Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 29/2012/TB-LPQT Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Liêng bang Nga, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Người ký: Lê Đình Tiến, Séc-gây Ki-ri-en-cô
Ngày ban hành: 21/11/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 29/2012/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2012

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ký tại Hà Nội ngày 21 tháng 11 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2012.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Mai

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ HỢP TÁC XÂY DỰNG TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HẠT NHÂN TRÊN LÃNH THỔ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga, sau đây được gọi là “các Bên”,

Nhận thấy rằng cả hai quốc gia đều là thành viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (sau đây gọi là IAEA) và là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 01 tháng 7 năm 1968,

Được định hướng bởi Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ký ngày 27 tháng 3 năm 2002,

Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 31 tháng 10 năm 2010,

đã thỏa thuận như sau:

Điều 1.

Các Bên thông qua các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức được ủy quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga thực hiện sự hợp tác trong việc triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Trung tâm) bao gồm lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân, các phòng thí nghệm nghiên cứu khoa học, máy móc thiết bị và cơ sở hạ tầng để đảm bảo sự hoạt động an toàn cho Trung tâm.

Trung tâm có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Hỗ trợ giải quyết các vấn đề khoa học, kỹ thuật và công trình cũng như việc đào tạo nhân lực khi thực hiện dự án điện hạt nhân ở Việt Nam;

Xây dựng tiềm lực để có thể làm chủ công nghệ thiết kế lò phản ứng và các thiết bị của nhà máy điện hạt nhân, cũng như công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ;

Với mục đích phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, tiến hành các nghiên cứu ở trình độ kỹ thuật hiện đại, với việc sử dụng bức xạ của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân để sản xuất các chất đồng vị phóng xạ cho ngành y tế và công nghiệp, vật liệu phục vụ lò phản ứng, cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản;

Tiến hành các nghiên cứu thử nghiệm của các quá trình vật lý học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần thiết cho việc khai thác an toàn và hiệu quả nhà máy điện hạt nhân ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Tổ chức nghiên cứu ứng dụng bức xạ ở trình độ kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực sản xuất vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học và y sinh, công nghệ điều khiển và tự động hóa;

Nội dung hợp tác trong Hiệp định này bao gồm:

Thiết kế, xây dựng, đưa vào khai thác và vận hành Trung tâm;

Sử dụng chương trình tính toán để đảm bảo an toàn cho khai thác Trung tâm;

Quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân;

Đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân, bảo vệ môi trường;

Đào tạo nhân lực để đảm bảo khai thác và bảo dưỡng kỹ thuật cho Trung tâm cũng như cho hoạt động nghiên cứu khoa học;

Xây dựng các chương trình phát triển khoa học-kỹ thuật và công nghệ của Trung tâm;

Chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

Các hợp tác khác theo sự thỏa thuận của hai Bên.

Thời hạn đưa Trung tâm vào khai thác được xác định trong các hợp đồng xây dựng Trung tâm được ký kết giữa các Tổ chức được ủy quyền của các Bên.

Hợp tác trong khuôn khổ của Hiệp định này được thực hiện phù hợp với pháp luật quốc gia của các Bên và pháp luật quốc tế có liên quan, cũng như các nghĩa vụ quốc tế của các Bên, có tính đến các khuyến nghị của IAEA về an toàn bức xạ hạt nhân và bảo vệ môi trường xung quanh.

Điều 2.

Để thực hiện Hiệp định này, các Bên chỉ định các Cơ quan có thẩm quyền:

Bên Việt Nam – Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST);

Bên Nga – Tập đoàn Nhà nước về năng lượng nguyên tử (ROSATOM) và Cơ quan Giám sát hạt nhân về công nghệ và môi trường Liên bang Nga (ROSTECHNADZOR) (về vấn đề quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân).

Các Tổ chức được ủy quyền của các Bên:

Bên Việt Nam: Viện Năng Lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM);

Bên Nga: Công ty cổ phần kín – Xuất khẩu xây dựng nguyên tử “Atomstroyexport” (dưới đây gọi tắt là ZAO “Atomstroyexport”).

Về việc thay đổi hoặc chỉ định các Cơ quan có thẩm quyền khác, hai Bên phải thông báo cho nhau bằng văn bản thông qua kênh ngoại giao.

Về việc thay đổi hoặc chỉ định các Tổ chức được ủy quyền khác, Cơ quan có thẩm quyền của hai Bên phải thông báo cho nhau bằng văn bản.

