ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 101/QĐ-UB
|
Ninh Bình, ngày
04 tháng 02 năm 1998
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V: QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ CÔNG CHỨC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
(sửa đổi) ngày 21/6/1994.
- Căn cứ Quyết định số: 874/TTg
ngày 20/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
và công chức Nhà nước.
- Căn cứ Thông tư liên bộ số: 37/TT-LB ngày
22/4/1994 của Liên bộ Tài chính - Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ về hướng dẫn quản
lý, sử dụng nguồn kinh phí đào tạo.
- Căn cứ Thông tư liên tịch số: 79/TTLT ngày
19/9/1997 của Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính, Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng dẫn thực hiện quyết định số: 874/TTg.
- Căn cứ quy định số: 159/QĐ-TU ngày 31/12/1996
của Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc quy định tạm thời tiêu chuẩn, đối
tượng, chế độ trợ cấp cán bộ đi học các lớp đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng
cán bộ.
- Xét đề nghị của các ông Trưởng ban Tổ chức
Chính quyền tỉnh và Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá. Sau khi thống nhất với Trưởng
ban Tổ chức Tỉnh ủy.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về công
tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ và công chức.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính - Vật
giá, Giáo dục & Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc trường Chính trị tỉnh,
Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và
Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 2
- Ban TV Tỉnh ủy
- TT HĐND tỉnh
- Ban TC tỉnh ủy
- Các cơ quan, các trường thuộc ngành dọc TW đóng tại tỉnh
- Lưu VT, VP7
NKT/20
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH NINH BÌNH
CHỦ TỊCH
Hà Trí Thức
|
QUY ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ VÀ CÔNG CHỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 101/QĐ-UB ngày 04/02/1998 của UBND tỉnh
Ninh Bình)
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ quản lý và công chức Nhà nước; Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ và
công chức trong tỉnh không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên
môn, năng lực công tác; Hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ quản lý, tiêu chuẩn nghiệp
vụ công chức; Thực hiện chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy định
về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức để các cấp, các ngành, các
cơ quan trong tỉnh thực hiện thống nhất và có hiệu quả.
Phần I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng được áp dụng quy định này là
đội ngũ cán bộ và công chức, viên chức Nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể và
cán bộ chủ chốt cấp chính quyền cơ sở. Trước mắt tập trung chủ yếu vào các đối
tượng là cán bộ đương chức và trong diện quy hoạch của cấp ủy, chính quyền các
đoàn thể chính trị; Công chức hành chính Nhà nước, cán bộ chính quyền cơ sở. Có
sự quan tâm đúng mức đối với đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp,
công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều 2. Những cán bộ, công chức được cử đi học các lớp đào tạo
trình độ Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học và trên Đại học theo bất kỳ
hình thức đào tạo nào (nếu có sử dụng giờ hành chính để học tập) thì yêu cầu phải
đạt các tiêu chuẩn quy định và thuộc các đối tượng sau:
1. Tiêu chuẩn:
a. Cán bộ, công chức được cử đi học phải có bản
lĩnh chính trị vững vàng và có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe có khả năng
phát triển, có năng lực để đảm đương và hoàn thành tốt công việc được đơn vị
giao cho trước mắt cũng như lâu dài.
b. Đã được tuyển dụng chính thức vào biên chế Nhà
nước từ 5 năm trở lên: Nghề xin học phải phù hợp với công việc đang làm; ít nhất
có thâm niên nghề từ 2 năm trở lên (tính đến thời điểm xin đi học).
2. Đối tượng:
a. Cán bộ đương nhiệm hoặc trong quy hoạch thuộc diện
Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ban thường vụ các huyện, thị ủy quản lý theo phân cấp
hiện hành.
b. Trưởng phòng, phó trưởng phòng; Trưởng, phó các
đơn vị sự nghiệp và các chức danh tương đương thuộc các sở, ban, ngành, cơ quan
chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh.
c. Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng các doanh
nghiệp Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp tự hạch toán trực thuộc các sở, ban,
ngành, UBND các huyện, thị xã.
d. Công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan
hành chính Nhà nước đã được xếp vào ngạch công chức, nhưng còn thiếu các tiêu
chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Nhà nước và đã đảm bảo đủ các
tiêu chuẩn quy định tại điều 2.
đ. Công chức, viên chức có năng lực, trình độ
chuyên môn giỏi và có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 điều 2, được các sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thị xã đề nghị UBND tỉnh quyết định cử đi học các lớp
cao học, nghiên cứu sinh.
e. Cán bộ, công chức, viên chức đi học các lớp đào
tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh theo yêu cầu công tác do Ban tổ chức chính
quyền tỉnh quyết định hoặc đề nghị của UBND tỉnh quyết định.
