Kính gửi: Cục
Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015
của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế
xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2015, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện
một số nội dung như sau:
1. Kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu trong quá trình xếp, dỡ, vận chuyển, lưu giữ tại kho, bãi, cảng, khu vực cửa
khẩu
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang trong giai đoạn
hoàn thiện chức năng của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đáp ứng việc lựa
chọn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra trong quá trình xếp, dỡ, vận
chuyển, lưu giữ tại kho, bãi, cảng, khu vực cửa khẩu; ghi nhận kết quả kiểm tra
và cập nhật kết quả kiểm tra khi người khai hải quan đăng ký chính thức tờ khai
liên quan đến hàng hóa đã soi chiếu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đang rà soát, bố trí
lại hệ thống máy soi container để phục vụ cho việc kiểm tra hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu trong quá trình xếp, dỡ, vận chuyển, lưu giữ tại kho, bãi, cảng, khu
vực cửa khẩu.
Sau khi hoàn thiện các chức năng của Hệ thống, Tổng
cục Hải quan sẽ thông báo thời điểm áp dụng chính thức việc kiểm tra hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu trong quá trình xếp, dỡ, vận chuyển, lưu giữ tại kho, bãi,
cảng, khu vực cửa khẩu.
2. Kiểm tra các chứng từ thuộc hồ
sơ hải quan do người khai hải quan nộp
Căn cứ vào phương thức nộp các chứng từ thuộc hồ sơ
hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số
38/2015/TT-BTC, công chức kiểm tra hồ sơ thực hiện như sau:
a) Trường hợp nộp bằng phương thức điện tử
Trong thời gian Tổng cục Hải quan hoàn thiện chức
năng tiếp nhận các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan thông qua Hệ thống e-Customs,
nếu người khai hải quan sử dụng nghiệp vụ HYS trên Hệ thống VNACCS để gửi các
chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đến cơ quan Hải quan thì công chức kiểm tra hồ sơ
căn cứ vào tiêu chí “Số đính kèm khai báo điện tử” trên thông tin tờ khai xuất
khẩu, nhập khẩu để truy xuất các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan trên Hệ thống
VNACCS (sử dụng nghiệp vụ IHY và MSC).
Công chức hải quan căn cứ các chứng từ đã được truy
xuất, in các chứng từ để thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan theo quy định. Trường
hợp cần bổ sung thêm các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, công chức kiểm tra hồ
sơ thông báo cho người khai hải quan bằng “Chỉ thị của hải quan” thông qua nghiệp
vụ IDA01/EDA01 mã A.
Sau khi thực hiện kiểm tra, thực hiện lưu trữ chứng
từ dưới dạng điện tử và bản in để thực hiện các nghiệp vụ tiếp theo (nếu có).
b) Trường hợp nộp chứng từ giấy
Trường hợp người khai hải quan lựa chọn nộp các chứng
từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng chứng từ giấy trực thuộc Chi cục Hải quan nơi
đăng ký tờ khai, công chức kiểm tra hồ sơ tiếp nhận các chứng từ và thực hiện
việc kiểm tra hồ sơ theo quy định hiện hành.
3. Kiểm tra thực tế hàng hóa
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định
tại Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Sau khi kiểm tra thực
tế hàng hóa, công chức phải ghi kết quả kiểm tra trên Phiếu ghi kết quả kiểm
tra theo Mẫu số 06/PGKQKT/GSQL Phụ lục V Thông tư số 38/2015/TT-BTC , đồng thời
cập nhật các thông tin tương ứng vào Hệ thống. Phiếu ghi kết quả kiểm tra được
lập thành 01 bản, có đại diện của người khai hải quan ký, ghi ngày tháng năm
xác nhận và do cơ quan Hải quan lưu.
