TÒA ÁN NHÂN
DÂN
TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 21/TANDTC-KHXX
về thẩm quyền ra quyết định giảm giá tài sản
khi bán đấu giá không thành tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình
trạng phá sản
|
Hà Nội ngày 22
tháng 02 năm 2013
|
Kính gửi:
|
- Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
- Tòa án nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
|
Trong
thời gian vừa qua, một số Tòa án nhân dân địa phương đề nghị hướng dẫn về thẩm
quyền ra quyết định giảm giá tài sản và mức giảm giá tài sản khi bán đấu giá
không thành do không có người đăng ký tham gia đấu giá mua tài sản của doanh
nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết
vụ việc phá sản. Sau khi trao đổi và thống nhất ý kiến với Viện kiểm sát nhân
dân tối cao (theo Công văn số 75/VKSTC-V12 ngày 30-01-2013), Bộ Tư pháp (theo
Công văn số 46/BTP-TCTHADS ngày 03-01-2013), Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn
như sau:
1.
Thẩm quyền giảm giá tài sản khi bán đấu giá không thành tài sản của doanh nghiệp,
hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
Theo
quy định của Luật Phá sản tại khoản 3 Điều 8 về nhiệm vụ
và quyền hạn của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, thì Thẩm phán/Tổ Thẩm
phán tiến hành thủ tục phá sản có “nhiệm vụ, quyền hạn giám sát, tiến hành
thủ tục phá sản”; tại điểm h khoản 1 Điều 10, thì Tổ
quản lý, thanh lý tài sản có nhiệm vụ, quyền hạn “Thi hành quyết định của Thẩm
phán về việc bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục
thanh lý theo đúng quy định của pháp luật về bán đấu giá”; tại điểm a khoản 1 Điều 11, thì Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý
tài sản có nhiệm vụ, quyền hạn “Điều hành Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 10 của Luật này”.
Theo
quy định của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11-7-2006 hướng dẫn việc áp dụng
Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức hoạt động của Tổ quản lý,
thanh lý tài sản (Nghị định số 67/2006/NĐ-CP) tại điểm i khoản
2 Điều 21 về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ quản lý,
thanh lý tài sản, thì Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản có nhiệm vụ, quyền
hạn“Quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo các quy định
pháp luật về thi hành án dân sự”. Luật Thi hành án dân sự quy định về Biện
pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án tại Chương IV; theo đó, có quy định tại Điều 104 về xử lý tài sản bán đấu giá không thành như sau: “Trong
thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà đương sự không yêu cầu
định giá lại thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán
đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá 10 phần trăm giá đã định”.
Theo
quy định của Luật Phá sản tại Điều 50 về kiểm kê tài sản của
doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, thì “1. … doanh nghiệp,
hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản phải tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản
theo bảng kê chi tiết đã nộp cho Tòa án và xác định giá trị các tài sản đó… 3.
Trong trường hợp xét thấy việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp,
hợp tác xã quy định tại khoản 1 Điều này là không chính xác thì Tổ quản lý,
thanh lý tài sản tổ chức kiểm kê, xác định lại giá trị một phần hoặc toàn bộ
tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Đồng
thời, theo quy định của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP tại Điều 22
về định giá tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản,
thì:
“1.
Trường hợp Tổ quản lý, thanh lý tài sản và doanh nghiệp, hợp tác xã không thoả
thuận được về giá tài sản đã được kiểm kê thì Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý
tài sản có trách nhiệm thuê tổ chức có chức năng định giá hoặc thành lập Hội đồng
định giá tài sản thực hiện công việc này.
2.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có tổng giá trị tài sản còn lại được ghi trong
báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp từ 30 tỷ đồng trở lên thì thuê các
tổ chức có chức năng định giá như các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, tổ
chức thẩm định giá, ngân hàng đầu tư trong nước và ngoài nước có chức năng định
giá (sau đây gọi tắt là tổ chức định giá).