Điều 3. Nội dung cơ bản của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức Nhà nước là:
1. Đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, cập nhật
đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
2. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hành chính Nhà
nước.
3. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước
trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
4. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý các lĩnh
vực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp của công chức thuộc các ngành
trong tỉnh.
5. Đào tạo để hoàn thiện tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp
vụ theo các ngạch công chức đã bổ nhiệm và theo quy hoạch sử dụng, bố trí cán bộ.
6. Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ và kiến thức về tin
học cho công chức.
7. Đối với cán bộ chính quyền cơ sở cấp xã, phường,
thị trấn nội dung đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là: Lý luận chính trị, cập nhật đường
lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Những kiến thức cơ bản về
công vụ, pháp luật và hành chính. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người đảm nhiệm
các công tác về hành chính - văn phòng, tư pháp, tài chính, địa chính và văn
hóa xã hội.
Điều 4. Các loại hình đào tạo, bồi dưỡng:
- Đào tạo bồi dưỡng để thi tuyển cán bộ và công chức
Nhà nước, thi sát hạch những người được tạm tuyển vào cơ quan Nhà nước trước
khi được bổ nhiệm vào một ngạch công chức nhất định, nhằm bổ sung nguồn nhân lực
thường xuyên cho các tổ chức và cơ quan Nhà nước, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn của
từng ngạch công chức, chức danh cán bộ quản lý.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước để
bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý hay ngạch công chức cao hơn.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về
chính trị chuyên môn nghiệp vụ quản lý các kiến thức bổ trợ khác như ngoại ngữ,
tin học... để đáp ứng yêu cầu phát triển liên tục của nhiệm vụ.
Các loại hình đào tạo bồi dưỡng này được tổ chức thực
hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: Tập trung, bán tập trung, tại chức hoặc dưới
hình thức kèm cặp tại chỗ.
Điều 5. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng:
1. Hàng năm các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị
xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, trình độ năng lực và nhu cầu sử dụng
cán bộ công chức của đơn vị mình tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng
và đề nghị cử cán bộ công chức đi học theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định.
2. Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhiệm
vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của tỉnh và trên cơ sở các kế hoạch được
xây dựng theo khoản 1 điều này, Ban tổ chức Chính quyền tỉnh chủ trì phối hợp với
trường Chính trị tỉnh, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục
& Đào tạo tổng hợp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh trình UBND
tỉnh xem xét quyết định.
Điều 6. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức:
1. Trường chính trị tỉnh có nhiệm vụ đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước và cán bộ chính quyền cơ sở theo nội dung các
khoản 1,2,3,4,7 của điều 3.
Đối với các lớp thuộc diện đào tạo, bồi dưỡng của Học
viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia theo phân cấp
hoặc cần phải phối hợp với các trường Trung ương và tỉnh ngoài thì Ban tổ chức
Chính quyền tỉnh xem xét quyết định trước khi mở lớp.
2. Sở Giáo dục & Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo
Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật và đào tạo Tại chức, các đơn vị trực thuộc
ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ theo nội dung quy định tại khoản 5,6 của điều
3.
3. a) Việc tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn các
ngành bậc Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học theo các hình thức học
chuyên tu, tại chức, từ xa v.v... trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giao cho Trường
Trung học Kinh tế Kỹ thuật và Tại chức thống nhất thực hiện nhưng trước khi mở
lớp phải báo cáo Sở Giáo dục & Đào tạo để trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Sở Giáo dục & Đào tạo có trách nhiệm kiểm tra,
giám sát và quản lý chặt chẽ từ việc tuyển sinh đến nội dung, chương trình, chất
lượng giảng dạy, học tập, thi cử theo đúng quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo
và của UBND tỉnh.
b) Riêng việc đào tạo các lớp nói ở điểm a thuộc
lĩnh vực y tế, giáo dục do trường Trung học Y tế và Trường Cao đẳng sư phạm tổ
chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.
c) Để đảm bảo chất lượng đào tạo và môi trường sư
phạm, các cơ quan, đơn vị khác trong tỉnh, kể cả các sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thị xã không được đứng ra hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng
của Trung ương và tỉnh ngoài mở các lớp đào tạo nói tại điểm a trên địa bàn tỉnh
Ninh Bình.
d) Các trường chuyên nghiệp thuộc các Bộ, ngành
Trung ương đóng tại tỉnh có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo đúng cấp
học và lĩnh vực chuyên ngành nhà trường được phép đào tạo. Khi cần mở các lớp
đào tạo không tập trung (tại chức, từ xa v.v...), phải báo cáo UBND tỉnh (thông
qua Sở Giáo dục & Đào tạo) nhằm đảm bảo phù hợp với đặc điểm người học và
yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Sau khi có sự đồng ý của UBND tỉnh, việc tiến hành
mở lớp được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chịu sự
kiểm tra, giám sát của Sở Giáo dục & Đào tạo.
