BỘ TƯ PHÁP -
BỘ NGOẠI GIAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC
|
Hà Nội, ngày
19 tháng 10 năm 2016
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC
DÂN SỰ
Căn cứ Luật
Tương trợ tư pháp ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định trình
tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định về nguyên tắc,
trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và trách
nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong công tác tương trợ tư pháp về dân
sự.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan,
tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan
đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự.
Điều 3.
Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư liên tịch
này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Ủy thác tư pháp của
Việt Nam là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đề nghị cơ
quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư
pháp về dân sự.
2. Ủy thác tư pháp của nước
ngoài là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị cơ
quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư
pháp về dân sự.
3. Người có nghĩa vụ nộp chi
phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam bao gồm:
a) Đương sự quy định tại Điều 152 và Điều 153 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đối với
các yêu cầu tống đạt văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc
dân sự và tống đạt quyết định kháng nghị, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân
có yêu cầu thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài làm phát sinh ủy
thác tư pháp ra nước ngoài.
4. Người có nghĩa vụ nộp chi
phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài là cơ quan, tổ chức, cá
nhân nước ngoài có yêu cầu ủy thác tư pháp với Việt Nam.
5. Công ước Tống đạt là Công ước La Hay năm 1965 về
tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự
hoặc thương mại.
6. Kênh tống đạt chính là
cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua cơ quan Trung ương của nước
được yêu cầu theo quy định từ Điều 2 đến Điều 7 của Công ước Tống
đạt.
7. Kênh lãnh sự gián tiếp là
cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua cơ quan đại diện lãnh sự của
nước yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu theo quy định tại đoạn 1 Điều 9 của Công ước Tống đạt.
8. Kênh ngoại giao gián tiếp
là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt thông qua cơ quan đại diện ngoại
giao của nước yêu cầu và cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu theo quy định
tại đoạn 2 Điều 9 của Công ước Tống đạt.
9. Kênh ngoại giao, lãnh sự
trực tiếp là cách thức gửi giấy tờ cần được tống đạt cho người nhận thông qua
cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước gửi mà không thông qua cơ
quan có thẩm quyền của nước nhận theo quy định tại Điều 8 của Công
ước Tống đạt.
Điều 4.
Áp dụng pháp luật nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự
1. Pháp luật nước ngoài được
áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Tương trợ tư
pháp khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Có điều ước quốc tế về
tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài quy định về vấn đề này;
b) Có văn bản của cơ quan có
thẩm quyền nước ngoài đề nghị áp dụng pháp luật của nước đó;
c) Hậu quả của việc áp dụng
pháp luật nước ngoài không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt
Nam.
2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối
hợp Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc áp dụng
pháp luật nước ngoài. Trong trường hợp không đủ các điều kiện quy định tại khoản
1 Điều này hoặc việc áp dụng pháp luật nước ngoài không thực hiện được, Bộ Tư
pháp trả lời bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc thông báo để
Bộ Ngoại giao trả lời đối với các yêu cầu áp dụng pháp luật nước ngoài được gửi
qua kênh ngoại giao.
Điều 5.
Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự
Cơ quan có thẩm quyền Việt
Nam có thể từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài trên cơ
sở nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và
nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Tương trợ
tư pháp trong những trường hợp sau đây:
1. Khi có căn cứ cho thấy
phía nước ngoài không thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam.
2. Việc thực hiện tương trợ
tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Điều 6.
Chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự
1. Người có nghĩa vụ theo
quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư liên tịch này phải
nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước
quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Chi phí thực hiện ủy thác
tư pháp của Việt Nam bao gồm phí, lệ phí và chi phí thực tế phát sinh khi thực
hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc gia
liên quan.
3. Chi phí thực hiện ủy thác
tư pháp của nước ngoài bao gồm phí, lệ phí và chi phí thực tế phát sinh khi thực
hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Mức thu, cơ quan có thẩm
quyền thu và trình tự thu nộp phí, lệ phí ủy thác tư pháp của Việt Nam và ủy
thác tư pháp về dân sự của nước ngoài được thực hiện theo quy định pháp luật về
phí, lệ phí.
5. Căn cứ nội dung yêu cầu ủy
thác tư pháp cụ thể, chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam bao
gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí dịch thuật, công
chứng, chứng thực hồ sơ ủy thác tư pháp;
b) Chi phí tống đạt hồ sơ ủy
thác tư pháp ở nước ngoài;
c) Chi phí thu thập, cung cấp
chứng cứ ở nước ngoài;
d) Chi phí khác (nếu có)
theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia liên quan.
6. Căn cứ nội dung yêu cầu ủy
thác tư pháp cụ thể, chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí tống đạt hồ sơ ủy
thác tư pháp do tổ chức, cá nhân có chức năng tống đạt thực hiện theo quy định
của pháp luật Việt Nam;
b) Chi phí thu thập, cung cấp
chứng cứ;
c) Chi phí thực hiện ủy thác
tư pháp theo yêu cầu đặc biệt của nước ngoài;
d) Chi phí khác (nếu có)
theo quy định của pháp luật Việt Nam.
7. Chi phí thực tế thực hiện
ủy thác tư pháp quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều này được thu nộp theo quy
định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 của Thông tư liên tịch này.
Điều 7.
Thu, nộp chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam
1. Các chi phí thực tế phát
sinh trong nước do người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của
Việt Nam thanh toán trực tiếp cho người cung cấp dịch vụ.
2. Đối với
chi phí thực tế do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thu:
a) Trường hợp chi phí thực tế
đã xác định được theo quy định của phía nước ngoài tại thời điểm cơ quan có thẩm
quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền yêu
cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam thông báo người có nghĩa vụ nộp chi phí thực
hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam thanh toán chi phí này với cơ quan có thẩm
quyền nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc
gia liên quan.
b) Trường
hợp chi phí thực tế chưa xác định được tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền yêu
cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam lập hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy
thác tư pháp của Việt Nam thông báo cho người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện
ủy thác tư pháp của Việt Nam phải nộp tạm ứng 3 triệu đồng tại cơ quan thi hành
án dân sự cấp tỉnh nơi cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư pháp về dân sự của Việt
Nam có trụ sở. Số tiền tạm ứng này được thanh toán cho chi phí thực tế theo yêu
cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các chi phí phục vụ việc chuyển tiền
ra nước ngoài do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện.
Điều 8.
Trình tự chuyển và thanh toán tạm ứng chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp
của Việt Nam
Việc chuyển và thanh toán tạm
ứng chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Thông tư liên tịch này được thực hiện
như sau:
1. Cơ quan thi hành án dân sự
mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại để thực hiện việc chuyển chi phí thực tế
thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
2. Khi có văn bản của cơ
quan có thẩm quyền nước ngoài về chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp, cơ
quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi văn bản này cho cơ quan có thẩm quyền yêu cầu
ủy thác tư pháp của Việt Nam theo quy trình tại Điều 15 của
Thông tư liên tịch này.
3. Trong thời hạn 03 ngày
làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cơ
quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi văn bản này và
thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự và người có nghĩa vụ nộp chi phí thực
hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam về chi phí thực tế theo yêu cầu của cơ quan
có thẩm quyền nước ngoài.
4. Trong thời hạn 07 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền ủy thác tư
pháp của Việt Nam, cơ quan thi hành án dân sự thanh toán chi phí thực tế cho
phía nước ngoài như sau:
a) Trường hợp tiền tạm ứng đủ
để thanh toán chi phí thực tế cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các chi
phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài, cơ quan thi hành án dân sự chuyển
tiền cho phía nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
b) Trường hợp tiền tạm ứng
không đủ để thanh toán chi phí thực tế cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và
chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài, cơ quan thi hành án dân sự cấp
tỉnh thông báo khoản tiền còn thiếu và thời hạn cho người có nghĩa vụ nộp chi
phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam nộp bổ sung.
