THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MỘT SỐ TIÊU CHÍ ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ CƠ SỞ NGHIÊN
CỨU VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO, DỰ ÁN ĐẦU TƯ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO ĐỂ SẢN XUẤT
SẢN PHẨM CÔNG NGHỆ CAO ĐẦU TƯ VÀO KHU CÔNG NGHỆ CAO
Căn cứ Luật Công nghệ
cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số
28/2023/NĐ-CP ngày 02 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số
10/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ quy định về khu công nghệ
cao;
Theo đề nghị của Vụ
trưởng Vụ Công nghệ cao và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ ban hành Thông tư quy định một số tiêu chí đối với dự án đầu tư cơ
sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao
để sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tư vào khu công nghệ cao.
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định các
tiêu chí đối với dự án đầu tư cơ sở
nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao để
sản xuất sản phẩm công nghệ cao đầu tư vào khu
công nghệ cao được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 29 và điểm đ
khoản 1 Điều 32 Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2024 của
Chính phủ quy định về khu công nghệ cao.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối
với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện dự
án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, dự án đầu tư ứng dụng
công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại khu công nghệ cao quy định
tại Điều 1 Thông tư này.
Điều
3. Tiêu chí dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao
Dự án đầu tư cơ sở nghiên
cứu và phát triển công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc và tiêu chí quy định
tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 28 và các điểm a, b, c, d khoản 2
Điều 29 Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ
quy định về khu công nghệ cao, đồng thời đáp ứng các tiêu chí sau:
1. Số lượng người lao động
có chuyên môn và kinh nghiệm phù hợp với hoạt động nghiên cứu và phát triển của
dự án đầu tư có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động
có thời hạn từ 01 năm trở lên để trực tiếp tham gia thực hiện hoạt động nghiên
cứu và phát triển phải đạt ít nhất 70% tổng số người lao động của dự án, trong
đó số người lao động có bằng đại học trở lên phải đạt ít nhất 85%;
2. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu
và phát triển chính của dự án đầu tư phải có ít nhất một (01) thành viên tham
gia trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu và phát triển có tối thiểu năm (05) năm
kinh nghiệm thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực đó;
3. Tổng chi cho hoạt động
nghiên cứu và phát triển hằng năm phải đạt ít nhất 80% các khoản chi hoạt động
hằng năm của dự án đầu tư.
Nội dung chi cho hoạt động
nghiên cứu và phát triển tại khoản này theo quy định tại khoản 1
Điều 5 Thông tư này;
4. Có đầy đủ máy móc, thiết
bị cần thiết phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển phù hợp với lĩnh vực
nghiên cứu và phát triển của dự án đầu tư và được bố trí trong không gian làm
việc đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
Điều
4. Tiêu chí dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ
cao
Dự án đầu tư ứng dụng
công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc và
tiêu chí quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 28 và các điểm
a, b, c, d khoản 1 Điều 32 Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm
2024 của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao, đồng thời đáp ứng các tiêu
chí sau:
1. Các sản phẩm của dự án
đầu tư phải thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển
ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tỷ lệ doanh thu
từ sản xuất sản phẩm công nghệ cao hằng năm của dự án đầu tư phải đạt ít nhất
80% tổng doanh thu hằng năm của dự án đầu tư;
2. Số lượng người lao động
đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp hoặc văn bằng giáo dục đại
học đạt ít nhất 75% tổng số người lao động của dự án đầu tư;
3. Số lượng người lao động
có trình độ từ cao đẳng trở lên trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu, phát
triển và ứng dụng công nghệ của dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu sau:
a) Đối với trường hợp dự
án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối
thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận
đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có tổng số người
lao động từ 3.000 người trở lên: đạt ít nhất 2,5% tổng số người lao động của dự
án đầu tư;
b) Đối với các trường hợp
còn lại: đạt ít nhất 5% tổng số người lao động của dự án đầu tư;
c) Số người lao động trực
tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của dự án
đầu tư quy định tại khoản này phải có hợp đồng lao động không xác định thời hạn
hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên để trực tiếp tham gia hoạt
động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của dự án đầu tư, trong đó, số
người lao động có trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ không vượt quá 30%.
4. Tỷ lệ tổng chi cho hoạt
động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ hằng năm trên tổng doanh thu
hằng năm của dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu sau:
a) Đối với các dự án đầu
tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu
6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư có tổng doanh thu đạt
tối thiểu 10.000 tỷ mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có
doanh thu: đạt ít nhất 0,5%;
b) Đối với các trường hợp
còn lại: đạt ít nhất 1%.
Nội dung chi hoạt động nghiên
cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tại khoản này theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
5. Dây chuyền công nghệ của
dự án phải được đầu tư đồng bộ, đạt trình độ tiên tiến, được tổ chức theo
phương pháp chuyên môn hóa, tự động hóa, trong đó có ít nhất 1/3 (một phần ba)
số lượng thiết bị tự động được điều khiển theo chương trình; được bố trí trong
không gian làm việc đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động theo quy định của
pháp luật Việt Nam. Ưu tiên đối với các trường hợp đầu tư mới 100%.
Điều
5. Nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao quy định tại
khoản 3 Điều 3; hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ quy định
tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này
1. Nội dung chi cho hoạt
động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao quy định tại khoản 3
Điều 3, hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ quy định tại
khoản 4 Điều 4 Thông tư này (sau đây gọi chung là hoạt động
nghiên cứu và phát triển) hằng năm của dự án đầu tư bao gồm:
a) Khấu hao hằng năm hạ tầng
kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển bao gồm: cơ sở
nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm; trang thiết bị nghiên cứu, thí nghiệm, thử
nghiệm; sản phẩm mẫu, phần mềm, tài liệu, dữ liệu, thông tin phục vụ nghiên cứu;
b) Chi cho hoạt động
nghiên cứu và phát triển thường xuyên hằng năm bao gồm: tiền lương và các khoản
có tính chất giống lương (thưởng, phụ cấp, khoán chi phí đi lại, công tác phí)
cho người lao động trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển quy định
tại khoản 1 Điều 3 và khoản 3 Điều 4 Thông tư này; chi thù
lao cho chuyên gia nhận xét, phản biện, đánh giá kết quả nghiên cứu; chi hội thảo,
hội nghị khoa học có liên quan đến nội dung nghiên cứu và phát triển; chi thuê
cơ sở, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm, thuê kiểm
định sản phẩm nghiên cứu và phát triển; chi phí bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa cơ
sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; các khoản
chi thường xuyên khác (chi mua dụng cụ, vật tư, nguyên liệu, vật liệu, hóa chất,
năng lượng, thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, vật dụng bảo hộ lao động, vật rẻ
tiền mau hỏng phục vụ cho nghiên cứu và phát triển);
c) Chi phí đào tạo hằng
năm bao gồm: chi đào tạo dài hạn hoặc ngắn hạn ở trong nước, ở nước ngoài cho
người lao động trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển quy định tại
khoản 1 Điều 3 và khoản 3 Điều 4 Thông tư này; chi hợp tác,
tài trợ, hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu (hoặc cấp học bổng, trang thiết bị,
máy móc), đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt
Nam;
d) Chi phí tiếp nhận quyền
sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (trừ trường hợp pháp luật về chuyển
giao công nghệ quy định không bắt buộc phải đăng ký) phục vụ trực tiếp cho hoạt
động nghiên cứu và phát triển tại dự án đầu tư; chi phí thực hiện các thủ tục
xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản trí tuệ từ hoạt động nghiên cứu
và phát triển của dự án đầu tư.
2. Những nội dung chi sau
đây không được tính là chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của dự án
đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này: chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm
hoặc kiểm tra định kỳ nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng không liên
quan đến nghiên cứu và phát triển; chi phí thu thập dữ liệu định kỳ không liên
quan đến nghiên cứu và phát triển; chi phí điều tra về hiệu quả hoặc nghiên cứu
về quản lý; chi phí nghiên cứu về tiếp thị và quảng cáo bán hàng.
Điều
6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 23 tháng 12 năm 2024.
2. Quyết định số
27/2006/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
về ban hành “Quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất sản phẩm công nghệ
cao” hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Đối với các trường hợp
dự án đầu tư đã nộp hồ sơ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư trước thời
điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được trả kết quả thực hiện thủ
tục hành chính và Ban quản lý khu công nghệ cao đang thực hiện xét các tiêu chuẩn
trên cơ sở Quyết định số 27/2006/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ về ban hành “Quy định về tiêu chuẩn xác định dự án sản
xuất sản phẩm công nghệ cao” thì nhà đầu tư được lựa chọn tiếp tục thực hiện
theo quy định tại Quyết định số 27/2006/QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 12 năm 2006 của
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc áp dụng theo các quy định tại Thông tư
này để hoàn thiện hồ sơ.
4. Trong quá trình thực
hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu,
xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để
b/c);
- Các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ KH&CN;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, CNC, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Thế Duy
|