ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 419/KH-UBND
|
An Giang, ngày
14 tháng 7 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 2 “ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN
NGƯỜI” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
Căn cứ Quyết định số 1524/QĐ-BCA-C41, ngày
19/5/2017 của Bộ Công an phê duyệt Đề án 2 “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua
bán người” thuộc Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2017 - 2020;
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục tiêu
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát huy vai
trò của các ngành, các cấp và nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm
(PCTP) mua bán người. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều
tra, truy tố, xét xử, phấn đấu đạt mục tiêu làm giảm tội phạm mua bán người.
2. Yêu cầu về chỉ tiêu
- Chỉ tiêu 1: Hàng năm, 100% các tuyến, địa bàn trọng
điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ
để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn.
- Chỉ tiêu 2: 100% thông tin liên quan đến tội
phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý và những
trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh theo luật định.
- Chỉ tiêu 3: Hàng năm, tăng ít nhất 2% tỷ lệ khởi
tố, điều tra các vụ án mua bán người trên tổng số các vụ việc được phát hiện.
- Chỉ tiêu 4: Hàng năm, đạt 95% số vụ án mua bán
người được truy tố trên tổng số vụ do Viện Kiểm sát thụ lý.
- Chỉ tiêu 5: Hàng năm, đạt 95% số vụ án mua bán
người được giải cứu và xét xử trên tổng số do Tòa án thụ lý.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC TRỌNG
TÂM
1. Tiểu Đề án 1: “Đấu tranh
phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực nội địa"
a) Nội dung trọng tâm
- Điều tra cơ bản, áp dụng đồng bộ các biện pháp
nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện,
ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người.
- Tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác
về tội phạm mua bán người.
- Điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm
mua bán người, truy bắt các đối tượng phạm tội, chú trọng các biện pháp giải cứu
và bảo vệ nạn nhân.
- Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm
mua bán người.
- Tham dự các khóa tập huấn kỹ năng, phương pháp
điều tra các vụ án mua bán người do Bộ, Ngành Trung ương tổ chức.
- Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt
động đấu tranh PCTP mua bán người từ cấp cơ sở.
- Tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa
phương, lực lượng chức năng các nước, tổ chức quốc tế, nhất là với Camphuchia
trong công tác điều tra, xử lý tội phạm mua bán người và giải cứu, tiếp nhận, bảo
vệ nạn nhân; trao đổi kinh nghiệm về công tác PCTP mua bán người.
- Huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật
từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các nguồn hợp pháp khác phục
vụ cho công tác đấu tranh PCTP mua bán người và bảo vệ nạn nhân.
b) Cơ quan thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát
Hình sự).
- Cơ quan phối hợp: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh.
2. Tiểu Đề án 2: “Đấu tranh
phòng, chống tội phạm mua bán người khu vực biên giới và hải đảo”
a) Nội dung trọng tâm
- Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ
PCTP nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng
ngừa, đấu tranh.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp
vụ cơ bản trong quản lý địa bàn, đối tượng; đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ trinh
sát ngoại biên, trinh sát kỹ thuật, trinh sát xã hội hóa; tăng cường các hoạt động
tuần tra, kiểm soát biên giới, quản lý xuất, nhập cảnh kết hợp với công tác
tuyên truyền phòng ngừa nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm mua bán người
và các hoạt động lợi dụng đưa người di cư trái phép qua biên giới để lừa bán.
- Tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác
tội phạm mua bán người; điều tra, phát hiện, truy bắt đối tượng phạm tội; thu
thập tài liệu, chứng cứ khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra theo thẩm quyền
và thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
- Xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch đấu
tranh thường xuyên và mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán
người trên các tuyến, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới.
- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tiến
hành các hoạt động nghiệp vụ PCTP mua bán người; hợp tác với lực lượng Công an,
Biên phòng của Campuchia trong tuần tra, kiểm soát biên giới; trao đổi thông
tin; điều tra, truy bắt tội phạm; giải cứu, trao trả, tiếp nhận nạn nhân bị mua
bán.
- Tham gia tập huấn nâng cao năng lực pháp luật,
nghiệp vụ phòng, chống mua bán người do Bộ, Ngành Trung ương tổ chức.
- Huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật từ các
tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ công tác PCTP mua bán người, bảo
vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
b) Cơ quan thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh (Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm).
- Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ.
