ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4024/2002/QĐ-UB
|
Bến Tre, ngày 10
tháng 12 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
“VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BẾN TRE”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi
thủy sản ngày 25/4/1989;
- Căn cứ Nghị định số 86/2001/NĐ-CP ngày
16/11/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề thủy sản;
- Căn cứ Quyết định số 04/2002/QĐ-BTS ngày
24/1/2002 của Bộ Thủy sản về việc ban hành quy chế quản lý nuôi trồng vùng nuôi
tập trung;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre tại
Tờ trình số 118/TT-STS ngày 03/12/2002,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm
theo quyết định này bản Quy định về quản lý hoạt động nuôi tôm công nghiệp trên
địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Giao trách nhiệm
cho Giám đốc Sở Thủy sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, các cơ quan
có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn và phối hợp kiểm tra thực hiện bản
Quy định này.
Điều 3.Các ông (bà) Chánh
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có liệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tâm
|
QUY ĐỊNH
VỀ
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 4024/QĐ-UB ngày 10/12/2002 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Bến Tre)
Trước sự phát triển khá nhanh một cách tự phát của
nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn
tình Bến Tre nói riêng, làm cho môi trường nuôi thủy sản thay đổi theo hướng
ngày càng xấu đi. Mặt khác do chưa có những quy định mang tính pháp lý nên
ngành thủy sản không thể quản lý được các quy trình kỹ thuật vật nuôi, làm ảnh
hưởng trực tiếp đến tính ổn định và bền vững của nghề nuôi tôm, hệ quả dẫn đến
chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao
của các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới.
Để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây mất cân bằng
sinh thái, ảnh hưởng bất lợi đến môi trường nuôi tôm. Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành Quy định “Về quản lý hoạt động nuôi tôm công nghiệp” trên địa bàn tỉnh Bến
Tre như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này nhằm
quản lý các hoạt động liên quan đến nuôi tôm (bao gồm cả tôm sú, tôm càng xanh
và các loại tôm khác) với hình thức công nghiệp và bán công nghiệp trên địa bàn
tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Đối tượng và phạm
vi áp dụng
Các hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, hộ gia đình…(gọi
tắt là các tổ chức, cá nhân) thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước
có nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 3. Các thuật ngữ
trong Quy định này được hiểu như sau:
- Nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp: là hình thức
nuôi tôm thương phẩm sử dụng giống nhân tạo với mật độ lớn hơn 10 con/m2 ,
sử dụng thức ăn công nghiệp, các trang thiết bị cơ điện và áp dụng quy trình kỹ
thuật nghiêm ngặt để phục vụ quá trình nuôi tôm.
- Chất thải trong nuôi tôm (bao gồm chất thải rắn,
chất thải lỏng): bao gồm thức ăn thừa, phân tôm, xác tôm chết và các dạng mùn bả
hữu cơ khác; dư lượng thuốc hóa chất phòng trị bệnh tôm, chế phẩm sinh học, các
chất xử lý môi trường và nước thải từ ao nuôi.
- Hệ thống xử lý nước: bao gồm ao lắng để chứa và
làm sạch nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi; ao chứa nước thải để xử lý làm
giảm ô nhiễm nước thải trước khi xả ra môi trường xung quanh.
Chương II
NỘI DUNG, BIỆN PHÁP QUẢN
LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP
Điều 4. Xây dựng cơ sở nuôi
tôm công nghiệp, bán công nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế
khi xây dựng cơ sở nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu
sau:
1. Địa điểm xây dựng phải phù hợp với quy hoạch đã
được công bố của cơ quan chuyên ngành.
2. Tránh nguồn chất thải công nghiệp, nông nghiệp
và sinh hoạt của khu đông dân cư, chất đất thải phải phù hợp, không có ion kim
loại nặng và hàm lượng khí độc qua ngưỡng cho phép, không bị nhiễm phèn nặng.
3. Đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng: điện, đường
giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước; khu vực chứa bùn của ao nuôi
do nạo vét cải tạo.
