Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 68-CT/TW Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Ban Bí thư Người ký: Nguyễn Thanh Bình
Ngày ban hành: 18/04/1991 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 68-CT/TW

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 1991

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC KHƠME

Nước ta gồm nhiều dân tộc anh em, có truyền thống đoàn kết, đấu tranh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Mỗi dân tôc có những đặc thù và bản sắc riêng gắn vận mệnh của mình với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đồng bào dân tộc Khơme với trên 1 triệu người sống trong 9 tỉnh và thành phố Nam Bộ, tập trung nhất ở các tỉnh: Hậu Giang, Cửu Long, Kiên Giang, An Giang và Minh Hải. Đồng bào có tinh thần cách mạng kiên cường, chiến đấu anh dũng, lao động cần cù, chung sức với các dân tộc anh em khác dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần cống hiến to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những nơi có nhiều đồng bào Khơme lại là những vùng ngập mặn, ven biển, vùng sâu, biên giới và vùng núi, xa các trục giao thông lớn, điều kiện sản xuất và sinh hoạt hết sức khó khăn.

Từ năm 1975 tới nay, tình hình kinh tế, xã hội, chính trị các vùng đồng bào Khơme có những chuyển biến mới: áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, tăng sản lượng lương thực, phát triển nghề thủ công; nhìn chung, đời sống của đồng bào đã được cải thiện một bước. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế phát triển hơn trước. Số giáo viên, cán bộ y tế người Khơme tăng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đoàn kết giữa đồng bào Khơme và đồng bào Kinh được củng cố. Tệ mê tín dị đoan, những hủ tục gây lãng phí đã từng bước được khắc phục. Nhiều chùa triền được tu sửa và dựng mới. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên người Khơme được tăng cường.

Tuy nhiên, đời sống mọi mặt của đồng bào Khơme còn nhiều khó khăn, công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơme còn nhiều khuyết điểm và thiếu sót.

Nhiều vùng không có công trình thủy lợi, vẫn độc canh cây lúa, nhiều hộ nông dân thiếu đất, thiếu vốn, thiếu nước sinh hoạt, cày cấy. Tệ cho vay nặng lãi, sang bán, cầm cố đất, mua lúa non phát triển ở vùng nông thôn. Thiếu đói thường xảy ra lúc giáp hạt và bị thiên tai. Số trẻ em suy dinh dưỡng chiếm tỷ lệ cao. Tình trạng cúng lễ tốn kém còn nhiều. Sinh hoạt văn hóa nghèo nàn. Việc dạy chữ dân tộc chưa được quy định thống nhất, tỷ lệ người mù chữ và không được đi học lớn. Số học sinh đại học và trung học chuyên nghiệp người Khơme còn quá ít. Đội ngũ cán bộ người dân tộc Khơme, nhất là ở cơ sở phát triển chưa tương xứng, vừa thiếu về số lượng và kém chất lượng. Ở một số đại phương, có trường hợp vi phạm nghiêm trọng chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, gây hậu quả nặng nề về chính trị, tư tưởng, tình cảm, chính trị xã hội trong đồng bào Khơme. Chính sách đối với đồng bào Khơme còn nhiều thiếu sót.

Nguyên nhân chủ yếu của những khuyết điểm, sai lầm nói trên là do một cấp ủy chưa quán triệt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mà nội dung cơ bản là đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng đất nước đồng thời phát huy bản sắc của mỗi dân tộc, các cấp ủy vùng đồng bào dân tộc Khơme cần làm tốt các công tác lớn sau đây:

1- Về kinh tế, đời sống.

Phát triển kinh tế, xã hội là cơ sở để thực hiện chính sách dân tộc, thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc Khơme cần phải xây dựng trong kế hoạch chung phát triển kinh tế xã hội của mỗi tỉnh có đồng bào Khơme và của cả nước. Kế hoạch đó cần chú ý đến đặc điểm kinh tế và tập quán của từng vùng để bố trí cơ cấu kinh tế cho phù hợp, xác định cụ thể cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng theo mục tiêu phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần làm cho sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc Khơme có bước tiến rõ rệt trong vài ba năm tới.

Phương châm phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc Khơme là tiếp tục phát huy tinh thần tự lực tự cường, khai thác mức cao nhất mọi tiềm năng trong nhân dân kết hợp với sự đầu tư thích đáng của tỉnh và sự hỗ trợ của Trung ương.