Hết thời hạn thông báo mà
người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam không nộp
bổ sung, cơ quan thi hành dân sự chuyển số tiền tạm ứng cho cơ quan có thẩm quyền
nước ngoài sau khi đã trừ đi các chi phí phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài
trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đã trả kết quả ủy thác tư
pháp hoặc thông báo lại cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp để
xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp phía nước ngoài yêu cầu nộp
đủ chi phí thực tế trước khi thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam.
5. Sau khi chuyển tiền cho
phía nước ngoài, cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho cơ quan có thẩm quyền
yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam và người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện
ủy thác tư pháp của Việt Nam về công việc đã thực hiện, khoản tiền còn thiếu phải
nộp bổ sung hoặc khoản tiền tạm ứng còn thừa.
Trong thông báo, cơ quan thi
hành án dân sự nêu rõ thời hạn cho người có nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy
thác tư pháp của Việt Nam nhận lại khoản tiền tạm ứng còn thừa (nếu có) đối với
yêu cầu ủy thác tư pháp về thi hành án dân sự, tống đạt quyết định kháng nghị,
quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đối với yêu cầu ủy thác tư
pháp của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm, cơ quan thi hành án dân sự
cấp tỉnh trả lại khoản tiền tạm ứng còn thừa cho người có nghĩa vụ nộp chi phí
thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam khi có quyết định của Tòa án giải quyết
vụ việc dân sự đó.
6. Trường hợp không nhận được
kết quả ủy thác tư pháp; ủy thác tư pháp không thực hiện được do người có nghĩa
vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp không nộp bổ sung tạm ứng chi phí; hoặc
cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông báo không thu chi phí thực tế, cơ quan
có thẩm quyền ủy thác tư pháp của Việt Nam ra quyết định hoàn trả cho người nộp
tiền tạm ứng khi giải quyết xong vụ việc. Cơ quan thi hành án dân sự hoàn trả
cho người nộp tiền tạm ứng theo quyết định này.
Điều 9.
Thu, nộp chi phí thực tế thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Trường hợp các chi phí thực
tế đã xác định được tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền Việt Nam tiếp nhận hồ
sơ ủy thác tư pháp thì cơ quan này phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nước
ngoài nộp chi phí thực tế cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền Việt Nam.
2. Trường hợp chi phí thực tế
chưa xác định được tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ ủy thác tư pháp, trong thời hạn
05 ngày làm việc kể từ ngày xác định được chi phí thực tế, cơ quan, tổ chức có
thẩm quyền Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài thông báo cho cơ
quan có thẩm quyền nước ngoài về mức chi phí, phương thức nộp và thông báo thời
gian nộp không quá 60 ngày kể từ ngày ra thông báo.
Trong thời hạn 05 ngày làm
việc kể từ ngày hết thời hạn trong thông báo mà cơ quan có thẩm quyền nước
ngoài không nộp chi phí thực tế, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện ủy
thác tư pháp của nước ngoài thông báo về việc không thực hiện được ủy thác tư
pháp và trả lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Quy trình thông báo về việc
thu, nộp chi phí và trả lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài được thực
hiện theo quy trình tại Điều 21 của Thông tư liên tịch này.
Chương
II
THỰC HIỆN ỦY
THÁC TƯ PHÁP CỦA VIỆT NAM
Điều
10. Thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam
1. Cơ quan có thẩm quyền yêu
cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam là Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp
cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh; Viện kiểm
sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp
tỉnh và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Tòa án nhân dân cấp huyện,
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện trong
quá trình giải quyết vụ việc dân sự, thi hành án dân sự có phát sinh ủy thác tư
pháp ra nước ngoài thì lập hồ sơ theo quy định tại Điều 11 của Luật
tương trợ tư pháp và Điều 11 của Thông tư liên tịch này,
gửi tới cơ quan tương ứng cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều này để thực hiện
theo thủ tục chung.
Điều
11. Hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam
1. Hồ sơ ủy thác tư pháp được
lập thành ba bộ và có các văn bản quy định tại Điều 11 của Luật
Tương trợ tư pháp, cụ thể như sau:
a) Văn bản yêu cầu thực hiện
ủy thác tư pháp về dân sự được lập theo Mẫu số 01
ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
b) Văn bản ủy thác tư pháp về
dân sự quy định tại Điều 12 của Luật Tương trợ tư pháp được
lập theo Mẫu số 02A ban hành kèm theo Thông tư
liên tịch này. Trường hợp ủy thác tư pháp tống đạt giấy tờ được thực hiện theo
kênh chính của Công ước Tống đạt, văn bản ủy
thác tư pháp được lập theo Mẫu số 02B ban hành kèm
theo Thông tư liên tịch này;
c) Giấy tờ khác theo yêu cầu
của cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu ủy thác (nếu có);
d) Các giấy tờ, tài liệu
khác phục vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp theo đề nghị của cơ quan có thẩm
quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam.
2. Hồ sơ ủy thác tư pháp được
cơ quan có thẩm quyền lập theo cách thức sau đây:
a) Các văn bản tại điểm a,
b, c khoản 1 Điều này phải do người có thẩm quyền giải quyết vụ việc có yêu cầu
ủy thác tư pháp ký trừ trường hợp văn bản ủy thác tư pháp được lập theo Mẫu số 02B ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này
được thực hiện theo hướng dẫn;
b) Văn bản quy định tại điểm
a và b khoản 1 Điều này là bản chính và các văn bản, giấy tờ, tài liệu khác phục
vụ cho việc thực hiện ủy thác tư pháp là bản chính hoặc bản sao. Bản sao và bản
dịch của các văn bản, giấy tờ, tài liệu tại điểm b, c và d của khoản 1 Điều này
phải được chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật. Đối với các giấy tờ
không phải của cơ quan có thẩm quyền lập hoặc xác nhận thì cơ quan có thẩm quyền,
nơi lập hồ sơ ủy thác tư pháp phải đối chiếu bản sao các giấy tờ này với bản gốc
và đóng dấu xác nhận;
c) Trường hợp vụ việc cần ủy
thác tư pháp có liên quan đến một hoặc nhiều đương sự có địa chỉ khác nhau thì
phải lập riêng hồ sơ ủy thác tư pháp theo từng địa chỉ của đương sự;
d) Trường
hợp vụ việc cần ủy thác tư pháp có phạm vi khác nhau theo quy định tại Điều 10 của Luật Tương trợ tư pháp thì
phải lập riêng hồ sơ ủy thác tư pháp theo từng phạm vi ủy thác tư pháp, trừ trường
hợp hồ sơ ủy thác tống đạt giấy tờ có yêu cầu đương sự cung cấp lời khai, giấy
tờ, tài liệu.
3. Hồ sơ ủy thác tư pháp được
lập theo ngôn ngữ quy định tại Điều 5 của Luật Tương trợ tư
pháp. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ không xác định được ngôn
ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ khác mà được nước được yêu cầu chấp nhận, cơ quan
có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp gửi văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao xác định.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan có thẩm
quyền yêu cầu ủy thác tư pháp, Bộ Ngoại giao phải có văn bản đề nghị cơ quan có
thẩm quyền nước ngoài thông tin về ngôn ngữ tương trợ tư pháp. Trong thời hạn
03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời của phía nước ngoài, Bộ Ngoại
giao có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ ủy thác tư
pháp của Việt Nam.
Điều
12. Điều kiện hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam
Hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ
khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Hồ sơ ủy thác tư pháp đã
được lập theo đúng quy định tại Điều 11 của Thông tư liên tịch
này.
2. Biên lai thu phí, lệ phí
và giấy tờ xác nhận đã thanh toán chi phí thực tế cho cơ quan có thẩm quyền nước
ngoài theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 hoặc biên lai
thu tiền tạm ứng chi phí thực tế tại điểm b khoản 2 Điều 7 của
Thông tư liên tịch này.
