BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/VBHN-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày
27 tháng 5 năm 2016
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP
ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản,
có hiệu lực từ ngày 25 tháng 8 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số 89/2015/NĐ-CP
ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách
phát triển thủy sản, có hiệu lực từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà
nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày
26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân hàng nhà
nước ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Tổ chức tín dụng
ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo
hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Thuế thu nhập
doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
năm 2013; Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2013; Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2013; Luật Quản lý thuế
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2013; Luật Thuế
tài nguyên năm 2009; Pháp lệnh Phí, lệ phí năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Chính phủ ban hành Nghị định
về một số chính sách phát triển thủy sản.[1]
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chính
sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách
khác nhằm phát triển thủy sản.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với:
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam
hoạt động thủy sản.
2.[2]
Tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là chủ tàu) đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu
(thay máy; gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết
bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang
thiết bị bốc xếp hàng hóa) phục vụ hoạt động khai thác hải sản
3. Tổ chức, cá nhân thực hiện
dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thủy sản.
Chương
II
MỘT SỐ CHÍNH
SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
Điều 3.
Chính sách đầu tư
1. Đối với các hạng mục hạ tầng
thiết yếu của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão (bao gồm cầu cảng; kè bờ, kè
chắn sóng, chắn cát; nạo vét luồng ra vào cảng, vùng nước neo đậu tàu; công
trình neo buộc tàu; hệ thống phao tiêu, báo hiệu, đèn tín hiệu; hệ thống thông
tin liên lạc chuyên dùng):
a) Ngân sách trung ương đầu
tư 100% kinh phí xây dựng cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng;
b) Ngân sách trung ương hỗ
trợ đầu tư cho cảng cá loại II và khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh tối đa 90%
đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi, tối
đa 50% đối với địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách
trung ương.
2. Ngân sách trung ương đầu
tư 100% tổng mức đầu tư (kể cả giải phóng mặt bằng, các hạng mục hạ tầng thiết
yếu và các hạng mục khác) đối với các tuyến đảo, bao gồm các dự án cảng cá (cảng
loại I, loại II) và khu neo đậu tránh trú bão thuộc tuyến đảo.
3. Đối với các hạng mục hạ tầng
vùng nuôi trồng thủy sản; vùng sản xuất giống tập trung bao gồm: Hệ thống cấp
thoát nước đầu mối (ao, bể chứa, cống, kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm
bơm), đê bao, kè, đường giao thông, hệ thống điện, công trình xử lý nước thải
chung; nâng cấp cơ sở hạ tầng các Trung tâm giống thủy sản quốc gia, Trung tâm
giống thủy sản cấp vùng, cấp tỉnh; Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường nuôi
trồng thủy sản, Trung tâm khảo nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp Trung
ương và cấp vùng:
a) Ngân sách trung ương đầu
tư 100% kinh phí xây dựng đối với các dự án do Bộ, ngành trung ương quản lý;
b) Ngân sách trung ương hỗ
trợ đầu tư tối đa 90% đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và
tỉnh Quảng Ngãi, tối đa 50% đối với địa phương có điều tiết các khoản thu phân
chia về ngân sách trung ương đối với các dự án do địa phương quản lý.
4. Ngân sách trung ương đầu
tư 100% kinh phí xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển
bao gồm hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng
bè.
5. Đối với kinh phí đền bù
giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư thủy sản nêu tại Khoản 1, Khoản 3, Khoản 4
và Khoản 5 Điều này do ngân sách địa phương đảm bảo, kể cả các dự án của Trung
ương tại địa phương.
6. Ngân sách nhà nước ưu
tiên bố trí vốn hàng năm theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm
2015 đến năm 2020 với mức đầu tư bình quân hàng năm tăng tối thiểu gấp 2 lần so
với số vốn bình quân hàng năm đã bố trí cho giai đoạn 2011 - 2014 để thực hiện,
bảo đảm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định. Tập
trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo,
Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ và một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ; bố
trí vốn đầu tư xây các trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm tại
thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, tỉnh: Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang
theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4.
Chính sách tín dụng
1. Chính sách tín dụng đóng
mới, nâng cấp tàu, bao gồm:
a)[3]
Chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên;
nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất
máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công
suất máy chính từ 400CV trở lên khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần
khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu được thực hiện một hoặc nhiều nội dung: Thay
máy tàu; gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết
bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm,
trang thiết bị bốc xếp hàng hóa;
b) Điều kiện vay: Các đối tượng
đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản
xuất cụ thể, được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê
duyệt;
c)[4]
Hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất cụ thể như sau:
- Đối với đóng mới tàu dịch
vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải;
máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa:
+ Trường hợp đóng mới tàu vỏ
thép, vỏ vật liệu mới: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng
giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân
sách nhà nước cấp bù 6%/năm.
