Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 872/QĐ-TTg 2015 điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Thanh Hóa

Số hiệu: 872/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 17/06/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 872/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là điều chỉnh Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:

A. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; thống nhất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực của cả nước.

2. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp chiều rộng và chiều sâu; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo chiều sâu, tạo tiền đề để sau năm 2020 cơ bản phát triển theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

3. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, các vùng kinh tế động lực tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đó, đầu tư trở lại để tạo sự phát triển hài hòa và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trong tỉnh.

4. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, xem đây là động lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

5. Kết hợp phát triển kinh tế với từng bước thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân, chăm lo phát triển các hoạt động văn hóa, xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội. Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu.

6. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới trên bộ, trên biển. Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh khu vực biên giới Việt - Lào.

B. ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, từng bước tạo sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh hiệu quả của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu đồng bộ, hiện đại.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm đạt 12 - 13%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.600 USD trở lên; thu nhập thực tế của dân cư năm 2020 gấp 4,4 lần năm 2010.

- Cơ cấu ngành kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 12,1%; công nghiệp, xây dựng chiếm 53,7% và dịch vụ chiếm 34,2%. Tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 610 nghìn tỷ đồng.

- Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP chiếm trên 30%.

b) Về xã hội

- Tốc độ tăng quy mô dân số bình quân khoảng 0,65%/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 2% trở lên.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 25%; hàng năm giải quyết việc làm trên 6,5 vạn lao động; tỷ lệ lao động nông nghiệp đạt 35 - 38%; số sinh viên bình quân đạt 285 sinh viên/10.000 dân; 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia là 70%.

- Số giường bệnh bình quân đạt 28,4 giường/10.000 dân; số bác sỹ bình quân đạt 10 bác sỹ/10.000 dân; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi dưới 13%; tuổi thọ bình quân đạt 74 tuổi.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 35%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 50%; tỷ lệ đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; 99,5% số hộ dân cư được dùng điện sinh hoạt và 100% dân số được phủ sóng truyền hình trước năm 2020.

c) Về môi trường

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tại đô thị theo tiêu chuẩn môi trường đạt 91%; tỷ lệ chất thải rắn thông thường được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn là 85%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn là 80%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn là 100%.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh theo chuẩn mới đạt 95%; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 95%.

- Tỷ lệ các cơ sở kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2020 là 75%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52,5% vào năm 2020.

d) Về quốc phòng, an ninh

Bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, ổn định chính trị, kiềm chế tội phạm và tệ nạn xã hội. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hệ thống đường tuần tra biên giới; nâng cấp đường vành đai biên giới, đường ra biên giới đạt tiêu chuẩn đường cấp V, cấp VI miền núi.

II. HƯỚNG ĐỘT PHÁ VÀ ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN

1. Hướng đột phá

- Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách hành chính để thu hút vốn cho đầu tư phát triển.

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động.

2. Khu vực ưu tiên phát triển

Phát triển các vùng kinh tế động lực gồm khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn - Thạch Thành. Giai đoạn 2016 - 2020, tập trung đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn và thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, từng bước đầu tư phát triển khu vực Bỉm Sơn - Thạch Thành và khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng gắn với hình thành đô thị Lam Sơn - Sao Vàng. Coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn nhất là vùng miền núi và các huyện nghèo, tập trung phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

3. Phát triển các ngành, sản phẩm trọng điểm

- Công nghiệp: Lọc hóa dầu và hóa chất; may mặc, giày da; xi măng; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất điện. Khuyến khích phát triển: Cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin, phần mềm; dược phẩm và sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; thép; phân bón, thức ăn chăn nuôi.

- Dịch vụ: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; dịch vụ cảng biển và logistics; các dịch vụ đào tạo, dạy nghề, y tế chất lượng cao; dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin, nội dung số; dịch vụ khoa học công nghệ; kinh doanh bất động sản.

- Nông nghiệp: Lúa, ngô, rau an toàn, hoa, cây cảnh, mía thâm canh, cây thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả; bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà lông màu; trồng rừng gỗ lớn, luồng thâm canh, quế, cây dược liệu, cây mắc ca; nuôi trồng thủy sản có giá trị hàng hóa cao (tôm he chân trắng, ngao Bến Tre, cá rô phi,…); khai thác hải sản.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Phát triển nông, lâm, thủy sản

Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa quy mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Từng bước hình thành các khu sản xuất và chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng và dọc đường Hồ Chí Minh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản bình quân đạt khoảng 2,9%/năm; đến năm 2020, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

- Phát triển trồng trọt ưu tiên lúa chất lượng cao, ngô năng suất cao, rau an toàn, hoa - cây cảnh, mía thâm canh, cây thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả; ổn định sản xuất lương thực hàng năm đạt 1,5 triệu tấn. Đến năm 2020, diện tích trồng lúa khoảng 223.000 ha; diện tích ngô khoảng 72.000 ha; diện tích rau củ thực phẩm đạt khoảng 40.000 ha, vùng sản xuất rau quả xuất khẩu khoảng 5.000 ha và diện tích cây ăn quả khoảng 16.300 ha; duy trì diện tích mía nguyên liệu cho 03 nhà máy sản xuất mía đường của tỉnh.

- Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với các cơ sở chế biến, đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Ưu tiên phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn hướng nạc, gà lông màu. Hình thành các vùng chăn nuôi bò sữa khoảng 50.000 con, tạo nguồn nguyên liệu cho Công ty cổ phần sữa Việt Nam và Công ty TH True Milk. Đến năm 2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp chiếm khoảng 45%.

- Phát triển lâm nghiệp bền vững theo hướng xã hội hóa nghề rừng kết hợp với các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phấn đấu, mỗi năm trồng mới 10.000 - 12.000 ha rừng. Tập trung phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, sản xuất cây có giá trị kinh tế cao gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, luồng thâm canh, quế, cây dược liệu, cây mắc ca. Phấn đấu đến năm 2020, đạt khoảng 56.000 ha rừng trồng kinh doanh gỗ lớn và 30.000 ha vùng thâm canh luồng tập trung.

- Phát triển ngành thủy sản toàn diện cả về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá; ưu tiên phát triển nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị hàng hóa cao (tôm he chân trắng, ngao Bến Tre, cá rô phi,...) và khai thác hải sản xa bờ. Tăng cường hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn, hiện đại phục vụ khai thác xa bờ đi đôi với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá; từng bước hình thành và phát triển các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ, đội sản xuất trên biển. Đến năm 2020, sản lượng thủy sản khoảng 190.000 tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65,7% sản lượng.

2. Phát triển công nghiệp

Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng các ngành sản phẩm công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng và ngành có tác động xấu đến môi trường; tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, sản xuất thân thiện môi trường, sản phẩm hướng vào xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực gồm lọc hóa dầu và hóa chất; may mặc, giày da; xi măng; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất điện. Khuyến khích phát triển các ngành cơ khí chế tạo; điện tử - công nghệ thông tin, phần mềm; dược phẩm và sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; thép; phân bón, thức ăn chăn nuôi. Phấn đấu, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt 18 - 19%.

a) Phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu

- Công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm từ hóa dầu: Hoàn thành Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động năm 2017; tiếp tục thu hút các dự án chế biến sản phẩm từ lọc hóa dầu như sản xuất Poly Propylyne, sợi tổng hợp PET, phân bón DAP và Polyethylen.

- Công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và cơ khí: Thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; khuyến khích thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng máy nông nghiệp, máy xây dựng, máy kéo và phương tiện vận tải.

- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu: Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư từ khâu sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã đến hoàn chỉnh sản phẩm; hình thành các cụm công nghiệp dệt may, cụm công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu ở nông thôn và vùng trung du miền núi.

- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm: Khai thác thế mạnh của khu vực miền núi để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đưa công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp chính tại khu vực này. Hình thành các khu công - nông nghiệp, khu công - lâm nghiệp, các cụm sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản phù hợp với các địa bàn trong tỉnh.

- Công nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất mỹ phẩm, thuốc, dược phẩm cao cấp và các chế phẩm sinh học: Nghiên cứu phương án sớm hình thành phân khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sinh học trong khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng.

- Công nghiệp sản xuất kim loại: Thu hút đầu tư các dự án sản xuất thép nhất là các loại thép đang phải nhập khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nhà máy luyện thép Nghi Sơn công suất 1.750.000 tấn/năm.

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Thu hút các dự án sản xuất vật liệu không nung, thân thiện môi trường; vật liệu xây dựng từ nguyên liệu hợp kim và nhựa như thiết bị vệ sinh, tấm lợp, khung cửa, ống nhựa cấp thoát nước.

- Công nghiệp sản xuất điện: Chuẩn bị mặt bằng để triển khai Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW; hoàn thành đưa vào hoạt động Nhà máy thủy điện Hồi Xuân công suất 102 MW, thủy điện Trung Sơn công suất 260 MW, thủy điện Bá Thước I công suất 60 MW.

b) Phát triển các khu, cụm công nghiệp

Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp hiện có như Lễ Môn (87,6 ha), Đình Hương - Tây Bắc Ga (180 ha), Bỉm Sơn (566 ha), Hoàng Long (286 ha); mở rộng khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng lên 550 ha; đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới gồm Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành để chuẩn bị điều kiện cho thu hút các dự án đầu tư giai đoạn sau 2020.

Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng hình thành các cụm chuyên ngành; đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 57 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.647 ha.

3. Phát triển dịch vụ, du lịch

Phát triển nhanh, đa dạng và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; dịch vụ cảng biển và logistics; dịch vụ đào tạo, dạy nghề, y tế chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế; dịch vụ phần mềm công nghệ thông tin, nội dung số; dịch vụ khoa học công nghệ; kinh doanh bất động sản. Phấn đấu đến năm 2020, Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch, cảng biển của vùng Bắc Trung bộ và cả nước; tốc độ tăng trưởng dịch vụ bình quân hàng năm đạt trên 8,9%.

a) Thương mại

Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thương mại, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại, đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm thương mại, đầu mối trung chuyển hàng hóa giữa khu vực Bắc bộ với Bắc Trung bộ, một phần khu vực Tây Bắc và Bắc Lào. Phát triển mạnh hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị, thu hút các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia vào đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đầu tư xây dựng các chợ đầu mối rau quả, thực phẩm; nâng cấp chợ xã gắn với xây dựng nông thôn mới. Thành lập khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo làm trung tâm giao thương với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm tăng 23,5 - 24%.

b) Du lịch

Phát triển du lịch dựa vào thế mạnh của tỉnh, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng điểm với 05 loại hình du lịch chủ yếu gồm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản, du lịch thương mại công vụ, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao, các khu resort, khu vui chơi giải trí tại thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn và một số khu vực du lịch khác trong tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sân golf tại Quảng Cư để thu hút du khách. Phấn đấu, đến năm 2020 đón được 9.000.000 lượt khách trong đó có 230.000 lượt khách du lịch quốc tế.

c) Vận tải, kho bãi

Kết hợp phát triển hiệu quả giữa vận tải đường bộ với đường sắt, đường thủy và hàng không. Phát triển đồng bộ các dịch vụ vận tải - cảng biển - logistics để thu hút các luồng hàng xuất, nhập khẩu khai thác lợi thế cảng nước sâu Nghi Sơn và các khu cửa khẩu của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường thủy; kêu gọi đầu tư hệ thống cảng Nghi Sơn theo quy hoạch và thực hiện duy tu, nạo vét luồng tàu nhằm nâng cao năng lực thông luồng và tiếp nhận tàu tải trọng lớn ra vào cảng. Khai thác hiệu quả cảng hàng không Thọ Xuân, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cảng hàng không Thọ Xuân.

d) Thông tin, truyền thông

Phát triển dịch vụ thông tin và truyền thông theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, độ bao phủ rộng, chất lượng cao, đa dạng các dịch vụ thông tin công ích phục vụ các thành phần kinh tế và đời sống nhân dân, xây dựng mô hình chính quyền điện tử. Phấn đấu đến năm 2020, các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp.

Đầu tư nâng cấp trang thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng hoạt động phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản. Từng bước thực hiện lộ trình số hóa phát thanh, truyền hình; tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình phát thanh, truyền hình, tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc.

đ) Tài chính - ngân hàng

Phát triển hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng hoạt động theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các dịch vụ kinh doanh và tiện ích ngân hàng theo chuẩn quốc tế. Khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay vốn đầu tư vào các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

4. Các lĩnh vực xã hội

a) Khoa học và công nghệ

Đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ. Lựa chọn một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập để thí điểm chuyển đổi hình thức hoạt động sang mô hình doanh nghiệp. Tập trung phát triển khoa học và công nghệ theo hướng ưu tiên nghiên cứu sản xuất các sản phẩm mới và ứng dụng công nghệ mới. Tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khoa học, công nghệ. Nghiên cứu thành lập Viện nghiên cứu phát triển thuộc tỉnh trước năm 2020.

b) Giáo dục và đào tạo

Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường mầm non công lập, khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Xây dựng Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn thành trường chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia. Khuyến khích thành lập các trường phổ thông quốc tế, trường phổ thông tư thục chất lượng cao ngoài công lập.

Tiếp tục phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy nghề, củng cố các trung tâm giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề cấp huyện nhất là các huyện miền núi. Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại học Hồng Đức, phát triển một số trường cao đẳng nghề đào tạo các nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia và khu vực ASEAN. Đến năm 2020, ngoài 03 trường đại học hiện có thành lập 02 phân hiệu đại học tại Thanh Hóa, gồm: 01 phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa và 01 phân hiệu Học Viện Nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở Khoa Nông Lâm Trường Đại học Hồng Đức và Trường Cao đẳng Nông lâm; 16 trường cao đẳng; 21 trường trung cấp nghề.

c) Y tế và chăm sóc sức khỏe

Tập trung đầu tư các trung tâm kỹ thuật cao tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Phụ sản, đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm dịch vụ y tế kỹ thuật cao trong vùng. Từng bước đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thành lập Khoa khám bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; thành lập Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Đến năm 2020 tuyến tỉnh có khoảng 16 bệnh viện công lập; nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện và y tế cơ sở.

d) Văn hóa, thể dục thể thao

Thực hiện tốt công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền trong tỉnh. Đầu tư xây dựng mới các công trình thiết chế văn hóa cấp tỉnh như Nhà hát Dân tộc, Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, làng văn hóa các dân tộc thiểu số tại Ngọc Lặc; đầu tư các công trình thiết chế văn hóa tổng hợp đa chức năng tại các thị xã và khu đô thị; nâng cấp các trung tâm văn hóa huyện. Xây dựng thiết chế văn hóa xã, thôn bản gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2020, khu phố, thôn, bản có nhà văn hóa 100% ở các huyện đồng bằng, ven biển và 60% ở các huyện miền núi.

đ) Lao động, việc làm và giảm nghèo

Tiếp tục thực hiện các chương trình dạy nghề cho người lao động; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, hợp tác với các cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề cho lao động; bình quân hàng năm đào tạo cho khoảng 7 - 8 vạn lao động; huy động các nguồn lực cho chương trình giảm nghèo.

5. Tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như: Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Đầu tư xây dựng hệ thống các khu xử lý chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt. Từng bước đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; trong đó xây dựng 02 trạm xử lý nước thải tập trung tại thành phố Thanh Hóa và khu kinh tế Nghi Sơn trước năm 2020.

Triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư nâng cấp hệ thống đê, kè biển ở các khu vực bị ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu; hoàn chỉnh các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn ven biển, nâng cao khả năng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Tiếp tục phát triển thảm rừng và cây xanh để tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu.

6. Phát triển kết cấu hạ tầng

a) Giao thông

- Đầu tư nâng cấp hoàn thành các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn tối thiểu từ cấp IV, 2 làn xe trở lên; đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Nâng cấp các tuyến đường tỉnh khu vực đồng bằng tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III, IV; vùng miền núi đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V, đồng thời đầu tư cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và xây dựng một số cầu mới trên tuyến đường tỉnh. Đến năm 2020, 100% đường tỉnh được cứng hóa mặt; tiếp tục nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường giao thông nông thôn cơ bản đạt 100% các tuyến đường huyện và 85% đường xã được cứng hóa mặt.

- Đầu tư xây dựng một số tuyến đường mới như: Đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân - khu kinh tế Nghi Sơn, tuyến nối quốc lộ 1A - quốc lộ 10, đường Cầu Đò Lèn - Cầu Nguyệt Viên, đường từ cảng hàng không Thọ Xuân - Ninh Bình, đường ven biển Nga Sơn - Tĩnh Gia, cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa; nâng cấp các tuyến quốc lộ 217, 15A, 15C, 47B...

- Huy động đầu tư xây dựng cảng hàng không Thọ Xuân đáp ứng công suất 600 hành khách/giờ cao điểm và 4.500 tấn hàng hóa/năm. Mở rộng cảng Nghi Sơn theo quy hoạch đảm bảo tiếp nhận tàu hàng tổng hợp, chuyên dùng đến 50.000 DWT; xây dựng một số cảng thủy (cảng Quảng Châu, bến du lịch Hàm Rồng,...). Nghiên cứu lập phương án xây dựng tuyến đường sắt Nghi Sơn - Thọ Xuân.

b) Thông tin - viễn thông

Nâng cấp, mở rộng hạ tầng viễn thông đến năm 2020 đáp ứng thuê bao điện thoại di động và cố định đạt 80 - 85 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định 15 - 20 thuê bao/100 dân, tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35 - 40 thuê bao/100 dân.