Điều
13. Trình tự, thủ tục nhận và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam tại Bộ Tư
pháp
Trong thời hạn 10 ngày làm
việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam, Bộ Tư pháp có
trách nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo
quy định tại Điều 12 của Thông tư liên tịch này và thực hiện
các công việc sau đây:
1. Trường hợp hồ sơ ủy thác
tư pháp đầy đủ và hợp lệ thì thực hiện một trong các thủ tục sau:
a) Chuyển hồ sơ qua kênh tống
đạt chính hoặc cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của điều ước
quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên;
b) Chuyển hồ sơ cho Bộ Ngoại
giao để chuyển qua đường ngoại giao trong trường hợp giữa Việt Nam và nước
ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
hoặc chưa thỏa thuận về áp dụng nguyên tắc có đi có lại;
c) Tống đạt giấy tờ qua kênh
ngoại giao gián tiếp, kênh lãnh sự gián tiếp theo đề nghị của cơ quan có thẩm
quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam hoặc trong trường hợp không thể chuyển
qua kênh tống đạt chính.
2. Trường hợp hồ sơ ủy thác
tư pháp không đầy đủ hoặc không hợp lệ theo quy định tại Điều
11 và Điều 12 của Thông tư liên tịch này, Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ ủy thác
tư pháp cho cơ quan đã gửi hồ sơ ủy thác tư pháp và nêu rõ lý do.
Điều
14. Trình tự, thủ tục nhận và gửi hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam tại Bộ Ngoại
giao và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài
1. Bộ Ngoại giao có trách
nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam và chuyển hồ sơ cho cơ quan đại
diện của Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được hồ sơ ủy thác tư pháp do Bộ Tư pháp chuyển đến.
2. Cơ quan đại diện Việt Nam
ở nước ngoài có trách nhiệm vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp của Việt Nam và chuyển
hồ sơ ủy thác tư pháp cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong thời hạn 05
ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp.
3. Việc thực hiện tống đạt
theo kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp theo Công
ước Tống đạt cho công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài nếu nước đó
không phản đối hoặc pháp luật nước đó cho phép thực hiện theo hướng dẫn của Bộ
Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao.
Điều
15. Thông báo kết quả, tiến độ thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam
1. Trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có
thẩm quyền nước ngoài và tài liệu kèm theo (nếu có), cơ quan đại diện của Việt
Nam ở nước ngoài gửi văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và tài
liệu kèm theo (nếu có) về Bộ Ngoại giao.
2. Trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo và tài liệu kèm theo (nếu có)
do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về, Bộ Ngoại giao chuyển văn bản
thông báo và tài liệu kèm theo (nếu có) cho Bộ Tư pháp.
3. Trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của cơ quan có
thẩm quyền nước ngoài và tài liệu kèm theo (nếu có), Bộ Tư pháp gửi văn bản
thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và tài liệu kèm theo (nếu có) cho
cơ quan đã yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam.
4. Trường hợp cơ quan có thẩm
quyền yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam có văn bản yêu cầu Bộ Tư pháp đề nghị
cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông báo về tình hình thực hiện ủy thác tư
pháp thì việc gửi văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thông báo về
tình hình thực hiện ủy thác và thông báo việc trả lời của cơ quan có thẩm quyền
nước ngoài thực hiện theo quy trình tại Điều 13, Điều 14 và Điều
15 của Thông tư liên tịch này.
Điều
16. Xử lý kết quả ủy thác tư pháp tại các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác
tư pháp của Việt Nam
1. Việc xử lý kết quả ủy
thác tư pháp để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng
dân sự.
2. Việc xử lý kết quả ủy
thác tư pháp để giải quyết yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật
thi hành án dân sự.
3. Việc xử lý kết quả ủy
thác tư pháp để giải quyết yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên
quan.
Chương
III
THỰC HIỆN ỦY
THÁC TƯ PHÁP CỦA NƯỚC NGOÀI
Điều
17. Thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài bao gồm:
a) Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
b) Cơ quan thi hành án dân sự
cấp tỉnh trong trường hợp ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài
liên quan đến thi hành án dân sự;
c) Thừa phát lại thực hiện tống
đạt giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện ủy
thác tư pháp của nước ngoài, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cơ quan thi hành án dân
sự cấp tỉnh có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, thông
tin theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự và thi hành án dân sự.
2. Thẩm quyền của cơ quan, tổ
chức Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài được xác định như sau:
a) Nơi người được tống đạt
là cá nhân cư trú, làm việc hoặc nơi cơ quan, tổ chức được tống đạt có trụ sở,
chi nhánh của tổ chức đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài;
b) Nơi người được triệu tập
làm chứng, người giám định cư trú, làm việc;
c) Nơi thực hiện việc thu thập,
cung cấp chứng cứ.
Điều
18. Hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài
Hồ sơ ủy thác tư pháp của nước
ngoài gồm những văn bản sau đây:
1. Các văn bản theo quy định
của điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam và
nước đó là thành viên. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước
quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì hồ sơ ủy thác tư pháp của
nước ngoài gồm các văn bản được quy định tại Điều 11 và Điều 12
của Luật Tương trợ tư pháp.
2. Biên lai nộp phí, lệ phí ủy
thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam theo quy định hiện hành về
phí, lệ phí ủy thác tư pháp về dân sự và chi phí thực tế (nếu có).
Điều
19. Nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Bộ Tư pháp tiếp nhận hồ
sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế về tương
trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự mà Việt Nam và nước đó là thành viên hoặc
theo kênh chính, kênh ngoại giao gián tiếp, kênh lãnh sự gián tiếp của Công ước Tống đạt.
Trường hợp Bộ Ngoại giao nhận
được hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài trong thời hạn 05 ngày làm việc, Bộ
Ngoại giao có trách nhiệm chuyển hồ sơ và các tài liệu kèm theo (nếu có) cho Bộ
Tư pháp.
2. Trong thời hạn 10 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài, Bộ Tư pháp
vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp, xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và thực
hiện một trong các công việc sau đây:
a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ
và hợp lệ, Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ cho cơ quan, có thẩm quyền của Việt Nam quy
định tại Điều 17 của Thông tư liên tịch này;
b) Trường hợp hồ sơ không đầy
đủ hoặc không hợp lệ, Bộ Tư pháp trả lại hoặc chuyển Bộ Ngoại giao trả lại hồ
sơ cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và nêu rõ lý do.
Điều
20. Trình tự, thủ tục và thời hạn thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
1. Trong thời hạn 07 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ ủy thác tư pháp của nước ngoài, cơ quan có
thẩm quyền Việt Nam vào sổ hồ sơ ủy thác tư pháp và thực hiện một trong các
công việc sau đây:
a) Tiến hành tiếp nhận để thực
hiện ủy thác tư pháp trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết;
b) Trả lại hồ sơ cho Bộ Tư
pháp trong trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết;
c) Trường hợp cần bổ sung
thông tin, tài liệu liên quan hoặc việc thực hiện ủy thác làm phát sinh chi phí
thực tế, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày xác định được thông tin,
tài liệu cần bổ sung hoặc chi phí thực tế phát sinh, cơ quan có thẩm quyền Việt
Nam có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài để
bổ sung thông tin, tài liệu theo quy trình tại Điều 21 hoặc
nộp chi phí thực tế theo quy trình tại Điều 9 của Thông tư liên
tịch này.
2. Cơ quan có thẩm quyền Việt
Nam áp dụng các phương thức sau đây để thực hiện ủy thác tư pháp của nước
ngoài:
a) Theo quy định của pháp luật
tố tụng dân sự và pháp luật về thi hành án dân sự tương tự như các vụ việc
trong nước;
b) Theo phương thức đặc biệt
trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Trường hợp các cơ quan
có thẩm quyền tại Điều 4 của Thông tư liên tịch này đã quyết
định áp dụng pháp luật nước ngoài nhưng phương thức đặc biệt không thực hiện được
trên thực tế thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện phải thông báo lại ngay cho Bộ
Tư pháp để trả lời cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy trình trả kết
quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài.
3. Cơ quan có thẩm quyền Việt
Nam thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài trong thời hạn mà cơ quan có thẩm
quyền nước ngoài yêu cầu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường
hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không xác định thời hạn thực hiện thì thời
hạn này không quá 90 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền Việt Nam nhận được hồ
sơ từ Bộ Tư pháp.
Quá thời hạn nêu trên, cơ
quan có thẩm quyền Việt Nam vẫn chưa thực hiện được ủy thác tư pháp thì cơ quan
này phải thông báo lại cho Bộ Tư pháp và nêu rõ lý do.