+ Trường hợp đóng mới tàu vỏ
gỗ: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư
đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước
cấp bù 4%/năm.
- Đối với đóng mới tàu khai
thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục
vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản:
+ Trường hợp đóng mới tàu vỏ
thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV: Chủ
tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi
suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 5%/năm.
+ Trường hợp đóng mới tàu vỏ
thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên: Chủ tàu được
vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với
lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.
+ Trường hợp đóng mới tàu vỏ
gỗ: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư
đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp
bù 4%/năm.
+ Trường hợp đóng mới tàu vỏ
gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu: Chủ tàu được vay
vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất
7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
- Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ,
vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công
suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng
công suất máy chính từ 400CV trở lên: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại
tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả
3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
- Đối với trường hợp gia cố
bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải,
trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết
bị bốc xếp hàng hóa: Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng
giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách
nhà nước cấp bù 4%/năm.
- Tàu cá đóng mới phải sử dụng
máy thủy mới; trường hợp nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy thủy mới hoặc máy
thủy đã qua sử dụng theo quy định.
d)[5]
Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất: 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ
hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới. Năm
đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa
phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm
đầu cho các ngân hàng thương mại. Quy định này được áp dụng cả với những Hợp đồng
vay vốn ngân hàng thương mại đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới theo quy
định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã ký kết trước ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành.
đ) Tài sản thế chấp: Chủ tàu
được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản
vay.
e) Ổn định mức lãi suất chủ
tàu phải trả hàng năm theo quy định của Nghị định này. Mức lãi suất 7%/năm quy
định tại Điều này thực hiện trong năm đầu tính từ ngày đối tượng ký kết vốn vay
với ngân hàng thương mại. Khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm, Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam căn cứ tình hình thực tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm
tương ứng. Trường hợp mặt bằng lãi suất cho vay tăng, xử lý theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 9 của Nghị định này.
2. Cơ chế xử lý rủi ro:
Các khoản cho vay đóng mới,
nâng cấp tàu quy định tại Khoản 1 Điều này bị rủi ro xảy ra do nguyên nhân
khách quan, bất khả kháng, thì tùy theo mức độ bị thiệt hại được xử lý theo
nguyên tắc sau:
a) Đối với chủ tàu
- Trường hợp thiệt hại nhưng
tàu vẫn có thể sửa chữa để hoạt động, chủ tàu được ngân hàng thương mại cơ cấu
lại thời hạn trả nợ khoản vay trong thời gian sửa chữa tàu. Công ty bảo hiểm
thanh toán toàn bộ chi phí sửa tàu.
- Trường hợp thiệt hại khiến
tàu không thể sử dụng khai thác, việc xử lý rủi ro do ngân hàng thương mại cho
vay thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
b) Đối với ngân hàng thương
mại cho vay.
- Trường hợp thiệt hại nhưng
tàu vẫn có thể sửa chữa để hoạt động, ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại
thời hạn trả nợ cho khách hàng trong thời gian sửa chữa tàu.
- Trường hợp thiệt hại khiến
tàu không thể tiếp tục sử dụng khai thác, ngân hàng thương mại xử lý nợ theo thứ
tự như sau:
+ Tài sản đã mua bảo hiểm
thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
+ Sử dụng khoản dự phòng được
trích lập đối với dư nợ cho vay chính con tàu trong chi phí để bù đắp theo quy
định của pháp luật.
+ Trường hợp đã xử lý như
trên nhưng vẫn chưa thu hồi đủ nợ gốc, ngân hàng thương mại báo cáo Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ
thể.
3. Chính sách cho vay vốn
lưu động
a) Đối tượng được vay vốn:
Các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.
b) Điều kiện vay: Là các đối
tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án
sản xuất kinh doanh cụ thể.
c) Hạn mức vay:
- Tối đa 70% giá trị cung cấp
dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.
