BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
622/TB-BNN-VP
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2010
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH
GIÁ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2009 VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2010 CỦA NGÀNH NN
& PTNT
Ngày 15 tháng 01 năm 2010, Bộ
trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị đánh giá thực hiện kế hoạch năm 2009 và
triển khai kế hoạch năm 2010 của ngành Nông nghiệp và PTNT. Phó Thủ tướng thường
trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đến dự và có ý kiến chỉ đạo về nhiệm vụ phát
triển Ngành năm 2010. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp
và PTNT; đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương; Giám đốc các Sở Nông nghiệp và PTNT; đại diện một số Bộ, ngành trung
ương; Thủ trưởng các đơn vị thuộc khối quản lý nhà nước, Viện, Trường, Tập
đoàn, các Tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Sau khi nghe báo cáo kết quả thực
hiện kế hoạch năm 2009 và kế hoạch năm 2010, trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo
của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và ý kiến phát biểu của
các đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận như sau:
Năm 2009 dù có nhiều khó khăn
nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, với sự nỗ lực của các địa phương,
toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hoàn thành hầu hết các chỉ
tiêu của kế hoạch 2005-2010, trong đó có những lĩnh vực đã vượt chỉ tiêu như tổng
kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản bước đầu có những chuyển biến mới về phát
triển nông thôn; đời sống của đa số nông dân tiếp tục được cải thiện; nông nghiệp
góp phần quan trọng cùng các ngành kinh tế khác ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm
bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại:
Tăng trưởng còn thấp cả về giá trị sản xuất và giá trị gia tăng; nhiều vấn đề lớn
tồn tại từ nhiều năm chậm được giải quyết nhất là về chất lượng, an toàn vệ
sinh thực phẩm, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hàng nông lâm thủy sản, bảo
vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Năm 2010 là năm cuối của kế hoạch
5 năm 2005 - 2010, Chính phủ đã xác định phải nỗ lực phấn đấu để phục hồi tăng
trưởng kinh tế, trong đó ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tiếp tục
nỗ lực đảm bảo các lĩnh vực sản xuất của ngành tăng trưởng cao hơn năm 2009, giải
quyết các bức xúc, đẩy mạnh phát triển nông thôn, góp phần phát triển kinh tế,
xã hội nói chung. Để triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng
thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị, toàn Ngành cần tập trung thực hiện
nhiệm vụ chính như sau:
1. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng
của Ngành cao hơn năm 2009, cụ thể giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản từ 3 -
3,2%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản từ 4,5 - 4,6%;
2. Triển khai mạnh mẽ chương
trình xây dựng nông thôn mới;
3. Tập trung tạo sự chuyển biến
rõ nét trong giải quyết những vấn đề bức xúc của Ngành như: an toàn vệ sinh thực
phẩm, phá rừng trái phép, xóa đói giảm nghèo,…
Để hoàn thành các nhiệm vụ này,
các địa phương và các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung thực hiện các nhóm giải
pháp sau đây:
1. Đối với
các địa phương:
a) Trong lĩnh vực trồng trọt:
- Tập trung chỉ đạo công tác phòng,
chống dịch bệnh trên cây trồng, nhất là bệnh lùn sọc đen ở các tỉnh miền Bắc;
- Triển khai quyết liệt các giải
pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung rau, chè, trái cây nhất là kiểm
soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh việc áp dụng GAP, ‘3
giảm, 3 tăng’, tưới tiết kiệm,…;
- Thúc đẩy phát triển các loại
cây trồng; đối với các diện tích có khả năng bị khô hạn chuyển sang trồng ngô,
đậu tương, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc hướng dẫn nông dân áp dụng các
biện pháp kỹ thuật để phát triển trồng sắn bền vững.
b) Trong lĩnh vực chăn nuôi: tiếp
tục chỉ đạo để đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 8% trở lên, trong đó tập trung.
- Chỉ đạo quyết liệt công tác
phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm;
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực
phẩm, nhất là kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các lò mổ;
- Tăng cường kiểm soát chất lượng
giống và thức ăn chăn nuôi; phổ biến các quy trình chăn nuôi tiên tiến;
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc
việc kiểm soát buôn lậu gia súc qua biên giới.
c) Trong lĩnh vực thủy sản:
- Triển khai mạnh mẽ việc thực
hiện các quy định của EU về làm rõ nguồn gốc thủy sản khai thác;
- Kiểm soát chặt chẽ con giống,
thức ăn để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Tập trung chỉ đạo phát triển
các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị cao như tôm sú, phát triển tôm thẻ chân
trắng theo đúng chỉ đạo của Bộ. Chỉ đạo phát triển nuôi cá tra phù hợp với yêu
cầu của thị trường, nhất là về chất lượng, đảm bảo đạt hiệu quả cao, không chạy
theo phát triển số lượng. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần tận dụng khả năng để
phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
d) Trong lĩnh vực lâm nghiệp:
- Chỉ đạo thực hiện quyết liệt
các biện pháp để bảo vệ rừng; hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền cơ sở (xã), chủ rừng
triển khai các biện pháp để bảo vệ rừng.