4. Trường hợp việc thực hiện
ủy thác tư pháp của nước ngoài làm phát sinh chi phí thực tế, cơ quan có thẩm
quyền Việt Nam chỉ thực hiện sau khi đã thu đủ chi phí thực tế.
Điều
21. Trình tự, thủ tục và thời hạn thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của
nước ngoài
1. Trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày thực hiện xong phương thức quy định tại Điều
20 của Thông tư liên tịch này, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi văn bản
thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp theo Mẫu số
03 được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này với số lượng 02 bản và tài
liệu kèm theo (nếu có) cho Bộ Tư pháp.
2. Trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền, Bộ Tư pháp gửi
thông báo và các tài liệu kèm theo (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền nước yêu
cầu theo quy định của điều ước quốc tế hoặc cho Bộ Ngoại giao đối với trường hợp
hồ sơ ủy thác tư pháp được gửi thông qua Bộ Ngoại giao.
3. Trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được thông báo và tài liệu kèm theo (nếu có) từ Bộ Tư
pháp, Bộ Ngoại giao gửi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp đó cho cơ quan có thẩm
quyền nước yêu cầu đã chuyển hồ sơ cho phía Việt Nam.
4. Trường hợp cơ quan có thẩm
quyền nước ngoài yêu cầu thông báo về tình hình thực hiện ủy thác tư pháp thì
trình tự nhận, gửi và trả lời yêu cầu này được thực hiện như trình tự nhận, gửi
và thông báo kết quả ủy thác tư pháp của nước ngoài. Thời hạn thực hiện tại từng
cơ quan có thẩm quyền Việt Nam là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông
báo.
Chương
IV
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN
Điều
22. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
1. Kiểm tra, đôn đốc, thông
báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài và ủy thác tư pháp của Việt
Nam trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài có điều ước quốc tế về tương
trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
2. Cập nhật điều ước quốc tế
về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có hiệu lực mà Việt Nam là thành
viên trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
3. Cập nhật quy định về yêu
cầu ngôn ngữ đối với hồ sơ ủy thác tư pháp, phí, chi phí và các quy định khác
có liên quan của nước ngoài đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam về tương trợ
tư pháp trong lĩnh vực dân sự và của các nước chưa có điều ước quốc tế về tương
trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự với Việt Nam trên cơ sở thông tin do Bộ Ngoại
giao cung cấp. Các thông tin này được đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ
Tư pháp.
4. Chủ trì, phối hợp với Bộ
Ngoại giao trong việc xác định, cập nhật tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của
nước ngoài cho Việt Nam để làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền quyết định từ
chối áp dụng nguyên tắc có đi có lại. Các thông tin này được đăng trên trang
thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
5. Thực hiện các nhiệm vụ
khác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp
và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều
23. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Kiểm tra, đôn đốc, thông
báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài và ủy thác tư pháp của Việt
Nam trong trường hợp hồ sơ ủy thác tư pháp được chuyển qua đường ngoại giao hoặc
qua kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp theo Công
ước Tống đạt.
2. Cập nhật quy định về yêu
cầu ngôn ngữ đối với hồ sơ ủy thác tư pháp, phí, chi phí và các quy định khác
có liên quan của nước ngoài nơi ủy thác tư pháp của Việt Nam được gửi đến trong
trường hợp Việt Nam và nước đó chưa ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư
pháp trong lĩnh vực dân sự. Các thông tin này được đăng trên trang thông tin điện
tử của Bộ Ngoại giao đồng thời được gửi cho Bộ Tư pháp để cập nhật chung.
3. Cung cấp thông tin về chi
phí thực hiện ủy thác tư pháp ở nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
Việt Nam; hỗ trợ chuyển tiền thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự cho cơ quan, tổ
chức ở nước ngoài trong những trường hợp đặc biệt.
4. Phối hợp với Bộ Tư pháp
trong việc xác định, cập nhật tình hình thực hiện ủy thác tư pháp của nước
ngoài cho Việt Nam.
5. Thông báo tình hình thực
hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam và ủy thác tư pháp của nước ngoài thuộc thẩm
quyền, tình hình thực hiện ủy thác tống đạt văn bản tố tụng đối với công dân Việt
Nam ở nước ngoài cho Bộ Tư pháp theo định kỳ hàng năm hoặc khi Bộ Tư pháp có đề
nghị.
6. Công khai, cập nhật địa
chỉ và đầu mối liên lạc về ủy thác tư pháp của cơ quan đại diện của Việt Nam ở
nước ngoài trên trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao.
7. Thực hiện các nhiệm vụ
khác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp
và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều
24. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao
1. Phối hợp, kiểm tra, đôn đốc
các Tòa án có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp theo quy định của Thông tư
liên tịch này và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Phối hợp với Bộ Tư pháp
và Bộ Ngoại giao hướng dẫn các Tòa án có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về
dân sự và rà soát, tổng kết tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự.
3. Thực hiện các nhiệm vụ
khác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp
và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều
25. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam trong hoạt động
tương trợ tư pháp về dân sự
1. Thực hiện ủy thác tư pháp
theo đúng quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định của pháp luật có
liên quan.
2. Thông báo cho người có
nghĩa vụ nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự về mức và phương thức
nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật về phí, lệ
phí và Thông tư liên tịch này.
3. Cập nhật về tình hình thực
hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài cho Bộ Tư pháp hoặc Bộ Ngoại giao
theo định kỳ hàng năm hoặc khi có yêu cầu.
4. Thực hiện các nhiệm vụ
khác theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp
và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Chương
V
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều
26. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có
hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 12 năm 2016 và thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15 tháng 9 năm
2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng
một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp. Việc tống đạt văn bản
tố tụng cho công dân Việt Nam ở nước ngoài thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở
nước ngoài được thực hiện theo quy định của Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Ngoại
giao.
2.
Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC
ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại
giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ
tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật
Tương trợ tư pháp tiếp tục được áp dụng đối với hồ sơ ủy thác tư pháp của
Việt Nam và ủy thác tư pháp của nước ngoài được lập trước ngày Thông tư liên tịch
này có hiệu lực.
Điều
27. Tổ chức thực hiện
Trong quá trình thực hiện
Thông tư liên tịch này, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề mới thì
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có liên quan
và Thừa phát lại thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự phản ánh về Bộ Tư pháp, Bộ
Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao để kịp thời xử lý./.
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Thúy Hiền
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NGOẠI GIAO
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Dũng
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Khánh Ngọc
|
MẪU SỐ 01
Văn bản yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân
sự
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19
tháng 10 năm 2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy
định trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự)
(1)
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:...../TTTPDS-
(2)
V/v tương trợ tư pháp (lần....) (4)
|
......., ngày......
tháng...... năm....(3)
|
Kính gửi: Bộ Tư pháp
..............(5).......................
Địa chỉ: (6)..............................................................................................................
Đang giải quyết vụ án (vụ việc)
về: (7)..................................................................
Xét thấy việc ủy thác tư
pháp là cần thiết cho việc giải quyết vụ việc, Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy
thác tư pháp... (8)....;
Căn cứ vào Điều.... và Điều....
của Luật Tương trợ tư pháp,
Quyết định ủy thác tư pháp
cho: (9).......................................................................
Để tiến hành việc: (10)............................................................................................
Đối với: (11)............................................................................................................
......(12)....
đề nghị Bộ Tư pháp chuyển hồ sơ ủy thác tư pháp này tới cơ quan có thẩm quyền
và gửi kết quả về Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp
...(13)...
trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
....(14)...
xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu hồ sơ vụ việc, VP.
|
NGƯỜI CÓ THẨM
QUYỀN
GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC(15)
(Ký, ghi rõ họ
tên và đóng dấu)
|
Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 01
(1) (5) (8) (12) (14)
Ghi tên Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp.
Ví dụ: Tòa án nhân dân tỉnh
An Giang, Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang.