- Tối đa 70% chi phí cho một
chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản.
d) Lãi suất cho vay là
7%/năm trong năm đầu tính từ ngày đối tượng ký kết vốn vay với ngân hàng thương
mại và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ tình hình thực tế báo cáo Thủ tướng
Chính phủ điều chỉnh đảm bảo lãi suất cho vay không vượt quá lãi suất cho vay
thấp nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Điều 5.
Chính sách bảo hiểm[6]
Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh
phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai
thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp
đoàn nghề cá và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên:
1. Hỗ trợ hàng năm 100% kinh
phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.
2. Hỗ trợ hàng năm kinh phí
mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi
ro) với mức:
a) 70% kinh phí mua bảo hiểm
đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV;
b) 90% kinh phí mua bảo hiểm
đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Điều 6.
Chính sách ưu đãi thuế
1. Miễn thuế tài nguyên đối
với hải sản tự nhiên khai thác.
2. Không thu lệ phí trước bạ
đối với tàu, thuyền khai thác thủy, hải sản.
3. Miễn thuế môn bài đối với
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu
cần nghề cá.
4. Miễn tiền thuê đất, thuê
mặt nước sử dụng cho hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản của tổ chức, hộ gia đình,
cá nhân.
5. Các trường hợp sau không
chịu thuế giá trị gia tăng:
a) Sản phẩm thủy sản của tổ
chức, cá nhân nuôi trồng, khai thác bán ra;
b) Bảo hiểm tàu, thuyền,
trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp khai thác hải sản.
6. Chủ tàu khai thác hải sản
được hoàn thuế giá trị gia tăng của tàu dùng để khai thác hải sản đối với tàu
được đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
7. Miễn thuế thu nhập cá
nhân đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp khai thác hải sản.
8. Miễn thuế thu nhập doanh
nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động khai thác hải sản, thu nhập từ dịch vụ hậu
cần phục vụ trực tiếp cho hoạt động khai thác hải sản xa bờ; thu nhập từ đóng mới,
nâng cấp tàu cá có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên để phục vụ hoạt động
khai thác hải sản.
9. Miễn thuế nhập khẩu đối với
máy móc, thiết bị, nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được
để đóng mới, nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Điều 7.
Một số chính sách khác
1. Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo
hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ
thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công
suất máy chính từ 400CV trở lên.
2. Hỗ trợ chi phí vận chuyển
hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải
sản khai thác xa bờ về đất liền cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản
xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
a) Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/chuyến
biển đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV đến 800CV; từ 60 triệu đồng/chuyến
biển đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên; hỗ trợ tối đa 10
chuyến biển/năm;
b) Điều kiện hỗ trợ:
- Tàu dịch vụ hậu cần khai
thác hải sản xa bờ là thành viên của tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp khai thác
hải sản;
- Đăng ký tàu dịch vụ khai
thác hải sản thường xuyên hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ với
cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tại địa phương nơi đăng ký hoặc nơi cư
trú;
- Có xác nhận tàu hoạt động
dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ của đơn vị bộ đội đóng trên đảo gần ngư
trường khai thác hải sản hoặc xác nhận vị trí hoạt động của tàu dịch vụ khai
thác hải sản bằng hệ thống giám sát định vị vệ tinh (GPS) của cơ quan chức
năng;
- Có xác nhận của chủ tàu
khai thác hải sản xa bờ (số hiệu tàu, tên người mua, số lượng từng loại hàng
hóa mua);
- Ghi và nộp nhật ký tàu dịch
vụ từng chuyến biển cho cơ quan quản lý nhà nước về khai thác thủy sản tại địa
phương nơi đăng ký hoặc cư trú.
3.[7]
Hỗ trợ 100% chi phí các thiết kế mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ khai
thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đối với tàu có tổng
công suất máy chính từ 400CV trở lên.
4. Hỗ trợ 100% chi phí duy
tu, sửa chữa định kỳ nhưng không quá 1% giá trị đóng mới tàu vỏ thép có tổng
công suất máy chính từ 400CV trở lên theo định mức kinh tế kỹ thuật duy tu, sửa
chữa định kỳ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.
5.[8] Thí điểm cơ chế hỗ
trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng
theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP .
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thí điểm cơ chế hỗ trợ một
lần sau đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nội dung thí điểm cơ chế
hỗ trợ một lần sau đầu tư bao gồm: Đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ
và trình tự thủ tục hỗ trợ; trong đó mức hỗ trợ đảm bảo tương đương với mức hỗ
trợ của chính sách tín dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số
67/2014/NĐ-CP .
Điều 8.
