ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số: 4331/QĐ-SGTVT
|
TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12
năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI NỘI QUY
KHAI THÁC TUYẾN XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính Phủ
về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô;
Căn cứ Quyết định số 09/QĐ-UB ngày 09/01/1991 của Ủy ban nhân dân Thành phố về
việc thành lập Sở Giao thông công chánh; Quyết định số 1187/QĐ-UB ngày
21/3/2005 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc đổi tên Sở Giao thông
công chánh thành Sở Giao thông-Công chính trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố;
Quyết định số 22/2007/QĐ-UBND ngày 09/02/2007 của Uỷ ban nhân dân thành phố về
việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Giao thông-Công chính; Quyết
định số 53/2008/QĐ-UBND ngày 13/6/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về đổi tên
Sở Giao thông-Công chính thành Sở Giao thông vận tải thành phố;
Căn cứ Quyết định số 2053/QĐ-SGTVT ngày 13/7/2009 của Giám đốc Sở Giao thông
vận tải về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Quản lý và Điều
hành vận tải hành khách công cộng TP. HCM;
Xét đề nghị của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng tại
Tờ trình số 177/TTr-TT ngày 24/12/2009 về ban hành nội quy khai thác thuyến xe
buýt;
Theo đề nghị của Ông Trưởng phòng Quản lý Vận tải-Công nghiệp Sở,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời Nội quy khai thác
tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.
Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Sở; Trưởng các Phòng: Quản lý Vận tải-Công
nghiệp, Giao thông, Tài chính, Pháp chế, Kế hoạch-Đầu tư, Tổ chức-Cán bộ-Lao
động; Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều
hành vận tải hành khách công cộng và Giám đốc (Chủ nhiệm) các doanh nghiệp vận
tải liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- UBND TP;
- Sở GTVT (GĐ, PGĐ Thanh);
- Sở Tài chính TP;
- Sở Tư pháp;
- TCty CK GTVT Sài Gòn;
- Lưu: VT, VTCN.QV.
|
KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Dương Hồng Thanh
|
NỘI QUY
KHAI THÁC TUYẾN XE BUÝT
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4331 /QĐ-SGTVT ngày 31 /12/2009 của Giám đốc
Sở Giao thông vận tải)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nội quy khai thác tuyến xe buýt quy định các điều kiện khi
tham gia khai thác tuyến xe buýt bao gồm: quy định về điều kiện tiêu chuẩn xe
buýt; quy định khi tham gia khai thác tuyến xe buýt; quy định về đảm bảo an
toàn giao thông khi tham gia khai thác tuyến xe buýt; quy định về chất lượng
phục vụ; quy định về báo cáo thống kê và bán vé; quy định về thông tin, báo
đài.
Những quy định trong nội quy khai thác tuyến xe buýt áp dụng
đối với các doanh nghiệp vận tải kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt trên địa
bàn thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận các tuyến xe buýt thông qua hình thức đấu
thầu, đặt hàng, giao kế hoạch, giao đảm nhận tuyến xe buýt từ Sở Giao thông vận
tải.
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
1. Doanh nghiệp vận tải là các đơn vị kinh doanh được thành
lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã (sau đây gọi tắt là Doanh nghiệp
vận tải) khi tham gia khai thác tuyến xe buýt.
2. Lái xe, nhân viên bán vé, nhân viên phục vụ xe, nhân viên
điều hành đầu-cuối tuyến (sau đây gọi tắt là lái xe, nhân viên phục vụ) của
doanh nghiệp vận tải khi tham gia khai thác tuyến xe buýt.
Chương II
QUY ĐỊNH CÁC ĐIỀU KIỆN KHI THAM GIA
KHAI THÁC TUYẾN XE BUÝT
Điều 3. Quy định về điều kiện tiêu chuẩn xe buýt
1. Có đủ điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt quy
định tại Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ.
2. Trên xe có chuông điện báo hiệu lên, xuống và phải sử
dụng được.
3. Trên xe phải có đủ tay vịn cho hành khách sử dụng (theo
thiết kế).
4. Đối với xe trên 16 ghế phải dành riêng hai hàng ghế đầu,
ghi chữ “Ghế dành riêng” ưu tiên cho người già, người khuyết tật, trẻ em, phụ
nữ có thai sử dụng.
5. Màu sơn của xe buýt phải đúng quy định và không để bong
tróc màu sơn.
