TỔNG
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
04/NQ-TLĐ
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2010
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT
CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI”
Qua hơn 18 năm xây dựng hệ thống
tổ chức tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn, công tác tư vấn pháp luật đã đạt
được một số kết quả quan trọng, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ và đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp,
chính đáng cho đoàn viên và công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ). Tuy nhiên,
công tác tư vấn pháp luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế về mô hình tổ chức,
đội ngũ cán bộ và chất lượng hoạt động.
Việc đổi mới và nâng cao chất lượng
hoạt động tư vấn pháp luật là vấn đề cấp thiết nhằm tạo bước chuyển biến tích cực
trong hoạt động của các cấp công đoàn, góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện,
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và CNVCLĐ.
I. KẾT QUẢ HOẠT
ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CỦA CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN TRONG NHỮNG NĂM QUA
1. Về tổ
chức:
Đến nay các cấp công đoàn đã
thành lập được 47 Trung tâm tư vấn pháp luật và Văn phòng tư vấn pháp luật, 569
Tổ tư vấn pháp luật. Trong đó có 14 Trung tâm tư vấn pháp luật có tư cách pháp
nhân trực thuộc Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, CĐ Tổng
công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, 33 Văn phòng tư vấn pháp luật là bộ phận trực
thuộc các Ban chuyên đề của LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, CĐ Tổng
công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và 569 Tổ tư vấn pháp luật thuộc LĐLĐ Huyện,
Công đoàn khu công nghiệp ...
Đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn
pháp luật đã được nâng lên về số lượng, từng bước được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ
năng tư vấn và kiến thức pháp luật. Tuy nhiên, số cán bộ làm công tác tư vấn
pháp luật chuyên trách ở các cấp công đoàn còn ít, đa số là cán bộ kiêm nhiệm;
Bên cạnh đó, trình độ, năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác
tư vấn pháp luật còn hạn chế, tỷ lệ cán bộ có trình độ cử nhân luật còn thấp,
chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại
hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về cơ sở vật chất ở các Trung
tâm tư vấn pháp luật và Văn phòng tư vấn pháp luật còn nhiều khó khăn, trong số
47 Trung tâm tư vấn pháp luật và Văn phòng tư vấn pháp luật chỉ có 17 Trung tâm
tư vấn pháp luật và Văn phòng tư vấn pháp luật có trụ sở làm việc riêng, số còn
lại nơi làm việc ghép chung với các Ban chuyên đề của LĐLĐ tỉnh, thành phố,
Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ. Kinh phí hỗ trợ của
công đoàn cho các Trung tâm tư vấn pháp luật và Văn phòng tư vấn pháp luật còn
hạn chế.
2. Về hoạt
động:
Hoạt động của Trung tâm tư vấn
pháp luật và Văn phòng tư vấn pháp luật đã có những chuyển biến tích cực và đạt
được nhiều kết quả tập trung vào một số nội dung: tư vấn pháp luật, tập huấn,
tuyên truyền phổ biến pháp luật, tham gia bảo vệ đoàn viên và người lao động
trước toà án, tham gia xây dựng văn bản pháp luật, tham gia giải quyết các
tranh chấp lao động tập thể - đình công... Tuy nhiên, hoạt động của một số
Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật còn thụ động, chưa hướng về cơ sở và người
lao động, chưa có sự phối hợp chặt chẽ về chuyên môn giữa các Ban chuyên đề với
hoạt động tư vấn pháp luật; Số lượng vụ việc tham gia tư vấn và bảo vệ đoàn
viên, người lao động trước toà án còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu của đoàn viên và
người lao động.
Nguyên nhân của tình hình trên
là do một số LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty
trực thuộc Tổng Liên đoàn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của công
tác tư vấn pháp luật trong tình hình mới, nên chưa tập trung quan tâm thành lập
các Trung tâm, Văn phòng tư vấn pháp luật hoặc chưa quan tâm đầu tư cán bộ,
kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động tư vấn pháp luật. Công tác đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật chưa
được chú trọng; chưa có các quy định cụ thể về biên chế, chế độ chính sách đối
với cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật, cộng tác viên… ; Một số văn bản quy định
của nhà nước và công đoàn về công tác tư vấn pháp luật chưa đầy đủ và đồng bộ, ảnh
hưởng đến hoạt động tư vấn pháp luật của công đoàn.