- Chỉ đạo quyết liệt để hoàn
thành kế hoạch trồng rừng theo Dự án ‘661’ nhất là chỉ tiêu về trồng rừng phòng
hộ; hướng dẫn các chủ rừng cải tạo làm giàu rừng đúng kỹ thuật, hạn chế chặt
‘trắng’;
- Chuẩn bị để tổ chức Tết trồng
cây và triển khai kế hoạch trồng cây phân tán thiết thực, hiệu quả theo chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ.
d) Về diêm nghiệp:
- Tăng cường việc chuyển giao, hỗ
trợ diêm dân triển khai các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất,
chất lượng muối;
e) Trong lĩnh vực thủy lợi và
xây dựng cơ bản:
- Tăng cường phối hợp, nhất là
công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản, nhất là việc
xây dựng các công trình thủy lợi;
- Rà soát lại từng hệ thống công
trình thủy lợi, xây dựng đề án sửa chữa, nâng cấp để nâng cao hiệu quả quản lý,
khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn.
g) Về phát triển nông thôn, triển
khai mạnh mẽ trên thực tế nhằm tạo ra sự chuyển biến trong nông thôn:
- Tổ chức kiểm điểm một năm thực
hiện Nghị quyết Trung ương VH về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời tiếp
tục quán triệt để nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở
về chương trình xây dựng nông thôn mới;
- Khẩn trương chỉ đạo chính quyền
cấp xã, thôn rà soát, đối chiếu với bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới để làm
căn cứ cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách thực hiện Chương trình xây
dựng nông thôn mới;
- Tổ chức phát động cuộc vận động
xây dựng nông thôn mới để nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, Nghiên cứu
lồng ghép các chương trình hiện có với Chương trình xây dựng nông thôn mới để tận
dụng mọi nguồn lực. Chọn một số nơi làm thí điểm để rút kinh nghiệm trước khi
triển khai trên diện rộng;
- Triển khai mạnh mẽ Chương
trình đào tạo một triệu nông dân, nghiên cứu để lựa chọn các phương thức đào tạo
phù hợp với từng đối tượng; huy động hệ thống khuyến nông tham gia tích cực thực
hiện Chương trình này;
- Hoàn thành việc thực hiện các
nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch VSMTNT, không chỉ đảm
bảo số lượng mà quan trọng là đảm bảo chất lượng; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân
xây dựng các nhà tiêu hợp vệ sinh;
- Tăng cường các hoạt động bảo vệ
và cải thiện môi trường nông thôn, các làng nghề,…
- Chỉ đạo tiếp tục thực hiện các
nhiệm vụ theo Nghị quyết ‘30a’, công tác di dân,…
h) Tiếp tục thực hiện các biện
pháp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; đổi
mới các nông lâm trường quốc doanh và doanh nghiệp quản lý thủy nông.
i) Tăng cường, nâng cao hiệu
quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước Nhà nước nhất là ở cơ sở như hoạt
động của Ban nông nghiệp xã; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ làm tốt
công tác thống kê làm cơ sở cho việc thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ sản
xuất, nhất là trong lĩnh vực thủy sản.
k) Làm tốt công tác thông
tin, tuyên truyền triển khai có hệ thống, nhất quán, thống nhất, phối hợp
chặt chẽ với các cơ quan của Bộ, đảm bảo mọi thông tin, chính sách chỉ đạo của
Chính phủ, của Bộ phải được chuyển tải đến người dân.
2. Đối với
các doanh nghiệp:
- Đảm bảo hoàn thành công tác cổ
phần hóa doanh nghiệp trước 30/6/2010 theo chỉ đạo của Chính phủ;
- Đẩy mạnh công tác thị trường,
nâng cao hiệu quả sản xuất kinh tế.
3. Đối với
các viện, trường:
- Chủ động, đổi mới nâng cao hiệu
quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu: nhanh chóng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật
vào sản xuất ngay từ khâu giống cho tới khâu bảo quản.
4. Các cơ
quan quản lý nhà nước của Bộ:
- Đẩy mạnh thực hiện cải cách
hành chính, nhất là tiếp tục thực hiện Đề án ‘30’ theo chỉ đạo của Chính phủ;
Toàn Ngành thực hiện tốt Luật
phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức
đón Tết Canh dần vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ và của Bộ trưởng.
Văn phòng thông báo để các đơn vị
biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Công đoàn NN&PTNT;
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh;
- Các doanh nghiệp, các viện, các trường thuộc Bộ;
- Đảng vụ Công đoàn, Đoàn thanh niên cơ quan Bộ;
- Đảng ủy khối cơ sở TP Hồ Chí Minh;
- Báo, Tạp chí thuộc Bộ;
- Các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ; Trên địa chỉ: Website: http:\\www.omard.vn
- Ban Đổi mới &QLDN; Trên địa chỉ: Website: http:\\www.omard.vn
- Các Trung tâm, các BQL DA thuộc Bộ; Trên địa chỉ: Website:
http:\\www.omard.vn
- Lưu: VT, TH.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
Nguyễn Minh Nhạn
|