3.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có tổng giá trị tài sản còn lại được ghi trong
báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp dưới 30 tỷ đồng thì thành lập Hội đồng
định giá:
a)
Thành phần Hội đồng định giá gồm: Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản làm Chủ
tịch Hội đồng; đại diện cơ quan tài chính; đại diện một số cơ quan khác có liên
quan; đại diện chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;
đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động theo quy định tại điểm a khoản
5 Điều 15 của Nghị định này;
b)
Hội đồng định giá quyết định theo đa số; trong trường hợp ý kiến ngang nhau thì
bên có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.
4.
Tổ chức định giá và Hội đồng định giá có nhiệm vụ xác định giá tối thiểu của
doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của toàn bộ tài sản trước khi bán đấu giá bao gồm
cả việc định giá tài sản là vật bảo đảm các khoản nợ vay, tài sản mà doanh nghiệp,
hợp tác xã đã bán 03 (ba) tháng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.”
Như
vậy, theo tinh thần các quy định nêu trên, thì trong quá trình tiến hành thủ tục
thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản, thì sau
khi Thẩm phán/Tổ Thẩm phán ra Quyết định bán đấu giá tài sản, Tổ quản lý, thanh
lý tài sản có nhiệm vụ thi hành quyết định của Thẩm phán về việc bán đấu giá
tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý theo đúng quy
định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Do đó, toàn bộ các hoạt động liên
quan việc bán đấu giá tài sản như tổ chức bán đấu giá, quyết định giảm giá tài
sản, tổ chức bán đấu giá lại tài sản,… là do Tổ quản lý, thanh lý tài sản mà Tổ
trưởng điều hành thực hiện theo quy định của pháp luật phá sản và pháp luật về
bán đấu giá tài sản, mà cụ thể là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04-3-2010 của
Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số 17/2010/NĐ-CP).
Đồng
thời, Thẩm phán/Tổ Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản không có thẩm quyền xác
định giá trị tài sản của doanh nghiệp được mang bán đấu giá, nên cũng không có
thẩm quyền xác định lại giá trị của tài sản đó. Trong quá trình tổ chức bán đấu
giá tài sản, Tổ quản lý, thanh lý tài sản căn cứ bản kê biên và xác định giá trị
tài sản do doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản nộp cho Tòa án
hoặc tham khảo kết quả định giá của Tổ chức định giá/Hội đồng định giá tài sản
và giá trị của tài sản trong thời điểm bán đấu giá tại thị trường địa phương để
xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Trường hợp, xét thấy việc xác định
giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã là không chính xác thì Tổ quản lý,
thanh lý tài sản tổ chức xác định lại giá trị một phần hoặc toàn bộ tài sản của
doanh nghiệp, hợp tác xã để tiến hành bán đấu giá. Trường hợp, tiến hành bán đấu
giá lại tài sản mà phải xác định lại giá trị của tài sản thì thẩm quyền này
cũng thuộc về Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Tỷ lệ mỗi lần giảm giá tài sản là
không quá 10 phần trăm giá đã định.
2.
Xử lý khi bán đấu giá không thành tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào
tình trạng phá sản
a)
Bán đấu giá tài sản không thành
Theo
quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP:
- Tại
Điều 38 về rút lại giá đã trả, thì “1. Tại cuộc bán đấu giá tài sản, người đã trả giá cao nhất mà rút lại
giá đã trả trước khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá công bố người mua
được tài sản thì cuộc bán đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người trả
giá liền kề trước đó. Trong trường hợp không có người trả giá tiếp thì cuộc bán
đấu giá coi như không thành.”;
- Tại
Điều 39 về từ chối mua tài sản bán đấu giá, thì “1. Tại cuộc bán đấu giá, khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá
tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua
thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản
tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua.
Đối với cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, trong trường hợp từ chối
mua nêu trên mà có từ hai người trở lên cùng trả giá liền kề, nếu giá liền kề
đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua
thì tài sản được bán cho một trong hai người trả giá liền kề đó, sau khi đấu
giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá.
Trong trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn
giá đã trả của người từ chối mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.