II- QUAN ĐIỂM,
MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TƯ VẤN PHÁP LUẬT CỦA
CÔNG ĐOÀN
1. Quan điểm:
1.1. Các cấp công đoàn cần xác định
công tác tư vấn pháp luật của công đoàn là công cụ, là hoạt động quan trọng để
tổ chức công đoàn thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của đoàn viên và CNVCLĐ.
1.2. Tập trung đổi mới, nâng cao
chất lượng công tác tư vấn pháp luật ở các cấp công đoàn, coi đây là hoạt động
thường xuyên của các cấp công đoàn để phục vụ đông đảo đoàn viên và CNVCLĐ.
1.3. Quan tâm đầu tư đội ngũ cán
bộ, kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác tư vấn pháp luật bảo đảm hoạt động
hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ và nhiệm vụ của các cấp công đoàn.
2. Mục tiêu:
2.1. Phấn đấu đến năm 2013 thành
lập Trung tâm tư vấn pháp luật ở các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố có đông
CNVCLĐ, có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp; các Liên đoàn Lao động tỉnh,
thành phố còn lại thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật. Đối với các Công đoàn
ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ có đông CNVCLĐ và nhiều công
đoàn cơ sở thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật; các Công đoàn ngành TW, Công
đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ còn lại thành lập Tổ tư vấn pháp luật.
2.2. Tập trung đào tạo và nâng
cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ: trong đó 100% cán bộ chuyên trách làm công tác tư vấn pháp luật có
trình độ Cử nhân luật hoặc sau đại học chuyên ngành luật và được đào tạo về kỹ
năng về tư vấn pháp luật; các Trung tâm tư vấn pháp luật có ít nhất từ 1-2 Luật
sư, Luật gia là cộng tác viên.
3. Giải
pháp:
3.1. Củng cố, hoàn thiện mô hình
tổ chức các Trung tâm tư vấn pháp luật và Văn phòng tư vấn pháp luật của Công
đoàn:
a. Tập trung củng cố kiện toàn
Trung tâm tư vấn pháp luật ở các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố hiện có.
b. Nâng cấp Văn phòng tư vấn
pháp luật thành Trung tâm tư vấn pháp luật ở các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành
phố nơi có đông CNVCLĐ, có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp.
c. Đối với các Liên đoàn Lao động
tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty hiện đang có Văn
phòng tư vấn pháp luật thì tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt
động.
d. Đối với các Liên đoàn Lao động
tỉnh, thành phố chưa có Văn phòng tư vấn pháp luật thì khẩn trương nghiên cứu
xây dựng đề án thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật, khi có đủ điều kiện và có
nhu cầu thì chuyển thành Trung tâm tư vấn pháp luật.
đ. Đối với các Công đoàn ngành
TW; Công đoàn Tổng Công ty chưa có Văn phòng tư vấn pháp luật thì nghiên cứu
xây dựng đề án thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật hoặc Tổ tư vấn pháp luật.
e. Thống nhất đầu mối quản lý
Văn phòng tư vấn pháp luật trực thuộc Ban Chính sách – Pháp luật, Liên đoàn Lao
động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty. Các Trung tâm
tư vấn pháp luật là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động
tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty và có mối quan hệ
phối hợp về chuyên môn với Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh,
thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ.
3.2. Bố trí biên chế cán bộ làm
công tác tư vấn pháp luật cho các Trung tâm tư vấn pháp luật và Văn phòng tư vấn
pháp luật:
a. Đối với Trung tâm tư vấn pháp
luật: Có ít nhất 2 cán bộ chuyên trách làm tư vấn viên có trình độ cử nhân luật
trở lên, được ký hợp đồng lao động đối với cộng tác viên là Luật sư , Luật gia
(từ 1-2 người).
b. Đối với Văn phòng tư vấn pháp
luật: Có ít nhất 1 cán bộ chuyên trách làm tư vấn viên có trình độ cử nhân luật
trở lên, các thành viên khác là cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm đang công tác ở các
Ban chuyên đề (Chính sách – Pháp luật, Tổ chức, Uỷ ban kiểm tra, Tuyên giáo, Nữ
công...).
c. Đối với Tổ tư vấn pháp luật:
Là cán bộ kiêm nhiệm đang công tác ở Ban Chính sách Pháp luật và các Ban chuyên
đề của Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn
(nơi chưa đủ điều kiện thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật) hoặc ở các Ban
chuyên đề LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn khu công nghiệp; trong đó Tổ trưởng có
trình độ cử nhân luật trở lên.