6. Thông tin bên trong và ngoài xe phải thực hiện đúng và
đầy đủ theo quy định của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công
cộng (sau đây gọi tắt là Trung tâm) và các văn bản quy định hiện hành của các
cấp có liên quan về thể hiện thông tin trên xe buýt.
7. Phải trang bị bình chữa cháy, bình chữa cháy phải còn
thời hạn sử dụng, tủ thuốc cấp cứu trên xe và phải sử dụng được.
8. Phải trang bị thùng đựng rác và dụng cụ vệ sinh trên xe
theo quy định.
Điều 4. Quy định khi tham gia hoạt động trên tuyến xe buýt
1. Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh
nghiệp, hợp tác xã (đảm nhận một trong các chức danh: Giám đốc, Phó giám đốc;
Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm hợp tác xã; trưởng bộ phận điều hành vận tải) phải đáp
ứng đầy đủ các điều kiện: có trình độ chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên
hoặc trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành khác; tham gia công tác quản lý
vận tải tại các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ôtô từ 03
(ba) năm trở lên; đảm bảo và chứng minh có đủ thời gian cần thiết để trực tiếp
điều hành hoạt động vận tải.
2. Xe ô tô sử dụng hoạt động theo chế độ buýt thực hiện theo
qui định của Bộ Giao thông Vận tải.
3. Bố trí đúng, đủ số lượng xe (kể cả xe dự phòng) theo
chủng loại xe như trong quyết định mở tuyến, các quyết định điều chỉnh tuyến
của Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT). Trường hợp bố trí phương tiện có sức chứa
khác so với quyết định mở tuyến, các quyết định điều chỉnh tuyến của Sở GTVT,
phải được sự chấp thuận của Sở GTVT. Khi đưa xe vào hoạt động trên tuyến phải
đảm bảo đủ nhiên liệu, không được dừng tiếp nhiên liệu khi đang vận chuyển hành
khách trên tuyến.
4. Lái xe phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang
điều khiển theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Lái xe phải đáp ứng các
tiêu chuẩn theo quyết định 660/QĐ-GT ngày 02/3/2005 của Sở GTCC (nay là Sở
GTVT) về việc ban hành tạm thời về tiêu chuẩn nhân viên lái xe buýt trên địa
bàn thành phố Hồ Chí Minh.
5. Nhân viên phục vụ phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại
Quyết định số 2406/QĐ-SGTCC ngày 07/8/2006 của Sở GTCC (nay là Sở GTVT) về việc
ban hành quy định tạm thời về quản lý nhân viên phục vụ trên xe buýt trên địa
bàn thành phố Hồ Chí Minh.
6. Lái xe, nhân viên phục vụ phải mang theo các loại giấy tờ
xe theo quy định và phải có lệnh vận chuyển. Phương tiện hoạt động xe buýt phải
được đăng kiểm định kỳ và còn thời hạn.
7. Lái xe, nhân viên phục vụ (bán vé) phải được tập huấn và
có giấy chứng nhận về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ Giao thông vận
tải.
8. Lái xe, nhân viên phục vụ phải đeo bảng tên, mặc đồng
phục theo đúng mẫu doanh nghiệp đã đăng ký khi tham gia hoạt động khai thác
tuyến xe buýt.
9. Lái xe, nhân viên phục vụ phải ghi rõ họ, tên, ký tên xác
nhận và ghi chép đầy đủ các thông tin trong lệnh vận chuyển theo quy định.
10. Doanh nghiệp vận tải phải ký Hợp đồng lao động bằng văn
bản đối với lái xe, nhân viên phục vụ đúng quy định.
11. Doanh nghiệp, lái xe, nhân viên phục vụ phải chấp hành
và thực hiện công tác báo cáo, điều tra khảo sát, thống kê đảm bảo chính xác,
rõ ràng đúng thời gian theo quy định.
12. Xe hoạt động vận chuyển khách phải bố trí đủ nhân viên
phục vụ trên xe theo quy định và phải đúng tên trong lệnh vận chuyển.
13. Phải bố trí nhân viên kiểm tra phối hợp với Đội kiểm tra
trật tự VTHKCC của Trung tâm.
14. Xe không có trong danh sách phương tiện hoạt động trên
tuyến do Trung tâm thông báo thì không được hoạt động trên tuyến.