Việc kiểm tra thực tế hàng hóa theo đề nghị của Chi
cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan thực hiện theo quy định tại khoản 11 Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
4. Về thủ tục hải quan đối với
hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu
a) Thực hiện theo quy định tại mục 6
Chương III Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 và Chương
III Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, cơ quan hải
quan không yêu cầu người khai hải quan thực hiện các thủ tục sau:
a.1) Thủ tục thông báo, tiếp nhận hợp đồng/phụ lục
hợp đồng gia công;
a.2) Thủ tục thông báo, tiếp nhận và điều chỉnh định
mức gia công, SXXK quy định;
a.3) Thủ tục thông báo, tiếp nhận mã nguyên liệu, vật
tư; mã sản phẩm xuất khẩu và không phải khai báo mã nguyên liệu, vật tư, mã sản
phẩm xuất khẩu trên tờ khai hải quan;
a.4) Thủ tục phê duyệt văn bản đề nghị phương án giải
quyết nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt
gia công sau khi hợp đồng gia công kết thúc hoặc hết hiệu lực thực hiện;
b) Việc báo cáo quyết toán được thực hiện theo quy
định tại Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Lưu ý:
b.1) Đối với doanh nghiệp chế xuất; cơ quan hải quan
không yêu cầu doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán quý I năm 2015.
b.2) Đối với các hợp đồng gia công đã được thông
báo cho cơ quan hải quan và tờ khai hải quan nhập sản xuất xuất khẩu đã đăng ký
trước ngày 01/4/2015 (ngày hiệu lực của Thông tư số 38/2015/TT-BTC) nhưng chưa
báo cáo quyết toán thì việc báo cáo quyết toán thực hiện theo quy định tại Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
c) Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục
Hải quan trực thuộc hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động gia công, nhập
nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất thực hiện việc lập
và lưu trữ chứng từ hạch toán kế toán theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ
kế toán, kiểm toán và nguyên tắc quy định tại Điều 60 Thông tư số
38/2015/TT-BTC. Lưu ý việc chốt số liệu tồn đầu kỳ đối với nguyên liệu, vật
tư và hàng hóa xuất khẩu theo mẫu số 15/BCQT/GSQL Phụ lục V ban hành theo Thông
tư số 38/2015/TT-BTC .
5. Biên bản bàn giao hàng hóa vận
chuyển chịu sự giám sát hải quan
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang trong giai đoạn
hoàn thiện chức năng của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đáp ứng việc
quản lý, trao đổi thông tin hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan giữa
Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi và Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận
chuyển đến. Trong khi chưa có hệ thống hỗ trợ, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các
đơn vị sử dụng Biên bản bàn giao theo mẫu số 10/BBBG/GSQL ban hành kèm theo
Thông tư số 38/2015/TT-BTC như sau:
a) Công việc của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận
chuyển đi:
a.1) Niêm phong hải quan theo quy định và lập Biên
bản bàn giao: 02 bản. Trường hợp hàng hóa thuộc diện không thể niêm phong, công
chức hải quan ghi rõ trên Biên bản bàn giao tên hàng, số lượng, chủng loại, ký
mã hiệu và chụp ảnh nguyên trạng hàng hóa kèm theo Biên bản bàn giao (nếu cần).
a.2) Giao người khai hải quan 01 Biên bản bàn giao,
niêm phong hồ sơ hải quan trong trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan
giấy;
a.3) Lưu 01 Biên bản bản giao, tổ chức theo dõi, quản
lý việc hồi báo Biên bản bàn giao theo quy định tại Điều 51
Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
b) Công việc của Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận
chuyển đến:
b.1) Tiếp nhận hàng hóa do người khai hải quan xuất
trình;
b.2) Kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan (nếu
có), đối chiếu với thông tin trên Biên bản bàn giao;
b.3) Ký xác nhận Biên bản bàn giao, fax Biên bản
bàn giao cho Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi trong ngày và lưu hồ
sơ;
b.4) Phối hợp với Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận
chuyển đi thực hiện việc truy tìm hàng hóa trong trường hợp quá thời hạn vận
chuyển mà chưa đến địa điểm đến.
6. Sử dụng tờ khai hải quan điện tử
Cơ quan Hải quan sử dụng thông tin tờ khai hải quan
điện tử trên Hệ thống để thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục có liên quan,
không được yêu cầu người khai hải quan nộp tờ khai hải quan in.
