QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
TỈNH HOÀ BÌNH
(Ban hành theo Quyết định số 45/1999/QĐ-UB ngày 12 tháng 6 năm 1999 của UBND
tỉnh Hoà bình)
Điều 1: Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của tỉnh là cơ quan giúp Uỷ
ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức phối hợp thực hiện các
chương trình, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng chống tội
phạm, phòng chống ma tuý trên địa bàn tỉnh.
Điều 2: Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm:
1. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để xây dựng chương trình, kế
hoạch phòng, chống tội phạm theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo chương trình quốc gia
phòng, chống tội phạm và Uỷ ban quốc gia phòng, chống ma tuý.
2. Chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện
các Nghị quyết của Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ,
của các Bộ, ngành Trung ương và của Uỷ ban nhân dân tỉnh về phòng, chống tội
phạm, phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội.
3. Tổ chức phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể, các địa phương trong
tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý
và tệ nạn xã hội.
4. Định kỳ sơ kết, tổng kết, tổng hợp tình hình và đánh giá kết quả công tác
phòng chống tội phạm, phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội báo cáo Uỷ ban nhân
dân tỉnh, Ban chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và Uỷ ban
quốc gia phòng chống ma tuý. Tổ chức công tác thi đua khen thưởng về phòng, chống
tội phạm, phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội.
Điều 3: Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban chỉ đạo:
1. Trưởng ban chỉ đạo thay mặt Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức
thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý
và tệ nạn xã hội, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực
hiện công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý và tệ nạn xã hội trên
địa bàn tỉnh, giữ mối quan hệ với Ban chỉ đạo chương tình quốc gia phòng, chống
tội phạm, Uỷ ban quốc gia phòng, chống ma tuý và mối quan hệ với địa phương
khác.
2. Phó Ban thường trực Giám đốc Công an tỉnh, giúp Trưởng ban tổ chức phối
hợp các ngành thực hiện chương trình, kế hoạch công tác từng giai đoạn đã được tập
thể Ban chỉ đạo thông qua và thay Trưởng ban điều hành các công việc khác khi
Trưởng ban đi vắng hoặc được uỷ quyền.
3. Phó Ban Giám đốc Sở lao động - Thương binh và xã hội, giúp Trưởng ban chỉ
đạo tổ chức thực hiện Chương trình 05 và công tác phòng chống tệ nạn xã hội;
Trực tiếp chỉ đạo công tác chữa trị, cắt cơn, cai nghiện, phòng chống tái nghiện,
phục hồi chức năng cho các đối tượng nghiện hút; chỉ đạo công tác quản lý, giáo
dục, dạy nghề và tái hoà nhập xã hội cho số đối tượng mãi dâm.
4. Uỷ viên thường trực Phó Giám đốc Công an tỉnh, trực tiếp điều hành Cơ quan
thường trực phòng, chống tội phạm. Thay mặt Ban chỉ đạo ký hợp đồng trách nhiệm
với cơ quan hữu quan; phụ trách việc quản lý, chi tiêu các khoản kinh phí phục
vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo và Cơ quan thường trực. Theo dõi và tham mưu
cho Ban chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng trong công tác phòng, chống
tội phạm, phòng, chống ma tuý. Trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình đấu
tranh phòng, chống tội phạm nguy hiểm có tổ chức; Chương trình đấu tranh phòng,
chống tội phạm xâm hại trẻ em và Công tác đấu tranh chống tội phạm về ma tuý.
5. Các Uỷ viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các cơ quan: Báo Hoà bình, Sở Văn hoá
thông tin, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo công tác thông
tin, tuyên truyền về phát động phong trào toàn dân phòng ngừa và đấu tranh
phòng, chống tội phạm hình sự, tội phạm ma tuý; tác hại của việc sử dụng trái
phép các chất ma tuý, tệ nạn xã hội và các biện pháp phát hiện, phòng ngừa nghiện
hút, phòng tránh HIV...
6. Uỷ viên Ban chỉ đạo Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng,
làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp cán
bộ, nhân dân trong tỉnh, nhằm nâng cao sự hiểu biết và làm theo Pháp luật.
7. Các Uỷ viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các cơ quan Văn phòng Uỷ ban nhân dân
tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá thường xuyên phối hợp và có
nhiệm vụ chỉ đạo công tác xây dựng các chương trình, các dự án phù hợp với
nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong toàn tỉnh. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh điều
phối ngân sách, quản lý các nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống tội
phạm, phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội .
8. Uỷ viên Ban chỉ đạo Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, có nhiệm vụ chỉ đạo
tổ chức các hoạt động phòng chống ma túy trong các trường học, các cơ sở thuộc ngành
quản lý và các đối tượng là học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ, công nhân
viên trong ngành Giáo dục - Đào tạo.
9. Các Uỷ viên là lãnh đạo các ngành Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân
tỉnh tăng cường công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, chỉ đạo đưa ra truy
tố, xét xử kịp thời các vụ án kinh tế, hình sự, nhất là các vụ trọng án, các vụ
án xâm hại trẻ em và các vụ án về ma tuý.