2. Trong trường hợp người trả giá liền kề không đồng ý mua thì cuộc
bán đấu giá coi như không thành.”.
Đồng
thời, theo quy định của Luật Thương mại tại Điều 202 về đấu
giá không thành, thì “Cuộc đấu giá được coi là không thành trong các trường
hợp sau đây: 1. Không có người tham gia đấu giá, trả giá; 2. Giá cao nhất đã trả
thấp hơn mức giá khởi điểm đối với phương thức trả giá lên.”.
Như
vậy, trường hợp không có người đăng ký tham gia đấu giá mua tài sản, thì áp dụng tương tự quy định của Điều
202 Luật Thương mại, coi trường hợp này là một trong những trường hợp
bán đấu giá tài sản không thành.
b)
Xử lý khi bán đấu giá tài sản không thành do không có người tham gia đấu giá,
trả giá
Trong
quá trình tiến hành bán đấu giá tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào
tình trạng phá sản, trường hợp bán đấu giá tài sản không thành do không có người
tham gia đấu giá, trả giá thì Tòa án cần lưu ý như sau:
Trường
hợp thứ nhất: xem xét, tìm hiểu về quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản
cho thấy, việc tổ chức bán đấu giá tài sản chưa được thực hiện đúng theo quy định
của pháp luật phá sản (Luật Phá sản, Nghị định số 67/2006/NĐ-CP), pháp luật về
bán đấu giá tài sản (Nghị định số 17/2010/NĐ-CP) và pháp luật có liên quan, thì
Thẩm phán/Tổ Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản yêu cầu Tổ quản lý, thanh lý
tài sản thực hiện lại quá trình bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật mà
không cần phải giảm giá tài sản.
Trường
hợp thứ hai: xem xét, tìm hiểu về quá trình tổ chức bán đấu giá cho thấy việc
tổ chức bán đấu giá tài sản đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật
như nêu tại trường hợp thứ nhất, nhưng không có người đăng ký tham gia đấu giá,
trả giá thì xử lý như sau:
(1)Trường
hợp không có người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá do giá khởi điểm của tài sản
được xác định cao, thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản căn cứ các quy định nêu tại
mục 1 Công văn này để ra quyết định giảm giá tài sản (Quyết định giảm giá tài sản
mỗi lần không quá 10 phần trăm giá đã định) và tiến hành bán đấu giá lại. Tổ quản
lý, thanh lý tài sản thông báo cho Thẩm phán/Tổ Thẩm phán tiến hành thủ tục phá
sản và Viện kiểm sát cùng cấp được biết.
(2)
Trường hợp không có người đăng ký tham đấu giá, trả giá do không có người có
nhu cầu mua loại tài sản được bán đấu giá đó, thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản
áp dụng quy định tại Điều 40 Nghị định 17/2010/NĐ-CP báo
cáo, trả lại tài sản và đề xuất ý kiến để Thẩm phán/Tổ Thẩm phán tiến hành thủ tục
phá sản ra quyết định áp dụng biện pháp khác đối với tài sản bán đấu giá không
thành theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
Tòa
án nhân dân tối cao yêu cầu các Đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương sau khi nhận được Công văn này cần tổ chức quán triệt và triển khai
thực hiện.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Chánh án TANDTC (để b/c);
- Các Đ/c Phó Chánh án TANDTC (để biết);
- Tòa án quân sự Trung ương (để biết);
- Các Tòa chuyên trách, các Tòa phúc thẩm TANDTC (để thực hiện);
- Các Thẩm phán TANDTC (để thực hiện);
- Ban Thanh tra, Ban Thư ký, Trường Cán bộ Tòa án TANDTC (để thực hiện);
- Tạp chí Tòa án nhân dân; Cổng thông tin điện tử TANDTC (để đăng thông tin);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao (để phối hợp chỉ đạo);
- Bộ Tư pháp (để phối hợp chỉ đạo);
- Lưu: VT Văn phòng, VKHXX (TANDTC).
|
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN THƯỜNG TRỰC
Đặng Quang Phương
|