(2) Viết tắt của
các cơ quan có thẩm quyền Tòa án: TA, Thi hành án dân sự: THA,.. Kèm theo các số
thứ tự từ 1 - 63 cho các tỉnh thành theo danh mục dưới đây:
1. An Giang
|
22. Hà Giang
|
43. Ninh Thuận
|
2. Bà Rịa - Vũng Tàu
|
23. Hà Nam
|
44. Phú Thọ
|
3. Bạc Liêu
|
24. Hà Nội
|
45. Phú Yên
|
4. Bắc Kạn
|
25. Hà Tĩnh
|
46. Quảng Bình
|
5. Bắc Giang
|
26. Hải Dương
|
47. Quảng Nam
|
6. Bắc Ninh
|
27. Hải Phòng
|
48. Quảng Ngãi
|
7. Bến Tre
|
28. Hậu Giang
|
49. Quảng Ninh
|
8. Bình Dương
|
29. Hòa Bình
|
50. Quảng Trị
|
9. Bình Định
|
30. TP Hồ Chí Minh
|
51. Sóc Trăng
|
10. Bình Phước
|
31. Hưng Yên
|
52. Sơn La
|
11. Bình Thuận
|
32. Khánh Hòa
|
53. Tây Ninh
|
12. Cà Mau
|
33. Kiên Giang
|
54. Thái Bình
|
13. Cao Bằng
|
34. Kon Tum
|
55. Thái Nguyên
|
14. Cần Thơ
|
35. Lai Châu
|
56. Thanh Hóa
|
15. Đà Nẵng
|
36. Lạng Sơn
|
57. Thừa Thiên Huế
|
16. Đắk Lắk
|
37. Lào Cai
|
58. Tiền Giang
|
17. Đắk Nông
|
38. Lâm Đồng
|
59. Trà Vinh
|
18. Điện Biên
|
39. Long An
|
60. Tuyên Quang
|
19. Đồng Nai
|
40. Nam Định
|
61. Vĩnh Long
|
20. Đồng Tháp
|
41. Nghệ An
|
62. Vĩnh Phúc
|
21. Gia Lai
|
42. Ninh Bình
|
63. Yên Bái
|
Ví dụ: Văn bản yêu cầu thực
hiện ủy thác tống đạt giấy tờ tư pháp về dân sự của Tòa án nhân dân tỉnh An
Giang được viết tắt là.../TTTPDS-TA1; Cục thi hành án dân sự tỉnh An Giang được
viết tắt là...../TTTPDS-THA1
(3) Ghi địa điểm
và thời gian lập văn bản ủy thác tư pháp.
Ví dụ: Hà Nội, ngày 10 tháng
10 năm 2016.
(4) Ghi rõ số lần
yêu cầu tương trợ tư pháp.
Ví dụ: V/v tương trợ tư pháp
(lần 2).
(6) Ghi đầy đủ địa
chỉ của Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác.
(7) Ghi tóm tắt nội
dung vụ việc dân sự mà Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác đang giải quyết.
(9) Ghi đầy đủ
tên và địa chỉ của cơ quan được ủy thác tư pháp theo quy định về địa giới hành
chính của nước được ủy thác tư pháp (nếu biết).
Ví dụ: “Tòa án A; Địa chỉ: số...,
đường..., quận..., thành phố...., bang...., nước...” Nếu giữa Việt Nam và nước
ngoài có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì cơ
quan được ủy thác tư pháp là cơ quan có thẩm quyền theo quy định của điều ước
quốc tế đó. Nếu Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư
pháp về dân sự thì cơ quan được ủy thác tư pháp là cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài.
Nếu Cơ quan có thẩm quyền
yêu cầu ủy thác đã thu thập, xác minh thông tin nhưng vẫn không tìm được tên, địa
chỉ chính xác của cơ quan được ủy thác, hoặc thiếu chính xác (ở những chi tiết
cụ thể) hoặc không đầy đủ (chỉ đến thành phố, bang...) thì ghi là cơ quan có thẩm
quyền của nước được ủy thác tư pháp nơi cư trú, làm việc của cá nhân, tổ chức
liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp.
Ví dụ: tại mục tên của cơ
quan được ủy thác tư pháp ghi: “Cơ quan có thẩm quyền của nước (nơi ông Nguyễn
Văn A cư trú)”; tại mục địa chỉ cơ quan được ủy thác tư pháp Tòa án ghi theo địa
chỉ của ông Nguyễn Văn A: “số..., đường..., quận..., thành phố...., bang....,
nước...”.
(10) Tùy thuộc
vào nội dung tương trợ tư pháp mà Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác ghi một
trong các nội dung tương trợ tư pháp quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật Tương trợ tư pháp.
(11) Ghi đầy đủ
thông tin về người liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp.
Nếu người liên quan trực tiếp
đến ủy thác tư pháp là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm
việc.
Ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại
số..., đường..., phường/xã.... quận/huyện..., thành phố/tỉnh...., bang...., nước...
Nếu người liên quan trực tiếp
đến ủy thác tư pháp là cơ quan, tổ chức thì ghi tên đầy đủ, địa chỉ hoặc văn
phòng trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó.
Ví dụ: Công ty TNHH A, trụ sở:
số..., đường..., phường/xã... quận/huyện......, thành phố/tỉnh...., bang....,
nước....
(15) Ghi đầy đủ họ
và tên của người có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Lưu ý: Văn bản cần được
trình bày theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06 tháng 5 năm 2005 của
Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ về thể thức trình bày văn bản và Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19 tháng 01 năm 2011 của Bộ
Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính.
MẪU SỐ 02A
Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/TTLT/BTP-BNG-TANDTC ngày 19
tháng 10 năm 2016 của Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy
định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự)
............ (1)
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:...../(3)
|
........,
ngày........ tháng....... năm....(2)
|
VĂN BẢN ỦY THÁC TƯ PHÁP VỀ DÂN SỰ
1. Tên cơ quan được ủy
thác tư pháp
Địa chỉ:
|
(4)
|
2. Tên cơ quan ủy thác tư
pháp:
Địa chỉ:
Số điện thoại:
Email:
|
(5)
|
3. Họ tên thẩm phán giải
quyết vụ việc
|
(6)
|
4. Người có liên quan trực
tiếp đến ủy thác tư pháp
Cá nhân (ghi đầy đủ Họ
tên, Giới tính, Quốc tịch, Địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc);
Cơ quan, tổ chức (Tên đầy
đủ; Địa chỉ/Văn phòng trụ sở chính)
|
(7)
|
5. Công việc ủy thác tư
pháp(8)
|
□ Tống đạt (kèm theo là
Danh mục tài liệu được tống đạt, trong đó mô tả bản chất và mục đích của tài
liệu, thời hạn nêu trong tài liệu và các tài liệu được tống đạt)
□ Thu thập, cung cấp chứng
cứ (Kèm theo là Bản mô tả chứng cứ cần được thu thập, câu hỏi để hỏi những
người có liên quan)
□ Triệu tập người làm chứng,
người giám định (Kèm theo là Bản mô tả quyền và nghĩa vụ của người làm chứng,
người giám định và Giấy triệu tập người làm chứng, người giám định)
□ Yêu cầu khác (kèm theo
các tài liệu có liên quan)
|
6. Tóm tắt nội dung vụ việc(9)
|
|
7. Trích dẫn điều luật có
thể áp dụng(10)
|
|
8. Các biện pháp thực hiện
ủy thác tư pháp (11)
|
□ Theo biện pháp được nêu
trong pháp luật quốc gia của nước được yêu cầu
□ Theo biện pháp đặc biệt
(mô tả cụ thể)
|
9. Thời hạn thực hiện ủy
thác tư pháp(12)
|
Đề nghị cơ quan được yêu cầu
thực hiện ủy thác tư pháp trước ngày... tháng... năm... và thông báo kết quả
cho cơ quan ủy thác tư pháp theo tên và địa chỉ trong văn bản ủy thác tư
pháp. Trường hợp không thực hiện được ủy thác tư pháp, đề nghị cơ quan được
yêu cầu thông báo ngay cho cơ quan yêu cầu và nêu rõ lý do không thực hiện được
trong văn bản trả lời
|
...(13)...
xin trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Cơ quan. Trường hợp cần bổ sung thông
tin để thực hiện ủy thác tư pháp, đề nghị cơ quan được yêu cầu thông báo lại bằng
văn bản hoặc qua địa chỉ email nêu trên cho Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực
hiện ủy thác.....(14) được biết.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu hồ sơ vụ việc, VP.
|
NGƯỜI CÓ THẨM
QUYỀN
GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC(15)
(Ký, ghi rõ họ
tên và đóng dấu)
|
Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 02A
(1) (13) (14) Ghi
tên Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác tư pháp.