VINATOM là người đặt hàng chính xây dựng Trung tâm, ZAO “Atomstroyexport” là Tổng thầu công trình xây dựng Trung tâm.

Trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định này, các Tổ chức được ủy quyền của các Bên có thể huy động các tổ chức khác của Việt Nam và Nga cũng như các tổ chức của các quốc gia thứ ba cho việc cung cấp hàng hóa, vật liệu, thực hiện các công việc và dịch vụ (sau đây gọi tắt là những Người thực hiện).

Cơ quan có thẩm quyền của các bên tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo lại các chuyên gia Việt Nam để tổ chức hoạt động của Trung tâm sau khi hoàn thành xây dựng.

Điều 3.

Trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định này, Bên Nga đảm bảo:

Soạn thảo tài liệu kinh tế - kỹ thuật cho các hạng mục chính và phụ trợ của Trung tâm;

Soạn thảo báo cáo phân tích an toàn lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân của Trung tâm, có tính đến các yêu cầu về an toàn được quy định bởi pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga và các khuyến nghị của IAEA;

Thực hiện các công việc xây lắp tại các hạng mục xây dựng của Trung tâm;

Giám sát và kiểm tra chất lượng các công việc thực hiện xây dựng Trung tâm trong tất cả các giai đoạn xây dựng Trung tâm;

Soạn thảo các chương trình đảm bảo chất lượng trong tất cả các giai đoạn xây dựng Trung tâm;

Cung cấp các thiết bị do Nga sản xuất, lắp đặt, khởi động hiệu chỉnh, đưa vào khai thác và đảm bảo các dịch vụ bảo hành;

Thực hiện dịch vụ bảo dưỡng kỹ thuật cho các thiết bị được cung cấp, cung cấp phụ tùng thay thế theo yêu cầu của bên Việt Nam;

Trên cơ sở các hợp đồng (thỏa thuận) thu hút VINATOM và những Người thực hiện để cung cấp hàng hóa, vật liệu, thực hiện các công việc và cung cấp các dịch vụ cần thiết để thực hiện Hiệp định này;

Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong việc soạn thảo các chương trình và biện pháp bảo vệ thực thể cho Trung tâm;

Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo lại các chuyên gia Việt Nam để tham gia xây dựng và khai thác Trung tâm, bao gồm cả đào tạo cán bộ thanh tra cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân của Bên Việt Nam, để thực hiện các phương pháp thanh tra ở tất cả các công đoạn xây dựng và vận hành Trung tâm;

Chuyển giao, với khối lượng đã được thỏa thuận, tài liệu thiết kế-kỹ thuật, hướng dẫn khai thác và dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị do Nga sản xuất tại Trung tâm;

Đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu dưới dạng các thanh nhiên liệu thành phẩm và các thanh kiểm soát thanh nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân trong suốt thời gian vận hành của Trung tâm;

Cung cấp cho VINATOM các thông tin và tài liệu cần thiết để triển khai thực hiện Hiệp định này theo thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền của các Bên;

Hỗ trợ tư vấn trong việc giám định tài liệu, để chứng minh sự an toàn cho lò phản ứng của Trung tâm;

Giúp đỡ, khi thực hiện trên lãnh thổ Liên bang Nga, kiểm tra và giám sát việc chế tạo thiết bị của Trung tâm, bao gồm cả việc tiếp nhận thiết bị máy móc;

Và các công việc cần thiết khác theo thỏa thuận của các cơ quan có thẩm quyền của các Bên.

Trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định này, Bên Việt Nam đảm bảo:

Lựa chọn địa điểm xây dựng Trung tâm và đảm bảo quyền được tiếp cận địa điểm đó đối với nhân viên của người Người thực hiện và các Tổ chức được ủy quyền của các Bên;

Chuyển giao cho ZAO “Atomstroyexport” các dữ liệu ban đầu tin cậy hiện có về địa điểm xây dựng Trung tâm và tạo điều kiện cho ZAO “Atomstroyexport” nhận được các dữ liệu cần thiết và đủ tin cậy để thiết kế và xây dựng Trung tâm;

Soạn thảo báo cáo về tác động đối với hệ sinh thái khi Trung tâm hoạt động;

Hỗ trợ trong công tác soạn thảo báo cáo phân tích tính an toàn của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân của Trung tâm trong trường hợp Bên Nga đề nghị;

Trên cơ sở thuyết minh kỹ thuật do ZAO “Atomstroyexport” cung cấp và với khối lượng vật tư đã được thỏa thuận với Tổ chức này, cung cấp vật liệu, thiết bị cần thiết cho việc xây dựng Trung tâm cũng như các hạng mục phụ trợ tại địa điểm xây dựng Trung tâm và chuyển giao các dữ liệu ban đầu và hồ sơ kỹ thuật của các thiết bị này;

Chế tạo các chi tiết dự phòng cho các thiết bị, các chi tiết mau mòn, các thiết bị sửa chữa theo tài liệu thiết kế kỹ thuật do ZAO “Atomstroyexport”, cung cấp với khối lượng và danh mục đã được thỏa thuận với Tổ chức này;

Theo thỏa thuận với ZAO “Atomstroyexport”, thiết kế và xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng của Trung tâm, bao gồm hệ thống cấp nước, cấp điện, các đường vào địa điểm xây dựng Trung tâm;

Theo thỏa thuận với ZAO “Atomstroyexport”, tham gia lắp đặt thiết bị và việc khởi động – hiệu chỉnh, đưa vào khai thác các thiết bị của Trung tâm;

Cùng các chuyên gia Nga soạn thảo các chương trình đảm bảo chất lượng trong tất cả các giai đoạn xây dựng Trung tâm do VINATOM hoặc những Người thực hiện của Bên Việt Nam thực hiện;

Hỗ trợ các Tổ chức được ủy quyền và những Người thực hiện của các Bên trong việc xin cấp các giấy phép cần thiết để triển khai thực hiện Hiệp định này phù hợp với pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có những giấy phép cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vận chuyển nhiên liệu hạt nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Thiết kế, chế tạo và lắp đặt hệ thống kỹ thuật bảo vệ thực thể cho các hạng mục chính và phụ trợ của Trung tâm cũng như soạn thảo và áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh cần thiết liên quan đến bảo vệ thực thể tại địa điểm xây dựng Trung tâm, bảo đảm an toàn cho nhân viên Nga và nhân viên từ các nước thứ ba tại địa điểm xây dựng Trung tâm;

Cử nhân viên đi đào tạo với số lượng cần thiết và với thời hạn đã được thỏa thuận với Bên Nga;

Đảm bảo môi trường công nghệ (nước, điện,…) để phục vụ việc xây dựng, lắp đặt và đưa vào khai thác Trung tâm;

Đảm bảo cho nhân viên của ZAO “Atomstroyexport” cũng như những Người thực hiện được Tổ chức này thu hút, được cử sang công tác tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thực hiện Hiệp định này về nhà ở đạt tiêu chuẩn chất lượng sử dụng, văn phòng làm việc, truy cập các dịch vụ viễn thông quốc tế và Internet, hỗ trợ các dịch vụ y tế cho các cán bộ và các nhân viên nói trên bao gồm cho cả các thành viên gia đình họ trong trường hợp thời gian công tác trên một năm. Mọi chi phí sử dụng các phương tiện và dịch vụ nêu trên do ZAO “Atomstroyexport” chi trả;

Tạo điều kiện cấp thị thực và giấy phép cho nhân viên của ZAO “Atomstroyexport” cũng như cho những Người thực hiện được cử sang công tác tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thực hiện Hiệp định này (trong đó có cả các thành viên của gia đình họ trong trường hợp thời gian công tác trên một năm);

Bảo vệ địa điểm xây dựng Trung tâm cũng như thiết bị, máy móc và vật tư được dùng để xây dựng Trung tâm và được để tại địa điểm xây dựng Trung tâm theo sự thỏa thuận giữa các Tổ chức được ủy quyền của các Bên;

Thực hiện bảo vệ thực thể các cơ sở của Trung tâm trong suốt quá trình xây dựng và khai thác phù hợp với các khuyến nghị của IAEA;

Cung cấp cho ZAO “Atomstroyexport” các thông tin và tài liệu cần thiết để triển khai thực hiện Hiệp định này;

Tiến hành giám sát và kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu đã được thống nhất trong việc xây dựng và lắp đặt thiết bị của Trung tâm;

Thực hiện việc thẩm định tài liệu, để chứng minh sự an toàn cho lò phản ứng của Trung tâm;

Thực hiện kiểm tra và giám sát việc chế tạo thiết bị, bao gồm cả việc tiếp nhận nó;

Thực hiện các phương pháp kiểm tra và giám sát ở tất cả các công đoạn xây dựng và vận hành Trung tâm.

Điều 4.