15. Phải bố trí nhân viên trực điều hành đầu-cuối tuyến, và
phải thực hiện việc ghi nhận tình hình hoạt động của tuyến theo đúng qui định,
khi trực phải đúng giờ quy định, đi trễ phải có lý do chính đáng, vắng mặt phải
bố trí người khác thay thế.
Điều 5. Quy định về đảm bảo an toàn giao thông
1. Đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy. Không được để hở cửa
xe lên xuống khi xe đang chạy.
2. Không lạm dụng quyền ưu tiên lưu thông vào làn xe 2-3
bánh được quy định tại quyết định số 3653/QĐ-UBND ngày 25/7/2005 của Ủy ban
nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
3. Không rà rút, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách.
4. Không vượt qua mặt xe khác đang hoạt động trên cùng một
tuyến; không được chạy xe hàng hai, hàng ba trên đường; không được vỗ thùng xe,
la hét khi đang chạy trên đường làm ảnh hưởng đến người và phương tiện khác
đang cùng tham gia giao thông.
5. Không giao xe cho người khác điều khiển khi đang làm
nhiệm vụ.
6. Không sử dụng rượu bia hoặc có mùi rượu bia, không sử
dụng các chất kích thích khi đang làm nhiệm vụ trên tuyến.
7. Đón, trả khách khi xe đã dừng hẳn. Phải đảm bảo hành
khách đã lên hoặc xuống xe ổn định mới được chạy xe.
8. Khi vào trạm đón, trả khách phải mở đèn tín hiệu và không
cho xe ra vào trạm quá nhanh làm ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện
khác. Dừng xe đón, trả khách tại trạm đúng quy định tối đa là một phút. Khi
đón, trả khách phải đậu sát mép lề đường phía bên phải theo chiều đi, khoảng
cách từ vệt ngoài của bánh xe ngoài đến mép lề đường lớn nhất là 0,25m.
Điều 6. Quy định về chất lượng phục vụ
1. Doanh nghiệp vận tải trả lời văn bản do Trung tâm chuyển
đến, yêu cầu trả lời chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày quy định trong
văn bản.
2. Lái xe, nhân viên phục vụ không được cản trở việc kiểm
tra, kiểm soát của nhân viên kiểm tra, kiểm soát đang làm nhiệm vụ. Không được
đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho nhân viên Đội kiểm tra, nhân
viên điều hành đầu-cuối tuyến của Trung tâm để trốn tránh việc xử lý vi phạm.
Không được bỏ nhân viên Đội kiểm tra khi nhân viên Đội kiểm tra đón đúng trạm
dừng-nhà chờ.
3. Lái xe, nhân viên phục vụ khi vi phạm bị lập biên bản
phải ký tên vào biên bản và được ghi ý kiến của mình trong biên bản (nếu không
đồng tình).
4. Chạy xe đúng lộ trình, đúng làn đường quy định. Trường
hợp chạy xe sai lộ trình phải ghi vào lệnh vận chuyển và phải có lý do chính
đáng.
5. Hoạt động đúng biểu đồ giờ chạy xe theo Quyết định Biểu
đồ giờ của Trung tâm (trừ trường hợp bị kẹt xe, ngập nước).
6. Tuân thủ quy định “Hành khách lên cửa trước, xuống cửa
sau” theo quy định (trừ các trường hợp được ưu tiên hành khách là người già,
trẻ em, phụ nữ có thai, thương binh và người khuyết tật).
7. Nhân viên phục vụ phải hướng dẫn khách ngồi đúng vị trí
quy định trong xe và phải hỗ trợ, giúp đỡ khách đi xe là người già, em nhỏ
không tự lên xuống xe được, người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật thị giác.
8. Xe hoạt động phải mở máy lạnh (nếu tuyến được quy định
hoạt động loại xe có máy lạnh).
9. Không trang bị và sử dụng còi hơi, còi có âm lượng cao và
còi có âm ngân dài; không được bấm còi liên tục làm ảnh hưởng đến người và
phương tiện khác đang lưu thông.
10. Không chở hàng hoá cồng kềnh, các chất cháy nổ, gây ô
nhiễm, gia súc, gia cầm, xe đạp, xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh,
xe thô sô khác (trừ loại xe lăng của người khuyết tật) và các loại hàng hóa cấm
khác theo quy định.
11. Quét dọn, vệ sinh xe sau mỗi chuyến xe, sắp xếp dụng cụ
gọn gàng để không làm mất mỹ quan chung.