Ví dụ: Tòa án nhân dân thành
phố Hà Nội/Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.
(2) Ghi địa
điểm và thời gian lập văn bản ủy thác tư pháp (Ví dụ: Hà Nội, ngày 10 tháng 10
năm 2016).
(3) Ghi số
Công văn yêu cầu Bộ Tư pháp thực hiện ủy thác tư pháp theo Mẫu số 01 (Số ký hiệu
tại Công văn yêu cầu Bộ Tư pháp thực hiện ủy thác tư pháp được sử dụng đối với
văn bản này).
(4) Ghi đầy
đủ tên và địa chỉ của cơ quan được ủy thác tư pháp theo quy định về địa giới
hành chính của nước được ủy thác tư pháp như hướng dẫn tại mục (8) của Hướng dẫn
sử dụng Mẫu số 01 (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/TTLT/BTP-BNG-TANDTC
ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối
cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự).
(5) Ghi đầy
đủ tên, địa chỉ liên lạc của cơ quan có yêu cầu ủy thác
Ví dụ: Nếu Tòa án nhân dân
thành phố Hà Nội là Tòa án có yêu cầu ủy thác tư pháp, thì tại mục này, Tòa án
ghi như sau: “Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; Địa chỉ: số 43 phố Hai Bà
Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam”.
Số điện thoại:
Email:
(6) Ghi đầy
đủ họ và tên của người trực tiếp giải quyết vụ việc (Thẩm phán Nguyễn Văn A)
(7) Ghi đầy
đủ thông tin về người liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp như hướng dẫn tại
mục (11) của Hướng dẫn sử dụng Mẫu số 01 (Ban hành kèm theo Thông tư
liên tịch số 12/TTLT/BTP-BNG-TANDTC ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tư Pháp, Bộ
Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ
tư pháp trong lĩnh vực dân sự).
Trước khi tiến hành lập hồ
sơ ủy thác tư pháp, Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác phải thu thập, xác
minh chính xác các thông tin như: họ tên, giới tính, quốc tịch, địa chỉ nơi cư
trú hoặc nơi làm việc đối với cá nhân và tên đầy đủ, địa chỉ hoặc văn phòng trụ
sở chính của cơ quan, tổ chức.
Qua thu thập, xác minh thông
tin về cá nhân, cơ quan/tổ chức mà Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác biết
được các thông tin khác liên quan trực tiếp đến ủy thác tư pháp như: nghề nghiệp,
người đại diện theo pháp luật, người thân thích hoặc nơi làm việc đối với cá
nhân; chi nhánh, văn phòng đại diện, người đại diện theo pháp luật đối với tổ
chức thì Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác ghi những thông tin này vào sau
mục họ, tên, địa chỉ, quốc tịch nơi cư trú hoặc nơi làm việc của cá nhân: tên đầy
đủ, địa chỉ hoặc văn phòng chính của Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến
ủy thác tư pháp.
(8) Cơ
quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác chọn một trong các nội dung tương trợ tư pháp
quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật Tương trợ
tư pháp. Ví dụ: ủy thác tư pháp để tống đạt thông báo của Tòa án về việc thụ
lý vụ án.
(9) Cơ
quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác ghi tóm tắt nội dung vụ việc dân sự mà Cơ
quan có thẩm quyền đó đang giải quyết. Ví dụ: Tóm tắt nội dung vụ việc đòi bồi
thường thiệt hại do tai nạn ô tô
Tóm tắt nội dung vụ việc:
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị A khởi kiện bị đơn ông Trần Văn B đòi bồi thường thiệt
hại do tai nạn ô tô. Tổng thiệt hại là 100 triệu đồng.
(10) Tùy theo
công việc ủy thác tư pháp mà cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác có thể trích
dẫn điều luật áp dụng cho yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp. Ví dụ: Tòa án tống
đạt thông báo về việc thụ lý vụ án cho đương sự đang ở nước ngoài thì Tòa án
trích dẫn Điều.... và Điều..... Bộ luật Tố tụng
dân sự.
(11) Cơ
quan có thẩm quyền yêu cầu ủy thác đánh dấu vào ô tương ứng với biện pháp thực
hiện ủy thác. Trong trường hợp đề nghị Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực
hiện ủy thác theo phương thức đặc biệt thì cần mô tả rõ phương thức đó. Ví dụ:
đề nghị khi lấy lời khai nhân chứng phải kèm theo bản ghi âm hoặc băng video về
quá trình lấy lời khai.
(12) Ghi đầy
đủ ngày, tháng, năm
(15) Ghi
rõ chức danh, Ký tên và ghi đầy đủ họ và tên của người được phân công yêu cầu ủy
thác
Ví dụ: THẨM PHÁN
(Chữ ký)
Nguyễn Văn A
Mẫu số 02B
Văn bản ủy thác tư pháp về dân sự
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19
tháng 10 năm 2016 của Bộ Tư Pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy
định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự)
Áp dụng cho các yêu cầu gửi
đi các nước thành viên của Công ước La Hay năm
1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh
vực dân sự hoặc thương mại
YÊU CẦU TỐNG ĐẠT RA NƯỚC NGOÀI GIẤY TỜ TƯ PHÁP VÀ NGOÀI TƯ PHÁP
REQUEST FOR SERVICE ABROAD OF JUDICIAL OR EXTRAJUDICIAL DOCUMENTS
|
Công ước về Tống đạt ra nước ngoài
giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, ký tại
La Hay, ngày 15/11/1965
Convention on the Service Abroad of Judicial and Extrajudicial
Documents in Civil or Commercial Matters, signed at The Hague, the 15th of
November 1965
|
Thông tin và địa chỉ của
người có thẩm quyền gửi
Identity and address of the
applicant(1)
|
Địa chỉ của người có thẩm
quyền nhận
Address of receiving
authority(2)
|
Người có thẩm quyền gửi ký
tên dưới đây trân trọng chuyển các giấy tờ được liệt kê trong danh mục dưới
đây (2 bộ) và yêu cầu tống đạt ngay một bộ hồ sơ, theo Điều 5 Công ước nêu
trên, đến người được tống đạt là:
The undersigned applicant
has the honour to transmit in duplicate the documents listed below and, in
conformity with Article 5 of the above-mentioned Convention, requests prompt
service of one copy thereof on the addressee, i.e.:
|
Thông tin và địa chỉ của
người được tống đạt
Identity and address(3)
|
(4)
□
|
a) Phù hợp với các
quy định tại điểm a đoạn 1 Điều 5 Công ước này
in accordance with the
provisions of sub-paragraph a) of the first paragraph of Article 5 of
the Convention.
|
(5)
□
|
b) Phù hợp với
phương thức cụ thể dưới đây (điểm b đoạn 1 Điều 5 Công ước này):
in accordance with the
following particular method (sub-paragraph b) of the first paragraph
of Article 5):(6)
|
(7)
□
|
c) Bằng cách chuyển
giao cho người được tống đạt, nếu người này tự nguyện nhận (đoạn 2 Điều 5 Công
ước này)
by delivery to the
addressee, if he accepts it voluntarily (second paragraph of Article 5).
|
|
Người có thẩm quyền được
yêu cầu trả lại một bản sao các giấy tờ đã được cung cấp và các phụ lục (nếu
có) kèm theo một Giấy xác nhận kết quả cho người có thẩm quyền gửi.