3. Tiểu Đề án 3: “Truy tố và
xét xử tội phạm mua bán người"
a) Nội dung trọng tâm
- Thực hành quyền công tố và kiểm sát công tác
tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát công
tác điều tra, xét xử các vụ án mua bán người.
- Xét xử các vụ án mua bán người, phối hợp lựa
chọn án điểm và tổ chức phiên tòa xét xử lưu động vụ án mua bán người.
- Thực hiện công tác thống kê số liệu tội phạm
mua bán người.
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong
quá trình truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, đặc biệt với các nạn nhân là
trẻ em.
- Thực hiện hiệu quả quy trình phối hợp giữa các
cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy
tố, xét xử tội phạm mua bán người.
- Thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp về
PCTP mua bán người.
- Tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho kiểm
sát viên, thẩm phán về công tác truy tố, xét xử, nhất là các vụ án mua bán người
vì mục đích cưỡng bức lao động; công tác bảo vệ và bồi thường cho các nạn nhân
trong các vụ án mua bán người.
- Huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật từ các
tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ công tác truy tố, xét xử tội phạm
mua bán người và bảo vệ các nạn nhân.
b) Cơ quan thực hiện
- Cơ quan chủ trì: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
(Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án
an ninh, ma túy, trật tự xã hội).
- Cơ quan phối hợp: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ
đội Biên phòng tỉnh, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của
các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác đấu tranh phòng, chống mua bán
người.
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chủ động nắm
chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, làm
tốt công tác tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo PCTP, HIV/AIDS, TNXH và Xây dựng
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp triển khai thực hiện tốt
công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với tội phạm mua bán người.
3. Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, xác định
các tuyến, địa bàn trọng điểm mua bán người, chú trọng công tác nghiệp vụ, tập
trung phát hiện, điều tra khám phá các vụ án mua bán người.
4. Tập trung lực lượng điều tra, khám phá các vụ
án mua bán người, đặc biệt là triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm mua bán
người xuyến quốc gia, liên tỉnh và giải cứu kịp thời các nạn nhân, truy bắt các
đối tượng phạm tội.
5. Thực hiện tốt công tác truy tố, xét xử các vụ
án mua bán người. Đảm bảo các vụ án đều được truy tố và xét xử nghiêm minh,
tránh oan sai và bỏ lọt lội phạm.
6. Duy trì thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp
giữa các Sở ngành trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các Tiểu Đề án, tăng cường
hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, giải cứu nạn nhân
và truy bắt các đối tượng phạm tội mua bán người.
7. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
tài chính để thực hiện Đề án đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, đồng bộ và khả
thi. Định kỳ hàng năm có kế hoạch chỉ đạo triển khai và làm tốt công tác giám
sát, đánh giá quá trình thực hiện.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kế hoạch này được thực hiện từ nay đến hết
năm 2020.
2. Các Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị
xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo thực hiện có
hiệu quả các nhiệm vụ của Kế hoạch này. Trong đó:
- Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát Hình sự): Chủ trì
thực hiện Đề án 2; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Tiểu Đề án 1 (phôtô gửi
kèm).
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (Phòng
phòng, chống ma túy và tội phạm) : Chủ trì xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện Tiểu Đề án 2 (phôtô gửi kèm).
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (Phòng Thực hành
quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh, ma túy,
trật tự xã hội): Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Tiểu Đề án 3
(phôtô gửi kèm).
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các
lực lượng liên quan xây dựng kế hoạch chung và kế hoạch thực hiện 03 Tiểu Đề án
theo đúng quy định.
Kế hoạch triển khai thực hiện của các ngành, địa
phương gửi về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát Hình sự: Số 6, đường Tôn Đức Thắng,
phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên) trong tháng 7/2017 để theo dõi.
3. Kinh phí thực hiện
Căn cứ các nhiệm vụ được giao, các Sở ngành, địa
phương chủ động bố trí kinh phí trong dự toán chi thường xuyên được giao hàng
năm để thực hiện Kế hoạch này; lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục
tiêu khác. Ngoài ra, còn được huy động từ nguồn kinh phí PCTP và từ các nguồn
kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Chế độ thông tin báo cáo: Các Sở ngành và
UBND các địa phương báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này định kỳ 6
tháng, năm và tổng kết giai đoạn gửi về Công an tỉnh để tổng hợp chung.
5. Giao Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát Hình sự) chủ
trì, phối hợp với các sở ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức
thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ
Công an theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Vương Bình Thạnh
|