3.3. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm
công tác tư vấn pháp luật:
a. Chuẩn hoá cán bộ làm công tác
tư vấn pháp luật của công đoàn. Đối với cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật
chưa có trình độ cử nhân luật thì tạo điều kiện để học tập, nâng cao trình độ đảm
bảo 100% cán bộ chuyên trách làm công tác tư vấn pháp luật có trình độ cử nhân
luật trở lên.
b. Phối hợp với Bộ Tư pháp, Toà
án nhân dân tối cao tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng đội ngũ Luật sư, Luật
gia, Tư vấn viên tư vấn pháp luật của Công đoàn.
c. Tổ chức các lớp tập huấn ngắn
hạn và bổ túc kiến thức pháp luật hằng năm nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ
làm công tác tư vấn pháp luật.
d. Xây dựng chính sách thu hút đội
ngũ cộng tác viên là Luật sư, Luật gia tham gia vào các hoạt động tư vấn pháp
luật của Công đoàn.
3.4. Đầu tư kinh phí và cơ sở vật
chất cho công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn:
a. Về kinh phí:
Dành nguồn ngân sách công đoàn hợp
lý để chi cho các hoạt động tư vấn pháp luật theo các mô hình sau:
- Đối với Trung tâm tư vấn pháp
luật tự cân đối thu chi: Chi tiền lương cho 2 cán bộ chuyên trách, các khoản
chi khác do đơn vị tự cân đối ; Đối với Trung tâm tư vấn pháp luật hỗ trợ
một phần kinh phí: Chi tiền lương cho 2 cán bộ chuyên trách và một phần kinh
phí do đơn vị xây dựng dự toán do Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành
phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ xem xét quyết định;
Đối với Trung tâm tư vấn pháp luật hỗ trợ 100% kinh phí: toàn bộ kinh phí do
ngân sách Công đoàn hỗ trợ (đơn vị xây dựng dự toán kinh phí, Ban thường vụ
Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công ty
trực thuộc TLĐ xem xét, quyết định).
- Đối với Văn phòng tư vấn pháp
luật: Ngân sách chi tiền lương cho 1 cán bộ chuyên trách, phụ cấp cho cán bộ
kiêm nhiệm và hỗ trợ các hoạt động do Văn phòng tư vấn pháp luật đề xuất.
b. Về cơ sở vật chất:
- Đối với Trung tâm tư vấn pháp
luật: Có văn phòng làm việc riêng, trang bị một số phương tiện để đảm bảo hoạt
động như: bàn ghế, tủ, điện thoại, máy photocopy, máy vi tính, máy chiếu .v.v.
- Đối với Văn phòng tư vấn pháp
luật: Văn phòng làm việc có thể bố trí phòng riêng hoặc ghép chung với nơi làm
việc của Ban Chính sách – Pháp luật và trang bị các phương tiện làm việc như
Trung tâm tư vấn pháp luật.
3.5. Nâng cao năng lực hoạt động
Trung tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật:
a. Đổi mới hình thức tư vấn pháp
luật đa dạng, phong phú như: Tư vấn trực tiếp, tư vấn lưu động (tại khu công
nghiệp, khu nhà trọ, doanh nghiệp), Tư vấn qua điện thoại, trang Web, tư vấn
qua trả lời báo chí, truyền hình. Nội dung tư vấn tập trung về lao động, công
đoàn, từng bước mở rộng các nội dung tư vấn khác: về Hôn nhân gia đình, dân sự,
kinh tế, hình sự, phá sản doanh nghiệp.
b. Xây dựng đội ngũ cộng tác
viên là các Luật sư, Luật gia có tâm huyết với Công đoàn và người lao động để
tham gia các hoạt động tư vấn pháp luật.
c. Nâng cao năng lực để các tư vấn
viên hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ trong quá trình tham gia tố tụng, nhất là các vụ
án lao động ; Các tư vấn viên của Trung tâm tư vấn pháp luật phải được đào
tạo kỹ năng làm Luật sư của Công đoàn.
d. Tham gia vào các hoạt động
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đoàn viên và CNVCLĐ; tham gia vào
việc hoà giải, giải quyết các tranh chấp lao động tập thể - đình công; tham gia
xây dựng chính sách, pháp luật và biên soạn các tài liệu tuyên truyền pháp luật.