The authority is requested
to return or to have returned to the applicant a copy of the documents and of
the annexes (if appropriate) - with the attached certificate.
|
|
Danh mục giấy tờ/List
of documents(8)
|
|
Lập tại/Done at(9)
The
|
Chữ ký và đóng dấu(10)
Signature and/or stamp
|
|
|
|
|
(Mặt sau yêu cầu tống đạt)
XÁC NHẬN KẾT QUẢ TỐNG ĐẠT
CERTIFICATE
|
|
Phù hợp với Điều 6 của Công
ước này, người có thẩm quyền ký tên dưới đây trân trọng xác nhận rằng,
The undersigned authority
has the honour to certify, in conformity with Article 6 of the Convention,
|
|
□
|
1. Giấy tờ đã được tống đạt
that the document has been
served
|
|
- Ngày/the (date)/le
(date)
|
|
|
- Tại (địa điểm, phố, số
nhà)
at (place, street, number)
|
|
|
- Bằng một trong
các phương thức được phép tại Điều 5 Công ước như dưới đây:
in one of the following methods
authorised by Article 5:
|
|
□
|
a) Phù hợp với các
quy định tại điểm a đoạn 1 Điều 5 Công ước
in accordance with the
provisions of sub-paragraph a) of the first paragraph of Article 5 of
the Convention
|
|
□
|
b) Phù hợp với
phương thức cụ thể sau đây:
in accordance with the
following particular method:
|
|
□
|
c) Chuyển giao cho
người được tống đạt, nếu người này tự nguyện nhận by delivery to the
addressee, if he accepts it voluntarily
|
|
Giấy tờ nêu trong yêu cầu
đã được chuyển giao đến:
The documents referred to
in the request have been delivered to:
|
|
Identity and description
of person:
Thông tin cá nhân và mô tả
chi tiết về người được giao giấy tờ
|
|
|
Relationship to the
addressee (family, business or other):
Quan hệ với người được tống
đạt (gia đình, kinh doanh hay quan hệ khác)
|
|
|
□
|
2. that the document has
not been served, by reason of the following facts:
Giấy tờ chưa được tống đạt,
với lý do sau:
|
|
□
|
In conformity with the second
paragraph of Article 12 of the Convention, the applicant is requested to pay
or reimburse the expenses detailed in the attached statement (if
appropriate).
Phù hợp với đoạn 2 Điều 12
của Công ước này, người có thẩm quyền yêu cầu được đề nghị thanh toán hoặc
hoàn trả các chi phí chi tiết kê khai kèm theo (nếu có)
|
|
Annexes Các phụ lục
|
|
Documents returned:
Giấy tờ trả lại:
|
|
|
In appropriate cases,
documents establishing the service:
Trong trường hợp thích hợp,
giấy tờ chứng minh việc tống đạt
|
|
|
Done at
The
Lập tại
|
Signature and/or stamp
Chữ ký và/hoặc đóng dấu
|
|
NỘI DUNG TÓM TẮT GIẤY TỜ ĐƯỢC TỐNG ĐẠT
SUMMARY OF THE DOCUMENT TO BE SERVED
|
Công ước tống đạt ra nước ngoài giấy
tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, ký tại La
Hay ngày 15/11/1965 (Điều 5 đoạn 4)
Convention on the Service Abroad of Judicial and Extrajudicial
Documents in Civil or Commercial Matters, signed at The Hague, the 15th of
November 1965 (Article 5, fourth paragraph).
|
Tên và địa chỉ của người
có thẩm quyền yêu cầu:
Name and address of the
requesting authority
|
(11)
|
Chi tiết về các bên:
Particulars of the
parties:
|
(12)
|
□ (13) GIẤY TỜ TƯ
PHÁP
JUDICIAL DOCUMENT
|
|
Bản chất và
mục đích của giấy tờ
Nature and purpose of the
document
|
(14)
|
Bản chất và mục đích của
thủ tục tố tụng và, giá trị tranh chấp, nếu có
Nature and purpose of the proceedings
and, when appropriate, the amount in dispute
|
(15)
|
Ngày và nơi cần có mặt
Date and Place for
entering appearance
|
(16)
|
Tòa án đã ra phán quyết
Court which has given
judgment
|
(17)
|
Ngày ra phán quyết
Date of judgment
|
(18)
|
Thời hạn nêu trong giấy tờ
Time limits stated in the
document
|
(19)
|
□ (20) GIẤY TỜ NGOÀI
TƯ PHÁP EXTRAJUDICIAL DOCUMENT
|
|
Bản chất và
mục đích của giấy tờ
Nature and purpose of the
document
|
(21)
|
Thời hạn nêu trong giấy tờ
Time-limits stated in the
document
|
(22)
|
|
|
|
|
|
|
|
Hướng dẫn thực hiện Mẫu số 02B
Mẫu số 02B gồm 3 phần:
Phần 1: Yêu cầu Tống đạt ra
nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp (thực hiện theo các ghi chú từ (1) đến
(10))
Phần 2: Giấy xác nhận kết quả
(để trống - Cơ quan có thẩm quyền thực hiện của nước ngoài sẽ điền phần này)
Phần 3: Nội dung tóm tắt giấy
tờ được tống đạt (thực hiện theo các ghi chú từ (11) đến (22)) Mẫu 02B phải được
lập bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của nước được yêu cầu
Phần 1
(1) Điền đầy
đủ tên, địa chỉ thư hoàn chỉnh, số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử của
cơ quan gửi là Bộ Tư pháp Việt Nam. Không điền tên của nguyên đơn hay đại diện
của nguyên đơn vào mục này.
Bộ Tư pháp Việt Nam/Ministry
of Justice
Địa chỉ/Address: 58 - 60
Tran Phu Street, Ba Dinh District, Ha Noi, Viet Nam
Số điện thoại/Phone number:
(+84) 62739446 or (+84) 62739532
Email: [email protected]
(2) Điền đầy
đủ tên và địa chỉ của Cơ quan Trung ương của nước được yêu cầu. Danh sách đầy đủ
và cập nhật địa chỉ của các cơ quan này có trên Mục Tống đạt trên trang của Hội
nghị La Hay (Hcch.net)
Hướng dẫn vào trang Hcch.net
Mục Instruments, chọn Conventions,
Protocos and Principles, chọn Công ước
Tống đạt
□ Convention of 15
November 1965 on the Service Abroad of Judicial and Extrajudicial Documents in
Civil or Commercial Matters
Chọn mục Authorities
Chọn nước cần gửi đến.
Sao chép thông tin về tên
và địa chỉ của cơ quan trung ương (Central Authority)
Ví dụ: Cơ quan trung ương
của Hàn Quốc: sau khi chọn mục Authorities, chọn Korea, sao chép địa chỉ của cơ
quan trung ương của Hàn Quốc
National Court
Administration
Attn.: Director of
International Affairs
Seocho-daero 219
Seocho-gu
SEOUL 137-750
Republic of Korea
(3) Thông
tin gồm
Cá nhân: Họ tên (đầy đủ),
Quốc tịch, Giới tính, Địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc, Ngày tháng năm sinh
(nếu có)
Tổ chức: Tên đầy đủ, Địa
chỉ trụ sở chính
Các yêu cầu gửi đến quốc gia
thành viên sử dụng hệ chữ viết không phải bảng chữ cái La tinh thì cần kèm theo
cả tên và địa chỉ của người nhận bằng một trong các ngôn ngữ chính thức của nước
đó.
(4) Lựa chọn
(a): đánh dấu vào ô trống tương ứng nếu muốn giấy tờ được tống đạt bằng một
phương thức xác định theo pháp luật trong nước của nước được yêu cầu (tống đạt
chính thức) và phương thức này do quốc gia được tống đạt xác định. Chi phí có
thể phát sinh nếu phải thuê cán bộ tư pháp hoặc người có thẩm quyền theo pháp luật
của nước nhận để thực hiện việc tống đạt (Điều 12 (2) (a) Công ước).
(5) Lựa chọn
(b): đánh dấu vào ô trống nếu muốn giấy tờ được tống đạt bằng một phương thức đặc
biệt.
(6) Mô tả
cụ thể cách thức tống đạt đặc biệt mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mong
muốn cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện để đảm bảo đáp ứng yêu cầu
của pháp luật tố tụng của Việt Nam.