Việc thực hiện các hướng hợp tác cụ thể quy định tại Hiệp định này được tiến hành trên cơ sở những hợp đồng ký kết giữa các Tổ chức được ủy quyền của các Bên.

Các Tổ chức được ủy quyền của các Bên có quyền ký kết với những Người thực hiện các hợp đồng về cung cấp hàng hóa, vật liệu, thực hiện các công việc và cung cấp các dịch vụ cần thiết để thực hiện Hiệp định này.

Tất cả các thanh toán trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định này được tiến hành bằng tiền tệ có thể chuyển đổi tự do.

Việc cung cấp hàng hóa, vật liệu, dịch vụ và thực hiện các công việc trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định này được thực hiện với sự thu hút tối đa có thể những Người thực hiện của Việt Nam.

Điều 5.

Để thực hiện hợp tác quy định tại Hiệp định này, Bên Nga dành cho Bên Việt Nam khoản tín dụng nhà nước để cung cấp tài chính cho việc xây dựng Trung tâm với các điều kiện được xác định bằng Hiệp định riêng của hai bên.

Điều 6.

Trong toàn bộ thời gian khai thác lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân của Trung tâm được xây dựng trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định này, Bên Nga đảm bảo việc cung cấp đồng bộ, kịp thời nhiên liệu hạt nhân tươi và các thiết bị điều khiển của hệ thống điều khiển và bảo vệ lò phản ứng theo yêu cầu của Bên Việt Nam. Tổ chức được ủy quyền của Bên Việt Nam thực hiện việc mua đồng bộ nhiên liệu hạt nhân tươi và các thiết bị điều khiển của hệ thống điều khiển và bảo vệ lò phản ứng phù hợp với các điều kiện của các hợp đồng cụ thể được ký kết, phù hợp với Điều 4 của Hiệp định này trong suốt thời gian khai thác Trung tâm.

Các bó thanh nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân của Trung tâm được cung cấp trong khuôn khổ Hiệp định này dưới dạng nhiên liệu tươi có thể được nhận lại để tái xử lý bởi các Tổ chức được Cơ quan có thẩm quyền của Bên Nga ủy quyền với việc trả lại sau đó các sản phẩm tái xử lý cho Bên Việt Nam theo các chương trình và thời hạn được các Cơ quan có thẩm quyền của các Bên thỏa thuận, hoặc để lại sau đó các sản phẩm tái xử lý tại Liên bang Nga theo những điều kiện được xác định bằng những hợp đồng riêng biệt giữa các Bên.

Điều 7.

Các Bên, các Cơ quan có thẩm quyền, các Tổ chức được ủy quyền của các Bên và những Người thực hiện, phù hợp với các quy định của pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế mà các Bên là thành viên, áp dụng tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ các đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm cả thông tin mật được tạo ra hoặc được chuyển giao trong quá trình thực hiện Hiệp định này.

Đối với các mục đích của Điều này:

“Sở hữu trí tuệ” – được hiểu theo nghĩa được ghi trong Điều 2 của Công ước thành lập Tổ chức thế giới về sở hữu trí tuệ ký tại Stockholm ngày 14 tháng 7 năm 1967 với các sửa đổi từ ngày 2 tháng 10 năm 1979;

“Thông tin mật” – là thông tin khoa học kỹ thuật, công nghệ và sản xuất bao gồm cả bí mật sản xuất (know-how), có giá trị thương mại thực tế hoặc tiềm năng mà các bên thứ ba không được biết, thông tin không được phép tiếp cận tự do theo pháp luật, và người sở hữu sử dụng các biện pháp để bảo vệ sự bí mật của thông tin.

Các vấn đề bảo vệ pháp lý sở hữu trí tuệ, bao gồm cả thông tin mật được tạo ra hoặc được chuyển giao trong quá trình thực hiện Hiệp định này, được điều chỉnh phù hợp với các điều kiện của các hợp đồng ký kết giữa các Tổ chức được ủy quyền của các Bên và/hoặc bởi những Người thực hiện.

Các quyền đối với những đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm cả thông tin bí mật, được tự tạo ra trong quá trình thực hiện Hiệp định này bởi bất kỳ Bên nào hoặc bởi Tổ chức được ủy quyền của một Bên, hoặc bởi Người thực hiện, sẽ thuộc về Bên hoặc Tổ chức được ủy quyền của Bên, hoặc Người thực hiện đã tạo ra các đối tượng đó.