Coi trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là sản xuất lương thực, với biện pháp hàng đầu là phát triển thủy lợi, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề chăn nuôi, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, nhất là các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khơme; giải quyết tốt khâu phân phối lưu thông, xây dựng kết cấu hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới. Giải quyết hợp tình hợp lý vấn đề đất đai, tạo quỹ đất đai để khắc phục tình trạng đồng bào Khơme thiếu đất canh tác, phá thế độc canh cây lúa. Ở nơi còn đất đai thì thực hiện chính sách khuyến khích để giãn dân, xây dựng vùng kinh tế mới. Có chính sách đầu tư thích đáng cho thuỷ lợi, giao thông, làm cây nước và vật liệu xây dựng, trước hết ở những vùng có nhiều khó khăn. Thành lập hợp tác xã tín dụng nông thôn để phục vụ sản xuất đời sống, mở rộng hoạt động của các chi nhánh, ngân hàng cổ phần, ngân hàng phát triển nông nghiệp ở các tỉnh, huyện có đồng bào Khơ-me, tạo điều kiện cho đồng bào được vay vốn sản xuất với lãi suất thấp, từng bước thu hẹp dần và tiến tới xoá bỏ tình trạng đồng bào Khơme phải vay nặng lãi, bán lúa non, cầm cố ruộng đất. Đối với vùng sản xuất còn nhiều khó nhăn, cần có chính sách miễn hoặc giảm thuế, xoá nợ, ưu đãi về giá bán những mặt hàng thiết yếu như dầu thắp sáng, vải mặc, thuốc chữa bệnh. Đối với một số vùng biên gới Tây Nam, cần có kế hoạch khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài việc các tỉnh ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các vùng đồng bào Khơme bằng ngân sách của địa phương và Trung ương, trong năm 1991 cần đầu tư thêm, tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết những vấn đề bức xúc, có hiệu quả rõ rệt, nhằm ổn định đời sống của nhân dân; tổ chức cứu trợ kịp thời đối với đồng bào thiếu ăn triền miên và khi mùa thất bát nặng.

2- Về văn hoá, xã hội.

Đi đôi với củng cố và phát triển các ngành học phổ thông, mẫu giáo, bổ túc văn hoá, cần củng cố và phát triển các loại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường thanh niên dân tộc ở các huyện, tỉnh có đông đông bào Khơme. Mở trường tạo nguồn đào tạo cán bộ Khơme và các dân tộc thiểu số khác ở Nam Bộ. Mở trường sư phạm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là người dân tộc Khơme, kể cả sư sãi có khả năng, để dậy song ngữ ở cấp I, II, III. Quan tâm đào tạo cán bộ Khơme tại trường Đại học Cần Thơ. Học sinh Khơme được miễn phí ở các cấp học. Nghiên cứu cấp học bổng cho những học sinh thuộc diện chính sách và học giỏi ở tất cả các cấp học, ngành học. Có kế hoạch xoá nạn mù chữ và mù chữ trở lại.

Có kế hoạch bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hoá dân tộc Khơme; xây dựng nhà truyền thống và một số trung tâm văn hoá tiêu biểu của đồng bào Khơme. Có chính sách củng cố và duy trì các đội văn nghệ dân tộc Khơme chuyên nghiệp; khuyến khích phong trào văn nghệ quần chúng. Sử dụng tốt tiếng nói, chữ viết dân tộc Khơme trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Đài truyền hình và phát thanh của các tỉnh đông đồng bào Khơme cần tăng thêm thời gian phát sóng bằng tiếng Khơme.

Đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh và xây dựng nếp sống mới, bài trừ mê tín dị đoan và những phong tục tập quán lạc hậu. Củng cố các tuyến y tế cơ sở ở phum, sóc, liên xã, củng cố phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Cung ứng kịp thời thuốc phòng chống dịch, các loại thuốc thiết yếu cho phòng chữa bệnh, nhất là thuốc phòng, chữa sốt rét. Miễn viện phí cho đồng bào Khơme nghèo. Cần đặc biệt quan tâm giải quyết bệnh phụ khoa cho phụ nữ và bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ em. Có chính sách và biện pháp tích cực thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Khuyến khích khai thác, nuôi trồng và sử dụng hiệu quả các loại thuốc gia truyền dân tộc.

3- Đối với chùa chiền và sư sãi Khơ-me.

Chùa chiền và sư sãi có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống đồng bào dân tộc Khơme. Phật giáo Nam Tông (Tiểu Thừa) mang tính quần chúng. Tôn giáo và bản sắc dân tộc đồng bào Khơme gắn chặt, hoà nhập vào nhau. Đại bộ phận sư sãi là con em nhân dân lao động và thực sự có lao động trong khi hoạt động tôn giáo. Vận động sư sãi Khơme là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng. Trên cơ sở thực hiện tốt chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể mỗi tỉnh có đồng bào Khơme, lập Hội đoàn kết sư sãi yêu nước của sư sãi góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu mở trường Pa-li cấp cao khi có điều kiện để dạy giáo lý cho sư sãi.