Nguồn vốn và cơ chế thực hiện chính sách
1. Ngân sách trung ương thực
hiện cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại cho vay để đóng mới, nâng cấp
tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; đảm bảo kinh phí
thiết kế mẫu tàu; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành
tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản theo công
nghệ mới cho các địa phương đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở
lên.
2. Đối với chi phí duy tu, sửa
chữa định kỳ; chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản
xa bờ và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác xa bờ về đất liền cho các tàu dịch
vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên
và chính sách bảo hiểm: Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí đối với các địa
phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi; ngân sách trung ương
hỗ trợ 50% kinh phí đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu
phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%; các địa phương còn lại sử dụng ngân
sách địa phương để thực hiện.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1. Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn:
a) Nghiên cứu, điều tra nguồn
lợi thủy sản, dự báo ngư trường và quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi
thủy sản, nhóm nghề và ngư trường đồng thời thông báo quy hoạch để các địa
phương thực hiện;
b)[9]
Quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu; lựa chọn đơn vị có đủ năng
lực thiết kế, đặt hàng thiết kế mẫu một số mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới
khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; phê duyệt và công
bố các thiết kế mẫu tàu đã được lựa chọn; quy định về định mức kinh tế kỹ thuật
duy tu sửa chữa định kỳ đối với tàu vỏ thép và hướng dẫn tổ chức thực hiện duy
tu, sửa chữa định kỳ; quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật
máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt trên tàu cá.
Hướng dẫn, lựa chọn địa
phương thiết kế mẫu tàu khai thác và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ
gỗ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên phù hợp với nghề hoạt động và đặc
trưng ngư trường, vùng miền; tổng hợp công bố thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ.
c) Chịu trách nhiệm chủ trì,
phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và địa phương
liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định nêu tại Nghị định này,
đề xuất biện pháp xử lý và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá
trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền;
d) Chủ trì, phối hợp các Bộ:
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xác định các dự án ưu tiên đầu tư trong năm kế hoạch
thuộc nhiệm vụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
đ) Chủ trì tổ chức thực hiện
Nghị định này gắn với việc tổ chức lại sản xuất đối với ngành thủy sản để phát
triển bền vững, hiệu quả;
e) Chỉ đạo, hướng dẫn các địa
phương thực hiện, định kỳ sơ kết; chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổng kết thực hiện Nghị
định này vào quý IV năm 2016 báo cáo Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ:
Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu, cân đối, bố
trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện các
chương trình, dự án đầu tư, bảo đảm tập trung hoàn thành dứt điểm từng công
trình.
3. Bộ Tài chính:
a) Bố trí ngân sách thực hiện
các chính sách quy định tại Nghị định này;
b) Hướng dẫn cơ chế cấp bù
lãi suất thực hiện chính sách tín dụng quy định tại Điều 4 Nghị
định này;
c) Hướng dẫn tổ chức thực hiện
chính sách bảo hiểm theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam:
a) Chỉ đạo các ngân hàng
thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối bố trí nguồn vốn và thực hiện cho vay
phục vụ phát triển thủy sản theo quy định tại Nghị định này;
b) Chủ trì, phối hợp với các
Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể việc thực
hiện chính sách tín dụng theo quy định tại Điều 4 Nghị định này
đảm bảo trình tự, thủ tục đơn giản, nhanh gọn và an toàn về nguồn vốn vay của
Nhà nước;
c) Đầu mối phối hợp với các
Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng, đề
xuất biện pháp xử lý và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá
trình thực hiện Nghị định này;
d) Trường hợp các ngân hàng
thương mại gặp khó khăn về nguồn vốn cho vay để thực hiện các chính sách quy định
tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này hoặc khi mặt bằng lãi suất
cho vay tăng, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại theo
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
5. Các Bộ, ngành khác có
liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các
chính sách phát triển thủy sản quy định tại Nghị định này.
6.[10] Bộ Khoa học và
Công nghệ quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử
dụng nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có máy thủy đã qua sử dụng; quy định
riêng về tiêu chuẩn máy thủy đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam trong trường
hợp cần thiết.
Điều
10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Tổ chức triển khai thực
hiện các chính sách quy định tại Nghị định này tại địa phương.
2. Giao cho Ủy ban nhân dân
cấp xã xác nhận đối tượng được vay vốn theo quy định tại Điểm b
Khoản 1 và Điểm b Khoản 3 Điều 4; đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm theo quy định
tại Điều 5; đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định
báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt làm cơ sở thực hiện.