10. Uỷ viên Ban chỉ đạo Phó Giám đốc Sở Y tế, có nhiệm vụ quản lý và chỉ đạo
các hoạt động sản xuất, lưu thông các loại thuốc tân dược có chứa các chất ma
tuý theo đúng quy định. Chỉ đạo việc nghiên cứu, áp dụng các bài thuốc cắt cơn,
cai nghiện ma tuý. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội tổ chức
chữa trị, cai nghiện và phục hồi chức năng sau cai ở Trung tâm của tỉnh và các
Công trường 05,06.
11. Các Uỷ viên là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chủ tịch Hội liên
hiệp phụ nữ tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch
Hội Cựu chiến binh tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức các hoạt động nhằm tuyên
truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên hoặc các thành viên trong tổ chức của mình
gương mẫu tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, phòng chống ma tuý
và tệ nạn xã hội. Vận động các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện
đóng góp tinh thần và vật chất cho công tác phòng, chống tội phạm, chữa trị và
cai nghiện ma tuý.
12. Các Uỷ viên là lãnh đạo các ngành chức năng khác tuỳ theo những công việc
của ngành mình liên quan đến công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm,
mà tổ chức thực hiện tốt trong phạm vi phụ trách.
Điều 4: Nguyên tắc làm việc:
Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ,
tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Quan hệ giữa các thành viên là quan hệ
phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau.
Điều 5: Lề lối làm việc
- Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm định kỳ 3 tháng họp một lần để kiểm điểm
đánh giá công tác quý trước, xây dựng chương trình công tác quý sau.
- Giữ các kỳ họp Ban chỉ đạo giao cho Cơ quan thường trực có nhiệm vụ theo
dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các chương trình kế hoạch ở các huyện, thị
xã và các ban, ngành của tỉnh. Tổng hợp báo cáo và chuẩn bị các nội dung cho
các kỳ họp.
- Định kỳ từ 15 đến ngày 20 hàng tháng Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của
các huyện, thị xã, các thành viên trong Ban chỉ đạo tỉnh báo cáo kết quả về Ban
chỉ đạo (qua Cơ quan thường trực đặt tại Văn phòng Công an tỉnh) để tổng hợp
chung. Nội dung báo cáo phản ảnh kết quả các hoạt động của địa phương, đơn vị
mình.
- Định kỳ từ 20 đến ngày 25 hàng tháng, cơ quan thường trực họp đánh giá kết
quả các mặt công tác đã làm, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm tháng tới và giúp
Ban chỉ đạo tổng hợp báo cáo kết quả công tác về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ
đạo chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm và Uỷ ban Quốc gia phòng, chống
ma tuý.
Điều 6: Mối quan hệ:
-Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của tỉnh chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban nhân
dân tỉnh và chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của Ban chỉ đạo chương trình Quốc gia
phòng chống tội phạm, Uỷ ban Quốc gia phòng chống ma tuý và Cục phòng chống tệ
nạn xã hội Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
- Quan hệ giữa Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của tỉnh với các sở, ban,
ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã và các tổ chức xã hội trong tỉnh
là quan hệ phối hợp.
- Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp
vụ cho Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm các huyện, thị xã .
Điều 7: Giúp việc Ban chỉ đạo có Cơ quan thường trực do Uỷ viên thường
trực Ban chỉ đạo trực tiếp điều hành. Cơ quan thường trực do một Phó Văn phòng
Công an tỉnh phụ trách, có từ 3 đến 5 cán bộ chuyên trách thuộc biên chế của
Công an tỉnh và chuyên viên một số ngành thành viên Ban chỉ đạo cử kiêm nhiệm.
Cơ quan thường trực có nhiệm vụ giúp Ban chỉ đạo của tỉnh triển khai nhiệm
vụ, kế hoạch phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý và tệ nạn xã hội theo chỉ
đạo của cấp trên. Lập dự toán và đề xuất phân bổ kinh phí hỗ trợ của tỉnh và
Trung ương. Tổ chức việc ký và thực hiện hợp đồng trách nhiệm về nhiệm vụ và sử
dụng kinh phí của các ngành, các cấp. Phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá thanh
quyết toán kinh phí theo qui định.
Trụ sở Cơ quan thường trực phòng, chống tội phạm của tỉnh đặt tại Công an tỉnh
gồm Bộ phận thường trực phòng, chống tội phạm và Bộ phận thường trực phòng, chống
ma tuý. Riêng Bộ phận thường trực phòng chống tệ nạn xã hội của tỉnh đặt tại Sở
Lao động - Thương binh và xã hội, đều thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 42
/QĐ-UB ngày 31/5/1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hoà Bình.
Điều 8: Trong quá trình thực hiện nếu có những điểm cần bổ sung, thay
đổi cho phù hợp thì Thường trực Ban chỉ đạo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét,
quyết định./.