12. Không được tự ý bỏ chuyến.
13. Không được tự ý bỏ chuyến từ 10 chuyến liên tiếp trở lên
làm ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách.
14. Đón, trả khách đúng trạm dừng-nhà chờ quy định. Phải trả
khách đúng trạm hành khách yêu cầu (trừ trường hợp khách yêu cầu xuống vị trí
không có trạm hoặc không phải trạm quy định của tuyến). Không được bỏ hành
khách khi hành khách đón đúng trạm dừng-nhà chờ. Đậu đúng vị trí, đúng thời
gian đón trả khách theo qui định tại vị trí đầu cuối bến.
15. Không phân biệt đối xử với hành khách sử dụng các loại
vé bán trước, hành khách là đối tượng được miễn vé theo quy định.
16. Lái xe, nhân viên phục vụ không được hút thuốc lá khi
đang làm nhiệm vụ.
17. Lái xe, nhân viên phục vụ không được tham gia cờ bạc,
uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, tiểu tiện, xả rác bừa bãi, đánh
nhau làm mất an ninh trật tự khi đang làm nhiệm vụ tại các đầu-cuối tuyến bến
xe buýt.
18. Lái xe, nhân viên phục vụ không được đánh hành khách,
đánh người đi đường, đánh nhân viên Đội kiểm tra, đánh nhân viên điều hành đầu-cuối
tuyến của Trung tâm.
19. Lái xe, nhân viên phục vụ không được có thái độ, lời nói
thiếu văn minh lịch sự với hành khách, người đi đường, nhân viên Đội kiểm tra,
nhân viên điều hành đầu-cuối tuyến của Trung tâm.
20. Thực hiện không đúng quy trình trả lời, giải quyết phản
ảnh cho hành khách.
Điều 7. Quy định về kế toán thống kê và bán vé
1. Doanh nghiệp vận tải phải có bộ máy kế toán hoàn chỉnh để
thực hiện công tác quản lý theo quy định.
2. Doanh nghiệp vận tải tuyển dụng nhân viên kế toán phải có
văn bằng, nghiệp vụ kế toán theo quy định của Nhà nước đối với doanh nghiệp.
3. Báo cáo số chuyến đúng thực tế hoạt động.
4. Báo cáo sản lượng đúng thực tế hoạt động.
5. Không tẩy xoá nội dung ghi trong lệnh vận chuyển, việc
sửa chữa nội dung ghi sai phải thực hiện theo đúng quy định.
6. Xe hết giờ hoạt động hoặc xe đang trên đường huy động (đi
lấy tài) không được rước khách của xe khác đang hoạt động.
7. Bán vé phải giao vé cho hành khách; không được dùng vé đã
sử dụng bán cho hành khách (quay vòng vé); thu tiền không giao vé cho hành
khách và không được có các hành vi gian lận khác khi bán vé.
8. Không bán vé, thu tiền hành khách là những đối tượng được
miễn vé theo quy định.
9. Không được thu tiền vé, tiền cước hành lý cao hơn giá quy
định.
10. Không sử dụng vé tập để bán thay cho vé lượt.
Điều 8. Quy định về thông tin, báo đài
1. Các Doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm xem xét, tự xử
lý và chấp hành việc xử lý của các cơ quan cấp trên đối với các thông tin phản
ảnh qua các phương tiện thông tin báo, đài, người dân, đường dây nóng… liên
quan đến hoạt động khai thác tuyến xe buýt của đơn vị.
2. Các Doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm xem xét, tự xử
lý và chấp hành việc xử lý của các cơ quan cấp trên đối với các hình ảnh được
quay phim, chụp ảnh liên quan đến hoạt động khai thác tuyến xe buýt của đơn vị.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Triển khai thực hiện
1. Giao Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách
công cộng triển khai đến các doanh nghiệp vận tải và đưa nội dung nội quy này
vào Hợp đồng đặt hàng năm 2010.
2. Các doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm triển khai nội
dung Nội quy này đến nhân viên, xã viên hợp tác xã, lái xe, nhân viên phục vụ
để thực hiện.
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề phát
sinh các Doanh nghiệp vận tải liên quan phản ánh về Trung tâm Quản lý và Điều
hành vận tải hành khách công cộng để tổng hợp và báo cáo đề xuất Sở Giao thông
vận tải xem xét điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế./.