4. Diện tích ao lắng, ao xử lý nước thải có tỷ lệ
diện tích phù hợp với ao nuôi.
5. Đảm bảo an ninh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều 5. Các quy định đối với
hoạt động nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp
1. Cơ sở nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp phải
trang bị đầy đủ thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc nuôi theo tiêu chuẩn ngành số
28 TCN 171: 2001 ban hành kèm theo Quyết định số 651/2001/QĐ-BTS ngày 21/8/2001
của Bộ trưởng Bộ Thủy sản.
2. Tôm giống trước khi đưa vào nuôi phải được kiểm
dịch đầy đủ các loại vi rút gây bệnh cho tôm và được xác nhận là không bị nhiễm
bệnh. Chất lượng tôm giống phải bảo đảm theo tiêu chuẩn ngành 28 TCN 124: 1998
hoặc 28 TCN 96: 1996 đối với tôm sú giống; 28TCN 98: 1996 đối với tôm càng xanh
giống.
3. Sử dụng thức ăn viên có chất lượng cao, đạt yêu
chất lượng theo tiêu chuẩn ngành số 28 TCN 102: 1997. Nghiêm cấm sử dụng thức
ăn tươi sống chưa qua chế biến.
4. Nghiêm cấm sử dụng các chất kháng sinh, hóa chất
trong danh mục cấm theo Quyết định số 01/2002/QĐ-BTS ngày 22/1/2002 của Bộ Thủy
sản về việc cấm sử dụng một số hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh
thủy sản.
5. Chấp hành nghiêm chỉnh việc phòng trị bệnh cho
tôm nuôi theo đúng quy định. Khi phát hiện tôm bệnh phải kịp thời báo cáo cho Sở
Thủy sản (Phòng Kinh tế - Kỹ thuật sở; Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Trung
tâm Khuyến ngư) hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện biết để cử
cán bộ chuyên môn đến hiện trường, hướng dẫn xử lý hoặc chỉ dẫn cách điều trị.
6. Nước thải từ hoạt động nuôi tôm xả ra môi trường
phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Các ao nuôi có tôm bị bệnh
phải được xử lý trước khi thải ra môi trường (thực hiện Quyết định số
04/2002/QĐ-BTS ngày 24/01/2002 của Bộ Thủy sản).
Điều 6. Quản lý nuôi tôm
công nghiệp
1.Các cơ sở nuôi phải có cán bộ kỹ thuật trực tiếp
quản lý, có trình độ chuyên môn trung cấp hoặc đại học nuôi thủy sản hoặc ít nhất
phải qua các lớp đào tạo kỹ thuật viên nuôi tôm công nghiệp do Trung tâm Khuyến
ngư, các Viện, Trường Thủy sản tổ chức và cấp giấy chứng nhận.
- Đôi với các cơ sở nuôi có diện tích mặc nước từ
1-5 ha phải có ít nhất một kỹ thuật viên nuôi thủy sản trực tiếp quản lý.
- Đối với các cơ sở nuôi có mặt nước từ 5-10 ha phải
có ít nhất một kỹ thuật trung cấp nuôi thủy sản trực tiếp quản lý.
- Đối với các khu nuôi có diện tích mặt nước lớn
hơn 10 ha phải có ít nhất một kỹ sư nuôi thủy sản trực tiếp quản lý.
2. Các cơ sở nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp
phải lập bảng đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động
môi trường theo quy định tại Thông tư số: 490/1998/BKHCN–MT ngày 29/4/1998 của
Bộ Khao học Công nghệ và Môi trường.
* Hình thức tổ chức nuôi được khuyến khích
1. Những vùng nuôi tập trung có diện tích lớn, khuyến
khích tổ chức nuôi dưới dạng hợp tác, hình thành các chi hội, tổ hợp tác, hợp
tác xã…nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp để phát huy tiềm năng về vốn, kinh
nghiệm, kỹ thuật, quản lý về môi trường nuôi và đảm bảo an toàn sản xuất.
2. Những tập thể, cá nhân có diện tích nuôi tôm lớn
khuyến khích làm thủ tục đăng ký tham gia sản xuất theo hình thức trang trại để
được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.
3. Các tổ chức, cá nhân nuôi tôm công nghiệp, bán
công nghiệp phải đăng ký kiểm tra điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
(VSATTP) tại Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bến Tre để được kiểm tra, nếu đủ
điều kiện thì được Sở Thủy sản quyết định công nhận cơ sở nuôi đạt tiêu chuẩn đảm
bảo VSATTP. Hồ sơ đăng ký, cơ quan kiểm tra, cơ quan công nhận và hình thức
công nhận được quy định tại các Điều 4; 6; 7; 8 Quy chế kiểm tra và công nhận
cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn đảm bảo VSATTP (ban hành kèm
theo Quyết định số 649/2000/QĐ–BTS ngày 04/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản).
Điều 7. Hệ thống tổ chức quản
lý
1. Sở Thủy sản là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên
ngành, tổ chức phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch phát triển
các vùng nuôi thủy sản nói chung và vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp
trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Điều tra xác định thời điểm cho từng vụ nuôi ở từng
vùng, định hướng đối tượng nuôi phù hợp cho từng mùa vụ, từng vùng; từng bước
quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi tôm công nghiệp hạn chế tình trạng tự phát
trong nghề nuôi tôm của nhân dân.
2. Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản là cơ quan trực
tiếp thanh tra kiểm tra các hoạt động nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp
trên địa bàn tỉnh Bến Tre, xử lý hoặc phối hợp với chính quyền địa phương, cơ
quan chức năng có liên quan xử lý các hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực
nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
3. Trung tâm Khuyến ngư là đơn vị chịu trách nhiệm
chính về tư vấn kỹ thuật trong nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp cho người
nuôi tôm; phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao quy trình nuôi tôm công nghiệp, bán
công nghiệp cho người nuôi. Quan trắc môi trường nuôi thủy sản để có những khuyến
cáo cần thiết, kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thủy sản
nói chung và người nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp khi có sự cố về môi
trường hoặc dịch bệnh trong tôm nuôi.
4. Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm
phối hợp Sở Thủy sản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ
môi trường trong hoạt động nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, phường, thị
trấn và các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với chuyên ngành thủy sản
trong việc xây dựng quy hoạch các vùng nuôi thủy sản, các dự án nuôi tôm công
nghiệp, bán công nghiệp tập trung; thực hiện việc kiểm tra và xử lý các hành vi
vi phạm quy định trong lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp và các
quy định có liên quan khác trên địa bàn địa phương, ngành mình quản lý.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ
sở nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp
1. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định được nêu tại
Chương II của Quy định này, các quy định khác có liên quan của Nhà nước và của
Bộ Thủy sản.
2. Cung cấp trung thực và đầy đủ thông tin diễn biến
môi trường, dịch bệnh ao nuôi tôm của cơ sở cho cơ quan chức năng có thẩm quyền
khi có yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nói trên tiến hành thu mẫu
môi trường và thủy sản nuôi để việc phân tích đạt kết quả cao.
3. Phối hợp với cơ quan nghiên cứu của ngành và cơ
quan chức năng của địa phương trong việc tìm phương án xử lý môi trường và dịch
bệnh khi có sự cố; đề xuất ý kiến với cơ quan chức năng có thẩm quyền trong quá
trình thực hiện Quy định này.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 9. Các tổ chức cá nhân
có thành tích trong việc thực hiện nội dung bản Quy định này và những văn bản
pháp luật khác có liên quan sẽ được xét biểu dương khen thưởng. Các tổ chức, cá
nhân nào vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành hoặc
bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy
định của pháp luật.
Điều 10. Tổ chức, cá nhân
có quyền khiếu nại, tố cáo cơ quan Nhà nước, cá nhân có hành vi vi phạm trong
việc thực hiện Quy định này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo
quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo.
Trong quá trình thực hiện có điều kiện gì khó khăn,
vướng mắc, Sở Thủy sản tập hợp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ
sung./.