3. Hướng dẫn giá bán (nhiên
liệu; xăng dầu, đá bảo quản hải sản; vật tư sửa chữa nhỏ, tàu thuyền ngư lưới cụ,
nước ngọt, lương thực, thực phẩm thiết yếu) của tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải
sản xa bờ cho tàu khai thác hải sản xa bờ theo giá bán lẻ ở đất liền.
4. Bố trí ngân sách địa
phương để hỗ trợ ngư dân và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản
theo quy định tại Nghị định này.
5. Căn cứ yêu cầu và khả
năng thực tế của địa phương được bố trí kinh phí và ban hành bổ sung, nâng mức
hỗ trợ những chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản trên địa bàn
ngoài những chính sách được quy định tại Nghị định này.
6. Căn cứ điều kiện của địa
phương có thể thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản
quy định tại Nghị định này cho phù hợp; lựa chọn đối tượng làm thí điểm thực hiện
chính sách quy định tại Nghị định này và nhân rộng trên địa bàn.
7.[11]
Thực hiện thiết kế mẫu tàu cá vỏ gỗ khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản
có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và đảm bảo phù hợp với tập quán, đặc trưng vùng biển của
địa phương, khu vực.
Điều
11. Trách nhiệm của các Hội, Hiệp hội thủy sản
1. Phối hợp với chính quyền
địa phương tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân đảm bảo đúng đối tượng,
đúng chính sách theo quy định tại Nghị định này.
2. Hướng dẫn, vận động hội
viên tuân thủ quy định pháp luật về thực hiện các chính sách phát triển thủy sản.
Điều
12. Quyền hạn và trách nhiệm của chủ tàu
1. Được hưởng các chính sách
ưu đãi của Nhà nước theo quy định của Nghị định này.
2. Tự quyết định việc vay vốn,
lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu để đầu tư
đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản
xa bờ.
3. Hoàn trả vốn vay và lãi
vay để đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản
xa bờ theo đúng quy định của pháp luật.
4. Quyết định mức và thời hạn
vay thấp hơn quy định tại Điều 4 Nghị định này và được quyền
trả nợ trước hạn.
Chương
IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[12]
Điều 13.
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2014.
2. Trong trường hợp một nội
dung có nhiều chính sách hỗ trợ thì tổ chức, cá nhân thụ hưởng được lựa chọn một
chính sách hỗ trợ cao nhất.
3. Các nội dung liên quan tại
các quy định trước đây trái với Nghị định này hoặc mức ưu đãi của Nhà nước thấp
hơn mức ưu đãi của Nghị định này thì thực hiện theo Nghị định này.
4. Thời gian thực hiện các
chính sách quy định tại các Điều 4, 5, 7, 8 của Nghị định này
đến hết năm 2016 và tổng kết rút kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn tiếp
theo.
Điều
14. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch các Hội, Hiệp hội ngành hàng thủy
sản trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, thi
hành Nghị định này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|
[1]
Nghị định số 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP
ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Thủy sản, có căn cứ ban hành như sau:
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà
nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày
26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân hàng nhà
nước ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Tổ chức tín dụng
ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ
Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010; Căn cứ Luật Thuế
thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập
doanh nghiệp năm 2013; Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2013; Luật Thuế thu nhập cá nhân và
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2013; Luật
Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm
2013; Luật Thuế tài nguyên năm 2009; Pháp lệnh Phí, lệ phí năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính
phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
[2] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP
ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách
phát triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[3] Điểm này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07
tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát
triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[4] Điểm này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07
tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát
triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[5] Điểm này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07
tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát
triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[6] Điều này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07
tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát
triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[7] Khoản này
được sửa đổi theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP
ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách
phát triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015
[8] Khoản này được
bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 của Nghị định 89/2015/NĐ-CP ngày 07
tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát
triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[9] Điểm này được
sửa đổi theo quy định tại khoản 8 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07
tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát
triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[10] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP
ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách
phát triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[11] Khoản này
được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP
ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách
phát triển thủy sản, có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
[12]
Điều 2 và Điều 3 của Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07
tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu
lực kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015, quy định như sau:
“Điều 2. Hiệu lực thi
hành
Nghị định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2015.
Điều 3. Trách nhiệm hướng
dẫn và thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương, Chủ tịch các Hội, Hiệp hội ngành hàng thủy sản trong phạm
vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, thi hành Nghị định
này.”