Lưu ý: cách thức tống đạt đặc
biệt có thể làm phát sinh thêm chi phí (Điều 12 (2) (b) Công ước)
(7) Lựa chọn
(c): đánh dấu vào ô trống tương ứng nếu muốn giấy tờ được tống đạt bằng cách
chuyển giao cho người được tống đạt, nếu người này tự nguyên nhận (tống đạt
không chính thức). Các phương thức tống đạt không chính thức khác nhau giữa các
quốc gia thành viên và có thể bao gồm: tống đạt trực tiếp tại tòa án theo lệnh
triệu tập để gửi giấy tờ được tống đạt, một số nước coi tống đạt qua bưu chính
hoặc qua đại diện tố tụng hoặc cảnh sát cũng là tống đạt không chính thức...
(8) Danh mục
giấy tờ
Liệt kê tên các loại giấy tờ
được tống đạt kèm theo Yêu cầu
Ví dụ: Thông báo thụ lý vụ
án, Giấy triệu tập, Quyết định, Đơn khởi kiện...
(9) Thông
tin về nơi lập và thời gian lập văn bản yêu cầu ủy thác: Ví dụ: Lập tại Hà Nội,
ngày 10/01/2016
(10) Chữ
ký của người có thẩm quyền và đóng dấu của Bộ Tư pháp
Phần 2: để trống (lưu
ý nội dung phần này được in vào mặt sau của phần 1)
Phần 3:
(11) Điền
thông tin như mục(1)
(12) Điền
thông tin như mục(3)
(13) Đánh
dấu vào ô này nếu tống đạt văn bản tố tụng
(14) Bản
chất và mục đích của giấy tờ chỉ phân loại về mặt pháp lý đối với giấy tờ: tên
gọi của giấy tờ đó
Ví dụ: thông báo về việc thụ
lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa giải quyết vụ án ly hôn
(15) Tóm tắt
ngắn gọn yêu cầu của nguyên đơn và căn cứ yêu cầu. Khi nguyên đơn có yêu cầu một
khoản tiền thì cần nêu rõ khoản tiền cụ thể đó.
Ví dụ: Thông báo về việc thụ
lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa giải quyết vụ án ly hôn giữa Nguyên đơn bà
Nguyễn Thị A và bị đơn ông Lee Che B. Vụ án liên quan đến yêu cầu về ly hôn,
nuôi con chung và chia tài sản chung trị giá 100 triệu đồng.
(16) Điền
ngày và địa điểm chính xác để người nhận có mặt trước cơ quan có thẩm quyền
theo nội dung trong giấy tờ. Các điều kiện và lưu ý kèm theo (nếu có). Nếu
không cần người nhận có mặt, điền “không áp dụng” (not applicable) hoặc (n/a).
Ví dụ: Phiên tòa diễn ra vào
lúc 8 giờ sáng ngày 10/01/2016 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Địa
chỉ: 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Khi trình diện, cần mang
theo giấy tờ xác minh nhân thân (hộ chiếu).
(17) (18) Điền
các mục này nếu giấy tờ được tống đạt là bản án, quyết định giải quyết việc của
tòa án. Nếu giấy tờ không phải là bản án, quyết định giải quyết việc, điền
“không áp dụng” (not applicable) hoặc (n/a)
Ví dụ: Bản án số 01/DSST-TA
ngày 10/01/2016 do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên thì Mục 17 điền “Tòa
án nhân dân thành phố Hà Nội” và địa chỉ của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội,
Mục 18 điền ngày 10/01/2016.
(19) Thông
tin cần điền là ngày tháng của giấy tờ và các thời hạn cần lưu ý khác trong giấy
tờ (thời hạn để bắt đầu thủ tục tố tụng, hoặc xem xét lại bản án hoặc quyết định...)
Nếu không có thời hạn này, điền “không áp dụng” (not applicable) hoặc (n/a)
Ví dụ: Thông báo về việc thụ
lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa gồm thông tin về ngày thụ lý, ngày mở và ngày
mở lại phiên họp hòa giải, ngày mở và ngày mở lại phiên tòa.
Đối với thông báo về bản án,
thời hạn nêu trong giấy tờ là thời hạn để bản án có hiệu lực pháp luật và thời
hạn để đương sự kháng cáo.
(20) Đánh
dấu vào ô trống nếu giấy tờ được tống đạt không phải là văn bản tố tụng
(21) Bản
chất và mục đích của giấy tờ đề cập đến phân loại về mặt pháp lý của giấy tờ:
tên gọi của giấy tờ đó
(22) Nếu
không có thời hạn nêu trong giấy tờ, điền “không áp dụng” (not applicable) hoặc
(n/a)
MẪU SỐ 03
Văn bản thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư
pháp của nước ngoài
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT/BTP-BNG-TANDTC ngày 19
tháng 10 năm 2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao quy
định trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự)
(1)
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:..../
V/v kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
|
........,
ngày........ tháng....... năm....(2)
|
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Trả lời Công văn số... (3)
ngày..... tháng...... năm.... của Bộ Tư pháp về việc ủy thác tư pháp về dân
sự của nước ngoài
1. Tên cơ quan được ủy
thác tư pháp
Địa chỉ:
|
(4)
|
2. Tên cơ quan ủy thác tư
pháp:
Địa chỉ: (nếu có)
Số điện thoại: (nếu có)
Email: (nếu có)
|
(5)
|
3. Người có liên quan trực
tiếp đến ủy thác tư pháp
Cá nhân (Họ tên, Giới
tính, Quốc tịch, Địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc)
Cơ quan, tổ chức (Tên đầy
đủ; Địa chỉ/Văn phòng trụ sở chính)
|
(6)
|
4. Ủy thác tư pháp đã được
thực hiện
|
(7)
|
5. Ủy thác tư pháp không
thể thực hiện được vì lý do sau đây
|
(8)
|
6. Phụ lục
- Giấy tờ trả lại
- Văn bản chứng minh việc
tống đạt
- Văn bản khác
|
(9)
|
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu hồ sơ vụ việc, VP.
|
NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN
GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC(10)
(Ký, ghi rõ họ
tên và đóng dấu)
|
Hướng dẫn thực hiện Mẫu số 03
(1) Tên cơ quan
có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài.
Ví dụ: Tòa án nhân dân thành
phố Hà Nội
(2) Địa điểm, thời
gian lập văn bản
(3) Số, ký hiệu,
ngày tháng công văn của Bộ Tư pháp đề nghị thực hiện ủy thác tư pháp của nước
ngoài
(4) Tên, địa chỉ
cơ quan có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài
(5) Tên, địa chỉ
cơ quan ủy thác tư pháp của nước ngoài.
Ví dụ: Tòa án gia đình
Seoul, Hàn Quốc
(6) Họ tên, địa
chỉ của đương sự được ủy thác tư pháp
(7) Nêu rõ: ngày
tháng năm thực hiện ủy thác tư pháp, địa điểm thực hiện ủy thác và phương thức
thực hiện ủy thác. Phương thức thực hiện ủy thác tư pháp, nêu rõ phương thức đã
thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thi hành án dân sự hoặc
phương thức thực hiện đặc biệt theo đề nghị của cơ quan ủy thác tư pháp nước
ngoài.
Ví dụ: tống đạt trực tiếp
cho đương sự; niêm yết công khai...
Trường hợp tống đạt giấy tờ
mà giấy tờ gửi qua người thân của đương sự là cá nhân hoặc người chuyên nhận
văn bản (văn thư) của đương sự là cơ quan, tổ chức thì cần xác định rõ tên đầy
đủ, số chứng minh thư hoặc số hộ chiếu, số điện thoại, ngày tháng năm sinh (nếu
có) của người trực tiếp nhận giấy tờ và quan hệ với đương sự (cha, mẹ, anh chị
em, người lao động...).
(8) Nêu rõ lý do
không thể thực hiện được ủy thác, ví dụ: địa chỉ không chính xác; đương sự đã
chuyển đi nơi khác không xác minh được địa chỉ cư trú hiện tại...
(9) Liệt kê danh
mục các tài liệu gửi kèm văn bản thông báo, ví dụ: biên bản giao nhận văn bản;
biên bản xác minh; biên bản lấy lời khai....
(10) Người được
giao thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài ký tên, đóng dấu của cơ quan có
thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp.