BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG
THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 26/BNN-CB
V/v: tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất, xuất khẩu
|
Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2013
|
Kính gửi: Bộ Công Thương
Căn cứ công văn số 11913/BCT-XNK ngày 7/12/2012 của Bộ Công Thương về việc
tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, xuất khẩu của các ngành hàng năm 2013, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
1. Đối với kiến nghị của Hiệp hội Lương thực Việt Nam:
- Kết quả thực hiện chương trình đầu tư 4 triệu tấn kho:
Tổng tích lượng kho lúa, gạo hiện có đến ngày
30/9/2012: 5.380.000 tấn; Trong đó tích lượng kho chứa gạo: 4.360.000 tấn (chiếm khoảng 81%); chứa lúa: 1.020.000 tấn (chiếm
khoảng 19%). Dự kiến tích lượng kho lúa, gạo tiếp tục xây mới đến hết năm 2013
là: 980.000 tấn sẽ nâng tổng tích lượng kho dự kiến đến 31/12/2013 với tổng số
là: 6.360.000 tấn; kho chứa gạo: 4.770.000 tấn; kho chứa lúa: 1.590.000 tấn.
Như vậy, tích lượng kho chứa gạo hiện nay đã dư thừa,
trong khi đó kho chứa lúa còn rất thiếu, dẫn đến hiệu quả tạm trữ không cao, giảm
phẩm cấp sản phẩm trong quá trình bảo quản dài ngày. Để phù hợp với chủ trương của Chính phủ
trong chương trình 4 triệu tấn kho dự trữ lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã có các văn bản (Công văn số 1676/BNN-CB ngày 04/6/2012; Công văn số
3134/BNN-CB ngày 14/9/2012), hướng dẫn các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kho theo hướng hiện đại, có hiệu
quả, đúng thời gian quy định, trong đó đề nghị các tỉnh ĐBSCL phê duyệt các dự án đầu tư trên địa bàn cần xem xét tổng thể xây dựng kho chứa gắn với đầu tư các dây chuyền xay
xát, đánh bóng gạo hiện đại; đầu tư công nghệ để tận dụng phế liệu, phế phẩm (trấu, cám gạo) nâng cao giá trị gia
tăng; thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân, đảm bảo hài hòa
lợi ích và phát triển bền vững.
Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã
báo cáo Chính phủ không giải quyết cấp bổ sung quy hoạch kho chứa lúa, gạo cho các tỉnh ĐBSCL mà yêu
cầu các tỉnh chỉ thực hiện đầu tư xây dựng mới hệ thống kho chứa lúa theo chỉ
tiêu đã phân bổ và hướng dẫn tại Quyết định 3242/QĐ-BNN-CB ngày 02/12/2010 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Quy chế
mua tạm trữ gạo:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Quy
chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo trên cơ sở tổ chức họp lấy ý kiến của các Bộ, ngành
liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở ĐBSCL và lấy ý kiến bằng văn bản, đồng thời đã tổ chức cuộc điều tra 1.600 nông hộ ở 4 tỉnh: An
Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang
và Trà Vinh về khả năng tạm trữ lúa ở nông hộ. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của
các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình số 4089/TTr-BNN-CB ngày
26/11/2012 và dự thảo Quyết định về Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo gửi Thủ tướng
Chính phủ ngày 26/11/2012.
- Định
hướng sản xuất các loại
lúa:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Dự
án Phát triển giống lúa chất lượng phục
vụ xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu tăng lượng giống chất lượng cung
cấp cho sản xuất, trong đó có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt các tỉnh ĐBSCL thực
hiện khung thời vụ hợp lý nhằm kiểm soát dịch bệnh; mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng,
giảm diện tích giống kém chất lượng đặc biệt
là giống IR50404; mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn tập trung đầu tư hỗ trợ giống
chất lượng cho nông dân, tăng hiệu quả sản xuất.
2. Đối
với kiến nghị của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét
phê duyệt quy hoạch phát triển hồ tiêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó:
- Tập trung đầu tư thâm canh, phát triển hồ tiêu tại các vùng có điều kiện
đất đai, khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây hồ tiêu, nhất là vùng đất
bazan tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ, hình thành các vùng sản xuất tiêu tập
trung gắn với các nhà máy chế biến.
- Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất
nhất là hệ thống thủy lợi (tưới và tiêu nước), giao thông, điện phục vụ cho vùng nguyên liệu tập
trung đảm bảo sản xuất hồ tiêu bền vững.
- Phát triển các hình thức HTX, nhóm hộ nông dân liên kết sản xuất, chế biến,
tiêu thụ tiến tới chứng nhận chất lượng tiêu theo tiêu chuẩn GAP đảm bảo sản xuất
hồ tiêu có truy nguyên nguồn gốc
Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử
đại diện tham gia Hội nghị Quốc tế hồ tiêu tại Srilanka (11/2012).
3. Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh
Gỗ, sản phẩm gỗ được khai thác, chế biến, vận
chuyển tiêu thụ theo quy định tại các văn bản:
- Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy
chế 3 loại rừng;
- Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về hướng dẫn việc khai thác, tận thu gỗ và lâm sản
ngoài gỗ;
- Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản;
Gỗ, sản phẩm gỗ
xuất, nhập khẩu theo quy định tại các văn bản:
- Nghị định 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản
lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh,
nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cây nhân tạo các loài động vật,
thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
- Nghị định số 02/NĐ-CP về Kiểm dịch thực vật, theo đó kiểm dịch hàng khi
hợp đồng mua bán hoặc các điều ước quốc tế có quy định phải kiểm dịch.
- Nghị định 87/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về Quy định
chi tiết một số điều của Luật Hải quan về
thủ tục hải quan điện tử đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại;
- Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật
hoang dã nguy cấp, quý, hiếm)
- Thông tư số 42/2012/TT-BNNPTNT quy định hồ sơ lâm sản
hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản để
từng bước tiến tới việc xác định nguồn gốc
lâm sản.
Về việc
xem xét ban hành quy định
chuẩn mực dư lượng formaldehyde trên sản phẩm gỗ, dư lượng chì trên bề mặt sản phẩm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đang có kế hoạch triển khai xây dựng các quy định này
Việc đàm phán Hiệp
định đối tác tự nguyện Việt Nam - EU về thực thi FLEIGT
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ
giao chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan tiến hành các phiên đàm phán
với EU về nội dung Hiệp định VPA/FLEGT. Theo lộ trình từ tháng 11/2010 đến nay Việt Nam đã tiến hành 3 phiên
đàm phán cấp cao, 7 cuộc họp cấp chuyên viên và 12 cuộc họp trực tuyến với EU. Về cơ bản đã thống nhất một số nội
dung về định nghĩa gỗ hợp pháp của Việt Nam, cơ chế xác minh và cấp phép FLEGT
cho các lô hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU. Một số nội dung cơ bản
của dự thảo Hiệp định và các phụ lục kèm theo đã được đăng tải trên Web của Tổng
cục Lâm nghiệp (dof.mard.gov.vn). Hiện tại, theo nội dung của phiên đàm phán lần
thứ 3 tổ chức tại Brussels Vương quốc Bỉ trong 5 ngày từ 12 -16/11/2012, hai
bên đã thống nhất được kế hoạch thực hiện và lộ trình đàm phán trong năm 2013, dự kiến sẽ ký kết hiệp
định vào cuối năm 2013.
4. Hiệp Hội chế biến Thủy sản Việt Nam
Về việc sửa đổi Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT: Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã tiến hành họp rà soát, nghiên cứu kinh
nghiệm của các nước, đặc biệt là Thái Lan để xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 55 phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam, đảm bảo độ
tin cậy về an toàn thực phẩm cho hàng hóa thủy sản nước ta trên thị trường thế
giới, dự kiến lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 55 trong
tháng 12/2012.
Về vướng mắc khi áp dụng QCVN 11:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp chế biến thủy sản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã có công văn số 3502/BNN-KHCN ngày 12/10/2012 gửi Bộ Tài nguyên môi
trường, trong đó Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉnh sửa
lại chỉ tiêu Phốt pho cho phù hợp với lĩnh vực chế biến thủy sản.
Về tình trạng dịch
bệnh trên tôm..:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội
nghị Tổng kết nuôi tôm nước lợ năm 2012 (Bến Tre ngày 12/12/2012), trong đó đề xuất một số giải pháp chính sau:
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản, đầu tư trong lĩnh vực giống thủy sản, quan trắc cảnh báo môi trường,
dự báo thống kê.
- Chuẩn bị ban hành Thông tư quy định thủ tục đánh giá, chứng nhận cơ sở sản
xuất thủy sản giống an toàn dịch bệnh; Xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư
06/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/02/2010 quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản và sản phẩm thủy sản
- Tổng kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất
tôm giống, nuôi tôm đang lưu hành trên thị trường, nghiêm cấm sản xuất kinh doanh
các loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng, thông tin rộng rãi chất lượng các
chế phẩm đến cộng đồng sản xuất giống và nuôi tôm;
Kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc chất lượng tôm giống, ngoài các tác nhân gây bệnh.
- Tăng cường tập huấn về điều tra dịch tễ và xây dựng bản đồ dịch tễ bệnh
tôm ở các vùng nuôi trọng điểm, đồng thời hướng dẫn các địa phương xây dựng và
triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh và giám sát dịch bệnh tôm tại các vùng nuôi. Đẩy mạnh công tác
giám sát dịch bệnh chủ động.
Trên đây là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các
ngành theo thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị Bộ
Công Thương thông tin cho các Hiệp Hội./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Trưởng (để b/c);
- Lưu VT, CB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hà Công Tuấn
|