Việc phân chia các quyền, xác định các điều kiện quản lý các quyền và các điều kiện sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm cả thông tin bí mật đã cùng được tạo ra trong quá trình thực hiện Hiệp định này bởi các Bên và/hoặc bởi các Tổ chức được ủy quyền của các Bên và/hoặc bởi những Người thực hiện, sẽ được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận bằng văn bản tương ứng giữa các Bên và/hoặc giữa các Tổ chức được ủy quyền của các Bên và/hoặc giữa những Người thực hiện.

Điều 8.

Trong khuôn khổ Hiệp định này, không được thực hiện việc trao đổi các thông tin bí mật quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.

Thông tin được chuyển giao trong khuôn khổ Hiệp định này hoặc được hình thành do kết quả thực hiện Hiệp định này và được Bên Nga và các Tổ chức của Nga thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định này sẽ được xem là các thông tin hạn chế tiếp cận, hoặc do Bên Việt Nam và các Tổ chức của Việt Nam, thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định này sẽ được xem là thông tin công vụ hạn chế phổ biến và phải được xác định một cách rõ ràng và được định nghĩa theo đúng nghĩa của nó.

Các văn bản chứa đựng các thông tin công vụ hạn chế tiếp cận theo pháp luật của Liên bang Nga cần phải có dấu “Конфиденциально” (Mật) bằng tiếng Nga.

Các tài liệu chứa đựng thông tin công vụ hạn chế phổ biến theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có dấu “MẬT” bằng tiếng Việt.

Các Bên và các Tổ chức thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định này hạn chế tối đa số lượng người được phép tiếp cận các thông tin loại này và đảm bảo việc sử dụng chúng chỉ với các mục đích quy định tại Hiệp định này. Thông tin loại này không được công bố và không được chuyển giao cho bên thứ ba không tham gia vào việc thực hiện Hiệp định này, nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của Bên đã chuyển giao thông tin loại này.

Thông tin loại này được xử lý như là thông tin công vụ hạn chế tiếp cận phù hợp với pháp luật của các Bên.

Thông tin loại này được bảo vệ theo các quy định pháp luật quốc gia tương ứng của mỗi Bên.

Các nguyên tắc trao đổi thông tin cũng như khối lượng thông tin được trao đổi sẽ được xác định cho mỗi hoạt động cụ thể giữa các Bên phù hợp với pháp luật quốc gia của mỗi Bên.

Điều 9.

Việc xuất khẩu vật liệu hạt nhân, thiết bị, vật liệu phi hạt nhân đặc biệt và các công nghệ tương ứng trong khuôn khổ Hiệp định này được thực hiện phù hợp với nghĩa vụ của các Bên theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 1 tháng 7 năm 1968, cũng như theo Điều 9 của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ngày 27 tháng 3 năm 2002, theo các điều ước quốc tế khác trong khuôn khổ các cơ chế đa phương về kiểm soát xuất khẩu mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và/hoặc Liên bang Nga là thành viên.

Các vật liệu hạt nhân, thiết bị, vật liệu phi hạt nhân đặc biệt và các công nghệ tương ứng mà Bên Việt Nam nhận được theo Hiệp định này, cũng như vật liệu hạt nhân, các thiết bị, các vật liệu phi hạt nhân đặc biệt và các công nghệ tương ứng, cũng như các sản phẩm được sản xuất trên cơ sở đó hoặc do kết quả của việc sử dụng vật liệu hạt nhân, thiết bị, vật liệu phi hạt nhân đặc biệt và công nghệ tương ứng:

Không được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân và các thiết bị nổ hạt nhân hay để đạt được một mục đích quân sự nào khác;

Sẽ được đặt trong sự bảo đảm về mọi mặt của IAEA phù hợp với Thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và IAEA về việc áp dụng các biện pháp bảo đảm liên quan đến Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 02 tháng 10 năm 1989 (INFCIRC/376) trong toàn bộ quá trình vật liệu hạt nhân, thiết bị và các công nghệ đặc biệt nêu trên nằm dưới quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Sẽ được bảo đảm bằng các biện pháp bảo vệ thực thể ở mức không thấp hơn các mức được khuyến cáo theo tài liệu của IAEA “Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và các thiết bị hạt nhân “INFCIRC/225/Rev.4);

Sẽ được tái xuất hoặc được chuyển giao từ quyền tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang cho bất kỳ một quốc gia nào khác chỉ trên các điều kiện đã được trình bày trong điều này và được Bên Nga đồng ý trước bằng văn bản cũng như là đối tượng bảo đảm của IAEA nếu việc này có thể thực hiện được trong khuôn khổ các thỏa thuận tương ứng về các bảo đảm;

Vật liệu hạt nhân được chuyển giao cho Bên Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định này không được làm giàu, không được tái xử lý nếu không có sự chấp thuận trước đó bằng văn bản của Bên Nga.