Điều 7. Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Ban tổ chức Chính quyền
tỉnh:
- Quy định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu và
quản lý tài chính đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà
nước của tỉnh.
- Căn cứ nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ và công
chức hàng năm, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và nguồn kinh phí theo chỉ
tiêu đào tạo bồi dưỡng do Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ phân bố, chủ trì phối hợp
với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự toán chi
cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước, báo cáo UBND tỉnh
xem xét, trình HĐND tỉnh phê chuẩn.
- Báo cáo quyết toán nguồn kinh phí đào tạo hàng
năm về UBND tỉnh.
Điều 8. Ban tổ chức Chính quyền tỉnh là cơ quan quản lý Nhà nước về
công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước của tỉnh có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh,
UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức
hàng năm và triển khai thực hiện kế hoạch đó.
2. Xây dựng tiêu chuẩn, đối tượng, chính sách chế độ
đối với cán bộ và công chức đi học trình UBND tỉnh phê duyệt.
3. Căn cứ kế hoạch đã được duyệt, trình UBND tỉnh
quyết định mở các lớp đào tạo bồi dưỡng theo các nội dung quy định tại khoản
1,2,3,5,7 điều 3. Trực tiếp, quyết định mở các lớp bồi dưỡng để thực hiện các nội
dung quy định tại khoản 4,6 điều 3.
4. Triệu tập cán bộ và công chức đi học các lớp đào
tạo bồi dưỡng được tổ chức theo quy định tại khoản 3 điều này.
5. Trình UBND tỉnh quyết định cử cán bộ và công chức
đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, đi học sau đại học, trên đại học.
Căn cứ đối tượng và tiêu chuẩn quy định tại điều 2
và kế hoạch đào tạo hàng năm trực tiếp quyết định cử cán bộ và công chức đi học
các lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ hệ Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng
và Đại học (bao gồm các hình thức tập trung, chuyên tu, tại chức từ xa có sử dụng
giờ hành chính) mở tại các trường trung ương, các cơ sở đào tạo trong và ngoài
tỉnh.
Phần II
MỨC TRỢ CẤP CỤ THỂ ĐỐI VỚI
CÁN BỘ CÔNG CHỨC ĐI HỌC
Điều 9. Cán bộ học tập trung tại các Trường Trung ương và ngoài tỉnh.
1. Đối với cán bộ học từ 3 tháng trở xuống:
- Được hưởng 100% lương
- Được trợ cấp 200.000 đ/tháng
- Tiền học phí, tiền tài liệu chính dùng cho học tập
như mức quy định trong thông báo chiêu sinh.
- Tiền tầu xe 1 lượt đi, 1 lượt về cho mỗi khóa học.
2. Đối với cán bộ đi học từ trên 3 tháng đến 12
tháng:
- Hưởng 100% lương
- Được trợ cấp 150.000đ/tháng
- Tiền học phí, tiền tài liệu chính dùng cho học tập
như quy định trong thông báo chiêu sinh.
- Tiền tàu xe 1 lượt đi, 1 lượt về khi nghỉ hè và
các kỳ nghỉ lễ, tết (nếu có trong đợt học).
3. Đối với cán bộ đi học thời gian từ trên 12 tháng
trở lên:
- Hưởng 100% lương
- Tiền học phí theo quy định của nhà trường (nếu
có)
- Được trợ cấp 150.000đ/tháng
- Tiền giáo trình chính trong cả khóa học
1.000.000đ
- Tiền tàu xe 1 lượt đi, 1 lượt về khi nghỉ hè và
các kỳ nghỉ lễ, tết
- Đối với cán bộ nữ đi học có con nhỏ dưới 12 tháng
tuổi phải mang theo được hỗ trợ thêm 30.000đ/tháng.