3.6. Tăng cường sự phối hợp giữa
Công đoàn với các tổ chức, cơ quan trong hoạt động tư vấn pháp luật:
a. Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ
của cấp uỷ và chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành Tư pháp, Toà án nhân dân,
Hội Luật gia và Đoàn Luật sư .
b. Phối hợp với Toà án nhân dân
tối cao ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tham gia tố tụng của Công đoàn.
c. Nghiên cứu thành lập Câu lạc
bộ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn nhằm trao đổi kinh nghiệm
và hỗ trợ thông tin trong công tác tư vấn pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Đối với
Tổng Liên đoàn:
- Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn
giao cho Ban Chính sách – Pháp luật là đầu mối tham mưu cho Đoàn Chủ tịch quản
lý, theo dõi về chuyên môn nghiệp vụ đối với các Trung tâm tư vấn pháp luật,
Văn phòng tư vấn pháp luật trong hệ thống Công đoàn.
- Xây dựng Quy chế hoạt động của
các Trung tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật trong hệ thống Công
đoàn.
- Hướng dẫn hoạt động tư vấn
pháp luật trong hệ thống Công đoàn.
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ làm công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn.
- Nghiên cứu ban hành các quy định
về biên chế, chế độ phụ cấp kiêm nhiệm, hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất cho
Trung tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật trong hệ thống Công
đoàn.
- Đẩy mạnh hoạt động quốc tế và quan
hệ với các cơ quan hữu quan trong việc phối hợp hoạt động và nâng cao năng lực
hoạt động tư vấn pháp luật của công đoàn.
2. Đối với
các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công
ty trực thuộc Tổng Liên đoàn:
- Quản lý toàn diện hoạt động của
các Trung tâm tư vấn pháp luật và Văn phòng tư vấn pháp luật. Xem xét quyết định
thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật sau khi xin ý
kiến Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Chỉ đạo các Trung tâm tư vấn pháp luật, Văn
phòng tư vấn pháp luật xây dựng quy chế hoạt động. Quan hệ với các tổ chức, cơ
quan để hỗ trợ hoạt động tư vấn pháp luật ở địa phương, ngành mình.
- Bố trí cán bộ, nơi làm việc,
cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ cho hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật,
Văn phòng tư vấn pháp luật.
- Chỉ đạo các Ban chuyên đề có
trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các Trung tâm tư vấn pháp
luật, Văn phòng tư vấn pháp luật trực thuộc đảm bảo hoạt động hiệu quả.
- Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ làm công tác tư vấn pháp luật ở ngành và địa phương mình.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các LĐLĐ cấp
huyện, Công đoàn khu công nghiệp thành lập và hoạt động Tổ Tư vấn pháp luật.
3. Đối với
các Trung tâm tư vấn pháp luật, Văn phòng tư vấn pháp luật:
- Thường xuyên đổi mới, nâng cao
chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ mới.
- Xây dựng quy chế hoạt động
trình Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW,
Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ phê duyệt.
- Tham mưu, đề xuất cho Ban Thường
vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng Công
ty trực thuộc TLĐ xem xét các vấn đề: biên chế, kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất,
đào tạo đội ngũ cán bộ.
Nghị quyết này được triển khai đến
các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng công
ty trực thuộc TLĐ, các Trung tâm và Văn phòng tư vấn pháp luật của hệ thống
Công đoàn. Căn cứ nội dung Nghị quyết, các cấp Công đoàn xây dựng kế hoạch cụ
thể để triển khai thực hiện và báo cáo kết quả hàng năm về Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam (qua Ban Chính sách - Pháp luật).
Nơi nhận:
- Các đ/c UV ĐCT TLĐ;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP;
- Các CĐ ngành TW;
- Các CĐ TCTy trực thuộc TLĐ;
- Các Ban của TLĐ;
- Lưu VT, Ban CS – PL (5).
|
TM.
ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Tùng
|