Các thiết bị và các vật liệu có tính lưỡng dụng và các công nghệ tương ứng được sử dụng vào các mục đích hạt nhân nhận được từ Bên Nga theo Hiệp định này và bất cứ sự sao chép nào của chúng:

Sẽ chỉ được sử dụng vào các mục đích được công bố, không liên quan đến các hoạt động chế tạo các thiết bị nổ hạt nhân;

Không được sử dụng trong việc tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực chu trình nhiên liệu hạt nhân mà không được đặt dưới sự bảo đảm của IAEA;

Không được sao chép, sửa đổi, tái xuất hoặc chuyển giao cho bất kỳ ai mà không có sự cho phép bằng văn bản của Cơ quan có thẩm quyền của Bên Nga sau khi thống nhất với Cơ quan Liên bang về kiểm soát xuất khẩu và kỹ thuật của Liên bang Nga.

Các Bên thực hiện hợp tác về các vấn đề kiểm soát xuất khẩu các vật liệu hạt nhân, các thiết bị, các vật liệu đặc biệt phi hạt nhân và các công nghệ tương ứng trong khuôn khổ Hiệp định này.

Điều 10.

Trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân có thể xảy ra liên quan đến việc thực hiện hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này được các Bên điều chỉnh phù hợp với Công ước Viên về trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại hạt nhân ngày 21 tháng 5 năm 1963. Công ước này được áp dụng về tổng thể đối với cả hai Bên, xem như Việt Nam đã là thành viên của Công ước này.

Trách nhiệm của các Bên đối với bất kỳ thiệt hại nào là hệ quả của sự cố hạt nhân xảy ra từ hoạt động liên quan tới việc triển khai Hiệp định này sẽ được đề cập trong các hợp đồng được ký kết phù hợp với Điều 4 của Hiệp định này.

Điều 11.

Các tranh chấp giữa các Bên liên quan đến việc áp dụng và/hoặc giải thích Hiệp định này được giải quyết thông qua các cuộc tham vấn và đàm phán giữa các Cơ quan có thẩm quyền của các Bên, nếu các Bên không thỏa thuận được phương thức giải quyết khác.

Trong trường hợp cần thiết các Cơ quan có thẩm quyền của các Bên theo đề xuất của một cơ quan trong số đó tiến hành các cuộc gặp gỡ để xem xét các khuyến cáo về việc bảo đảm thực hiện Hiệp định này.

Trong trường hợp có sự khác nhau nào đó giữa Hiệp định này và các hợp đồng ký kết trong khuôn khổ thực hiện Hiệp định này thì các điều khoản của Hiệp định này sẽ có hiệu lực cao hơn.

Điều 12.

Hiệp định này được áp dụng tạm thời kể từ ngày ký và chính thức có hiệu lực kể từ ngày nhận được qua kênh ngoại giao văn bản thông báo cuối cùng về việc các Bên hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết để Hiệp định chính thức có hiệu lực.

Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn. Mỗi Bên có thể chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này bằng việc gửi cho Bên kia văn bản thông báo chính thức. Trong trường hợp đó, Hiệp định sẽ hết hiệu lực sau một năm kể từ ngày Bên kia nhận được văn bản thông báo chính thức về việc này.

Việc chấm dứt Hiệp định này không ảnh hưởng tới việc thực thi các nghĩa vụ được quy định trong các hợp đồng ký kết trong khuôn khổ Hiệp định này, nếu hai Bên không có thỏa thuận khác.

Hiệp định này không ảnh hưởng đến các quyền và nghĩa vụ của các Bên theo các điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và/hoặc Liên bang Nga là thành viên.

Trong trường hợp chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này, các nghĩa vụ quy định tại các điều 6, 7, 8, 9 và 10 của Hiệp định này sẽ vẫn còn hiệu lực.

Làm tại Hà Nội ngày 21 tháng 11 năm 2011, thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Nga, cả hai bản có giá trị pháp lý như nhau.

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ




Lê Đình Tiến

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
LIÊN BANG NGA
TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ QUỐC GIA ROSATOM





Séc-Gây Ki-Ri-En-Cô

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo hiệu lực của Hiệp định về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam giữa Việt Nam - Nga

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.263

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.161.194
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!