CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ VÀ AN TOÀN XÃ HỘI TRÊN VÙNG
BIỂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Vùng biển tỉnh Quảng Bình hơn 20.000 km2 mặt
nước, nằm phía Tây Nam Vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng và tiềm
năng to lớn về kinh tế. Bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự
trên vùng biển, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để khai thác có hiệu quả
nguồn lợi, thực hiện chiến lược kinh tế biển là nhiệm vụ thường xuyên và quan
trọng của tỉnh ta. Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính
quyền các cấp, các lực lượng chức năng và đông đảo bà con ngư dân nên tình hình
an ninh chính trị và trật tự an toàn trên vùng biển tỉnh Quảng Bình cơ bản giữ
vững ổn định, hiệu quả kinh tế từng bước được nâng cao, công tác bảo vệ, hỗ trợ
ngư dân, dự báo, cảnh báo thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên biển ngày càng được
chú trọng.
Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự và an toàn
xã hội trên biển Đông nói chung và vùng biển tỉnh Quảng Bình nói riêng đang
diễn biến theo chiều hướng phức tạp, các hoạt động tranh chấp vi phạm chủ
quyền, các hoạt động buôn lậu, chấn cướp, tranh chấp ngư trường, sử dụng trái
phép vật liệu nổ để khai thác hải sản… ngày càng gia tăng, trong khi đó ý thức
của ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển còn hạn chế, nhận thức của một
số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị về chiến lược kinh tế biển
và công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển chưa đầy đủ. Việc tổ
chức và phối hợp các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh
vùng biển còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp
của cả hệ thống chính trị trong bảo đảm chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển.
Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền,
giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên vùng biển Quảng Bình, góp phần
thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các lực lượng vũ
trang trong tỉnh, UBND các huyện ven biển và thành phố Đồng Hới tổ chức quán
triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của
Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội trên
các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, về chiến lược kinh tế biển cho các
đối tượng thuộc quyền quản lý. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện,
ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tàu, thuyền của nước ngoài vi phạm chủ quyền,
quyền chủ quyền vùng biển Việt Nam. Tăng cường giáo dục quốc phòng, an ninh,
phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ quyền,
quyền chủ quyền biển đảo, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác
nghề cá Vịnh Bắc Bộ, Quy chế khu vực biên giới biển; chấp hành các quy định về
đảm bảo an toàn hàng hải về đánh bắt thủy sản, không xâm phạm chủ quyền vùng
biển của nước khác; tham gia tích cực công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm
cứu nạn, chấp hành nghiêm pháp luật. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung
thực hiện tốt các việc sau đây:
1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chủ trì tổ chức tuần tra, quản lý bảo vệ vùng
biển theo phạm vi được phân công. Phối hợp với Hải đoàn Biên phòng 38, 48, Bộ
Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Cảnh sát biển và các ngành, các địa phương đấu tranh
phòng, chống tàu thuyền nước ngoài xâm phạm, các loại tội phạm; giữ gìn an ninh
trật tự vùng biển, đảo, cứu hộ cứu nạn, xử lý sự cố tràn dầu trên biển.
- Phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ
chức tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các điều ước quốc tế và các quy
định của pháp luật liên quan đến chủ quyền, an ninh trật tự và an toàn xã hội
trên vùng biển.
- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an
tỉnh tổ chức lực lượng, huy động phương tiện tham gia bảo vệ biển, đảo theo kế
hoạch của UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ
Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các Cảng
biển, cửa sông, quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra vào, kịp thời phát hiện đấu
tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phối hợp quản lý tàu,
thuyền tại các bến neo đậu.
- Tiếp nhận, xử lý các vụ việc theo thẩm quyền
khi các lực lượng khác chuyển giao.
- Tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các vấn đề
liên quan trên biển theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.
2. Sở Nông nghiệp & PTNT
- Chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và chính quyền các cấp triển
khai thực hiện Pháp lệnh bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; các quy định
của pháp luật về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác
thủy sản.
- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần
tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nghề cá. Nắm chắc và phân loại các loại
tàu cá hiện có trên địa bàn tỉnh. Có kế hoạch quản lý các tàu cá ngoại tỉnh khi
ra vào neo đậu ở các sông của tỉnh.
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý tàu cá,
đảm bảo liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra.
- Nghiên cứu xây dựng phát triển các mô hình
kinh tế biển cho nhân dân địa bàn ven biển, kết hợp củng cố Quốc phòng, An
ninh.
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành
phố ven biển tổ chức huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ tham gia bảo vệ
chủ quyền an ninh trật tự biển đảo.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố ven biển nắm chắc số lượng, chất lượng
phương tiện, nhân lực, tàu thuyền huy động tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo
theo kế hoạch của UBND tỉnh.
- Tham gia công tác cứu hộ cứu nạn, xử lý sự cố
tràn dầu trên biển.
4. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông đường thủy phối hợp với các ngành, lực lượng liên quan, tăng cường kiểm
tra việc thực hiện an toàn giao thông đường thủy; chủ động nắm tình hình để đấu
tranh phòng chống các loại tội phạm.
5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ
vào tình hình, yêu cầu nhiệm vụ để tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí,
trang bị phương tiện, bố trí xây dựng các công trình phục vụ bảo vệ vùng biển,
phát triển kinh tế biển.
6. Sở Ngoại vụ tham mưu UBND tỉnh tăng cường
công tác quản lý Nhà nước về đối ngoại; công tác phối hợp cơ quan chức năng xử
lý các vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ, vi phạm của người, tàu thuyền
nước ngoài.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu đề xuất
cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích và đảm bảo quyền cư trú, sản xuất,
kính doanh trên các đảo ven bờ phù hợp với mục tiêu về bảo vệ chủ quyền quốc
gia, phát triển bền vững kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường biển.
8. Cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền
phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, tham gia đấu tranh phòng chống,
ngăn chặn, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
9. UBND các huyện, thành phố và các xã ven biển
quản lý số lượng tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển. Chuẩn bị sẵn sàng lực
lượng, phương tiện tàu thuyền tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi
có lệnh huy động; làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các
quy định trên biển; xử lý các vụ việc trên biển theo thẩm quyền; chỉ đạo tích
cực công tác phòng, chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, phát triển sản xuất trên
biển.
10. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình
Quảng Bình và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn phối hợp với các cơ
quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của Đảng, Nhà nước có liên
quan đến vấn đề chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên biển; về đánh
bắt thủy, hải sản trên biển, cứu hộ, cứu nạn và các quy định của pháp luật có
liên quan cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh.
11. Các cấp, các ngành, các lực lượng trong phạm
vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền đề
ra chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế biển; phối hợp với các lực lượng
chuyên trách, các cơ quan có liên quan tạo điều kiện thuận lợi, môi trường hoạt
động an toàn cho ngư dân khai thác thủy sản và tham gia bảo vệ chủ quyền an
ninh, trật tự an toàn trên biển.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh,
các lực lượng vũ trang tỉnh, UBND tỉnh các huyện ven biển và thành phố Đồng
Hới, UBND các xã ven biển tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị này. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm
tra, đánh giá và định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.