7. Giám sát hải quan đối với hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu
a) Giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không (bao gồm cả kho hàng không
kéo dài), đối với trường hợp đã có hệ thống thông tin giám sát hải quan kết nối
với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng: thực hiện theo quy định tại Điều 52 Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
b) Giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu vận chuyển qua khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sông, đường thủy nội địa,
ga đường sắt liên vận quốc tế; đường biển, đường hàng không; kho hàng không kéo
dài, trường hợp chưa có hệ thống kết nối với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi,
cảng thực hiện như sau:
b.1) Nội dung kiểm tra:
Căn cứ Danh sách container hoặc Danh sách hàng hóa
hoặc Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển in từ Hệ thống khai hải quan hoặc
Cổng thông tin điện tử hải quan (địa chỉ: www.customs.gov.vn) hoặc Hệ thống xử
lý dữ liệu điện tử hải quan do người khai hải quan hoặc hãng tàu, đại lý hãng
tàu trong trường hợp hãng tàu, đại lý hãng tàu thay mặt người khai hải quan xuất
trình (đối với hàng hóa xuất khẩu), công chức giám sát sử dụng thiết bị đọc mã
vạch hoặc nhập thông tin số tờ khai trên Hệ thống (trường hợp chưa được trang bị
máy đọc mã vạch) để kiểm tra trạng thái tờ khai và lượng hàng trên tờ khai.
Đối với Chi cục Hải quan đã được trang bị thiết bị
đọc mã vạch, công chức giám sát sử dụng thiết bị đọc mã vạch kiểm tra lần lượt
từng vạch in trên Danh sách container để kiểm tra, đối chiếu thông tin số hiệu
container, số lượng container trên Hệ thống với Danh sách container và đối chiếu
với thực tế hàng hóa qua khu vực giám sát.
Trường hợp chưa được trang bị thiết bị đọc mã vạch,
công chức giám sát nhập số tờ khai hải quan vào Hệ thống để hiển thị các thông
tin về số hiệu container, số lượng container để kiểm tra, đối chiếu thông tin.
b.2) Xử lý kết quả kiểm tra:
b.2.1) Nếu kết quả kiểm tra phù hợp:
b.2.1.1) Thực hiện niêm phong và lập Biên bản bàn
giao (nếu có);
b.2.1.2) Xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát hải
quan trên Hệ thống:
- Trường hợp sử dụng máy đọc mã vạch để kiểm tra từng
container trên danh sách container, Hệ thống tự động xác nhận hàng qua khu vực
giám sát.
- Trường hợp khác, công chức hải quan xác nhận trên
hệ thống e-customs.
b.2.1.3) Ký tên, đóng dấu công chức, ghi ngày,
tháng, năm trên Danh sách container, Danh sách hàng hóa (xác nhận từng
container hoặc từng lần đưa hàng qua khu vực giám sát theo đúng hướng dẫn chi
tiết tại mẫu số 29/DSCT/GSQL và 30/DSHH/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư số
38/2015/TT-BTC), Thông báo phê duyệt khai báo vận chuyển giao cho người khai hải
quan hoặc hãng tàu, đại lý hãng tàu trong trường hợp hãng tàu, đại lý hãng tàu
thay mặt người khai hải quan xuất trình (đối với hàng hóa xuất khẩu) để xuất
trình cho doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng khi đưa hàng hóa qua khu vực
giám sát hoặc xếp hàng lên phương tiện vận tải xuất khẩu.
Trường hợp Chi cục Hải quan quản lý kho, bãi, cảng
đã kết nối với hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp kinh doanh
kho, bãi, cảng (như hệ thống TOPX tại Cảng Cát Lái), công chức hải quan sử dụng
phần mềm công nghệ để thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng
thông tin về số hiệu, số lượng container được phép xếp lên phương tiện vận tải
để xuất khẩu hoặc được phép đưa hàng nhập khẩu ra khỏi khu vực giám sát.
b.2.2) Nếu kết quả kiểm tra không phù hợp (các
thông tin trên danh sách container không phù hợp với thông tin trên mã vạch),
công chức hải quan:
b.2.2.1) Trường hợp đã đọc mã vạch từng container,
thực hiện hủy xác nhận trên Hệ thống;
b.2.2.2) Báo cáo Lãnh đạo Chi cục Hải quan xác minh
làm rõ và xử lý theo quy định (nếu có vi phạm), đồng thời thông báo cho doanh nghiệp
kinh doanh kho, bãi, cảng không cho phép hàng qua khu vực giám sát hoặc xếp
hàng lên phương tiện vận tải.