Từng bước số hóa hệ thống truyền dẫn, phát thanh, truyền hình mặt đất, tạo điều kiện cho phát triển hệ thống truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, sử dụng cáp quang.

c) Cấp nước

Đầu tư hệ thống cấp nước đô thị đến năm 2020 có tổng công suất các nhà máy nước đạt khoảng 452.000 m3/ngày đêm, trong đó: Nâng công suất Nhà máy nước Hàm Rồng lên 80.000 m3/ngày đêm, các nhà máy nước trong khu kinh tế Nghi Sơn đạt công suất 90.000 m3/ngày đêm. Xây dựng mới các Nhà máy nước Hoàng Long, Nhà máy nước Lam Sơn và nhà máy nước ở các thị trấn; đến năm 2020, các đô thị trong tỉnh có hệ thống cấp nước sạch đạt 100%. Tiếp tục thực hiện và mở rộng chương trình cấp nước sạch nông thôn.

d) Thủy lợi

Đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu (nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, ứng phó biến đổi khí hậu,...). Tập trung hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động hệ thống kênh Bắc Hồ Cửa Đạt; nâng cấp kênh Bái Thượng, hệ thống thủy lợi sông Lèn, hệ thống thủy lợi vùng III Nông Cống, nâng cấp các hệ thống tiêu Quảng Châu, sông Lý, sông Hoàng, sông Nhơm; đầu tư hệ thống đê sông; nâng cấp và cứng hóa các tuyến đê biển đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu.

đ) Cấp điện

Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống truyền tải, phân phối điện phù hợp với nhu cầu phụ tải điện của tỉnh. Đầu tư lưới cao thế chủ yếu cấp điện chống quá tải cho khu vực kinh tế trọng điểm, các huyện, thị xã dọc quốc lộ 1A, ven biển và mở rộng mạng lưới cấp điện các huyện miền núi vùng cao, biên giới. Cải tạo lưới điện hạ thế các khu dân cư, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN LÃNH THỔ

1. Phát triển hệ thống đô thị và nông thôn

- Phát triển hệ thống đô thị có tính cân đối giữa các vùng trong tỉnh đồng thời gắn kết chặt chẽ với hệ thống đô thị của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 70 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I (thành phố Thanh Hóa), 3 đô thị loại III (thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, đô thị mới Nghi Sơn), 3 đô thị loại IV (đô thị Ngọc Lặc, đô thị Rừng Thông, đô thị Lam Sơn - Sao Vàng) và 63 đô thị loại V.

- Xây dựng nông thôn mới theo hướng ổn định, có cơ cấu kinh tế hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp và dịch vụ, phát triển nông thôn với đô thị.

2. Phát triển các vùng kinh tế

- Vùng đồng bằng: Phát triển công nghiệp gắn với các khu công nghiệp tập trung; ưu tiên các ngành chủ lực như: Lắp ráp ô tô, xi măng, công nghiệp nhẹ và chế biến, điện tử tin học, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển dịch vụ chú trọng các ngành có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông, đào tạo, y tế. Phát triển nông nghiệp sản xuất sạch; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Vùng ven biển: Phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế Nghi Sơn. Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: Lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, xi măng, nhiệt điện, chế biến nông, thủy sản. Đầu tư hệ thống cảng biển để phát triển mạnh dịch vụ cảng, vận tải biển. Phát triển đa dạng các loại dịch vụ, nhất là logictics, thương mại, du lịch, ngân hàng, tài chính. Hình thành vùng chuyên canh nông nghiệp gắn với chế biến. Phát triển thủy sản gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Vùng trung du miền núi: Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh gắn với chế biến; phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp có lợi thế. Khuyến khích phát triển các trang trại chăn nuôi lợn, bò thịt chất lượng cao; hình thành các vùng chăn nuôi bò sữa; phát triển chăn nuôi các con đặc sản. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: Thủy điện, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản. Khai thác hiệu quả lợi thế để phát triển du lịch và kinh tế cửa khẩu.

3. Phát triển mối liên kết vùng

Đẩy mạnh liên kết giữa các vùng trong tỉnh và giữa Thanh Hóa với các tỉnh lân cận trong phát triển kinh tế - xã hội; xác định 5 trục phát triển gồm: Trục Sầm Sơn - thành phố Thanh Hóa - Lam Sơn - Sao Vàng; trục thành phố Thanh Hóa - khu kinh tế Nghi Sơn; trục khu kinh tế Nghi Sơn - Lam Sơn - Sao Vàng; trục Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Quảng; trục Thạch Quảng - Ngọc Lặc - Lam Sơn - Sao Vàng - Bãi Trành.

C. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu chung

Phát triển Thanh Hóa theo mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu; hướng mạnh vào phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh và kinh tế xuất khẩu với các ngành, sản phẩm chủ lực có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa có nền công nghiệp và dịch vụ hiện đại, tốc độ đô thị hóa cao; đến năm 2030 là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, khoa học công nghệ của khu vực Bắc Trung bộ, an ninh chính trị ổn định, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

2. Một số mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 8 - 9%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9 - 10% và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 7 - 8%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 6.500 USD vào năm 2025 và 10.000 - 11.000 USD vào năm 2030.

- Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) phân theo ngành kinh tế (nông, lâm, thủy sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ) tương ứng khoảng 8,9% - 55,3% - 35,8% vào năm 2025 và 6,4% - 56,5% - 37,1% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD vào 2025 và 8 tỷ USD vào năm 2030. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 750 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 và đạt khoảng 800 - 900 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong tổng GRDP chiếm 45% GRDP vào năm 2025 và đạt trên 60% GRDP vào 2030.

- Dân số trung bình khoảng 3,75 - 3,8 triệu người vào năm 2025 và khoảng 3,85 - 3,95 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt khoảng 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030, trong đó qua đào tạo nghề đạt lần lượt là 63% và 70%.

- Tỷ lệ đô thị hóa đạt lần lượt trên 41% và 50%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 là 90% và 100% vào năm 2030.

3. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực

a) Nông nghiệp

Phát triển mạnh nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp sinh thái, bền vững, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đến năm 2030, hình thành và phát triển khoảng 7 - 8 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ổn định diện tích trồng trọt để bảo đảm an ninh lương thực, áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.

Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như chăn nuôi bò sữa gắn với chế biến; trung tâm sản xuất nguyên liệu và chế biến các sản phẩm gỗ cao cấp xuất khẩu; trung tâm sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, tiếp tục phát triển một số sản phẩm khác như rau, củ, quả thực phẩm sạch; chăn nuôi và chế biến thịt gia súc, gia cầm xuất khẩu.

b) Công nghiệp

Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp nhất là các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn đa ngành của cả nước. Ưu tiên phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; sản xuất điện; chế biến nông, lâm, thủy sản; vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xây dựng thông minh và điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học; luyện cán thép; cơ khí chế tạo; phân bón, thức ăn chăn nuôi. Duy trì ổn định công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu may mặc, giày dép.

c) Dịch vụ, du lịch

Tập trung phát triển dịch vụ vận tải, thương mại cửa khẩu, du lịch và các dịch vụ giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. Phát triển dịch vụ vận tải - kho cảng - logistics gắn với cảng Nghi Sơn, đóng vai trò là một trong 3 trung tâm cảng biển quốc tế ở khu vực Bắc bộ - Bắc Trung bộ. Phát triển thương mại cửa khẩu với vai trò là đầu mối giao thương hội nhập, trung tâm kinh tế, thương mại cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào.

Phát triển du lịch Thanh Hóa thành một trong các trung tâm du lịch của cả nước về du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Từng bước xây dựng cảng Đảo Mê trở thành cảng trung chuyển cho cảng Nghi Sơn; đến năm 2025 xây dựng Đảo Mê thành đảo du lịch gắn với bảo vệ quốc phòng - an ninh trên biển.

d) Phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị

Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại. Ưu tiên nguồn lực xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các vùng kinh tế động lực và các công trình hạ tầng chính như trục giao thông, cảng biển, sân bay, điện, nước, đảm bảo kết nối giữa các vùng trong tỉnh và kết nối giữa Thanh Hóa với các tỉnh trong khu vực và quốc tế. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cảng hàng không Thọ Xuân, mở rộng nhà ga hành khách đáp ứng khoảng 2 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 27.000 tấn/năm để tiến tới thành cảng hàng không quốc tế. Xây dựng cảng nước sâu Nghi Sơn thành cảng biển quốc tế ở khu vực, công suất thông qua khoảng 40 triệu tấn vào năm 2030.

Phát triển đô thị theo hướng thân thiện môi trường, kết hợp giữa hiện đại với bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống về kiến trúc, kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ; đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 90 - 95 đô thị.