4. Đối với cán bộ được Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND
tỉnh quyết định cử đi học Đại học, Cao học hệ tại chức về lý luận chính trị và
quản lý Nhà nước tại các trường Trung ương và tỉnh ngoài:
- Hưởng 100% lương trong thời gian đi học
- Được cấp tiền học phí theo quy định của nhà trường
(nếu có)
- Được cấp tiền tài liệu học tập theo mức
1.000.000đ/người cho cả khóa học.
- Được hỗ trợ 2.000.000đ/người cho cả khóa học.
Điều 10. Cán bộ, công chức, viên chức học ở trong tỉnh:
1. Đối với công chức viên chức có hưởng lương đi học
các lớp bồi dưỡng tại tỉnh do UBND tỉnh quyết định được áp dụng các chế độ như quy
định tại Thông tư liên bộ số: 37/TT-LB và các văn bản của Bộ Tài chính - Ban Tổ
chức cán bộ Chính phủ.
2. Đối với cán bộ cơ sở không hưởng lương được cử
đi học các lớp đào tạo bồi dưỡng hệ tập trung và tại chức do UBND tỉnh quyết định
mở tại Trường Chính trị tỉnh:
- Được trợ cấp 10.000đ/ngày (trong những ngày học)
- Được cấp tài liệu cần thiết phục vụ học tập
- Học viên ở xa được bố trí chỗ ở không phải trả tiền
3. Đối với cán bộ cơ sở không hưởng lương học tại các
trung tâm bồi dưỡng các huyện, thị xã (đã được UBND các huyện, thị xã triệu tập)
theo kế hoạch đã duyệt.
- Trợ cấp 5.000đ/ngày
- Tiền tài liệu cần thiết phục vụ học tập.
4. Đối với công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn thuộc
đối tượng quy định tại điều 2, được cơ quan có thẩm quyền (như quy định tại khoản
5 điều 8) được cử đi học tại các lớp đại học tại chức khác.
- Hưởng 100% lương trong thời gian học tập
- Được hỗ trợ tiền học phí và tiền mua tài liệu học
tập 2.000.000đ/người/cả khóa.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11.
1) Sở Tài chính - Vật giá phối
hợp với Ban tổ chức Chính quyền tỉnh quy định và hướng dẫn cụ thể việc quản lý,
cấp phát và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức hàng năm
theo đúng các quy định của Nhà nước và các quy định tại văn bản này.
2) Trên cơ sở kế hoạch đã được duyệt và yêu cầu thực
tế của từng lớp, cơ quan, đơn vị được giao mở lớp, lập dự toán kinh phí gửi Ban
tổ chức Chính quyền tỉnh. Căn cứ vào tiêu chuẩn, chế độ và định mức quy định,
ban Tổ chức Chính quyền tỉnh cùng với Sở Tài chính - Vật giá tính toán cụ thể mức
kinh phí cho từng lớp.
3) Ban Tổ chức chính quyền tỉnh phối hợp với các
đơn vị rà soát từng đối tượng cán bộ hiện đang học tại các trường theo đúng các
tiêu chuẩn, đối tượng đã quy định tại điều 2 và đang làm việc theo đúng ngành,
nghề theo học để thực hiện chế độ trợ cấp. Những người không đủ tiêu chuẩn, đối
tượng quy định thì không được trợ cấp. Những trường hợp công chức, viên chức được
cử đi học kể từ sau ngày 01/01/1998 nếu được UBND tỉnh quyết định hoặc Ban Tổ
chức Chính quyền tỉnh quyết định như quy định tại khoản 5, điều 8 mới được hưởng
trợ cấp.
4) Chế độ phụ cấp cho người đi học tại quy định này
thực hiện từ tháng 02/1998.
5) Hàng năm các đơn vị lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức gửi về ban Tổ chức Chính quyền tỉnh trước ngày 15/8 để tổng hợp
trình UBND tỉnh quyết định, đảm bảo hàng năm có ít nhất 20% công chức hành
chính và cán bộ chính quyền cơ sở được đào tạo bồi dưỡng.
6) Những cán bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể do Thường
vụ Tỉnh ủy hoặc ban Tổ chức Tỉnh ủy quyết định cử đi học tại các lớp đào tạo, bồi
dưỡng cũng áp dụng tương tự các quy định tại văn bản này và được UBND tỉnh cấp
kinh phí.
7) Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc,
hoặc chưa phù hợp thì báo cáo qua ban Tổ chức Chính quyền tỉnh bằng văn bản
trình UBND tỉnh xem xét giải quyết. Khi chưa có quyết định sửa đổi không được
thực hiện khác với quy định này./.