8. Một số loại hình xuất khẩu, nhập
khẩu khác
a) Đối với trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa
sau:
a.1) Hàng quà biếu, tặng của tổ chức, cá nhân ở nước
ngoài gửi tổ chức, cá nhân Việt Nam và ngược lại;
a.2) Hàng hóa của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ
chức quốc tế tại Việt Nam và những người làm việc tại các cơ quan, tổ chức này;
a.3) Hàng hóa viện trợ nhân đạo, viện trợ không
hoàn lại;
a.4) Hàng hóa tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu của những
cá nhân được Nhà nước Việt Nam cho miễn thuế;
a.5) Hàng mẫu không thanh toán;
a.6) Dụng cụ nghề nghiệp, phương tiện làm việc tạm
xuất, tạm nhập có thời hạn của cơ quan, tổ chức, của người xuất cảnh, nhập cảnh;
a.7) Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân;
a.8) Hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận
đơn, hàng hóa mang theo người của người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế.
Khi khai báo trên Hệ thống (trừ trường hợp khai hải
quan trên tờ khai hải quan giấy), Chi cục Hải quan hướng dẫn người khai hải
quan khai báo các chỉ tiêu theo Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC , lưu ý phải
khai đầy đủ thông tin một số chỉ tiêu sau:
- Mã loại hình: Tham khảo hướng dẫn về mã loại hình
của Tổng cục Hải quan trên website: www.customs.gov.vn (mã loại hình áp dụng
chung cho khai hải quan điện tử và khai trên tờ khai hải quan giấy);
- Mã phân loại hàng hóa;
- Số quản lý nội bộ của doanh nghiệp;
- Tổng trị giá hóa đơn và việc khai báo chi tiết tại
từng dòng hàng. Đối với trường hợp hàng hóa không có hóa đơn thì không phải
khai các chỉ tiêu “số hóa đơn”, “tổng trị giá hóa đơn”, “trị giá hóa đơn” và
“đơn giá hóa đơn”. Người khai tự xác định trị giá hải quan theo quy định của Bộ
Tài chính và ghi ô “trị giá tính thuế” của dòng hàng.
b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ:
Khi khai báo trên Hệ thống, Chi cục Hải quan hướng
dẫn người khai hải quan khai báo các chỉ tiêu theo Phụ lục II Thông tư số
38/2015/TT-BTC , lưu ý phải khai đầy đủ thông tin một số chỉ tiêu sau:
b.1) Đối với tờ khai xuất khẩu tại chỗ: “Điểm đích
cho vận chuyển bảo thuế”, “Số quản lý nội bộ doanh nghiệp”;
b.2) Đối với tờ khai nhập khẩu tại chỗ: “Người ủy
thác xuất khẩu”, “Số quản lý nội bộ doanh nghiệp”
Yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương nghiên cứu Thông tư số 38/2015/TT-BTC để hướng dẫn doanh nghiệp
thực hiện đồng thời niêm yết công khai công văn này tại các địa điểm làm thủ tục
hải quan; thành lập Tổ hỗ trợ triển khai Thông tư số 38/2015/TT-BTC và công
khai đầu mối, số điện thoại hỗ trợ để kịp thời trợ giúp doanh nghiệp khi thực
hiện các chính sách mới của ngành Hải quan. Trường hợp có vướng mắc phát sinh
vượt thẩm quyền xử lý thì tổng hợp báo cáo kịp thời về Tổng cục Hải quan (qua Cục
Giám sát quản lý về hải quan).
Tổng cục Hải quan thông báo để Cục Hải quan tỉnh,
liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục CNTT&TKHQ (để t/h);
- Lưu: VT, GSQL (05b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Ngọc Anh
|