đ) Các vùng kinh tế động lực

Tiếp tục phát triển 4 vùng kinh tế động lực gồm khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn - Thạch Thành. Các trục động lực phát triển chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các trục giao thông chính theo hướng Bắc - Nam (quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh) và Đông Tây (quốc lộ 47 - quốc lộ 15A - quốc lộ 217), đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Quảng.

e) Văn hóa - xã hội

Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; tạo sự phát triển hài hòa và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền trong tỉnh về các lĩnh vực văn hóa, xã hội; trước hết là về an sinh xã hội, giảm nghèo, giáo dục, đào tạo, y tế. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề đạt chuẩn khu vực, quốc tế và các cơ sở y tế kỹ thuật cao, trước hết phát triển ở thành phố Thanh Hóa và khu kinh tế Nghi Sơn; đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm đào tạo, dạy nghề và y tế có chất lượng cao ở khu vực Nam Bắc bộ - Bắc Trung bộ.

g) Tài nguyên môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên của tỉnh. Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, đất, nước cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Bảo tồn đa dạng sinh học, mở rộng diện tích che phủ rừng; đến năm 2025, khoảng hơn 60% diện tích toàn tỉnh được che phủ bởi rừng và cây xanh tập trung, khu vực đồi núi cơ bản đều được che phủ bởi rừng và cây lâu năm. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sử dụng năng lượng của tỉnh.

D. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

(Phụ lục kèm theo)

Đ. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về huy động và sử dụng vốn đầu tư

- Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phương thức xúc tiến đầu tư. Tích cực thu hút đầu tư nhất là các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao vào khu kinh tế, khu công nghiệp và các trục phát triển. Tranh thủ kịp thời sự ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành để thu hút đầu tư từ các nước có tiềm năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Pháp và một số nước Trung Đông. Củng cố và mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn và các tổ chức phi chính phủ để tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác về đầu tư. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP; xây dựng đề án phát hành trái phiếu địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực này.

Hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; đồng thời đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Huy động tối đa nguồn vốn từ khai thác quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư các công trình lớn, quan trọng của tỉnh như: Kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế Nghi Sơn, môi trường, các dự án lớn về giao thông, thủy lợi, hạ tầng ngoài hàng rào các cơ sở công nghiệp.

2. Giải pháp về cơ chế chính sách.

Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Trung ương đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách của tỉnh đã ban hành, tập trung vào cơ chế chính sách phát triển nông, lâm, thủy sản, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại và xã hội hóa lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách mới trên các lĩnh vực về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản; kinh doanh rừng gỗ lớn; đóng mới, thay máy tàu cá có công suất từ 90CV trở lên khai thác hải sản xa bờ; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực; chính sách khuyến khích các ngành dịch vụ ưu tiên phát triển, chính sách xã hội hóa các dịch vụ công cộng, khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng.

3. Giải pháp về phát triển doanh nghiệp

Nâng cao nhận thức về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch. Đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội để cung cấp cho doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đến năm 2015, đảm bảo chỉ số PCI của tỉnh duy trì trong tốp 10 cả nước. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh về phát triển doanh nghiệp như các ưu đãi thuế, đất đai.

4. Giải pháp về khoa học - công nghệ

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng chính sách trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ; thực hiện tốt xã hội hóa để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ. Củng cố, sắp xếp lại các cơ sở hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đầu tư đồng bộ một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia và các nước trong khu vực ở Trường Đại học Hồng Đức, Trường Cao đẳng y tế, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa,... Mở rộng hợp tác phát triển khoa học và công nghệ với các thành phố và địa phương trên thế giới.

5. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

Nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng; ưu tiên đào tạo các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, cơ cấu đào tạo theo ngành, nghề và trình độ đào tạo. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực của Trung ương và của tỉnh đã ban hành.

6. Bảo vệ tài nguyên và môi trường

Tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Tập trung bảo vệ môi trường các dòng sông, khắc phục ô nhiễm môi trường tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong thu gom, xử lý và tái chế rác thải; ưu tiên dự án xử lý nước thải thành phố Thanh Hóa và khu kinh tế Nghi Sơn; rà soát và đình chỉ những dự án thủy điện ảnh hưởng xấu đến môi trường.

7. Giải pháp về chỉ đạo, điều hành

Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp hiệu quả trong giải quyết công việc giữa các cấp, các ngành và đẩy mạnh cải cách hành chính. Tăng cường thanh tra, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

8. Giải pháp về bảo đảm an ninh quốc phòng

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; củng cố thế trận khu vực phòng thủ; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

E. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Sau khi điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, tỉnh tổ chức công bố, phổ biến đến các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh. Căn cứ nội dung điều chỉnh của Quy hoạch tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để có kế hoạch thực hiện đạt kết quả.

2. Cụ thể hóa các nội dung của điều chỉnh Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện và có đánh giá kết quả đạt được. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch.

3. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các nhà đầu tư; giới thiệu các chương trình, dự án cần được ưu tiên đầu tư, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm tạo ra những sản phẩm chủ lực.

Điều 2. Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều chỉnh Quy hoạch được phê duyệt chỉ đạo việc lập, duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong tỉnh phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Lập các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, bố trí sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý, hiệu quả.

3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và luật pháp của Nhà nước trong từng giai đoạn nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 4. Giao các Bộ, ngành Trung ương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong quá trình thực hiện điều chỉnh Quy hoạch.

2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện điều chỉnh Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).KN

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên công trình, dự án

I

HẠ TẦNG GIAO THÔNG

1

Đường vành đai Đông Tây thành phố Thanh Hóa.

2

Đường gom quốc lộ 1A, đoạn tránh thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

3

Đường ven biển từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia.

4

Đường Bỉm Sơn - Phố Cát - Thạch Quảng, tỉnh Thanh Hóa (nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh).

5

Đường vành đai thị xã Sầm Sơn.

6

Đường nối quốc lộ 47 với thành phố Thanh Hóa (đoạn Cầu Thiều nối với cuối đường tránh BOT).

7

Đường nối từ quốc lộ 217 đi quốc lộ 45, quốc lộ 47 (bao gồm cả cầu vượt sông Chu).

8

Cầu Hoằng Khánh, Thiệu Khánh, Cẩm Vân, Xuân Khánh, Nam Khê.

II

HẠ TẦNG ĐÔ THỊ VÀ CÔNG NGHIỆP

1

Đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp Tây quốc lộ 1A, khu kinh tế Nghi Sơn.

2

Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Ngọc Lặc.

3

Đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tây Nam thành phố Thanh Hóa.

4

Hạ tầng khu công nghiệp Thạch Quảng.

5

Dự án xây dựng khu đô thị mới trung tâm Thành phố Thanh Hóa.

6

Khu đô thị trung tâm khu kinh tế Nghi Sơn.

7

Khu đô thị Đông Nam thành phố Thanh Hóa.

8

Khu đô thị mới Ngọc Lặc.

9

Khu đô thị mới khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng.

10

Hạ tầng đô thị Lam Sơn - Sao Vàng.

11

Hạ tầng đô thị Nghi Sơn.

III

HẠ TẦNG NÔNG NGHIỆP

1

Xây dựng hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa.

2

Cầu cảng bến neo đậu tàu, thuyền đảo Hòn Mê.

3

Hệ thống thủy lợi Sông Lèn.

4

Hệ thống thủy lợi vùng III Nông Cống.

5

Tu bổ, nâng cấp và xử lý các điểm trọng yếu đê hữu sông Cầu Chày.

6

Trạm bơm tưới Hoằng Khánh.

7

Dự án tiêu thủy các sông: Sông Hoàng, sông Lý và Thọ Xuân.

8

Nâng cấp đê tả, hữu Sông Mã.

9

Nâng cấp, cứng hóa mặt đê tuyến đê tả, hữu sông Chu để kết hợp làm đường giao thông, phục vụ cứu hộ, cứu nạn.

IV

HẠ TẦNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

1

Bảo tàng tỉnh.

2

Khu liên hợp Thể dục thể thao tỉnh.

3

Bảo tồn và phục hồi Tòa Miếu số 1, 2, 8 và 9 - Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

4

Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ.

5

Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.

6

Khu bảo tồn di tích hang Con Moong.

7

Hạ tầng khu du lịch núi Nưa, An Tiêm.

V

HẠ TẦNG GIÁO DỤC, Y TẾ

1

Trường Đại học Công nghệ quốc tế Nghi Sơn.

2

Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn.

3

Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ sở 2).

4

Đầu tư một số hạng mục để hoàn thiện cơ sở vật chất Trường Đại học Hồng Đức.

5

Cơ sở hạ tầng phục vụ dự án Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lao động đi làm việc tại các nước Trung Đông.

6

Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa (Cơ sở 2).

7

Bệnh viện đa khoa quốc tế Nghi Sơn.

8

Bệnh viện đa khoa tư nhân Lam Sơn.

9

Tăng cường hệ thống y tế tỉnh, huyện, tỉnh Thanh Hóa.

VI

HẠ TẦNG MÔI TRƯỜNG

1

Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Thanh Hóa và vùng phụ cận.

2

Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải.

3

Dự án khu bảo tồn biển Hòn Mê.

4

Xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn, thị xã Sầm Sơn.

Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án trong Danh mục nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu, khả năng cân đối và huy động nguồn lực của tỉnh./.

THE PRIME MINISTER
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 872/2015/QD-TTg

Hanoi, June 17, 2015

 

DECISION

APPROVING THE ADJUSTED MASTER PLAN ON SOCIO-CCONOMIC DEVELOPMENT OF THANH HOA PROVINCE THROUGH 2020, WITH ORIENTATIONS TOWARD 2030

THE PRIME MINISTER

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government:

Pursuant to the Government's Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006, on formulation, approval and management of master plans on socio-economic development, and the Government's Decree No. 04/2008/ND-CP of January 11, 2008, amending and supplementing a number of articles of the Government's Decree No. 92/2006/ND-CP of September 7, 2006:

At the proposal of the People's Committee of Thanh Hoa province,

DECIDES:

Article 1. To approve the adjusted master plan on socio-economic development of Thanh Hoa province through 2020, with orientations toward 2030, with the following principal contents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The master plan on socio-cconomic development of Thanh Hoa province through 2020, with orientations toward 2030, must be in line with the country’s socio-economic development strategy and the master plans on socio-economic development of the northern central and central coastal regions; and harmonized with the country’s sectoral master plans.

2. To ensure fast and sustainable socio-economic development based on economic restructuring associated with changing the growth model in the direction of intensive and extensive combination; to accelerate intensive growth rate, lay a premise for in-depth development after 2020 so as to raise the quality, efficiency and competitiveness of the economy, ensure the harmony with the national strategy on green growth and sustainable development.

3. To focus all investment sources on developing key economic sectors and motive-force economic regions to create breakthroughs in growth and economic restructuring and make re- investment to create harmonious development and narrow development gaps among different areas in the province.

4. To attach importance to development of human resources, especially high-quality human resources, and promote the application of scientific-technological advances, considering it a motive force to raise provincial competitiveness.

5. To combine economic development and the realization of social progress and equality, poverty reduction and improvement of the people’s lives, and paying attention to cultural activities and socialization of socio-cultural activities. To protect and rationally utilize natural resources, environment and effectively respond to climate change.

6. To combine socio-economic development and strengthening of national defense and security, firmly safeguarding political stability and social order and safety and land and sea border sovereignty. To take the initiative in international integration and cooperation and enhance the friendly and cooperative relationship with Vietnamese and Laos border provinces.

B. ADJUSTMENT OF MASTER PLAN THROUGH 2020

I. DEVELOPMENT OBJECTIVES

1. General objectives

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Specific objectives

a/ Economically

- The annual average gross regional domestic product (GRDP) will be 12-13%, the average per-capita GRDP will be USD 3,600 or more; residents’ income in 2020 will be a 4.4 fold increase over 2010.

- The agriculture-forestry-fisheries sector will make up 12.1%; the industry-construction sector, 53.7%; and the service sector, 34.2% of the economic structure. The total export value will exceed USD 1.9 billion. The society’s total development investment capital will exceed VND 610 trillion.

- The proportion of hi-tech products and hi-tech application products will make up more than 30% of the GRDP.

b/ Socially

- The population growth rate will be around 0.65% per year and the rate of poor households will be dropped by at least 2% per year.

- The rate of trained laborers will reach 70%, more than 25% of whom are diploma or certificate holders. To annually create more than 650,000 jobs. The rate of agricultural laborers will be 35-38%. The number of students per 10,000 people will be 285; the rate of teachers satisfying standards will be 100%; the rate of schools reaching national standards will be 70%.

- The number of hospital beds per 10,000 people will be 28.4; the number of doctors per 10,000 people will be 10; the malnutrition rate among under-five children will be below 13%; the average life expectancy will reach 74 years.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Environmentally

- 91% of residential solid waste in urban centers will be collected and treated up to environmental standards; 85% of ordinary solid waste will be collected and treated up to standards; 80% of hazardous solid waste will be collected and treated up to standards; 100% of medical waste will be treated up to standards.

- The rate of rural residents having access to hygienic water up to new standards will reach 95% and that of urban residents having access to clean water will reach 95%.

- The rate of existing business establishments meeting environmental standards will be 75% by 2020.

- The forest coverage will be 52.5% by 2020.

d/ National defense and security

To assure national defense and security, safeguard border sovereignty, political stability, and curb crimes and social evils. By 2020, to basically complete the border patrol road system and upgrade border belt roads and roads to the border reaching mountainous grade-V and -VI road standards.

II. DIRECTIONS FOR BREAKTHROUGHS AND DEVELOPMENT PRIORITIES

1. Directions for breakthroughs

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To step up scientific and technological research and application, especially to agriculture, to increase product quality and competitiveness.

- To develop high-quality human resources for labor market.

2. Regions prioritized for development

To develop motive-force economic regions, including the Nghi Son economic zone, Thanh Hoa city-Sam Son, Lam Son-Sao Vang, and Bim Son-Thach Thanh. In the 2016-2020 period, to focus investment on infrastructure of the Nghi Son economic zone and Thanh Hoa city-Sam Son, step by step invest in developing Bim Son-Thach Thanh region and the Lam Son-Sao Vang industrial park associated with the establishment of Lam Son-Sao Vang urban center. To attach importance to agriculture and rural development, especially in mountainous areas and poor districts, and focus on production development to reduce poverty sustainably and build new countryside.

3. Development of key sectors and products

- Industries: oil refinery and petrochemistry and chemicals; garments and textiles; cement; agriculture-forestry-fisheries processing; and electricity generation. To promote the development of mechanical engineering, electronics-information technology, software; pharmaceutical and biotechnology application products; steel; fertilizer, and animal feed.

- Services: cultural tourism, luxury sea tourism, seaport and logistics services; training, vocational training and high-quality medical services; software, information technology and digital content services; scientific and technological services; and realty business.

- Agriculture: rice, corn, “safe” vegetables, flowers, ornamental trees, sugarcane, animal feed plants, fruit trees; milch cows, high-quality cows, pigs with high lean meat percentage, and chicken; large-timber afforestation, luong (a bamboo species), cinnamon, traditional herbal plants, and macadamia trees; aquaculture with high commodity value (white leg shrimps, Ben Tre oysters, and tilapia fish); and seafood exploitation.

III. ORIENTATIONS FOR SECTORAL DEVELOPMENT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To focus on speeding up agricultural restructuring, developing large-scale commodity agriculture, forestry and fisheries production zones associated with processing and consumption; to build brand names for agriculture, forestry and fisheries products with the province’s competitive advantages. To gradually set up hi-tech agricultural production and processing zones in the Lam Son-Sao Vang industrial park and along the Ho Chi Minh trail. To strive to attain an average agriculture, forestry and fisheries growth rate of around 2.9%/year; by 2020, hi-tech agricultural products will make up around 30% of the province’s agricultural product value.

- Cultivation development will prioritize high-quality rice, high-yield corn, “safe” vegetables, flowers, ornamental trees, sugarcane, animal feed plants, and fruit trees; to maintain the annual food output of 1.5 million tons. By 2020, the area planned for rice cultivation will be around 223,000 hectares; com, around 72,000 hectares; vegetables, around 40,000 hectares; fruits and vegetables for export, around 5,000 hectares; and fruit trees, around 16,300 hectares. To maintain sugarcane material zones for three sugarcane mills in the province.

- To develop centralized farming breeding associated with processing establishments thus ensuring epidemic control and environmental protection. To prioritize the breeding of milch cows, high-quality cows, pigs with high lean meat percentage and chicken. To form 50,000 milch cow breeding zones to create materials for Vietnam Dairy Joint Stock Company and the TH True Milk Co. By 2020, the proportion of the breeding sector will represent around 45% of agricultural production value.

- To sustainably develop forestry toward the socialization of afforestation associated with forest management, protection and development measures; to strive to plant 10,000-12,000 new hectares of forests each year. To focus on development of production forests toward plantation of trees with high economic value associated with processing and consumption; to prioritize the plantation of large timbers, luong, cinnamon, traditional herbal trees and macadamia trees. By 2020, to strive to attain around 56,000 hectares of large timber forests and 30,000 hectares of centralized luong areas.

- To comprehensively develop fisheries sector in aquaculture, fishing, processing and fishery logistics services; to prioritize the development of aquaculture of aquatic products with high commodity value (white leg shrimps, Ben Tre oysters, tilapia fish) and offshore fishing. To increase support to fishermen in building high-capacity modem offshore fishing vessels associated with the development of fishery logistics services; to gradually set up and develop fishery trade unions and production teams and groups at sea. By 2020, fishery output will be around 190,000 tons, of which offshore fishing will make up 65.7%.

2. Industrial development

To restructure the industrial sector in the direction of reducing the proportion of mining and construction material production industries and environmentally unfriendly sectors and increasing the proportion of products with hi-tech contents, intensive and environment-friendly production for export. To develop major industries including oil refinery and petrochemistry and chemicals; garments and textiles, footwear; cement; agriculture, forestry and fisheries processing; and electricity generation. To encourage the development of mechanical engineering; electronics-information technology, software; pharmaceutical industry and biotechnology application products: steel, fertilizer and animal feeds. To strive to attain an annual average industrial growth rate of 18-19%.

a/ Development of major industries

- Oil refinery and petrochemical product processing industry: To complete and put into operation the Nghi Son oil refinery and petrochemical complex project in 2017; to continue attracting projects to produce petrochemical products such as Poly-Propylene, PET synthetic fiber, DAP fertilizer and Polyethylen.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- Export consumer product manufacturing industry: To prioritize investment projects from the stage of material production and pattern design to the stage of product finishing; to establish textile and garment industrial clusters and industrial clusters manufacturing consumer products for export in rural and mountainous midland areas.

- Agriculture, forestry and fisheries and food processing industry: To make full use of the mountainous region’s advantages to attract investment in agriculture and timber processing plants associated with the establishment of centralized material zones, making the timber processing industry a major industry in the region. To form industrial-agricultural zones, agriculture-forestry zones and agriculture-forestry-fisheries production and processing clusters in appropriate areas in the province.

- Biotechnology application industry and the manufacturing of cosmetics, medicine, high- grade pharmaceutical and biological finished products: To study a scheme on early establishment of a biological hi-tech industrial sub-zone in the Lam Son-Sao Vang industrial park.

- Metal production industry: To attract investment in projects to produce steel, especially steel that has to be imported; to speed up the pace of the 1,750,000-ton-per-year Nghi Son steel plant.

- Construction material production industry: To attract environment-friendly, non-baked construction material projects; alloy and plastic construction materials such as sanitary ware, roofing sheets, window frames, and plastic water pipes.

- Power generation industry: To prepare ground for the implementation of the 1,200MW Nghi Son 2 thermal power plant project in the form of build-operate-transfer (BOT); to complete and put into operation the 102 MW Hoi Xuan, the 260MW Trung Son and the 60MW Ba Thuoc I hydropower plants.

b/ Development of industrial parks and clusters

To continue calling for investment in and fill up existing industrial parks such as Le Mon (87.6ha); Dinh Huong-Tay Bac Ga (180ha), Bim Son (566 ha), and Hoang Long (286 ha); to expand the Lam Son-Sao Vang industrial park to 550 ha; to invest in infrastructure of new industrial parks including Thach Quang, Ngoc Lac and Pai Tranh for attracting investment projects after 2020.

To develop industrial clusters through establishing specialized clusters; by 2020, the province will have around 57 industrial clusters covering 1,647 ha.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To quickly develop, diversify, and improve the quality of, services; to shift the structure toward increasing the proportion of high-quality and high added-value service products. To prioritize the development of cultural tourism and luxury sea tourism services; seaport and logistics services; training, vocational training, and high-quality medical services up to international standards; information technology, software and digital content services; science and technology services; and realty business. By 2020, Thanh Hoa will become one of tourism and seaport hubs of the northern central region and the country with an average service growth rate of more than 8.9%/year.

a/ Trade

To diversify trade services, invest in building modernity-oriented trade infrastructure to make Thanh Hoa a trade center and goods transshipment center between northern and northern central regions and part of northwestern and northern Laos regions. To strongly develop the supermarket system and trade centers in urban centers, attract multi-national retail groups to invest in and conduct business in the province. To invest in building fruit and vegetable and food wholesale markets; to upgrade communal markets associated with building new countryside. To establish the Na Meo border-gate economic zone as a trade exchange center with Laos and Thailand’s northeastern region. The average total retail sales and service revenue will increase 23.5-24%/year.

b/ Tourism

To develop tourism based on the province’s advantages to turn tourism into a major economic sector with five types of tourism, namely sea, heritage, trade, ecological and spiritual tourism. To synchronously build infrastructure of tourism zones and spots; to prioritize four or five-star hotel investment projects, resorts and entertainment and recreation zones in Thanh Hoa city, Sam Son town, the Nghi Son economic zone and a number of other tourist areas in the province; to speed up the pace of the golf course project in Quang Cu to attract tourists. By 2020, to strive to welcome 9 million tourist arrivals including 230,000 foreign holiday makers.

c/ Transport, warehousing and storing yards

To combine the effective development of road, railway, waterway and air transport. To synchronously develop transport-seaport-logistics services to attract imports and exports and to exploit advantages of the Nghi Son deepwater port and border-gate zones of the province. To promote the socialization of road and waterway transport; to call for investment in the Nghi Son port system according to planning and maintain and dredge navigation channels so as to increase the capability and receive large-capacity ships to the harbor. To efficiently exploit the Tho Xuan airport, further invest in upgrading its infrastructure, equipment and facilities.

d/ Information and communications

To apply modern, wide coverage and high-quality technologies in developing information and communication services, diversify public information services for economic sectors and people’s life, and establish an e-government model. By 2020, fundamental public services will be provided online to residents and businesses.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd/ Finance-banking

To develop the system of financial and banking services operating toward modernity and diversify business services and banking-addons according to international standards. To encourage commercial banks to provide investment loans to sectors and products with hi-tech contents.

4. Social fields a/ Science and technology

To fundamentally, comprehensively and synchronously renovate the organization and management and operation mechanism for science and technology organizations. To select a number of public science and technology organizations to pilot transform their operation form to the enterprise model. To focus on development of science and technology by prioritizing the research on manufacturing new and advanced technology application products. To increase investment in science and technology and concurrently promote the socialization of science and technology activities. To study the establishment of the provincial Development Research Institute before 2020.

b/ Education and training

To develop education toward standardization, socialization and improving the quality of teachers and education administrators. To accelerate the solidification of public preschools and encourage the establishment of private preschool education establishments. To build the Lam Son specialized upper-secondary school into a national key high-quality specialized school. To encourage the establishment of international schools and non-public high-quality schools.

To further develop the network of vocational training establishments, consolidate vocational guidance-training education centers in districts, especially mountainous districts. To focus investment on completing the infrastructure of the Culture, Sports and Tourism University and the Hong Due University, and develop some vocational colleges training major crafts meeting national and ASEAN regional standards. By 2020, in addition to three existing universities, to establish two university branches in Thanh Hoa, namely one branch of the Hanoi Medical University on the basis of upgrading the Thanh Hoa Medical College and one branch of the Vietnam Agriculture Academy from the Agriculture-Forestry Department of the Hong Due University and the Agriculture-Forestry College; 16 colleges and 21 vocational training intermediate schools.

c/ Medicine and public healthcare

To focus investment on hi-tech centers at a number of provincial hospitals, upgrade provincial hospitals such as the General Hospital, the Pediatrics Hospital and the Obstetrics and Gynecology Hospital, make Thanh Hoa the region’s hi-tech medical service center. To gradually invest in physical foundations and raise the quality of medical treatment and examination to establish an international-standard medical examination department in the provincial General Hospital; to establish a tumor and cancer hospital and a traumatology and orthopaedics hospital. By 2020, the province will have 16 provincial-level public hospitals; to upgrade equipment and facilities for district-level hospitals and grassroots medical clinics

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To effectively socialize culture and sports activities and gradually bridge the gap of cultural enjoyment between urban and rural areas and among areas in the province. To invest in building provincial-level cultural institutions such as an ethnic theater, a provincial cultural center, a provincial museum, a cultural village of ethnic groups in Ngoc Lac; to invest in multi- function cultural institutions in towns and urban zones; to upgrade district cultural centers. To establish communal and village cultural institutions associated with the program on building a new countryside. By 2020, all streets and villages in delta and coastal districts and 60% of streets and villages in mountainous districts will have cultural houses.

dd/ Labor, jobs and poverty reduction

To continue implementing vocational training programs for laborers; to encourage businesses to align and cooperate with vocational training institutions in vocational training for workers; to train 70,000-80,000 workers per year; to mobilize internal resources for poverty reduction programs.

5. Natural resources, environment and climate change

To enhance the state management of natural resources, minerals and environmental protection. To synchronously implement measures to control, prevent and remedy environmental pollution, especially in areas with high risk of environmental pollution such as the Nghi Son economic zone and industrial parks and clusters and traditional craft villages. To invest in building the system of industrial and residential waste treatment zones. To step by step invest in the wastewater treatment system in urban centers, industrial parks and clusters and traditional craft villages, including the construction of two centralized wastewater treatment stations in Thanh Hoa city and the Nghi Son economic zone before 2020.

To implement the climate change response plan, invest in upgrading the sea dyke embankment system in areas vulnerable to impacts of climate change; to complete coastal rescue roads, increase rescue capacity when the incidents occur. To continue developing forests and trees to cope with climate change.

6. Infrastructure development

a/ Transport

- To invest in upgrading sections of national highways running via the province to at least grade-IV road standards with two lanes or more; sections running via urban centers to urban road standards. To upgrade provincial roads in delta areas to grade-III and -IV road standards; in mountainous areas to grade-IV and -V road standards and concurrently invest in restoring and upgrading weak bridges and building some new bridges along provincial roads. By 2020,100% of provincial roads will be concretized; to continue upgrading and expanding all district roads in the network of rural roads and 85% of communal roads will be concretized.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- To mobilize investment for building the Tho Xuan airport with a capacity of 600 passengers/rush hour and 4,500 tons of cargo/year. To expand the Nghi Son port according to planning to receive general and specialized ships of up to 50,000 DWT; to build a number of ports (Quang Chau port, Ham Rong tourism wharf, etc.). To study the elaboration of a scheme to build the Nghi Son-Tho Xuan railway route.

b/ Information-telecommunications

To upgrade and expand telecommunications infrastructure to 2020 to reach 80-85 mobile and fixed-line telephone subscribers per 100 people; the rate of fixed broadband internet subscribers will reach 15-20 per 100 people; the rate of mobile broadband subscribers will be 35-40 per 100 people.

To gradually digitalize the terrestrial radio and television transmission and broadcast system, facilitate the development of satellite and cable television systems based on the application of digital technology and use of optic cable.

c/ Water supply

To invest in urban water supply system to 2020 with water plants’ total capacity of around 452,000 cubic meters per day, including the 80,000-cubic meter-day Ham Rong water plant and water plants in the Nghi Son economic zone with a total capacity of 90,000 cubic meters per day. To build the Hoang Long water plant, the Lam Son water plant, and water plants in townships; by 2020, all urban centers in the province will have clean water supply systems. To continue implementing and expanding the rural clean water supply program.

d/ Irrigation

To invest in upgrading and developing the irrigation system for multiple purposes (agriculture, residential use, coping with climate change, etc.). To focus on completing the construction of, and put into operation, the system of Bac Ho Cua Dat canal; to upgrade Bai Thuong canal, the Len river irrigation system, the Nong Cong region III irrigation system, upgrade Quang Chau and Ly, Hoang and Nhom river water receding systems; to invest in river dike system; to upgrade and intensify sea dike routes to respond to climate change.

dd/ Power supply

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IV. ORIENTATIONS FOR TERRITORIAL SPACE ORGANIZATION

1. Development of urban and rural system

- To develop an urban system with balanced areas in the province while closely combining with the urban system in the northern central region and the whole country. By 2020, the province will have around 70 urban centers, including one urban center of grade I (Thanh Hoa city); three urban centers of grade III (Sam Son and Bim Son towns and Nghi Son new urban center), three urban centers of grade IV (Ngoc Lac, Rung Thong and Lam Son-Sao Vang urban centers), and 63 urban centers of grade V.

- To build new countryside toward stabilization and rational economic structure, combine agricultural development with industrial and service development, urban and rural development.

2. Development of economic regions

- Delta region: To combine industrial development with centralized industrial parks; to prioritize major sectors such as automobile assembly, cement, light industry and processing, electronics and information technology, and hi-tech application industries. To develop services focusing on sectors with high added-value such as finance, banking, tourism, transport, telecommunications, training and medicine. To develop clean production agriculture; to promote the development of farm economy; to develop hi-tech agricultural zone.

- Coastal areas: To combine marine economic development with assurance of national defense and security. To focus investment on infrastructure of the Nghi Son economic zone. To develop advantageous industries such as refinery and petrochemistry and industries following refinery and petrochemistry, cement, thermal electricity, agriculture and fisheries processing. To invest in sea port system to strongly develop port and sea transport services. To diversify services, especially logistics, trade, tourism, banking and finance. To form an agricultural intensive zone associated with processing. To combine fisheries and fisheries logistics service development.

- Midland and mountainous areas: To boost the development of forest economy, plant production forests toward intensive plantation associated with processing; to develop zones of industrial plants with advantages. To encourage the development of high-quality pig and cow breeding farms; to form milch cow breeding zones; to develop the breeding of specialty animals. To prioritize the development of advantageous industries such as hydropower, agricultural and forest product processing, construction material production, mining and mineral processing. To efficiently tap its advantages for tourism development and border- gate economy.

3. Development of regional alignment clue

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

C. ORIENTATIONS FOR DEVELOPMENT TOWARD 2030

1. General objectives

To apply in-depth economic growth model in developing Thanh Hoa and focus on the development of knowledge-based, green and export economy with environment-friendly major sectors and products with hi-tech contents and high added-value. Thanh Hoa will boast a modem industry and service with high urbanization rate by 2025; and be one of economic, cultural, education-training, healthcare, sports-physical training, science and technology hubs in the northern central region with security and political stability and an enhanced great national unity bloc by 2030.

2. Specific objectives

The annual average gross regional domestic product (GRDP) will be 8-9% in the 2021 - 2030 period, specifically, 9-10% in the 2021-2025 period and 7-8% in the 2026-2030 period. The average per-capita GRDP will reach USD 6,500 by 2025 and USD 10,000-11,000 by 2030.

- Economic sectors - the agriculture-forestry-fisheries sector; the industry-construction sector and services - will represent around 8.9%; 55.3% and 35.8%, respectively, of the GRDP structure by 2025, and 6.4%, 56.5% and 37.1%, respectively, by 2030. The export revenue will record around USD 4 billion by 2025 and USD 8 billion by 2030. The society’s total development investment capital will reach around VND 750 trillion in the 2021-2025 period and around VND 800-900 trillion in the 2026-2030 period. The proportion of hi-tech products and hi-tech application products will make up 45% of the GRDP structure by 2025 and more than 60% of the GRDP structure by 2030.

- The average population will reach 3.75-3.8 million by 2025 and 3.85-3.95 million people by 2030. The rate of trained laborers working in the economy will reach around 80% by 2025 and 90% by 2030, of which the rate of vocationally trained laborers will reach 63% by 2025 and 70% by 2030.

- The urbanization rate will be more than 41% by 2025 and 50% by 2030; and the rate of communes meeting new-countryside criteria will be 90% by 2025 and 100% by 2030.

3. Orientations for sectoral development

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To apply the model of ecological and sustainable agriculture and hi-tech application agriculture in strongly developing agriculture; by 2030, to form and develop 7 or 8 hi-tech agricultural zones. To stabilize cultivation acreage to ensure food security and apply cutting-edge technologies in planting industrial and fruit frees.

To develop major agricultural products such as milch cow breeding associated with processing; a material production and high-quality export timber product processing center; and the material production and animal feed processing center. In addition, to further develop a number of other products such as “clean” vegetables and fruits; cattle and poultry breeding and meat processing for export.

b/ Industry

To strongly develop industries, particularly sectors and products with hi-tech contents, make Thanh Hoa one of the country’s multi-sector large industrial centers. To prioritize the development of refinery and petrochemistry and petrochemical product processing industry; electricity generation; agriculture, forestry and fisheries processing; non-baked construction materials, smart construction material and electronics, telecommunications, and information technology. To encourage the development of biotechnology product production; steel rolling; mechanical engineering; fertilizer and animal feeds. To stabilize textile and garment, and footwear manufacturing industry for export.

c/ Services and tourism

To focus on development of transport services, border-gate trade, tourism and education- training, vocational training and high-quality medicine services up to international standard. To develop transport-warehousing and storing yards-logistics services associated with Nghi Son port as one of the three international seaport centers in the northern-northern central region. To develop border-gate trade as a trade exchange center for integration and a border-gate economic and trade center between Vietnam and Laos.

To develop Thanh Hoa into one of the country’s centers of high-quality sea and cultural tourism up to international standards. To gradually build Dao Me port into a transshipment port for Nghi Son port; by 2025, to build Dao Me into a tourism island associated with safeguarding national defense and security at sea.

d/ Infrastructure and urban development

To further develop infrastructure facilities toward synchronicity and modernity. To prioritize internal resources for building a complete infrastructure of motive-force economic regions and major infrastructure works such as traffic axes, seaports, airports, electricity, and water to ensure linkages among areas in the province and between Thanh Hoa and other provinces in the region and abroad. To further invest in upgrading the Tho Xuan airport into an international one and expand its passenger terminal capable of serving around 2 million passengers per year and its cargo terminal capable of handling 27,000 tons per year. To build the Nghi Son deep-water port into an international seaport in the region with the capacity of handling around 40 million tons of cargo by 2030.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd/ Motive-force economic regions

To continue developing four motive-force economic regions, namely Nghi Son economic zone, Thanh Hoa city-Sam Son, Lam Son-Sao Vang and Bim Son-Thach Thanh. Major development motive-force axes will be built on main traffic axes toward north-south direction (national highway 1A and Ho Chi Minh trail) and west-eastern direction (National Highways 47, 15A and 217), Nghi Son-Tho Xuan road, and Nga Son-Bim Son-Thachộuang roads.

e/ Culture-society

To raise the quality of socio-cultural activities; to create a harmonious development of and bridge the gap among areas in the province in socio-cultural fields, first of all social welfare, poverty reduction, education and training, and healthcare. To promote the development of education, training and vocational training institutions meeting regional and international standards and hi-tech medical establishments, first of all in Thanh Hoa city and Nghi Son economic zone, making Thanh Hoa a high-quality training, vocational training and medical center in the southern northern and northern central regions.

g/ Natural resources, environment and climate change response

To manage, exploit and sustainably use the province’s natural resources. To efficiently exploit sea, land and water resources for economic development and residential use. To conserve biodiversity and expand forest coverage; by 2025, more than 60% of the province’s area will be covered by forests and centralized greeneries and hills and mountains will be covered by forests and perennial trees. To harmoniously combine economic development and natural resources and environmental protection, raise the rate of renewable energies in the province’s used energy.

D. PROGRAMS AND PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT STUDY (See the enclosed Appendix)

DD. MAJOR SOLUTIONS TO IMPLEMENT THE MASTER PLAN

1. Investment capital raising and utilization solutions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

To complete the medium-term public investment plan for the 2016-2020 period in accordance with the current regulations; to concurrently speed up the implementation of national target programs on poverty reduction and building new countryside. To mobilize maximum capital sources from the exploitation of land funds for developing urban centers and industries-handicrafts cottage industries and building new countryside. State budget funds will mainly invest in major important projects like infrastructure of Nghi Son economic zone, environment and major projects on traffic, irrigation and infrastructure outside the fences of industrial establishments.

2. Mechanism and policy solutions

To effectively implement mechanisms and policies issued by central agencies and at the same time review, modify and supplement mechanisms and policies promulgated by the province and focus on agriculture, forestry and fisheries development mechanisms and policies, industrial and trade investment promotion and support policies, and the socialization of socio- cultural fields.

To study the promulgation of a number of new mechanisms and policies to promote enterprises to invest in agricultural and rural areas, hi-tech agricultural development and farm produce processing, large timber trading, and building and replacing offshore fishing vessels with a capacity of 90CV or higher; industrial development policies to support major industries; and policies to encourage the development of priority services and socialize public services and promote investment in infrastructure.

3. Enterprise development solutions

To raise the awareness of the role of enterprises and entrepreneurs in socio-economic development. To build an equal and transparent business environment. To boost training and improve the quality of human resources in enterprises. To set up and provide socio-economic information database to enterprises and investors who are interested in and explore investment opportunities in the province. To effectively implement an action program to raise the provincial competitiveness index (PCI) to 2015 and maintain the province’s PCI index among the country’s top 10 provinces and cities. To fully and promptly implement enterprise development mechanisms and policies on tax and land incentives issued by central and provincial agencies.

4. Science-technology solutions

To elaborate mechanisms and policies to promote enterprises’ investment in and devise policies to appoint scientific and technological cadres to important posts; to effectively implement the socialization to mobilize social funding sources for scientific and technological development. To consolidate and rearrange science and technology establishments toward autonomy and self-accountability; to synchronously invest in a number of labs meeting national and regional countries’ standards in Hong Due University, Medical College and Thanh Hoa industrial vocational training college. To expand cooperation in scientific and technological development with the world’s cities and localities.

5. Human resource development solutions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Natural resources and environmental protection

To enhance the state management of natural resources and the environment. To focus on protecting the river environment, remedying environmental pollution in urban centers, industrial parks and clusters and production establishments. To encourage economic sectors to invest in and apply cutting-edge technologies in collecting, disposing and recycling waste; to prioritize wastewater treament projects of Thanh Hoa city and Nghi Son economic zone; to review and suspend thermopower projects that badly affect the environment.

7. Instruction and administration solutions

To renew contents and methods of local instruction and administration. To tighten disciplines and rules in task performance. To effectively coordinate in settling affairs among levels and sectors and accelerate administrative reform. To enhance inspection and raise the efficiency of anti-corruption. To strictly implement regulations on thrift practice and waste combat.

8. National defense and security assurance solutions

To build comprehensive strong armed forces, increase the capacity to stand ready for fighting in any circumstances, maintain political security and social safety and order in the locality and create a favorable environment for socio-economic development. To further grasp and implement the resolution of the 8th Party Central Committee (the XIth tenure) on national defense strategy in the new context; to consolidate the posture of defensive area; to combine socio-economic development with the assurance of national defense and security and social safety and order.

E. ORGANIZATION AND SUPERVISION OF THE MASTER PLAN IMPLEMENTATION

1. After the adjusted master plan on socio-economic development of Thanh Hoa province through 2020, with orientations toward 2030, is approved, the province shall disseminate it to Party Committees and authorities, sectors, mass organizations, enterprises and people in the province. Based on the contents of the adjusted master plan, the province shall formulate a specific action program for effective implementation.

2. To concretize the contents of the adjusted master plan into five-year and annual plans for implementation and assessment of achieved results. All levels, sectors, socio-political organizations and people in the province shall examine and supervise the implementation of the adjusted master plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. The adjusted master plan on socio-economic development of Thanh Hoa province through 2020, with orientations toward 2030, will serve as a basis for formulating, submitting for approval and implementing sectoral master plans (construction master plan, land use master plan and plans and other relevant master plans) and investment projects in Thanh Hoa province.

Article 3. Based on the objectives, tasks and orientations for provincial socio-economic development set out in the adjusted master plan, the People’s Committee of Thanh Hoa province shall:

1. Guide according to regulations the formulation, approval and implementation of district- level socio-economic development master plans; construction master plan; land use master plan and plans and sectoral development master plans in line with socio-economic development tasks associated with assurance of national defense and security.

2. Formulate medium- and short-term plans, key socio-economic development programs, and specific projects for concentration of investment and appropriate and efficient allocation of funding sources.

3. Study, formulate and promulgate, or submit to competent authorities for promulgation, a number of mechanisms and policies meeting the province’s socio-economic development needs and state laws in each period with a view to attracting and effectively mobilizing resources for the master plan implementation.

Article 4. Within the ambit of their functions, tasks and powers, related ministries and central sectors shall:

1. Guide the People’s Committee of Thanh Hoa province in the implementation of the adjusted master plan.

2. Coordinate with the People’s Committee of Thanh Hoa province in reviewing, adjusting and supplementing sectoral master plans to ensure the master plan’s synchronicity and consistency; consider and support the province in mobilizing investment capital sources at home and abroad for the implementation of the adjusted master plan.

Article 5. This Decision takes effect on the date of its signing and replaces the Prime Minister’s Decision No. 114/2009/QD-TTG of September 28, 2009, approving the master plan on socio-economic development of Thanh Hoa province through 2020.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

Prime Minister




Nguyen Tan Dung

 

APPENDIX

LIST OF PROJECTS PRIORITIZED FOR INVESTMENT STUDY IN THANH HOA PROVINCE
(To the Prime Minister's Decision No. 872/QD-TTg of June 17, 2015)

No.

TITLE OF PROJECT

I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1

East-west belt road, Thanh Hoa city

2

National highway 1A section, bypassing Thanh Hoa city, Thanh Hoa province

3

Coastal road from Nga Son to Tinh Gia

4

Bim Son-Pho Cat-Thach Quang road, Thanh Hoa province (linking national highway 1A and Ho Chi Minh trail)

5

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6

Road linking national highway 47 and Thanh Hoa city (section connecting Cau Thieu and the end of BOT bypass)

7

Road linking national highway 217 and national highways 45 and 47 (including Chu river fly-over)

8

Hoang Khanh, Thieu Khanh, Cam Van, Xuan Khanh and Nam Khe bridges

II

Urban and industrial infrastructure

I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2

To invest in and commercially operate infrastructure of Ngoc Lac industrial park

3

To invest in and commercially operate infrastructure of Tay Nam industrial park, Thanh Hoa city

4

Infrastructure of Thach Quang industrial park

5

To build a new urban zone in the heart of Thanh Hoa city

6

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7

Dong Nam urban zone in Thanh Hoa city

8

Ngoc Lac new urban zone

9

New urban zone of Lam Son-Sao Vang industrial park

10

Lam Son-Sao Vang urban infrastructure

11

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

III

Agricultural infrastructure

1

To build infrastructure of Thanh Hoa province’s hi-tech agricultural zone

2

Hon Me island fishing vessel wharf

3

Len river irrigation system

4

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5

To restore, upgrade and repair key sections of Cau Chay river’s right bank dike

6

Hoang Khanh pumping station

7

Hoang, Ly and Tho Xuan river water receding project

8

To upgrade Ma river’s left and right bank dikes

9

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IV

Culture, sports and tourism infrastructure

1

Provincial museum

2

Provincial sports and physical training complex

3

To conserve and embellish Temples No. 1, 2, 8 and 9 - Lam Kinh historical relic

4

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5

To conserve and embellish the Ham Rong cultural and historical relic, Thanh Hoa city

6

Con Moong cave relic conservation zone

7

Infrastructure of Nua mountain-Am Tien tourism site

V

Education and healthcare infrastructure

1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2

Nghi Son vocational training college

3

Culture, Sports and Tourism University (second branch)

4

To invest in a number of items to complete physical foundations of Hong Due University

5

Infrastructural facilities for guest workers training and retraining center for Middle East countries

6

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7

Nghi Son international general hospital

8

Lam Son private general hospital

9

To intensify provincial and district medical system of Thanh Hoa province

VI

Environmental infrastructure

1

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2

Waste treatment and recycling complex

3

Hon Me sea conservation zone

4

To remedy Sam Son coastal erosion in Sam Son town

Note: The locations, sizes, land areas and total investment amounts of the projects in the above list will be calculated, selected and specified in the stages of formulation and submission of investment projects, depending on the demand and capacity of balancing and mobilizing provincial internal resources.-

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 872/QĐ-TTg ngày 17/06/2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.314

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.41.200
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!