toàn tỉnh.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ, tổng
kết; đồng thời, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp bảo đảm tái
hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù về Bộ Công an và Ủy
ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế,
chính sách về dạy nghề, cho vay vốn để họ có điều kiện làm ăn, sinh sống, tạo
việc làm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng
đồng, ổn định cuộc sống;
- Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm giới thiệu việc làm,
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức
năng, các doanh nghiệp ở địa phương tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu và giải
quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; quan tâm, giúp đỡ về vật
chất, tinh thần cho những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt
khó khăn đảm bảo ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
3. Cục Thi hành án dân sự tỉnh:
Tổ chức thực hiện và chỉ đạo Chi cục Thi hành án
dân sự cấp huyện lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
đối với người chấp hành xong án phạt tù khi có đủ điều kiện và giải quyết khiếu
nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
4. Sở Tư pháp tỉnh:
Chủ động cập nhật thông tin về xoá án tích và thực
hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án
phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
5. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh:
Hướng dẫn Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng
Khởi phối hợp với các ban, ngành, địa phương tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng
cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù; kêu gọi trách nhiệm của các
cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân xoá bỏ thái độ, hành vi định
kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong án phạt tù; quan tâm, tạo điều kiện
giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng, chống tái phạm tội và vi phạm
pháp luật; tuyên truyền những mô hình, cách làm sáng tạo, có hiệu quả thiết
thực giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
6. Sở Tài chính tỉnh:
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hằng năm cân đối, bố
trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để các sở, ban, ngành, địa phương có liên
quan bảo đảm việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, công tác quản lý,
giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về cư trú trên
địa bàn.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/CP
của Chính phủ và chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội,
Ủy ban nhân dân cấp xã quan tâm tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý, giáo dục,
giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; kiểm tra, đôn
đốc việc thực hiện và vận động nhân dân phối hợp gia đình quản lý, giáo dục,
giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định, sống có ích cho xã
hội và cộng đồng.
- Tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm, xoá đói,
giảm nghèo; hướng dẫn hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp người chấp hành xong án
phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
Phối hợp Công an tỉnh phát động phong trào xây dựng
các mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở cơ sở; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ
chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp lực lượng
Công an các cấp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái
hòa nhập cộng đồng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các cơ
sở kinh tế; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm giúp đỡ, tạo
điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú có việc làm,
ổn định cuộc sống.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh: Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn
đốc việc thực hiện Kế hoạch, tập hợp tình hình, kết quả thực hiện Nghị định số
80/CP của Chính phủ; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các
sở, ngành và địa phương về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp
hành xong án phạt tù về địa phương. Định kỳ hằng năm có kế hoạch kiểm tra, đánh
giá chất lượng công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh, tổng hợp, báo
cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
2. Các sở, ban, ngành và các tổ chức, đoàn thể có
liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có trách
nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa
nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù đạt kết quả.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế
hoạch tổ chức thực hiện Nghị định số 80/CP của Chính phủ sát hợp với đặc điểm,
tình hình địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Mặt trận, đoàn
thể và các tổ chức xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nghiêm túc Nghị
định 80/CP của Chính phủ.
4. Định kỳ mỗi năm một lần (trước ngày 15 tháng 10)
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan báo cáo
kết quả công tác tái hòa nhập cộng đồng về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Phòng Cảnh
sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh) để tổng hợp, báo cáo về
trên.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo triển
khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân
tỉnh (qua Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh) để
tổng hợp, báo cáo Bộ Công an, Tỉnh Ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định./.