Tôn trọng, bảo vệ và phát huy di sản văn hoá chùa chiền Khơme kết hợp với nội dung văn hoá mới. Ở những chùa có điều kiện, xây dựng chùa thành những trung tâm văn hoá - thông tin, hướng dẫn thực hiện nếp sống mới của đồng bào Khơme ở các phum, sóc, thành nơi thực nghiệm và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, nghiên cứu để đưa một số chùa Khơme có ý nghĩa tiêu biểu về lịch sử và văn hoá vào danh mục xếp hạng của Nhà nước.

Chăm sóc đời sống và giúp phương tiện làm việc đối với các vị sư sãi chủ trì các ban trị sự Hội phật giáo địa phương. Biểu dương, khen thưởng các vị sư sãi có công với nước, với dân.

4- Về an ninh chính trị.

Tăng cường giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị cho cán bộ và đồng bào dân tộc Khơme cũng như Kinh, làm cho mọi người quán triệt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, chấp hành luật pháp của Nhà nước, tăng cường đoàn kết dân tộc, hăng hái góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đi đôi với việc phổ biến tình hình thời sự trong nước và thế giới, tuyên truyền quyền lợi và nghĩa vụ công dân, cần tổ chức đấu tranh chống những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề lịch sử, vấn đề dân tộc và tôn giáo và những sai sót của cán bộ hòng xuyên tạc, gây chia rẽ, kích động hằn thù dân tộc, gieo rắc hoang mang trong nhân dân, phá hoại việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tổ chức và giúp đỡ đồng bào Khơme Nam Bộ có nguyện vọng qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia thăm viếng bà con và người thân quen đúng pháp luật của Nhà nước và quy chế qua lại đường biên giới giữa hai bên, vừa thuận tiện cho đồng bào vừa bảo vệ được an ninh quốc gia và an ninh của nước láng giềng.

Địa phương, cán bộ nào có sai lầm trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước phải tự phê bình và tích cực sửa chữa sai lầm.

5- Công tác quần chúng, xây dựng Đảng và đào tạo cán bộ

Đổi mới nội dung, hình thức và phương thức hoạt động của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá VI), phù hợp với đặc điểm và thực tế vùng đồng bào Khơme.

Có kế hoạch xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Khơme. Phát triển đảng viên là người dân tộc Khơme phù hợp với đặc điểm dân tộc Khơme. Trên cơ sở xây dựng đội ngũ trung kiên, cốt cán, lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú (kể cả trong sư sãi) để đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ, đảng viên.

Các cấp uỷ đánh giá đúng đắn đội ngũ cán bộ, đảng viên Khơme để có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, nhằm phát huy tốt khả năng cống hiến của cán bộ Khơme cho sự nghiệp xây dựng địa phương và xây dựng đất nước. Xây dựng một đội ngũ cán bộ đồng bộ hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, đối ngoại. Có chính sách đối với những cán bộ người dân tộc Khơme chủ chốt, tiêu biểu, đã tham gia công tác lâu năm.

6- Về lãnh đạo, chỉ đạo

Các cấp uỷ Đảng và cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cùng các ban, ngành và cơ quan ở Trung ương có liên quan cần theo chức năng, nhiệm vụ của mình cụ thể hoá nội dung Chỉ thị này để thực hiện có hiệu quả thiết thực.

Đối với các tỉnh, huyện Nam Bộ có đông đồng bào Khơme thì tuỳ theo tính chất quy mô của vấn đề dân tộc ở địa phương phân công một số thành viên cấp uỷ và Uỷ ban nhân dân phụ trách công tác dân tộc Khơme, đồng thời xây dựng và củng cố có chất lượng các ban dân tộc ở các tỉnh có đông đồng bào Khơme để nghiên cứu, kiểm tra việc vận dụng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào Khơme. Đối với các tỉnh có đồng bào Khơme dù ít hay nhiều cần phổ biến và quán triệt Chỉ thị này trong nội bộ Đảng và trong hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời tuyên truyền, giáo dục đồng bào Khơme và đồng bào Kinh hiểu rõ chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua Chỉ thị này. Sáu tháng một lần hoặc hằng năm có sơ kết việc thực hiện Chỉ thị này báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Ban Dân tộc Trung ương Đảng lập phân ban gồm một đồng chí Phó Trưởng ban và một số chuyên viên nghiên cứu, theo dõi việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở vùng đồng bào Khơme.

Ban Dân tộc Trung ương có trách nhiệm giúp Ban Bí thư theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Ban Bí thư.

 

 

T.M BAN BÍ THƯ




Nguyễn Thanh Bình

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Chỉ thị 68-CT/TW ngày 18/04/1991 về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơme do Ban Bí thư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


7.970

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.130.242
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!